Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Nhiều khó khăn trong xử lý các vụ xâm hại trẻ em

Theo quy định trong dự thảo lần này, sau khi trẻ bị xâm hại, xâm hại tình dục phải được đưa đi giám định trong vòng 3 ngày. Nhưng thực tế chỉ 12 giờ sau khi xảy ra vụ việc, chứng cứ lưu lại trên cơ thể nạn nhân có thể đã không còn. Trong khi đó, nhiều vụ việc xâm hại, xâm hại tình dục ở trẻ được đưa đi giám định rất chậm, ảnh hưởng tới việc điều tra vụ án.

“Xâm hại tình dục trẻ em là án khó xử lý nhất” Sáng 11-5, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (78 tuổi, trú tại TP Vũng Tàu) về tội “Dâm ô đối với trẻ em”. Theo cáo trạng, khoảng tháng 4 và 5-2014, ông Thủy đã có hành vi dâm ô đối với hai cháu gái tại chung cư Lakeside, TP Vũng Tàu. Vụ thứ nhất, vào tối một ngày tháng 4-2014, anh T. dẫn con gái là cháu N.N.A.D. (SN 2008) và con trai (SN 2003) đến chơi tại khu vực cầu trượt của chung cư.

Nhiều ý kiến sâu sắc đóng góp tại hội thảo.
Trong lúc cháu D. chơi thì ông Thủy đi đến dùng tay sờ vào bộ phận sinh dục của cháu D. Hành vi của ông Thủy bị anh trai cháu D. phát hiện vào báo cho bố biết. Anh T. đến hỏi con sự việc rồi chửi mắng, tát ông Thủy, sau đó báo cho bảo vệ của chung cư. Vụ thứ hai, cũng vào khoảng tối một ngày tháng 5-2014, khi cháu T.H.A. (SN 2003) đang ở trong căn hộ chung cư nói chuyện với bạn cùng lớp ở bên ngoài thì ông Thủy đi đến. Từ bên ngoài cửa sổ, ông Thủy luồn tay qua khe, thực hiện hành vi dâm ô với cháu T.H.A. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Khắc Thủy cho rằng mình không phạm tội. Các luật sư bào chữa cho ông Thủy cũng đều cho rằng thân chủ của mình không phạm tội như cáo trạng và bản luận tội của Viện KSND tỉnh. Tuy nhiên, đại diện Viện KSND tỉnh giữ quyền công tố tại tòa đã bác những lời bào chữa trên của hai luật sư và giữ nguyên quan điểm truy tố. Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định pháp luật và khẳng định những lời khai của bị hại, đại diện bị hại phù hợp với hiện trường vụ án. Do đó, tòa bác những bào chữa của luật sư cũng như việc không nhận tội của bị cáo và tuyên phạt bị cáo Thủy 3 năm tù. Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Thủy kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm sáng 11-5, bị cáo Thủy vẫn cho rằng mình có hay xuống sân chung cư chơi, xoa đầu trẻ vì tình thương, còn hành vi dâm ô là không có, mà bị vu oan, hiểu lầm. Theo HĐXX, hiện chưa xác định được hành vi phạm tội của bị cáo Thủy trong vụ bé H.A, riêng vụ bé D. đã có đủ chứng cứ kết tội. Ngoài ra, bị cáo là cán bộ nghỉ hưu, có nhiều đóng góp cho địa phương và hiện tuổi cao sức yếu. Sau khi nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên phạt mức án 18 tháng tù, cho hưởng án treo đối với bị cáo Thủy. Đây là mức án hiện bị dư luận kịch liệt phản đối, xem là chưa tương thích  với tội lỗi mà bị cáo Thủy gây ra. Vụ việc này là điển hình cho việc khó khăn trong việc điều tra, buộc tội và xét xử những vụ xâm hại trẻ em, đúng như ý kiến của Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Đội trưởng Đội Trọng án, Phòng PC45, Công an TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo về “Tham vấn hoàn thiện quy trình phối hợp, hỗ trợ, can thiệp và xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 3-5, xác định trong các loại án thì xâm hại tình dục trẻ em là án khó xử lý nhất.
