Ngăn dịch tả lợn Châu Phi "vượt" sông Lam vào Hà Tĩnh
"Chống dịch như chống giặc" - mệnh lệnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chỉ đạo công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đang được Hà Tĩnh ráo riết thực hiện. Làm gì khi dịch chỉ còn cách Hà Tĩnh dòng sông Lam là trọng tâm cuộc trao đổi giữa PV Báo Hà Tĩnh với ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh.
- Cơ quan Thú y vùng III vừa xác nhận thêm trường hợp thứ 2 nhiễm dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) ở xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Trước tình hình này, Hà Tĩnh đã làm gì để ngăn chặn dịch, thưa ông?
Do tính chất nguy hiểm của dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) nên ngay sau khi có thông tin dịch được phát hiện tại Trung Quốc và đang có chiều hướng lây lan mạnh, từ tháng 9/2018, ngành chuyên môn đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, chủ động các giải pháp ngăn chặn sự xâm nhiễm của dịch bệnh vào địa bàn và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh...
Chốt kiểm dịch phòng chống dịch tả lợn Châu Phi ở cửa ngõ phía Bắc của Hà Tĩnh
Đồng thời với đó, chúng ta tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật. Cụ thể, đã bắt giữ, xử lý một số phương tiện, tiêu hủy gần 200 con lợn từ địa phương khác vận chuyển vào và đi qua địa bàn.
Ngành chuyên môn cũng cấp phát 10 ngàn lít hóa chất phục vụ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi và đang triển khai các bước nhằm bổ sung tiếp 10 ngàn lít hóa chất nữa để chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Ngoài ra, các địa phương cũng cấp phát hàng ngàn lít hóa chất cho các cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình xử lý môi trường.
Tiêu độc, khử trùng tại HTX Dịch vụ giết mổ gia súc tập trung Thạch Đồng, TP Hà Tĩnh
Mới đây, sau khi dịch "gõ cửa" Nghệ An, ngoài chốt kiểm dịch động vật của tỉnh trên QL 1A, Hà Tĩnh đã chỉ đạo lập các chốt kiểm dịch tại Nghi Xuân, Đức Thọ và Hương Sơn để tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển lợn, các sản phẩm của lợn. Đặc biệt, chúng ta cũng đã xây dựng kịch bản để chủ động phòng và sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.
Ngày 16/3/2019, Chi cục Thú y vùng III đã có 2 phiếu trả lời kết quả lấy mẫu xét nghiệm lợn chết tại các hộ chăn nuôi Nguyễn Văn Thắng (thôn Phúc Xuân, thị trấn Nghèn, Can Lộc) và Nguyễn Đình Bắc (thôn 8, xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên) với kết quả âm tính với vi-rút gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi
2 mẫu xét nghiệm tại 2 hộ có lợn chết đều cho kết quả âm tính DTLCP
- Theo ông, lo ngại lớn nhất hiện nay trong công tác phòng chống dịch của Hà Tĩnh là gì?
Thực tiễn công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là các đợt dịch nguy hiểm thường bắt đầu và chủ yếu xảy ra ở các hộ, gia trại chăn nuôi quy mô nhỏ, chăn nuôi thiếu an toàn, không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh. Trong một số đợt dịch lớn, có những trang trại chăn nuôi làm tốt công tác phòng dịch thì dịch không xảy ra, ngay cả khi nằm trong vùng có dịch.
Hiện nay, dịch đã cận kề, các ngành, địa phương phải vừa tăng cường kiểm soát, ngăn chặn; đồng thời lên kịch bản để sẵn sàng cho phương án chống dịch.
Để hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh, trước hết mỗi người chăn nuôi cần chủ động, tích cực thực hiện công tác phòng dịch ngay tại trang trại, gia trại của mình và tích cực tham gia công tác phòng chống dịch, giám sát dịch cộng đồng tại địa phương.
Khi phát hiện dịch bệnh hoặc trong các trường hợp lợn ốm chết không rõ nguyên nhân, bà con chăn nuôi cần báo ngay cho địa phương hoặc thú y để được hướng dẫn, xử lý kịp thời. Tuyệt đối không giấu dịch, không bán chạy, không vứt xác lợn ra môi trường và để hạn chế dịch bệnh phát sinh bà con không nên sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán ăn cho lợn nếu chưa được nấu chín...
Hà Tĩnh đã và đang tăng cường kiểm tra, giám sát buôn bán, vận chuyển gia súc ra vào địa bàn
- Thời gian qua các phương tiện thông tin đại chúng liên tục chuyển tải thông điệp DTLCP chỉ gây bệnh cho loài lợn không gây bệnh trên người nhưng thực tế hiện nay, nhiều người dân đã "quay lưng" với thịt lợn. Vì sao vậy và ông có khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng Hà Tĩnh?
Trong khi cả nước đang tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch thì thời gian qua có một số trang mạng đã đưa tin sai lệch gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Nội dung này, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị Bộ TT&TT xử lý theo quy định. Theo các tài liệu khoa học thì vi-rút DTLCP chỉ gây bệnh cho loài lợn (gồm lợn rừng và lợn nuôi), mặt khác Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng khẳng định nó không gây bệnh trên người.
Để đảm bảo VSATTP, người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm đã được kiểm soát của cơ quan thú y
Hiện nay, ngành chức năng và các địa phương đang tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch, trong đó chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Riêng sản phẩm thịt lợn bán tại các chợ và siêu thị đã được kiểm soát trước khi ra thị trường.
Thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục tăng cường, cung cấp thông tin đầy đủ, chính thống để người tiêu dùng yên tâm sử dụng thịt lợn có nguồn gốc. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm đã được kiểm soát của cơ quan thú y và sử dụng thức ăn được nấu chín.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
CATP Hà Tĩnh