Nghệ Tĩnh - mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách Hồ Chí Minh thời thơ ấu
Nghệ Tĩnh là một trong những vùng có nhiều sắc thái văn hóa độc đáo góp phần làm cho văn hóa dân tộc thêm phong phú, đa dạng. Nhắc đến vùng đất này, có người viết: “Không một phận nào của Việt Nam đã để lại những dấu vết sâu sắc như khu vực này. Mảnh đất bất lợi đó đã sản sinh những con người khôn ngoan, những con người làm ra lịch sử từ Mai Hắc Đế đến Phan Đình Phùng. Và cả những con người làm ra văn học như Nguyễn Du...”(1).
Làng Sen quê Bác. Ảnh internet
Hà Tĩnh, Nghệ An luôn gắn bó với nhau về các mặt: Địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa, phong tục, ngôn ngữ... Ở đó có sông Lam, núi Hồng tượng trưng cho tinh thần gan góc, hiên ngang; tinh thần hiếu học, trọng đạo lý làm người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra ở Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An), là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Là con người tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Người con tiêu biểu đậm “chất Nghệ Tĩnh”. Nghệ Tĩnh, vùng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng đã hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách Hồ Chí Minh thời thơ ấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống thuở thiếu thời trong không khí truyền thống của quê hương xứ sở. Phụ thân Người tuy đỗ Phó bảng nhưng không đi theo con đường làm quan. Bạn hữu phụ thân Người như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân là những nhà hoạt động yêu nước. Những buổi đàm đạo của các cụ về tình thế “quốc gia hữu sự” và hoạt động của các sỹ phu yêu nước ắt hẳn đã có ảnh hưởng đến Người.
Gần với huyện Nam Đàn, Nghệ An là vùng đất huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Vùng đất có dòng sông Lam, sông La sơn thủy hữu tình, với nhiều danh nhân khoa bảng nổi tiếng. Tuổi thơ của Bác đã nhiều lần vượt sông theo cụ thân sinh sang vùng đất này. “Cuối năm 1904, Nguyễn Tất Thành theo cha sang làng Du Đồng huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Thời gian này, ông Nguyễn Sinh Sắc dạy học ở nhà ông Nguyễn Bá Úy. Ngoài thời giờ học tập, Nguyễn Tất Thành thường theo cha đến các vùng trong tỉnh thăm các nhân sỹ yêu nước (đến làng Đông Thái - quê hương Phan Đình Phùng, làng Trung Lễ - quê hương Lê Ninh...) hoặc thăm các di tích lịch sử như thành Lục Niên, miếu thờ La Sơn phu tử...” (2).
Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng những buổi đàm đạo văn chương, luận bàn chính sự của các cụ khoa bảng đương thời đã ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình hình thành nhân cách của Người. Duyên cách của vùng đất bên bờ sông La, với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, khoa bảng đã góp phần chung đúc nên những phẩm chất trong sáng trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lớn lên trong cảnh “nước mất, nhà tan”, tuổi thơ của Người cũng đã chứng kiến những cảnh sống khổ cực của người dân vì sưu cao thuế nặng, phu phen, tạp dịch bỏ mình nơi rừng thiêng, nước độc. Ngọn lửa yêu nước, tình thương đồng bào bị đày đọa đã được nhen nhóm trong tâm hồn tuổi trẻ của Người.
Trước nỗi thống khổ của đồng bào, Bác đã cảm nhận sâu sắc nỗi nhục nhã của người dân mất nước. Và từ đó, lý tưởng cứu dân, cứu nước, lý tưởng giải phóng con người bị đày đọa đã theo suốt cuộc đời Người trong hành trình giải phóng dân tộc, mang lại tự do, no ấm cho đồng bào.
Một số nhà nghiên cứu văn hóa ở Hà Tĩnh cho rằng: Khoảng năm 1905-1906, Hồ Chí Minh có vài lần đi qua Hà Tĩnh vào Huế và từ Huế về quê. Có lần Người nghỉ tại huyện Cẩm Xuyên (nhà người bạn), có lần nghỉ ở Kỳ Anh, dưới chân Đèo Ngang... Những thông tin này đang tiếp tục được nghiên cứu, giải đáp.
Đi lại là một nhu cầu hoạt động tất yếu của con người, nhưng với Hồ Chí Minh, trong những cuộc hành trình từ quê hương Nam Đàn vào Huế lại in đậm trong ký ức không bao giờ quên. Ngày 15/6/1957, Người về thăm Hà Tĩnh. “Lần ấy, mở đầu câu chuyện với đại biểu các đoàn thể nhân dân trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đến chào Bác, Bác nhắc lại một kỷ niệm thời thơ ấu: Hồi nhỏ, Bác theo cụ thân sinh đi Huế có qua thị xã Hà Tĩnh 2 lần. Bác còn nhớ, ở Hà Tĩnh lúc ấy, dân có bệnh “đầu voi” rất nhiều, bây giờ, bệnh này có còn nữa không? Nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái báo cáo là nay bệnh ấy không còn, Bác bảo: Vì dân ta khổ quá mà sinh ra thôi” (3).
