Ngày xuân kể chuyện "tầm nã"
"Lính tầm nã" chất phác thật thà như người nông dân trên đồng ruộng, nhưng khi lao vào nhiệm vụ thì dũng mãnh, can trường, không ngại hiểm nguy.
Ngày xuân, trong khi niềm vui rộn ràng đang đến với mọi người, các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) vẫn lặng lẽ trên những cung đường, miệt mài theo dấu chân tội phạm...
Miệt mài những chuyến đi
Tôi gặp Đại tá Nguyễn Văn Nem, nguyên Trưởng phòng PC52, Công an tỉnh Bình Dương trong một ngày cuối năm. Gần 40 năm mang màu áo lính, gương mặt, vóc dáng vị Trưởng phòng đầu tiên của Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Bình Dương còn in đậm nét sương gió dặm trường.
Ông bảo, dù ở cương vị nào mình cũng làm tốt nhiệm vụ được giao. Trong thời gian đảm nhiệm Trưởng phòng PC52, ông cùng đồng đội lăn lộn khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Và cứ thế, những mùa cao điểm tầm nã, ông lại lên đường. Hai tháng trước, ông nhận quyết định nghỉ hưu, trong lòng cảm xúc ngổn ngang, bởi còn bao nhiêu trăn trở với nghề và tình cảm gắn bó sâu nặng với anh em đồng đội.
Ông nhớ những mùa Tết, lính tầm nã tỏa đi khắp nơi làm nhiệm vụ. Điện thoại không bao giờ được tắt và giấc ngủ chẳng thể nào say. Ông tự hào vì đồng đội của mình rất giỏi nghề, yêu nghề. Trong đó, phải kể đến hai "chiến binh" tầm nã không biết mệt mỏi là Thiếu tá Phạm Đăng Khánh và Thiếu tá Lê Hữu Tuyến.
Nói rồi ông bốc điện thoại. Chỉ ít phút sau, hai cán bộ xuất hiện. Thoạt nhìn, Thiếu tá Phạm Đăng Khánh, Đội trưởng Đội truy bắt đối tượng truy nã về trật tự xã hội (đội 2) toát lên vẻ phong trần nhưng lại ẩn trong nét điềm đạm, khiêm nhường.
Thiếu tá Khánh cho biết, anh em trong đơn vị đang tích cực thực hiện nhiệm vụ trong đợt cao điểm mùa Tết, bắt đầu từ giữa tháng 11(dương lịch) đến rằm tháng Giêng (âm lịch năm mới). Những ngày này gặp nhau rất khó, thoắt cái đã phải lên đường. Dẫu vậy, mùa Tết với người lính tầm nã luôn là thời gian đáng nhớ nhất.
|
Đại tá Nguyễn Văn Nem không bao giờ quên những mùa Tết đi tầm nã. |
Mỗi một lần đi, Thiếu tá Phạm Đăng Khánh đều phải lên kế hoạch trước, ngắm sẵn các đối tượng ở cùng trục đường di chuyển, gần địa bàn với nhau để "cất lưới" một thể cho gọn gàng. Khi bắt xong một đối tượng, anh làm thủ tục gửi lại ở trại tạm giam công an các đơn vị rồi tiếp tục hành trình truy bắt.
Chỉ tính riêng 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, trong một chuyến đi năm nay, Thiếu tá Khánh cùng đồng đội đã bắt được hơn hai chục đối tượng có lệnh truy nã. Các anh em thường nói vui là: "Khi đi buồm nhẹ cánh bay, khi về ăm ắp cá đầy trong khoang".
Mùa đông năm 2014, Thiếu tá Phạm Đăng Khánh và đồng đội có mặt tại các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang... xác minh và truy tìm một số đối tượng truy nã.
Trời mưa phùn rét mướt, gió lạnh căm căm, Thiếu tá Khánh mặc mấy chiếc áo vẫn không ngăn nổi cái lạnh len khắp cơ thể, có nhiều lúc môi anh run cầm cập, hai bàn tay tím ngắt, những cơn ho, sốt hoành hành nhưng quyết tâm chưa bắt được tội phạm thì chưa trở về.
Với người lính tầm nã, truy bắt tội phạm lẩn trốn là việc chẳng đặng đừng, yếu tố đầu tiên họ suy nghĩ tới là vận động đối tượng đầu thú, vừa đỡ tốn thời gian, tiền của, lại vừa tạo cho họ cơ hội được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Cụ thể, đối tượng Lê Minh Nhật (quê Vĩnh Phúc) bị Công an Bình Dương truy nã về tội cố ý gây thương tích. Nắm bắt được hoàn cảnh gia đình Nhật nên Thiếu tá Khánh tiếp cận vận động những người có uy tín khuyên Nhật trở về đầu thú để nhận khoan hồng của pháp luật.
Sau rất nhiều cuộc gặp "tỉ tê tâm sự", cuối cùng gia đình chấp nhận hợp tác đưa Nhật ra đầu thú. Mùa đông dường như ấm hơn khi mỗi cuộc trở về của người lính tầm nã luôn mang theo những chiến công.
