Người con xứ Nghệ 30 năm gắn bó với đồng bào Tây Nguyên
Có lẽ vì căn duyên với nghề, nặng nghĩa với đời nên Tây Nguyên, Đắk Nông trở thành quê hương thứ hai của Đại tá Đinh Sỹ Tuệ, Trưởng phòng An ninh dân tộc Công an tỉnh Đắk Nông.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng Đức Thọ, Hà Tĩnh, có lẽ vì căn duyên với nghề, nặng nghĩa với đời nên Tây Nguyên, Đắk Nông trở thành quê hương thứ hai của Đại tá Đinh Sỹ Tuệ, Trưởng phòng An ninh dân tộc Công an tỉnh Đắk Nông. Trên mỗi bon, buôn làng Tây Nguyên đều in dấu chân anh, người chiến sỹ An ninh. Lời nói của anh thực sự là tiếng lòng yêu thương, tin cậy đối với bà con các dân tộc. 32 năm làm chiến sỹ Công an nhân dân thì có đến gần 30 năm anh làm công tác an ninh trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Chính vì lẽ đó mà bà con các dân tộc luôn coi anh là đứa con yêu quý và gọi với cái tên trìu mến “Ma Ngọc” hay “Bạp Ngọc”. Năm 1990, tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân và mang trong mình truyền thống của quê hương Lam - Hồng, mong muốn đưa những kiến thức nghề nghiệp mà anh đã dày công học tập vào thực tế nhiệm vụ ở những nơi khó khăn nhất, phức tạp nhất đã thôi thúc anh vui vẻ nhận nhiệm vụ tại Phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Đắk Lắk. Năm 2001, do yêu cầu công tác, anh được tăng cường xuống Đội An ninh Công an huyện Đắk Song. Bốn năm sau, anh được bổ nhiệm phó Công an huyện mới Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông và lần lượt giữ chức vụ Trưởng phòng An ninh xã hội và Trưởng phòng An ninh dân tộc Công an tỉnh Đắk Nông. [caption id="attachment_22842" align="aligncenter" width="600"] Đại tá Đinh Sỹ Tuệ cùng cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh dân tộc Công an Đắk Nông luôn gần gũi với bà con, làm tốt công tác dân vận.[/caption] Công tác trên một địa bàn rộng, điều kiện đi lại khó khăn, thêm vào đó tình hình an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp, Đại tá Đinh Sỹ Tuệ luôn trăn trở: “Công tác đảm bảo an ninh ở địa bàn miền núi, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ rất nặng nề. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ đòi hỏi mỗi cán bộ an ninh phải hết sức tâm huyết với công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tích cực, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để thực hiện tốt công tác; Phải luôn gần gũi, bám buôn bám làng, biết nghe nỗi lòng của bà con, nói được tiếng của đồng bào và phải nói cho bà con hiểu, làm cho bà con tin thì nắm bắt được tình hình, tâm tư tình cảm của bà con để từ đó kịp thời phát hiện, tham mưu xử lý kịp thời các vụ việc ngay tại cơ sở”. Đại tá Đinh Sỹ Tuệ không chỉ nghiên cứu trên sách vở, mà anh đã xuống tận buôn làng gặp gỡ, tiếp xúc và nhờ bà con dạy tiếng dân tộc bản địa để bổ sung vào cẩm nang sống và công tác của mình. Vượt qua những ngày đầu bập bẹ nói tiếng và viết cái chữ của dân bản, giờ đây anh đã nghe, hiểu, viết và nói trôi chảy tiếng các dân tộc như người dân bản địa. Chính việc hiểu và nói được cho đồng bào hiểu và thường xuyên gần gũi với bà con nên anh đã thực sự là chỗ dựa tin cậy, giải quyết những bất đồng cho mọi người trong các buôn, bon làng gần xa. Từ sự gần gũi, lắng nghe, tôn trọng nhân dân cùng với cách xử lý các vụ việc thấu tình đạt lý mà anh từ chỗ xa lạ, trở thành người gần gũi, thân quen và được bà con ở các bon, buôn làng gọi với cái tên trìu mến “Ma Ngọc” theo tiếng gọi của người Êđê và “Bạp Ngọc” theo tiếng gọi của người Mnông (Bố của cháu Ngọc – tên con gái đầu của anh Đinh Sỹ Tuệ). Ông Ksiêng ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong cho biết: “Tôi và bà con ở đây rất quý Ma Ngọc, mỗi lần Ma Ngọc về bà con rất vui và coi như anh em, con cháu trong gia đình. Ma Ngọc thường xuyên gần gũi với bà con, động viên, hướng dẫn bà con làm ăn phát triển kinh tế. Hễ trong bon làng có việc gì chúng tôi đều nhờ Ma Ngọc giải quyết”. “Ma Ngọc thường xuyên gần gũi, trực tiếp gặp gỡ, tâm tình cùng bà con trong các buôn làng để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như giải thích cho bà con hiểu âm mưu của kẻ xấu, để bà con hiểu ra, không nghe theo những lời xúi giục của kẻ xấu, yên tâm làm ăn sinh sống, phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc con cái học hành. Bà con chúng tôi rất quý mến và coi Ma Ngọc như người thân trong gia đình, trong buôn làng”, ông Điểu Rmớt ở xã Đắk Ndrung, huyện Đắk Song chia sẻ. Với sự nhạy bén trong công việc, sự gần gũi với bà con, từ năm 2004 đến nay, Đại tá Đinh Sỹ Tuệ đã tham gia trực tiếp và tham mưu, chỉ đạo tổ chức lực lượng, phát hiện, phá rã 13 khung tổ chức FULRO, bóc gỡ gần 200 đối tượng cơ sở ngầm của chúng tại các thôn buôn, thu giữ nhiều tang vật có liên quan. Điển hình là vào cuối năm 2003 và đầu năm 2004, nhờ chủ động bám sát địa bàn, làm tốt công tác vận động quần chúng, với vai trò Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Đắk Song, đồng chí Đinh Sỹ Tuệ đã cùng với đồng chí đồng đội trong đơn vị kịp thời phát hiện hàng chục người dân đã và đang bị các đối tượng xấu xúi giục, kích động, khống chế bà con đi theo chúng và yêu cầu ngày hôm sau tổ chức gây rối bạo loạn ở các bon, buôn trên địa bàn, sau đó tập trung kéo về huyện Đắk Mil cùng với đồng bào dân tộc thiểu số ở đây biểu tình bạo loạn rồi vượt biên sang Campuchia. Sự gần gũi, chân thành của đồng chí Đinh Sỹ Tuệ và toàn lực lượng đã cảm hóa, thuyết phục họ đến Công an huyện đầu thú và đứng ra tố cáo âm mưu của các đối tượng cầm đầu cốt cán. Trong cả một chặng đường dài đấu tranh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, Đại tá Đinh Sỹ Tuệ đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an cũng như chính quyền địa phương tặng thưởng nhiều huân, huy chương cũng như những danh hiệu cao quý, nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất là được bà con tin yêu gọi với cái tên thân thương “Ma Ngọc”. Không tự thỏa mãn với những thành tích đã đạt được, anh luôn trăn trở với những gì mình chưa làm được để nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của các buôn làng trên cao nguyên Đắk Nông.
CATP Hà Tĩnh