Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Người sinh viên thủ khoa ngày ấy, bây giờ

-Là Thủ khoa khóa D11 (1985 - 1990) của Học viện Cảnh sát nhân dân, tròn 25 năm sau ngày ra trường, cùng với những cống hiến xuất sắc trên lĩnh vực bảo vệ ANQG, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, với những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, “người sinh viên thủ khoa năm ấy” đã được vinh danh, ghi nhận xứng đáng bằng chức danh Phó Giáo sư vừa được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận. Anh là PGS.TS, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An.

[caption id="attachment_15182" align="aligncenter" width="600"]Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, Đoàn Đại biểu Nghệ An phát biểu tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, Đoàn Đại biểu Nghệ An phát biểu tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV[/caption]

1. Việc Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh Phó Giáo sư đối với Đại tá Nguyễn Hữu Cầu là sự ghi nhận xứng đáng sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, nỗ lực giữa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và nghiên cứu khoa học. Không chỉ tròn vai nhiệm vụ của một người chỉ huy trên lĩnh vực bảo vệ ANQG, giữ gìn trật tự an toàn xã hội mà anh còn dành nhiều thời gian để đọc và chuyên tâm nghiên cứu, hướng dẫn hàng chục sinh viên hoàn thành xuất sắc đề tài nghiên cứu thạc sĩ và tiến sĩ.

Ngoài ra, anh còn giúp đỡ nhiều sinh viên đào tạo các chuyên ngành điều tra, trinh sát của Học viện CSND trong quá trình làm luận văn tốt nghiệp.

Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2016 diễn ra vào sáng thứ bảy, ngày 5/11/2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam, số 1, Đại lộ Thăng Long (Hà Nội). Năm 2016, cả nước có 65 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư và 638 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư. Lực lượng CAND có thêm 4 Giáo sư và 26 Phó Giáo sư, trong đó có Đại tá Nguyễn Hữu Cầu.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cũng đã hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở, 5 công trình khoa học tiêu biểu với tư cách là chủ nhiệm, chủ biên hoặc người tham gia. Cùng với đó, bản thân anh đã công bố 34 bài báo khoa học, bài viết đăng kỷ yếu hội thảo trong nước. Những con số “biết nói” này đã minh chứng cho sự miệt mài trong lao động sáng tạo và nghiên cứu khoa học trong suốt mấy chục năm qua mà bản thân anh luôn tâm niệm, đeo đuổi bằng niềm đam mê thực sự.

Một số công trình nghiên cứu nghiêm túc, đề án mà Công an Nghệ An, sau khi triển khai vào thực tiễn đã mang lại những kết quả thiết thực. Đáng kể như Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tin học vào công tác quản lý nhân, hộ khẩu tại địa bàn TX Cửa Lò”, được nghiệm thu vào năm 2010, sau khi áp dụng đã đem lại những kết quả quan trọng. Thông qua việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu bằng phần mềm thông minh, đã thực hiện tốt hơn quy trình nghiệp vụ quản lý nhân, hộ khẩu. Qua đó, góp phần nâng cao nghiệp vụ, thúc đẩy mạnh mẽ công tác cải cách hành chính  tại Công an TX Cửa Lò, đồng thời là mô hình để nhân rộng cho các huyện, thành, thị trên địa bàn toàn tỉnh.

Hay như Đề tài “Nghiên cứu các giải pháp phòng, chống tệ nạn ma túy trong thanh, thiếu niên và học sinh” (1999) đã đánh giá được thực trạng, phân tích nguyên nhân, điều kiện của tệ nạn ma túy trong thanh, thiếu niên và học sinh ở Nghệ An. Từ đó, đưa ra được những dự báo về tình hình tệ nạn ma túy trong thời gian tới để xây dựng giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn ma túy trong thanh, thiếu niên và học sinh trên địa bàn Nghệ An.

2. Tháng 7/2015, dư luận cả nước hướng tâm điểm vào hai sự việc gần như cùng xảy ra trong một thời điểm, ấy là 2 vụ thảm sát nhiều người trong cùng một gia đình tại các tỉnh Bình Phước và Nghệ An. Trong khi vụ án ở Bình Phước chỉ sau 4 ngày đã tìm ra hung thủ, thì “thảm sát” ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã qua nhiều ngày nhưng vẫn chưa có kết quả điều tra khiến nhiều người “băn khoăn” về nghiệp vụ của Công an Nghệ An. Thực tế những ai đã từng hoặc có mặt tại đây thì mới thấu hiểu được khó khăn, vất vả trong việc phá án tại vùng giáp biên này. Địa thế hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, mọi thông tin liên lạc gần như bị chia cắt, tách biệt với thế giới bên ngoài.