Một đối tượng khác là Nguyễn Thị Lài ở Quảng Bình. Trong quá trình truy bắt, Thiếu tá Khánh phát hiện Lài đang tổ chức đám tang cho chồng, cùng là đối tượng truy nã. Biết rõ vị trí, nơi ở của Nguyễn Thị Lài nhưng do địa bàn rất nhạy cảm, người dân dễ bị kích động nên Thiếu tá Khánh không thể ập vào bắt được.
Anh gọi cho cán bộ thôn và xã đến bàn bạc, quyết định đưa ra phương án để Lài tổ chức đám tang cho chồng xong sẽ tiến hành vận động đầu thú. Hai cán bộ có uy tín tại địa phương đã hứa chắc nịch với Thiếu tá Khánh: "Anh cứ đi làm nhiệm vụ khác, sau khi quay trở về chúng tôi sẽ giao Lài tận tay".
Theo cha đi bắt tội phạm truy nã
|
Công an tỉnh Bình Dương họp chỉ đạo công tác truy nã. |
Thiếu tá Lê Hữu Tuyến, trinh sát đội 2 vừa thực hiện một vụ bắt tội phạm truy nã thành công ngay tại Bình Dương. Gặp chúng tôi, anh cho biết vừa đói vừa mệt bởi cả buổi lần theo dấu vết đối tượng.
Đại tá Nguyễn Văn Nem nhận xét, Thiếu tá Lê Hữu Tuyến là một con người mộc mạc, chân chất nhưng có cá tính mạnh mẽ và tố chất nghề trinh sát. Một mình anh trong năm 2017 đã bắt được 108 đối tượng truy nã, được tuyên dương điển hình tiên tiến của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Phía sau công việc của người lính tầm nã ấy là cuộc sống đầy éo le, trắc trở.
Vợ chia tay từ ngày con trai lên một tuổi. Anh lặng lẽ nuôi con, dành tất cả tình yêu thương của người cha cho con. Ban ngày, anh gửi con ở trường học, đêm nào đi làm nhiệm vụ thì nhờ người trông hộ. Nhiều lần, vì không thể gửi con cho ai, anh đã mang thằng bé theo.
Nhớ nhất là vụ truy bắt đối tượng có lệnh truy nã về hành vi giết người - Nguyễn Tấn Thông. Hôm ấy, vào khoảng 17 giờ, ngày thứ bảy, Thiếu tá Tuyến nhận được tin mẹ đối tượng đang cấp cứu tại Bệnh viện huyện Dầu Tiếng.
Theo suy đoán của anh, nhiều khả năng trong đêm đối tượng sẽ về thăm mẹ. Tuy nhiên, Nguyễn Tấn Thông vô cùng tinh ranh, ma mãnh, đã lẩn trốn nhiều năm bên Campuchia nên không dễ "lọt lưới".
Vì thời gian quá gấp không thể gửi con cho ai, Thiếu tá Tuyến quyết định mang thằng bé theo. Đến Dầu Tiếng, hai cha con vào bệnh viện xác minh thì không thấy đối tượng ở đó. Xác định cuộc truy bắt sẽ kéo dài vài ngày nên cha con anh thuê nhà trọ ở.
12 giờ đêm, Thiếu tá Tuyến trằn trọc mãi, anh mang tài liệu của Nguyễn Tấn Thông ra nghiên cứu và phát hiện được vài manh mối quan trọng. Cùng với việc áp dụng biện pháp nghiệp vụ, cuối cùng anh phát hiện đối tượng đang nằm ở một căn chòi giữa rừng cao su bạt ngàn của Dầu Tiếng.
Ngay trong đêm, anh nhờ chủ nhà trọ trông chừng thằng bé rồi cùng anh em truy bắt Nguyễn Tấn Thông. Cuộc vây bắt thành công, nhìn đồng hồ điểm 5 giờ, Thiếu tá Tuyến trở về nhà trọ vẫn thấy con trai đang thức. Cả đêm bố đi bắt tội phạm, nó không ngủ...
Thiếu tá Lê Hữu Tuyến tâm sự, con trai anh giờ đã 7 tuổi nên cũng hiểu biết về công việc của bố. Nó vui vẻ đi theo bố bất cứ nơi đâu, ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng chẳng kêu than hay quấy khóc, bởi đơn giản nó được gần bố. Đó là hạnh phúc duy nhất nó cảm nhận được. Chỉ thương nhất là những chuyến đi xe đường dài, con bị say, người lả đi, không ăn uống được gì.
Do hoàn cảnh đặc biệt như vậy nên anh em trong đơn vị dành hết tình cảm cho cha con Thiếu tá Lê Hữu Tuyến. Có món đồ nào ngon, họ đều chia sẻ. Còn trong những ngày Tết, người cho cái bánh chưng, người cho cân thịt… Vì thế cái Tết với hai cha con họ thêm ấm áp, vui tươi.
CATP Hà Tĩnh