Sự cảm thông, chia sẻ, lòng thương yêu con người ở Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có từ rất sớm. Chính quê hương Xứ Nghệ đã nuôi dưỡng, hun đúc lòng yêu thương con người, lòng yêu nước chứa chan và chí hướng tìm đường cứu nước, cứu dân sau này của người. Nói cách khác, điều kiện lịch sử, địa lý, văn hóa Nghệ Tĩnh đã ảnh hưởng đến sự hình thành tư tưởng, tình cảm thời niên thiếu của Bác Hồ.
Mặc dù đi khắp thế giới, thông thạo nhiều thứ tiếng, sống với nhiều nền văn hóa, tiếp xúc nhiều phong tục tập quán khác nhau và đã xa quê mấy chục năm nhưng ở Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn in đậm những dáng nét, những thói quen sinh hoạt, những phẩm chất được đào luyện từ vùng quê Nghệ Tĩnh. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi cho rằng, Hồ Chí Minh là một người Việt Nam đậm màu “Nghệ Tĩnh”. Ông viết : “Đó là con người thể hiện được hơn ai hết bản sắc quê hương trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong tâm hồn cá tính. Dù xa quê hương nửa thế kỷ, con người ấy vẫn thấy “50 năm ấy biết bao nhiêu tình” đã sống hoàn toàn như một người Xứ Nghệ, vẫn chén cà, đĩa mắm, hũ ruốc Việt Minh trong bữa ăn thường lệ. Vẫn chiếc áo nâu giản dị màu quê hương thân mật, đậm đà”. Vẫn đôi dép lốp trường chinh, đôi dép đi suốt cuộc đời không hề giẫm lên bước chân ai, chỉ có đạp kẻ thù mà xốc tới” (4).
Là con người Xứ Nghệ nhưng Bác Hồ đã vượt lên hạn chế của vùng đất này để giữ gìn, phát huy những gì tốt đẹp trong bản chất con người quê hương, đem tinh hoa của văn hóa Xứ Nghệ hòa lẫn tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam và thế giới. “Từ năm 1923, O-Xíp-Man-đen-Xtam đã nói với thế giới rằng: “Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa của tương lai”. Gần 1 thế kỷ sau, nhà sử học Mỹ - bà J.Sten Son khẳng định lại điều đó ở mức độ cao hơn, cụ thể hơn với nghĩa là một dự báo: Hồ Chí Minh tiêu biểu cho nền đạo đức của ngày mai” (5).
Hiểu biết sâu sắc các nền văn hóa lớn của thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn giữ sâu đậm cốt cách người Việt Nam, con người Xứ Nghệ trong tâm hồn, trong cuộc sống. Chính trên cơ sở bản sắc sâu đậm, đầy sức sống ấy mà Người đã góp phần to lớn sáng tạo ra nền văn hóa Việt Nam hiện đại, khơi nguồn cho nền văn hóa mới Việt Nam, một nền văn hóa độc đáo và đầy tính nhân loại.
Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông, đất nước ta có vinh dự sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong vinh dự đó, sông núi Nghệ Tĩnh có niềm tự hào đã sinh ra và nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách Hồ Chí Minh trong thời thơ ấu. Sông Lam, núi Hồng - biểu tượng Xứ Nghệ như rộng, cao hơn bởi có những con người hào kiệt. Dù đã đi xa nhưng tư tưởng và những phẩm chất cao đẹp của Người vẫn luôn trường tồn với thời gian, với đất nước, quê hương Nghệ Tĩnh.
---------------------------------
Tài liệu tham khảo:
(1) Trần Thanh Tâm - Ninh Viết Giao: Nghệ Tĩnh trong Tổ quốc Việt Nam. Ty Giáo dục Nghệ An, 1975.
(2) Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh: Nxb, Nghệ Tĩnh, 1990.
(3) Hoàng Trang - Nguyễn Khánh Bật (đồng chủ biên): Tìm hiểu thân thế - sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh (hỏi và đáp), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
(4) Nguyễn Đổng Chi (chủ biên) Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Nxb. Nghệ An, 1995
(5) Bùi Đình Phong - Đinh Xuân Lâm: Hồ Chí Minh - văn hóa và đổi mới, Nxb. Lao động, Hà Nội 2001.
Phan Trung Thành/ Theo Báo Hà Tĩnh
CATP Hà Tĩnh