Người anh hùng tình báo và cuộc chia ly gần 30 năm với vợ con
Dường như ông sinh ra là để làm tình báo, một nghề không bình thường, chiến đấu trong một mặt trận không bình thường. Sau cuộc chiến, ông trở thành anh hùng. Ông trở về tìm vợ con sau đằng đẵng gần 30 năm xa cách...
1. Làng chài Long Phước bình yên bên rặng phi lao vi vu gió thổi, dải cát trắng bao đời mang vị mặn của biển làm rám làn da con dân ngư phủ. Như bao đứa trẻ khác, Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) lớn lên nghèo khó trong một gia đình nhiều đời bám biển.
Vì ham học, mơ một tương lai tươi sáng ở chốn thị thành mà Tàu đã lặn lội từ Bà Rịa - Vũng Tàu lên dự thi vào Trường Petrus Ký (nay là Trường Chuyên Lê Hồng Phong), một ngôi trường chỉ dành cho con em quan quyền, có địa vị của Sài Gòn. Không có điều kiện học hành, ôn luyện nhưng lần thi đó, Nguyễn Văn Tàu là một trong năm học sinh có điểm thi cao nhất của trường.
Ngoài 80 tuổi, Đại tá Tư Cang vẫn giữ được nét tươi trẻ, dí dỏm. |
Khoảng thời gian học trong trường, Nguyễn Văn Tàu được học tiếng Pháp, tiếng Anh, được tiếp thu những tri thức tiên tiến. Tàu học rất giỏi, học kì nào cũng được giấy khen. Khi trở về quê, Tàu là học sinh nói tiếng Pháp giỏi nhất làng. Nhưng rồi sự học ấy đành dang dở vì chiến tranh nổ ra. Nguyễn Văn Tàu rời trường về quê và bị ép lấy vợ.
Chồng chưa đủ 18 tuổi, vợ chưa tròn 17, cả hai vợ chồng đều ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới". Sau ngày cưới, dì Hai ở xóm trên đến chơi, bà ái ngại nhìn hai vợ chồng "trẻ con" với niềm xót xa, thương cảm: "Tao không biết hai vợ chồng bây rồi sẽ làm gì để sống với người ta".
Nhưng ở cái tuổi còn chưa mất đi sự hồn nhiên ngây thơ ấy, hai vợ chồng son sáng ra giếng gánh nước đổ vào lu, chiều vào bồ xúc lúa gánh đi xay. Ngày qua tháng đến, tình yêu đến tự lúc nào không hay, bám riết rồi không muốn rời nhau nửa bước.
Vài tháng sau, người vợ mang thai. Những tưởng cuộc đời cứ êm ả trôi xuôi, đôi vợ chồng sẽ sinh con đẻ cái rồi cứ thế lớn lên, sẽ già đi rồi chết được chôn tại mảnh đất mà ông bà đã yên nghỉ. Nhưng niềm mơ ước giản dị của người dân lương thiện không được trọn vẹn, giặc Pháp đổ vào làng gây ra bao cảnh chết chóc, loạn ly.
Vào một đêm trăng sáng, tiếng côn trùng rỉ rả ngoài bờ kênh nghe não nuột, hơi gió mằn mặn từ bờ cát phả vào rì rì tê tái, hai vợ chồng dắt nhau ra bậc thềm tâm sự. Trên bầu trời, một vầng mây che khuất ánh trăng và màu đen tang tóc bao trùm lên làng quê Long Phước.
Những tàu lá chuối rách te tua trước mặt, họ run rẩy trong đêm, chồng vuốt tóc vợ, giọng nói đứt quãng trong tiếng nấc nghẹn: "Em à, tình thế này anh phải đi thôi. Em thấy đó, dù anh có ở nhà, giặc đến bắt em, anh cũng không bảo vệ được, càng thêm đau lòng. Sáng mai, em sắp xếp về với ba má dưới Phước Hải rồi tìm cách lên Sài Gòn, làm ăn kiếm sống sinh đẻ, nuôi con đợi anh đánh giặc trở về…".
Hạnh phúc của đôi vợ chồng từng phải cách xa nhau gần 30 năm. |
Những lời cuối bị đứt quãng bởi tiếng nấc nghẹn của vợ, của chồng rồi cả hai gục đầu vào nhau khóc.
