Ngổn ngang “phân tầng và xếp hạng” đại học
Năm học 2016 – 2017, ngành Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược để ưu tiên thực hiện, trong đó có việc sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Để quy hoạch một cách căn cơ mạng lưới các trường ĐH, CĐ rất cần đến sự “phân tầng và xếp hạng” giữa các trường, một xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập. Nhưng đến thời điểm này, dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/CP về Quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH từ năm 2015, “phân tầng và xếp hạng” vẫn ngổn ngang nhiều bất cập, khiến các trường chưa mấy mặn mà.
Xếp hạng và phân tầng ĐH đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện như Anh, Canada, Trung Quốc, Hoa Kỳ, trong đó Hoa Kỳ là quốc gia đi đầu. Tại Việt Nam, theo những văn bản pháp lý mới nhất quy định về công tác xếp hạng, phân tầng ĐH thì Thủ tướng Chính phủ sẽ công nhận xếp hạng đối với trường ĐH.
|
Sinh viên kỳ vọng, khi các trường đại học được “phân tầng và xếp hạng” thì sẽ được đầu tư nhiều hơn, đặc biệt trong nghiên cứu khoa học. |
Bộ trưởng GD&ĐT sẽ công nhận xếp hạng trường CĐ. Còn với “phân tầng ĐH” sẽ theo ba tầng: ĐH nghiên cứu, ĐH ứng dụng và ĐH định hướng thực hành. Nhưng nhìn lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ của chúng ta hiện nay có thể thấy, trong số 267 các trường ĐH (cả công lập và ngoài công lập) thì có sự chênh lệch khá lớn giữa ngành kỹ thuật – công nghệ (41%), kinh tế - luật (20%) với các ngành khác.
Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH chạy đua trong việc mở các ngành đào tạo theo phong trào nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu ngắn hạn, tức thời, mà bỏ qua chiến lược về nhân lực và nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Hệ lụy là chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu xã hội cũng như yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân. Một khó khăn nữa khi các trường bước vào “xếp hạng và phân tầng”, đó là đầu tư cho cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị, hệ thống học liệu, mức chi đầu tư cho một sinh viên còn rất thấp, tụt hậu.
Mới đây, tại hội thảo khoa học “Xây dựng bộ tiêu chí và quy trình xếp hạng các trường đại học Việt Nam” do ĐH Ngoại thương tổ chức (ĐH Ngoại thương được Bộ GD & ĐT giao thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về phân tầng, xếp hạng ĐH), nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ những đóng góp tâm huyết và cả những băn khoăn xung quanh câu chuyện xếp hạng và phân tầng.
Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương, quan điểm của Chính phủ quy định phân tầng để quy hoạch mạng lưới phục vụ yêu cầu đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực đào tạo và xếp hạng để đánh giá uy tín và chất lượng đào tạo ĐH là rất chính xác. Nhưng nếu mục tiêu của xếp hạng là quản lý nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước là không phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay, đặc biệt là trong điều kiện trao quyền tự chủ cho các trường ĐH.
Hiện nay, tại hầu hết các bảng xếp hạng trên thế giới đều do các tổ chức xếp hạng có tính chất độc lập với Nhà nước đưa ra. Do đó, nếu Nghị định 73/CP quy định Thủ tướng Chính phủ là người phê duyệt và công bố bảng xếp hạng, dù tổ chức xếp hạng là độc lập thì chúng ta đang đi ngược với xu thế phát triển của thế giới.
Ngoài ra, Nghị định 73/CP cũng hướng dẫn việc phân tầng đi kèm với xếp hạng, có nghĩa là việc xếp hạng đại học chỉ có thể thực hiện được sau khi hệ thống giáo dục đại học đã được phân tầng, quy định này hiện đang cản trở triển khai hoạt động xếp hạng.
Còn theo ThS. Lê Thị Ngọc Lan, ĐH Ngoại thương Hà Nội, Nghị định 73/CP đã bỏ qua các tiêu chuẩn như: hội nhập quốc tế, đánh giá của xã hội, của nhà tuyển dụng đối với chất lượng sinh viên ra trường. Trong khi đây là những yếu tố quan trọng, có thể quyết định đến vị thế và danh tiếng của cơ sở giáo dục (Hoa Kỳ đã sử dụng hai yếu tố này như điều kiện tiên quyết trong bảng xếp hạng).
Một khảo sát do ThS. Lê Thị Ngọc Lan và cộng sự thực hiện cho thấy, 78,7% sinh viên được khảo sát cho biết, họ lựa chọn trường dựa trên uy tín, danh tiếng của trường; 34,6% sinh viên được hỏi cho biết chọn trường do định hướng từ phụ huynh…
Từ khảo sát đó, ThS. Lê Thị Ngọc Lan kiến nghị, trong Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 73/CP do Bộ GD & ĐT đang xây dựng nên chỉ rõ tiêu chí xếp hạng ĐH cần tập trung vào chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu, chất lượng dịch vụ và đánh giá của xã hội về uy tín của cơ sở đào tạo.
Ở một góc nhìn khác, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, trường ĐH Thăng Long hiến kế một mô hình “ba phân tầng” mới: tầng 1 – cơ sở giáo dục ĐH tập trung nghiên cứu và đào tạo tiến sỹ, trong đó các Trường ĐH trọng điểm và ĐH xuất sắc làm trụ cột; tầng 2 – các cơ sở giáo dục ĐH tập trung đào tạo nghề nghiệp và tầng 3 – các trường CĐ cộng đồng và các trường CĐ khác (các trường CĐ thuộc tầng này có thể đào tạo nghề ngắn hoặc dài hạn).
Với mỗi tầng sẽ kèm theo chính sách ưu tiên như: tầng 1 sẽ tuyển tốp khoảng 15% học sinh năng lực cao nhất, Nhà nước cấp học bổng cao cho sinh viên và cho phép thu học phí cao; tầng 2 các chương trình chính quy tuyển khoảng 35% tốp học sinh có năng lực kế tiếp và tầng 3 thu hút thanh niên có thể học ĐH và học nghề tại các địa phương, không cần thi tuyển.
Nói về Nghị định 73/CP, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp bày tỏ, việc quy định một cơ sở giáo dục ĐH nằm ở tầng nào, chính là một sự phân công tương đối bền vững của Nhà nước. Vì vậy không nên đặt vấn đề một trường ĐH có thể phấn đấu để chuyển từ tầng này lên tầng khác, cũng như một trường tiểu học không nên đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trường trung học, mà phải phấn đấu thành một trường tiểu học xuất sắc.
Do đó, Nghị định 73/CP đưa ra thời hạn 10 năm để đánh giá, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục ĐH trong các tầng là không phù hợp với khái niệm phân tầng.
Còn theo nhóm nghiên cứu Trần Xuân Kiên (ĐH Thái Nguyên) và Lê Việt Anh (ĐH Ngoại thương) thì để “xếp hạng và phân tầng” sớm trở thành hiện thực, chúng ta phải đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó, hoạt động kiểm định cũng nhằm thông tin về chất lượng giáo dục cho xã hội. Nói cách khác, muốn được xếp hạng thì trường ĐH phải đạt được chứng nhận trong kiểm định chất lượng giáo dục.
Trong xu thế hội nhập và quốc tế hóa, khi giữa các khu vực và các quốc gia có xu hướng công nhận bằng cấp của nhau thì xếp hạng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học đồng thời còn là sức ép thực sự đối với các trường ĐH…
CATP Hà Tĩnh