Nghệ An: Viện Kiểm sát cho rằng lái xe kiện không có căn cứ
(Congannghean.vn)-Ngày 24/5, TAND TP Vinh mở phiên xét xử hành chính vụ kiện quyết định xử phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Nguyên đơn trong vụ án là ông Phan Đình Anh (35 tuổi) trú tại huyện Anh Sơn - lái xe của một doanh nghiệp tư nhân ở TX Cửa Lò. Bị đơn theo đại diện ủy quyền là Thượng tá Hoàng Duy Hà, Phó trưởng Công an TP Vinh.
Cho rằng quyết định xử phạt đối với mình là sai, vị tài xế đã khởi kiện CSGT Công an TP Vinh. Lần đầu tiên, 1 công dân vi phạm Luật Giao thông đường bộ khởi kiện lực lượng CSGT Công an TP Vinh ra tòa. Tuy nhiên, qua tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) cho rằng, lái xe kiện không có căn cứ.
[caption id="attachment_22412" align="aligncenter" width="600"]
Người đại diện cho lái xe Phan Đình Anh tranh luận tại tòa[/caption]
Vào lúc 16 giờ 40 phút ngày 8/3/2016, trong khi thực hiện nhiệm vụ tại đường Lê Lợi, TP Vinh (trước khu vực cổng Bến xe Vinh), Tổ công tác Đội CSGT Công an TP Vinh phát hiện xe ôtô BKS 37C-178.32 vi phạm lỗi "đi vào đường cấm" (tuyến đường Lê Lợi, TP Vinh cấm các loại xe ôtô tải có trọng tải 4 tấn trở lên hoạt động từ 6 giờ - 22 giờ hàng ngày được quy định tại Khoản 1, Điều 1, Quyết định số 10/2006QĐ-UBND ngày 18/1/2016 của UBND tỉnh Nghệ An). Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra và thông báo cho lái xe biết về các lỗi vi phạm, đồng thời yêu cầu lái xe xuất trình các giấy tờ liên quan. Biện minh rằng mình không vi phạm, lý do là xe không chở hàng nên trọng lượng xe 3,4 tấn chưa vượt qua 4 tấn nên lái xe không xuất trình giấy tờ. Trong khi đó tổng trọng lượng xe cộng hàng theo thiết kế được niêm yết là 7,5 tấn.
Tổ công tác đã kiên trì giải thích để lái xe hiểu và thấy được lỗi vi phạm, theo Quyết định số 43, Quyết định số 10 của UBND tỉnh Nghệ An, tuyến đường Lê Lợi cấm các loại xe có tổng trọng lượng bao gồm trọng lượng xe cộng hàng cho phép tham gia giao thông theo thiết kế không cho phép tham gia giao thông từ 4 tấn trở lên; đồng thời, đưa Quyết định số 10 của UBND tỉnh Nghệ An cho lái xe xem. Tuy nhiên, do lái xe chưa nắm vững những kiến thức quy định hay cố tình bảo thủ cho hành vi vi phạm trên nên đã không chấp hành yêu cầu kiểm tra của lực lượng CSGT, cố tình không xuất trình các loại giấy tờ liên quan.
Vì thế, Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính với các lỗi vi phạm: Đi vào đường cấm; không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; không có giấy phép lái xe, không có chứng nhận đăng ký xe, không có giấy phép chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (tại thời điểm kiểm tra). Tổ công tác đã mời lái xe đến làm việc và ký biên bản nhưng lái xe không ký, buộc Tổ công tác phải niêm phong xe và cẩu về trụ sở Đội CSGT để xử lý.
Ngày 8/3/2016, lái xe Phan Đình Anh đến trụ sở Đội CSGT để xuất trình các loại giấy tờ, ghi bản tường trình sự việc. Sau khi làm việc, cán bộ Đội CSGT đã đưa biên bản vi phạm hành chính cho lái xe Phan Đình Anh đọc nhưng lái xe không ký biên bản và ra về. Ngày 9/3/2016, bà Trương Thị Minh (SN 1957), chủ Doanh nghiệp tư nhân Võ Minh ở phường Nghi Hòa, TX Cửa Lò gửi đơn khiếu nại về vụ việc vi phạm trên đến đồng chí Trưởng Công an TP Vinh.