2. Chia tay vợ trẻ, Nguyễn Văn Tàu lên đường đánh giặc, đơn vị ông đóng quân ở khắp các mặt trận miền Đông Nam Bộ, ở gần quê nhà mà không thể về thăm vì giặc kiểm tra gắt gao, soi mói nhất cử nhất động. Năm 1954, quân Pháp rút, đất nước trở về những tháng ngày hòa bình nhưng người Phó phòng Quân báo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không về quê hương mà tập kết ra Bắc.
Từ đây, ông có một cái tên hoàn toàn mới là Trần Văn Quang. Trên đất Bắc, Trần Văn Quang không ngừng học tập, ông học lái xe, học chụp ảnh và rèn luyện trau dồi vốn văn hóa cũng như nghiệp vụ giúp cho công việc tình báo sau này.
Ông là người có khả năng bắn súng hai tay "bách phát bách trúng". Với suy nghĩ, một người lính chiến khi ra trận cầm súng lỡ bị thương một tay thì còn có tay kia để tiếp tục siết cò quyết không chịu khuất phục kẻ thù. Suốt thời gian dài sống trên đất Bắc, có không ít bóng hồng bên cạnh nhưng không hề lay chuyển được lý tưởng cách mạng của anh Trung đội trưởng.
Ông kể: "Có lần đi ngang qua nhà một ông bố gần đơn vị, thấy anh bộ đội miền Nam đẹp trai bước qua cổng, hai cô con gái của bố lùa chó ra cắn vào chân tôi làm máu chảy lênh láng. Xong hai cô đứng trong nhà che miệng cười khúc khích mặc cho anh bộ đội ngơ ngác với vết chó cắn đau điếng.
Chưa hết, hai cô còn đưa lời trêu ghẹo: "Nhìn đẹp trai thế kia sao lầm lì ít nói vậy anh bộ đội miền Nam?". Tôi không nói gì, lặng lẽ về trạm xá băng bó vết thương. Sau lần đó, tự nhiên tôi thấy thương hai cô gái xinh xắn kia".
Năm 2005, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND. |
Đó là phút rung động hiếm hoi của Trần Văn Quang suốt thời gian dài học tập, rèn luyện trên đất Bắc và ông từng tâm sự: "Đôi khi, tình cảm là thứ gì đó dễ làm con người ta xao lòng nhất. Một người đàn ông tuổi 30 đang tràn trề sinh lực, tràn trề tình yêu lại sống xa gia đình, vợ con thì sự cám dỗ của thứ tình cảm mà người ta ví như ma lực ấy tránh được quả một kì tích".
Vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, Trần Văn Quang mang theo những tâm trạng buồn vui khó tả. Rồi đây, sẽ được gặp lại vợ con sau bao tháng ngày xa cách nhung nhớ, yêu thương. Đứa con gái khi cha đi vẫn còn trong bụng mẹ nay đã trở thành thiếu nữ.
Lúc chuẩn bị xuống tàu rời miền Nam, có người quen tới đưa cho ông một phong thư, trong đó có một chiếc áo len và một tấm hình con gái lên 7 tuổi. Trong thư, vợ ông viết: "Gia đình mình bị giặc kiểm soát gắt lắm, em không ra tiễn anh đi được.
Thôi thì đời vợ chồng mình như những năm qua, em nghe nói ở miền Bắc lạnh lắm, em đan chiếc áo này gửi anh. Con gái chúng mình bà ngoại đặt tên là Nhồng để nhớ về một loài chim thường có ở quê hương".
Cứ mỗi lần nhớ vợ con, ông lại lấy hình con ra ôm vào ngực rồi hôn lên đó, chiếc áo len không kể mùa lạnh hay nóng hễ tối đến là ông mang ra ôm vào lòng ngủ. Những kỉ niệm cũ xưa chợt òa về trong tiềm thức đứa con xa quê đã lâu, hôm nay trên đường về Nam, lòng chợt dâng lên những niềm xúc động khó tả.
Tư Cang được tổ chức phân công về Củ Chi phụ trách cụm tình báo H.63 lúc này đang có điệp viên Phạm Xuân Ẩn hoạt động trong nội thành. Tư Cang về tiếp nhận với nhiệm vụ võ trang, chỉ đạo liên lạc bằng thư từ, lấy tin tức từ trong nội thành đưa về Trung ương.
