Người chơi flycam đang… phạm luật
Nhiều năm nay, flycam (thiết bị bay dùng để ghi hình) đã rất phổ biến trong giới nghệ thuật. Những hình ảnh, đoạn phim có sử dụng flycam gây hiệu ứng đặc biệt, cuốn hút người xem. Nhưng không nhiều người biết muốn sử dụng phải xin phép và nếu không có phép sẽ bị xử phạt hành chính…
Không biết nên vô tư sử dụng Mới đây nhất, ngày 21-8, tổ công tác Đại đội 4, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, CATP Hà Nội, trong quá trình làm nhiệm vụ trên đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (đối điện với Sân vận động quốc gia Mỹ Đình) phát hiện 1 nam thanh niên đang chuẩn bị điều khiển flycam để chụp ảnh. Danh tính người này được xác định là Nguyễn Duy Hưng (33 tuổi), trú tại quận Đống Đa, Hà Nội. Tổ công tác Đại đội 4 đã kiểm tra và lập biên bản tạm giữ thiết bị này, đồng thời chuyển giao người vi phạm đến CAP Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm xử lý theo thẩm quyền về hành vi “sử dụng thiết bị bay không người lái và thiết bị bay siêu nhẹ trái phép” theo Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28-3-2008 của Chính phủ và Công văn ngày 21-7-2015 của Bộ Quốc phòng gửi đến các cơ quan, ban, ngành, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý hoạt động của các loại máy bay không người lái (flycam/drone).
Trước đó, tháng 11-2015, tổ công tác Đại đội 4, Trung đoàn Cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường Vũ Quỳnh thuộc địa bàn phường Mễ Trì phát hiện anh Trịnh Duy Quyền ở Thọ Xuân, Thanh Hóa đang điều khiển flycam. Tổ công tác đã kiểm tra hành chính, nhưng anh Quyền không xuất trình được giấy tờ mua bán chứng minh nguồn gốc và giấy phép sử dụng chiếc flycam này. Tháng 10-2015, tổ công tác Đại đội 4 cũng đã phát hiện tại bãi cỏ tại vòng xuyến khu vực ngã tư đường Mễ Trì, Lê Quang Đạo, anh Nguyễn Văn Lực sinh viên Đại học FPT đang sử dụng flycam. Anh Lực cho biết, mua chiếc flycam để quay cảnh đi dã ngoại, du lịch với bạn bè nên kiểm tra thử trước. Không chỉ những người chơi cá nhân mà nhiều đơn vị, cơ quan Nhà nước khi sử dụng flycam cũng không hề có ý thức phải xin phép. Anh Phạm Tùng Văn, quay phim của một đài truyền hình cho biết, nhiều lần sử dụng flycam tại khu vực Ngã Tư Sở, hồ Hoàn Kiếm hay Văn Miếu để lấy toàn cảnh nhưng chưa bao giờ xin phép cơ quan chức năng và cũng không thấy bị nhắc nhở bao giờ nên không hề biết có quy định sử dụng flycam… phải xin phép. Vi phạm quy định vùng cấm bay Thượng tá Nguyễn Việt Cường, Phó trưởng CAQ Nam Từ Liêm cho biết, nhằm giảm thiểu những hoạt động bay tự do, góp phần đảm bảo an toàn, giữ gìn an ninh hàng không và trật tự xã hội, các tổ chức, cá nhân muốn sử dụng thiết bị flycam phải xin phép và được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, theo Nghị định 36 của Chính phủ ban hành năm 2008, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm làm thủ tục xin phép bay trước khi tổ chức các hoạt động bay. Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam được giao thẩm quyền cấp phép, từ chối cấp phép cho các chuyến bay của tàu bay không người lái, các loại khí cầu bay không người điều khiển, các loại mô hình bay, các loại khí cầu có người điều khiển nhưng không cất, hạ cánh từ các sân bay được mở cho hoạt động dân dụng, bao gồm trong đó cả flycam. Anh Nguyễn Đăng Cường, một người chơi flycam tự do đã nhiều năm cho biết khi mua những thiết bị này của các nhà sản xuất chính hãng, người mua đều phải đăng ký trên mạng của nhà cung cấp dịch vụ. Người mua sử dụng thiết bị, bay ở giờ nào, bay bao nhiêu phút, bay ở đâu đều được báo về cho nhà sản xuất. “Tất cả thiết bị này đều có serial và logview, kể cả khi khởi động thiết bị nhưng không bay, khi bắt được sóng GPS thì đều hiện lên trên trang của nhà sản xuất. Nhà sản xuất có thể biết rõ từng thiết bị mà họ cung cấp có tổng thời gian bay bao nhiêu, ai là người sử dụng, đã bay ở những vùng nào, mỗi lần bay với độ cao bao nhiêu và có sơ đồ chụp lại hành trình