Biển báo cấm tại đường Lê Lợi, TP Vinh nơi lái xe Anh vi phạm
Sau khi nhận được đơn khiếu nại, xét thấy lái xe và đại diện chủ doanh nghiệp Võ Minh chưa thực sự hiểu sâu sắc về các quy định của pháp luật, căn cứ Khoản 03, Điều 61, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Đội CSGT đề xuất lãnh đạo Công an thành phố tổ chức phiên giải trình trực tiếp để nêu rõ các căn cứ pháp lý, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm hành chính và để lái xe, doanh nghiệp đưa ra ý kiến, chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; đồng thời, đề xuất gia hạn thời gian tạm giữ phương tiện do vụ việc có tình tiết cần xác minh, làm rõ.Ngày 16/3/2016, Công an TP Vinh đã tổ chức giải trình trực tiếp để lái xe và doanh nghiệp hiểu thêm về lỗi vi phạm theo quy định và đưa ra những chứng cứ pháp lý để chứng minh hành vi vi phạm của lái xe như: Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhưng lái xe và chủ doanh nghiệp vẫn cố tình bảo thủ, cho rằng với nội dung thể hiện trên biển cấm thì xe của mình không vi phạm do xe có tải trọng 3,4 tấn nhưng không chở hàng nên không vi phạm. Trong khi đó, trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ do Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới số 29-06V, Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp cho xe ôtô tải BKS 37C-178.32 ghi: Khối lượng bản thân: 3.405 kg; khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông: 3.900 kg; số người cho phép chở: 3 người; khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông: 7.500 kg.
Do vậy, lái xe Phan Đình Anh điều khiển xe ôtô tải BKS 37C-178.32 mặc dù không chở hàng trên xe đi vào đường Lê Lợi có biển 106b trong khoảng thời gian từ 6 giờ - 22 giờ là vi phạm. Điều đó đồng nghĩa với việc CSGT Công an TP Vinh lập biên bản vi phạm hành chính đối với lái xe là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, lái xe và đại diện chủ Doanh nghiệp vận tải Võ Minh vẫn cố tình không hiểu, cho rằng việc áp dụng Quyết định số 10 của UBND tỉnh để xử lý là không hợp tình, hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngày 17/3/2016, Công an TP Vinh đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với lái xe Phan Đình Anh với các lỗi vi phạm được lập trong biên bản vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng mức tiền phạt là 4.900.000 đồng (bốn triệu chín trăm nghìn đồng) hình thức xử phạt bổ sung; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng.
Cho rằng quyết định xử phạt trên là sai, không đúng quy định của pháp luật, ngày 23/5/2016, tài xế Đình Anh gửi đơn khởi kiện vụ việc lên TAND TP Vinh, yêu cầu Công an bồi hoàn số tiền xử phạt 4,9 triệu đồng; đồng thời, phía doanh nghiệp nơi tài xế Anh làm việc yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 42 triệu đồng do tạm giữ xe 9 ngày.
Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp cho tài xế Anh cho rằng quyết định xử phạt là không đúng. Theo như nội dung biển báo thì cấm các phương tiện có tổng trọng tải cả xe lẫn hàng trên 4 tấn. Thời điểm đó, lái xe Phan Đình Anh không chở hàng trên xe (chỉ có 1 phụ xe) trong khi xe có trọng tải là 3,4 tấn nên không thuộc phạm vi đường cấm. Trong khi đó, ông Hoàng Duy Hà, Phó trưởng Công an TP Vinh khẳng định theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì biển báo số 106b cấm tổng trọng tải của xe và hàng (trọng lượng xe cộng với trọng lượng hàng). Với trường hợp xử phạt tài xế Phan Đình Anh, trọng lượng xe tải là 3,4 tấn và trọng lượng hàng được phép chở là 4 tấn.
Từ đó, ông kết luận tài xế điều khiển phương tiện có tổng trọng tải vượt quá quy định. "Việc xử phạt này dựa vào tổng trọng tải của chiếc xe và tổng trọng tải hàng hóa được phép chở trên xe. Chính vì thế, dù xe có chở hàng hay không thì cũng đã vi phạm đi vào đường cấm, vì thế việc xử phạt tài xế Anh là đúng quy định của pháp luật", bị đơn phát biểu.
Đầu giờ chiều cùng ngày, đại diện Viện KSND TP Vinh cho rằng, căn cứ vào các chứng cứ, văn bản và tranh luận tại tòa thì thấy yêu cầu khởi kiện của tài xế Phan Đình Anh là không có căn cứ. Phía luật sư bào chữa cho người khởi kiện lại cho rằng quan điểm của Viện KSND phải dựa vào hồ sơ chứ không thể căn cứ vào các yếu tố khác. Ngày 29/5 tới, HĐXX sẽ tuyên án.
.
Hữu Trọng/ Theo Báo CA Nghệ An điện tử
CATP Hà Tĩnh