Người Hà Tĩnh hiếu học, thủy chung, kiên cường
Hà Tĩnh là nơi tụ cư của người Việt cổ, được minh chứng bằng các di chỉ khảo cổ có niên đại trên 4 ngàn năm như: Phôi Phối, Bãi Cọi, Thạch Lạc... Đây là đất “Giang sơn tụ khí” không chỉ theo nghĩa địa lý phong thổ mà xét về trầm tích văn hóa giống nòi qua các thời đại.
Người Hà Tĩnh bởi thế có những giá trị văn hóa đặc trưng, đáng quý, cần được phát huy trong giai đoạn hội nhập và phát triển của quê hương, đất nước.
HIẾU HỌC VÀ KHOA BẢNG
Có thể nói, giá trị văn hóa đặc trưng đầu tiên của con người Hà Tĩnh là hiếu học và học giỏi, có nhiều người đỗ đạt thành danh. Lần theo chiều dài lịch sử, chúng ta thấy thời nào Hà Tĩnh cũng xuất hiện những anh hùng, chí sĩ, danh nhân văn hóa. Chỉ tính từ thời Trần đến thời Nguyễn, Hà Tĩnh có 148 vị đại khoa, trong đó người đỗ Tiến sĩ trẻ nhất, lúc 18 tuổi là Nguyễn Tử Trọng (Hương Sơn), người đỗ Tiến sĩ cao tuổi nhất, lúc 52 tuổi là Nguyễn Văn Suyền (Thạch Hà) và người được khắc tên vào bia cuối cùng tại Văn Miếu Quốc Tử giám (bia số 82) là Phan Huy Ôn, năm 1779.
Đặc biệt, Hà Tĩnh có nhiều gia đình, dòng họ có truyền thống học hành khoa bảng: Hoàng giáp Nguyễn Văn Giai có 13 con trai đều đỗ từ Hương cống trở lên; cha con Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy đều đỗ Trạng nguyên đời Trần; dòng họ Nguyễn (Tiên Điền), dòng họ Nguyễn Huy (Trường Lộc) có nhiều người đỗ đạt, thành danh; Làng Đông Thái (Tùng Ảnh) có gần 1.000 giáo sư, tiến sĩ... Nhiều tên tuổi người Hà Tĩnh đã làm rạng danh đất nước như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, Đặng Tất, Đặng Dung, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp, Lê Hữu Trác, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hà Huy Tập...
Sau Cách mạng tháng Tám 1945 lại nay, Hà Tĩnh có trên 130 giáo sư, trên 500 phó giáo sư và trên 1.500 tiến sĩ, văn nghệ sĩ nổi tiếng làm việc trong và ngoài nước, chiếm khoảng 11% trí thức bậc cao của cả nước(1). Đây là con số không nhỏ so với diện tích và dân số của một tỉnh miền Trung nhỏ bé. Trong số này, nổi lên nhiều tên tuổi lớn trên nhiều lĩnh vực như: Nguyễn Phan Chánh, Điềm Phùng Thị (lĩnh vực nghệ thuật); Lê Văn Thiêm, Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu, Đào Vọng Đức, Hà Huy Khoái (lĩnh vực Toán, Lý); Trần Vĩnh Diện (lĩnh vực Hóa học), Võ Quý, Phan Nguyên Hồng (lĩnh vực Sinh học); Phạm Khắc Quảng, Lê Kinh Duệ, Phạm Song, Nguyễn Viết Tiến (lĩnh vực Y học), Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn (lĩnh vực Sử học); Nguyễn Đổng Chi, Lê Khả Kế, Xuân Diệu, Huy Cận, Hà Xuân Trường, Hoàng Trinh, Vũ Ngọc Khánh, Hoàng Ngọc Hiến (lĩnh vực văn hóa, văn học)… Những tên tuổi này đã đúc kết được những phẩm chất cơ bản làm nên cốt cách hiếu học, cần cù, có chí tiến thủ và ý thức lập nghiệp của người Hà Tĩnh. Truyền thống đó đang được tiếp tục phát triển trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Từ năm 2010 đến tháng 8/2016, Hà Tĩnh đã huy động được 183,85 tỷ đồng khuyến dạy, khuyến học, khuyến nghề, có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, tiêu biểu như: Võ Anh Đức (HCV), Phan Nhật Duy (HCV), Lê Nam Trường (HCB), Đinh Lê Công (HCB), Nguyễn Thị Việt Hà (HCĐ)… tại các kỳ thi Olympic Toán quốc tế.
KIÊN CƯỜNG VÀ DŨNG CẢM
Người Hà Tĩnh cũng giàu truyền thống yêu quê hương, đất nước, kiên cường, dũng cảm trong chống giặc ngoại xâm, tạo nên bản sắc văn hóa vùng miền rất rõ nét.
