Người dân Colombia bác bỏ thỏa thuận hòa bình lịch sử với FARC
Express vừa đưa tin cho biết, trong cuộc trưng cầu hôm mùng 2-10, hơn 50% người dân Colombia đã từ chối một thỏa thuận hòa bình với nhóm quân du kích lực lượng Vệ binh cách mạng Colombia (FARC).
[caption id="" align="aligncenter" width="480"] Colombia đang bị rơi vào bất ổn sau kết quả bỏ phiếu gây bất ngờ hôm mùng 2-10.[/caption] Quốc gia Nam Mỹ đang bị rơi vào bất ổn sau kết quả bỏ phiếu gây bất ngờ, với hơn 50% người dân Colombia chọn tiếp tục cuộc chiến với FARC. Trước cuộc trưng cầu dân ý, ông Santos đã tự tin vào kết quả thắng lợi, nói rằng, nếu người dân bỏ phiếu nói "không" với thỏa thuận này thì đó sẽ là "thảm họa", và sẽ đưa Colombia trở lại chiến tranh nếu thỏa thuận bị từ chối. Cử tri Alejandro Jaramillo, 35 tuổi, một kỹ sư đến từ Bogota nói: "Tôi đã bỏ phiếu 'không'. Tôi không muốn dạy các con tôi rằng, tất cả mọi thứ đều có thể được tha thứ". Cựu Phó tổng thống Colombia Francisco Santos, một người cũng chọn "không", cho biết: "Đây là một thông điệp rõ ràng. Tôi mong tất cả các công dân hãy tin tưởng là chúng tôi sẽ biết cách xử lý tình trạng này để không gây ra kích động. Chúng tôi sẽ làm việc với chính phủ để làm lại hiệp ước này". Trước đó, vào ngày 26-9, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã ký một thỏa thuận hòa bình với nhà lãnh đạo FARC Timochenko, với hy vọng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 52 năm, khiến 260.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu này đã đánh tan giấc mơ kết thúc cuộc chiến hàng thập kỷ này của ông Santos. Đây thực sự là một thảm họa với vị tổng thống Colombia. Ông Santos, 53 tuổi, đã từng khẳng định, không có kế hoạch B để kết thúc chiến tranh, mặc dù quân nổi dậy đồng ý hạ vũ khí, và tham gia vào tiến trình chính trị. Theo hiệp định, FARC- một phong trào bắt đầu từ cuộc nổi dậy của nông dân hồi năm 1964, có thể cạnh tranh trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào năm 2018, và được đảm bảo có 10 ghế tại quốc hội tới năm 2026. Tuy nhiên, nhóm này sẽ phải từ bỏ vai trò trong mảng buôn bán ma túy bất hợp pháp, và tham gia cải cách nông thôn Colombia.
CATP Hà Tĩnh