Hai tuần sau ngày án mạng xảy ra nhưng hung thủ vẫn chưa lộ diện, ở cương vị là “tân thủ lĩnh” của Công an Nghệ An, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu quyết tâm vào tận hiện trường chỉ đạo phá án. Chính thời điểm ấy, hình ảnh vị Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh mặc áo phông, quần soóc, đầu đội mũ cối, khăn vắt vai, tay chống gậy phăng phăng dẫn đầu đoàn công tác lội suốt, cắt rừng truy tìm hung thủ đã trở thành động lực khích lệ phá án mãnh liệt.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường vụ án ở bản Phồng (tháng 7/2015)
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường vụ án ở bản Phồng (tháng 7/2015)

Với sự chỉ đạo trực tiếp và sắc bén, chỉ sau 3 ngày kể từ khi anh có mặt tại hiện trường, hung thủ sát hại 4 mạng người trong cùng một gia đình tại bản Phồng đã được làm rõ. Vụ án được làm sáng tỏ đã giải tỏa tâm lý cho bà con ở vùng biên giới, bởi trong thời gian thủ phạm chưa lộ diện, có nhiều tin đồn thất thiệt về nhóm tội phạm giấu mặt đã khiến dư luận hoang mang, lo lắng.

Vụ việc phá án ở bản Phồng chỉ là một ví dụ rất nhỏ để minh chứng bản lĩnh, kinh nghiệm và sự nhạy bén, tinh tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm của Đại tá Nguyễn Hữu Cầu. Còn nhớ, trước đó, vào năm 2012, cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Nghệ An là địa phương thứ ba trong cả nước phát hiện, triệt xóa thành công cơ sở sản xuất ma túy đá đã làm nức lòng nhân dân. Công lớn trong chuyên án này, có được là do Đại tá Nguyễn Hữu Cầu đã nhận định vấn đề và chỉ đạo điều tra đúng hướng, từ đó lật mặt được “ông trùm” Lê Thanh Hải, kẻ núp bóng Việt kiều thành đạt để gieo rắc “cái chết trắng”.

Thêm một câu chuyện có thật khác để vị Tư lệnh ngành Công an Nghệ An được nhân dân hết lòng tin yêu, ấy là vụ việc ẩu đả giữa một số người ở Giáo xứ Quan Lãng với dân địa phương xảy ra vào tháng 7/2012 ở Yên Khê (Con Cuông). Khi sự việc đang được đẩy lên ở mức cao trào của sự căng thẳng, thì hình ảnh vị Đại tá Công an bỏ chiếc mũ kêpi trên đầu xuống, trao cho một người dân để làm tin đã hóa giải mọi rắc rối, số đông những người quá khích hôm đó đã tin tưởng, thả con tin, “hạ hỏa” rồi tự giải tán.

3. Là Đại biểu Quốc hội, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu luôn cố gắng nắm bắt, lắng nghe để hiểu, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Điều này được thể hiện qua những lần anh đi tiếp xúc cử tri tại các huyện miền núi và qua những lần đối thoại với nhân dân.

Nhiều người sau đó đã kể lại rằng, tiếp xúc với Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh mà cảm giác gần gũi như đang trò chuyện với những người thân trong gia đình mình vậy. Nói về điều này, anh chia sẻ, mình được dân tin tưởng bầu chọn, là đại diện cho nhân dân mang tiếng nói ra trước Quốc hội. Bản thân cũng xuất phát từ gia đình nông dân, không nghe dân, hiểu dân, giúp dân thì còn làm việc cho ai nữa? Sự tâm huyết và có trách nhiệm của Đại tá Nguyễn Hữu Cầu ở cương vị Đại biểu Quốc hội được thể hiện tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV ở địa bàn huyện Tương Dương vào ngày 26/9 vừa qua. Khi nghe người dân “tố” khổ vì dự án thủy điện, anh đã lắng nghe và hứa sẽ hành động bằng việc đề xuất ngưng phê duyệt thêm dự án thủy điện trên địa bàn huyện này.

Dù chỉ mới ở cương vị Giám đốc Công an tỉnh trong thời gian chưa đầy 2 năm, song Đại tá Nguyễn Hữu Cầu đã mạnh tay “xốc” lại tác phong, nề nếp, lề lối làm việc và điều lệnh nội vụ, hướng đến 5 tiêu chí “Chính quy hơn, tận tụy hơn, lễ phép hơn, quyết liệt hơn và uy tín hơn”. Phong trào thi đua của Công an Nghệ An đang từng bước đi lên mạnh mẽ trong phong trào thi đua Vì ANTQ của toàn lực lượng CAND.

Xin được chúc mừng anh, PGS.TS, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An!

Thiên Thảo/ Theo Báo Công an Nghệ An

CATP Hà Tĩnh