Dưới các triều đại phong kiến, thời nào Hà Tĩnh cũng có những anh hùng, chí sĩ là biểu tượng sáng ngời của truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Đầu tiên là khởi nghĩa Hoan Châu của Mai Thúc Loan chống quân xâm lược nhà Đường (713-722), đã góp phần thắp sáng dân tộc ta trong đêm trường 1.000 năm Bắc thuộc. Cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI (980-1009), Cao Minh Hựu, danh tướng giúp Lê Hoàn đánh tan quân xâm lược nhà Tống. Đầu thế kỷ XV (1407-1414), Quốc công Đặng Tất, Bình chương Đặng Dung giúp nhà Hậu Trần lập nên chiến công vang dội đánh tan quân Minh ở Bô Cô, Thái Già. Trong khởi nghĩa Lam Sơn, các danh tướng Nguyễn Biên, Nguyễn Tuấn Thiện, Lê Bôi… đã góp phần quan trọng giúp Lê Lợi đánh tan quân Minh, xây dựng nền độc lập. Thế kỷ XVIII, Nguyễn Thiếp, Dương Văn Tào, Ngô Văn Sở, Hồ Phi Chấn... đã giúp Quang Trung Nguyễn Huệ đánh tan quân xâm lược nhà Thanh. Thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Phan Đình Phùng, Cao Thắng đã làm nên cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) oanh liệt.
Đầu thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nghệ Tĩnh đã làm nên cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh - cuộc diễn tập đầu tiên để tiến đến Cách mạng tháng Tám 1945. Thời kỳ này, Hà Tĩnh đã xuất hiện nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung như: Trần Phú, Hà Huy Tập, Lý Tự Trọng… và biết bao chiến sĩ vô danh khác.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vĩ đại, Hà Tĩnh đã có hàng chục vạn con em ra trận, trong đó có hàng vạn người đã ngã xuống. Nhiều người con Hà Tĩnh đã làm rạng rỡ truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương như: Phan Đình Giót, Nguyễn Đô Lương, Nguyễn Xuân Lực, Dương Chí Uyển, La Thị Tám, Vương Đình Nhỏ…; đặc biệt, 10 cô gái Đồng Lộc thuộc Tiểu đội 4 - Đại đội 552 thanh niên xung phong Hà Tĩnh đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
CẦN KIỆM, CHÂN TÌNH VÀ CHUNG THỦY
Sinh ra trên vùng đất được mệnh danh là “chảo lửa, túi mưa”, thiên nhiên khắc nghiệt, luôn phải đối mặt với thiên tai, địch họa nên người Hà Tĩnh bản tính cần kiệm, cương trực, chân tình, chung thủy. Cố học giả Đặng Thai Mai từng đúc rút về người Nghệ Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh): “Can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến… cá gỗ”.
Địa hình phức tạp, đất đai phần nhiều rắn, xấu, ít bằng phẳng, ruộng núi thì cao khô, ruộng gần biển thì chua mặn, bạc màu, mùa nắng thường đại hạn, mùa mưa thường bão lụt nên người Hà Tĩnh thường phải sống cần kiệm mới có cái ăn, cái mặc. Người Hà Tĩnh thường dạy con cháu yêu lao động, không được “siêng ăn, nhác làm”; phải tiết kiệm, “được mùa chớ phụ ngô khoai”; phải biết “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”. Cần kiệm đã trở thành một tập quán, thói quen, một tính cách của người Hà Tĩnh.
Cũng do yếu tố địa văn hóa đặc trưng nên người Hà Tĩnh cương trực, thẳng thắn và cởi mở, biểu lộ tình cảm chân tình, không khách sáo; thủy chung, trọn tình, trọn nghĩa trong kết giao. Thẳng, thật, thô mộc nhiều khi đến vụng về, dễ mất lòng người nhưng bù lại là bản tính chân tình, có trước, có sau của người Hà Tĩnh lại quy tụ được lòng người. Điều này được thể hiện rất rõ trong thực tế cũng như kho tàng văn hóa, văn nghệ của người Hà Tĩnh trong tục ngữ, ca dao: “Đã thương thì thương cho chắc, đã trục trặc thì trục trặc cho luôn”, “Mất lòng trước, được lòng sau”, “Gừng cay, muối mặn xin đừng quên nhau”… Điều đó cũng chính là sự lý giải vì sao rất nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng trong cả nước sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng, tràn đầy tình cảm về vùng đất này.
(1). Theo số liệu thống kê của Liên hiệp Hội KH&KT Hà Tĩnh
CATP Hà Tĩnh