bay của thiết bị. Trên sơ đồ của nhà sản xuất cũng có ghi những vùng cấm bay để người sử dụng được biết” - người chơi này nói. Tuy nhiên theo Thượng tá Nguyễn Việt Cường, không phải thiết bị nào cũng thông báo vùng cấm bay vì đây cũng là một trong những bí mật quân sự. Chỉ khi thu giữ thiết bị, đối chiếu với bản đồ vùng cấm bay của lực lượng quân đội thì mới xác định rõ thiết bị flycam đó có phải đã vào vùng cấm bay hay không. Lúng túng trong xử lý Điều 16, Nghị định 36/2008 của Chính phủ quy định, các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Nghị định này, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Năm 2011, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 79, bổ sung một số điều của Nghị định 36 cho phù hợp với tình hình. Mới đây nhất, ngày 21-7-2015, Bộ Quốc phòng tiếp tục có công văn cập nhật tình hình và đề nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp thực hiện nhằm tăng cường sự hiểu biết và thực hiện đúng quy định của Chính phủ về quản lý hoạt động bay, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, an toàn hàng không và trật tự an toàn xã hội trên phạm vi cả nước. Theo Bộ Quốc phòng, các hoạt động bay này tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm cho những hoạt động bay quân sự và dân dụng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng làm phương tiện để thực hiện những hành vi gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, nhất là vào các dịp cao điểm, lễ, Tết. Và dù có rất nhiều văn bản như vậy nhưng lại không hề có hướng dẫn cụ thể về mức độ sai phạm và hình thức xử phạt tương xứng. Chính vì thế, theo chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm, dù phát hiện nhiều trường hợp sử dụng flycam trái phép nhưng sau khi thu giữ thiết bị, lực lượng công an buộc phải trả lại cho chủ sử dụng vì… không biết phạt như thế nào. Điển hình như 2 vụ mà Đại đội 4, Trung đoàn CSCĐ phát hiện vào cuối năm 2015 đã nêu trên, mãi đến tận tháng 3-2016, sau khi tham khảo nhiều nguồn thông tin, lực lượng CAQ Nam Từ Liêm mới hướng dẫn được CAP Mễ Trì ra quyết định xử phạt hành chính với mức tiền 750.000 đồng/vụ, trả lại thiết bị flycam cho người sử dụng. Cần có hướng dẫn cụ thể Trong khi cơ quan chức năng lúng túng trong xử phạt vi phạm này, thì người sử dụng flycam rất “đau đầu” vì quy định cấp phép hoạt động. Anh Nguyễn Đăng Cường cho biết, anh cũng như nhiều người chơi flycam trong nhóm không biết tính sao vì lỡ mua flycam. Không được sử dụng nữa thì tiếc, còn muốn “bay” thì phải được Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu cấp phép theo đúng quy định của Nghị định 36. “Việc cấp phép loại mô hình bay điều khiển này nếu được thực hiện tại địa phương thì thủ tục sẽ đơn giản hơn rất nhiều, sẽ giúp hạn chế tình trạng bay lén lút như hiện nay” - anh Cường nhìn nhận. Thượng tá Nguyễn Việt Cường cũng cho rằng, việc chơi flycam là nhu cầu cá nhân của mỗi người, do đó, để thuận tiện cho người sử dụng, nên giao việc cấp phép và quản lý thiết bị, xử lý vi phạm cho lực lượng quân đội. Thực tế, lực lượng quân đội, thậm chí ở cấp quận cũng có bản đồ vùng cấm bay, theo dõi được hoạt động bay. Vì vậy không nhất thiết Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu mới là đơn vị cấp phép cho những thiết bị này, mà có thể chuyển giao về Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố thì sẽ thuận tiện hơn. “Mong muốn được chơi Flycam của nhiều người là rất chính đáng và pháp luật không cấm. Tuy nhiên, các hoạt động bay tự phát này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn ở khu vực trên không và mặt đất. Loại hình này bay bằng động cơ, nếu không may mất kiểm soát va chạm vào đường dây điện cao thế, kho chứa dầu, rơi xuống rừng vào mùa khô thì hậu quả rất nặng nề. Do vậy, mọi hoạt động của phương tiện bay này phải được sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng theo Nghị định 36” - chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm khẳng định.CATP Hà Tĩnh