Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Người thầy thuốc mang sắc phục Công an và những bệnh nhân mang áo số

Công tác trong ngành y vốn đã chịu nhiều áp lực, nhưng khi bệnh nhân là những can, phạm nhân thì trọng trách của người thầy thuốc càng đặt nặng hơn cả. Đó là những áp lực, là sự nguy hiểm mà hằng ngày, hằng giờ những người lính CAND khoác áo blouse trắng phải đối mặt và nếm trải.

Phòng làm việc của các y, bác sỹ Trại tạm giam Công an Hà Tĩnh là căn nhà một tầng đã nhuốm màu thời gian. Bệnh xá chưa có đến 10 giường  bệnh nhưng bệnh nhân thường rất đông, nhiều khi phải nằm ghép với nhau khiến việc điều trị gặp khó khăn hơn. Ở đây, điều trị không thiếu một thứ bệnh gì, từ viêm dạ dày, viêm gan B, viêm phế quản, tim mạch... Quân số còn khiêm tốn, phần đông lại là nữ nên trong quá trình khám, chữa bệnh không tránh khỏi nhiều “ca bệnh” tế nhị.

 Tập thể cán bộ y, bác sỹ Trại tạm giam Công an Hà Tĩnh

Môi trường làm việc ở Trại tạm giam có những đặc thù riêng. Ở đây, ngoài số ít phạm nhân có mức án thấp được giữ lại lao động, cải tạo thì bị can phần nhiều là những người phạm tội vừa được đưa vào, tâm lý chưa ổn đinh, thường xuyên hoang mang, lo sợ. Thời gian gần đây, số đối tượng phạm tội về ma túy tăng đột biến, đặc biệt là đối tượng nghiện ma túy, chúng thường xuyên có tư tưởng chống phá, nhiều lần lên cơn nghiện, gây khó khăn cho công tác quản lý và điều trị. Hơn nữa, số bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS rồi kéo theo các bệnh truyền nhiễm khác, nếu không cẩn thận khả năng lây nhiễm rất cao.

Vừa bắt bệnh, vừa phải bắt tâm lý

Các cán bộ y tế ở của Trại Tạm giam vừa phải làm công tác chuyên môn, vừa là một người bạn, người thầy. Đồng chí Lưu Như Quốc bác sỹ ở Trại cho biết: “Trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, không ít đối tượng muốn được ra ngoài hưởng không khí tự do, thoáng đãng nên sử dụng hàng trăm chiêu trò, yêu sách để đối phó với cơ quan chức năng. Nhiều đối tượng còn tự thương chính mình rồi kêu ca, giả vờ bệnh tật đòi được đi điều trị ở bệnh viện. Nhất là những ngày mưa rét, nửa đêm các đối tượng kêu đau ốm đòi cấp cứu, cán bộ trực phải chạy xuống khu buồng giam cả đêm. Vất vả lắm.”

 Vất vả, áp lực và cả hiểm nguy nhưng những người thầy thuốc mặc áo lính bằng tình thương, trách nhiệm và lương tâm của mình vẫn cố gắng vượt qua để hoàn thành tốt công việc

Tâm sự với chúng tôi, đồng chí kể về đối tượng Trần Thị Hạnh là tử tù giam giữ ở Trại. Thời gian đầu nhập trại, phạm nhân Hạnh có tư tưởng tâm lý hoảng loạn, lo sợ, suốt ngày la hét, lảm nhảm nói chuyện một mình rồi đâm đầu vào tường, không ít lần tự thương bản thân. Những ngày đó, bác sỹ phối hợp với các quản giáo, thường xuyên vào động viên, gần gũi, chia sẻ và điều trị tâm lý cho phạm nhân. Tư tưởng Hạnh dần ổn định hơn.

Trường hợp gây ám ảnh nhất với các y, bác sỹ ở trại là đối tượng Sáng, phạm tội cướp tài sản. Đối tượng này trước đó đã có tiền án, tiền sự. Khi vào trại thường xuyên có tư tưởng chống đối, vi phạm nội quy. Có lần, anh ta uống cả chai hóa chất tẩy rửa bồn cầu phải đưa đi điều trị tại bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Các y, bác sỹ thay nhau theo dõi, điều trị cho đối tượng ròng rã suốt 4 tháng.

Áp lực, vất vả là vậy, nhưng chưa có ca bệnh nào làm cho họ chùn bước. Khoác trên mình hai màu áo, họ vẫn âm thầm làm tròn trách nhiệm của mình. Không kêu ca, không phàn nàn, lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan, động viên, khích lệ bệnh nhân của mình, giúp cho các can, phạm nhân thêm vững tin hơn trên con đường phục thiện, cải tà quy chính, góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối Trại.

 Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 sắp đến gần, món quà mà các y, bác sỹ ở Trại tạm giam Công an Hà Tĩnh mong chờ không phải là những đóa hoa tươi thắm, những món quà mang ý nghĩa vật chất; đối với họ, món quà, niềm vui đơn giản là khi các can, phạm nhân ổn định tâm lý, đảm bảo sức khỏe, yên tâm lao động, cải tạo.

CATP Hà Tĩnh