Năm 1966, sau khi bị thất bại trong chiến lược bình định miền Nam Việt Nam, Mỹ tổ chức các đội quân chư hầu, lính đánh thuê, đồng minh điên cuồng trút bom, hành quân càn quét vùng giải phóng, tìm cộng sản để diệt.
Trên cương vị là người chỉ huy tình báo, Tư Cang có nhiệm vụ sâu sát trong khu vực nội thành, đưa những chỉ đạo từ cấp trên đến với mạng lưới tình báo của Phạm Xuân Ẩn được thông suốt.
Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang) ngày đi chiến đấu. |
3.Từ buổi chia tay vào một đêm trăng mờ ảo ở bụi chuối sau nhà, mới đó đã 28 năm rồi, trải qua bao nhiêu trận đánh lớn nhỏ, vượt qua không biết bao nhiêu cung đường, thôn xóm, làng bản của đất nước, Đại tá Tư Cang mới trở lại, dấu ấn của ngày chia tay người vợ vẫn nóng hổi như ngày hôm qua.
Lòng Tư Cang rạo rực cảm xúc: "Em ơi, mai anh sẽ vào Sài Gòn và lần này anh không lẩn trốn em như những năm anh làm tình báo trong nội thành". Đang miên man theo dòng suy nghĩ trên cánh võng thì có tiếng súng nổ cắt ngang.
Sực nhớ ra vừa rồi không phải giấc mơ mà là sự thật bởi cuộc chiến đã gần kết thúc rồi. Tư Cang lái chiếc xe quân sự tiến vào nội đô trong đoàn quân như trẩy hội. Có một con đường nhỏ trong lòng thành phố này, người vợ thân yêu và con gái 28 tuổi chưa một lần gặp cha vẫn đang ngóng trông tin tức.
Xe lăn bánh chầm chậm qua cư xá Việt Nam Thương Tín, tay lái muốn quẹo phải trong ngõ hẻm hun hút kia có một ngôi nhà nhỏ mà vợ con ông đang ở đó. Một phút do dự nhưng nghĩ đến nhiệm vụ, Tư Cang nhấn mạnh ga cho xe lao thẳng.
12h đêm, tiếng súng im lìm, Tư Cang lái xe quay trở lại đường cũ, cố rướn cặp mắt đục ngầu dò tìm con hẻm đã từng đi ngang qua. Mọi nhà đều tắt đèn vì cũng khuya rồi còn gì, chuẩn bị sang ngày mới. Dò dẫm mãi cũng tìm được căn nhà còn ánh đèn từ bên trong hắt ra, trong lòng hồi hộp vô cùng, tay lái cứ run run, ông cất giọng: "Nhồng ơi, Nhồng ơi".
Không có ai trả lời, màn đêm tĩnh mịch càng làm cho không khí nặng nề, căng thẳng trong tâm trạng người đi tìm. Tư Cang gọi nhiều lần tên con gái, cuối cùng cũng có tín hiệu từ phía trong. Cánh cửa khẽ kéo ra, đèn được vặn to lên nghe rõ tiếng người nói: "Anh về đó hả? Em biết mà, nghe gọi tên Nhồng em biết chỉ có anh thôi".
Giọng nói bị đứt quãng bởi những dòng cảm xúc dâng lên mãnh liệt, chặn đứng cổ họng người vợ. Tư Cang ôm chặt vợ, đặt một nụ hôn nồng ấm sau gần 30 năm xa cách. Nhớ lại ngày chia tay, những cái hôn tràn nước mắt của hai vợ chồng trẻ, những lời hứa hẹn, những ước mơ hạnh phúc trong ngày gặp lại.
Sau gần 30 năm chiến đấu, đêm nay, hạnh phúc đã thật sự ở trong vòng tay mà ngỡ như trong giấc mơ. Vui mừng khôn xiết, vợ kéo chồng vào nhà gọi con gái dậy. Con gái nay đã có chồng, có con, nhìn thấy cha mừng mừng, tủi tủi, chị chạy vào giường bế thốc đứa bé đang ngủ say dậy, dạy con nói: "Con mừng ông ngoại đã về với bà ngoại".
Ngoài trời, đêm tối mịt mùng, tiếng gà xa xa đã điểm gáy, sắp bước qua một ngày mới. Một ngày của mùa xuân đại thắng.
CATP Hà Tĩnh