Cháu N.N.B (15 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) bị cha dượng xâm hại tình dục nhiều lần.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Dũng, đối với những vụ hiếp dâm trẻ em, cơ quan Công an phải trải qua nhiều quy trình làm việc. Để khởi tố vụ án, cơ quan Công an cần phải có kết luận giám định từ cơ quan chức năng để có chứng cứ khởi tố vụ án và tránh việc khởi tố oan. Thực tế, một vụ án hiếp dâm trẻ em cần có lời khai, chứng cứ rõ ràng, như phải có kết quả giám định xem tinh trùng, tinh dịch và các vết tích của người thực hiện hành vi hiếp dâm có trong âm đạo hay cơ thể nạn nhân không. Điều đáng nói là nhiều trường hợp phụ huynh phát hiện vụ việc quá trễ, chưa kể đa số các bậc cha mẹ không hiểu đã cho con mình tắm rửa, giặt giũ ngay… dẫn đến không ít chứng cứ quan trọng bị mất đi, khiến cho việc giám định không đạt được kết quả. Ngoài ra, chưa kể nhiều vụ sau khi xảy ra, nạn nhân đã được người nhà đưa đi đâu đó, hoặc rời khỏi địa phương khiến vụ án khó điều tra. Cùng ý kiến, Thượng tá Nguyễn Thanh Huyền, Phó Trưởng phòng PC45, Công an TP Hồ Chí Minh cho rằng, để điều tra một vụ lạm dụng, xâm hại tình dục trẻ rất khó. Công an cần phải có lời khai, chứng cứ vật chất để xác định những tổn thương của trẻ. Đáng nói là lời khai của nạn nhân và cả đối tượng nghi vấn chỉ là một trong các chứng cứ để xem xét chứ không phải chứng cứ buộc tội. Theo quy định trong dự thảo lần này, sau khi trẻ bị xâm hại, xâm hại tình dục phải được đưa đi giám định trong vòng 3 ngày. Nhưng thực tế chỉ 12 giờ sau khi xảy ra vụ việc, chứng cứ lưu lại trên cơ thể nạn nhân có thể đã không còn. Trong khi đó, nhiều vụ việc xâm hại, xâm hại tình dục ở trẻ được đưa đi giám định rất chậm, ảnh hưởng tới việc điều tra vụ án. Cốt yếu là phải làm tốt công tác phòng ngừa Ở một địa bàn cụ thể là quận 4, TP Hồ Chí Minh, theo ông Võ Phi Châu, chuyên viên Phòng LĐ-TB&XH quận 4, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn quận 4 đã xảy ra 24 vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại, xâm hại tình dục, tuy nhiên chỉ có một vụ việc được đưa ra xét xử. Ông Châu cho biết thêm, năm 2017, thành phố có chỉ thị tăng cường phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em, tuy nhiên thực tế chỉ ban hành chỉ đạo, tổ chức tập huấn, công bố số điện thoại nóng, các hoạt động tư vấn…, nhưng thực tế các hoạt động chỉ mang tính bề nổi, chưa có chiều sâu. Dù có các phối hợp liên ngành nhưng chưa hiệu quả, điển hình là vẫn có nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại. Ông Châu nêu vụ việc cụ thể là vụ bé gái 15 tuổi đưa cha đi chạy thận rồi bị đối tượng giữ xe xâm hại tình dục trên địa bàn quận 4 gây rúng động dư luận, tuy nhiên đến nay vẫn “án binh bất động”. “Trong vụ việc này, nạn nhân ngoài nỗi đau bị xâm hại thì còn bị các nỗi đau khác, đó là sang chấn tâm lý, phải bỏ học, bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Do đó, đối với vụ việc trẻ bị xâm hại cần phải được giải quyết một cách nhanh chóng, tránh hệ lụy đau lòng”, ông Châu kiến nghị. Trong khi đó, ông Đặng Văn Ẩn, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Chánh, cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, tại huyện này đã xảy ra ba vụ xâm hại tình dục trẻ em, nhưng việc tiếp cận, nắm bắt thông tin nạn nhân, thu thập chứng cứ rất khó khăn, vì có gia đình đưa con đi nơi khác sinh sống sau khi xảy ra vụ việc. Tuy nhiên dù những sự việc đó được đưa ra xét xử hay không thì vẫn để lại những hậu quả đau lòng. Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh thì trong năm 2017 và quý I/2018, Hội đã tiếp nhận, can thiệp, phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 26 trường hợp bị xâm hại, bạo hành, bỏ rơi, trong đó có đến 17 vụ trẻ bị xâm hại tình dục. Mặc dù đã nỗ lực can thiệp nhanh nhất có thể, nhưng trong nhiều vụ việc, Hội vẫn còn lúng túng về quy trình tiếp nhận, can thiệp hoặc phối hợp với cơ quan chức năng để có thông tin chính xác, theo dõi tiến độ xử lý, điều tra. Bà Phan Thanh Minh, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh tỏ ý băn khoăn khi cho rằng dù Luật Trẻ em, Nghị định 56 của Chính phủ đã có quy định cụ thể hướng dẫn bảo vệ trẻ em; Quyết định 847 của Bộ LĐ-TB&XH về vai trò trách nhiệm của phường, xã, Công an, cán bộ bảo vệ trẻ em… tuy nhiên thực tế chưa phát huy được hiệu quả, chưa có tiêu chí đánh giá tổn hại tinh thần của trẻ, hay biện pháp can thiệp kịp thời. “Theo thống kê hiện có 57 văn bản luật và dưới luật liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em, nhưng thử hỏi có bao nhiêu cán bộ làm công tác trẻ em ở phường, xã nắm được hết nội dung những văn bản này để áp dụng? Nếu muốn giải quyết thì cán bộ phải nắm được luật, được quy định mới có thể áp dụng vào thực tế. Ngoài ra, công tác phòng ngừa, tập huấn, tuyên truyền chính sách pháp luật Việt Nam liên quan đến phụ nữ cũng có cả hàng chục văn bản chắc khó ai nhớ nổi, vậy việc tập huấn, tuyên truyền đã đạt được hiệu quả chưa?”, bà Minh đặt câu hỏi. Cũng theo bà Minh, hiện nay TP Hồ Chí Minh đã đưa ra 15 tiêu chí chấm điểm địa phương đạt tiêu chuẩn an toàn, phù hợp với trẻ em, toàn thành phố có 322 phường, xã thì hơn 90% đạt những tiêu chí này. Đây là kết quả mang tính “thi đua” theo thành tích, chưa thật vì thực tế rất nhiều trẻ em vẫn bị xâm hại.
Một phụ huynh ở Sóc Trăng đau buồn khi nói về nỗi đau con gái bị hàng xóm hiếp dâm.
Đáng nói, theo bà Minh, khi can thiệp, bảo vệ trẻ em thì chúng ta không chỉ bảo vệ cho trẻ em là nạn nhân, là người bị hại mà còn phải bảo vệ cho trẻ em là thủ phạm, là người phạm tội nữa. Nhưng có vẻ thực tế các văn bản chưa nói đến yếu tố này. Và nếu căn cứ theo Luật Hình sự thì hiện nay khi đủ 14 tuổi nếu thực hiện những hành vi cố ý, đặc biệt nghiêm trọng thì đã bị xử lý theo luật này rồi,  còn nếu xử phạt hành chính thì 12 tuổi cũng đã xử lý rồi. “Do đó, với trẻ em phạm tội thì với chức năng của chúng ta cần phải giáo dục, làm sao để các em có mức án nhẹ hơn, việc giam riêng hay giam chung như thế nào cũng phải tính đến; bên cạnh đó là sự tham gia của luật sư như thế nào để bảo vệ cho các em… Theo tôi, điều chính yếu để bảo vệ trẻ vẫn là phải làm tốt công tác phòng ngừa để đừng xảy ra, hoặc giảm thiểu tình trạng này. Trong đó vai trò của phường, xã là đặc biệt quan trọng”, bà Minh đề nghị. Cùng ý kiến với bà Minh, theo Thượng tá Nguyễn Thanh Huyền, khi một vụ việc xảy ra thì đầu mối thông tin nên tập trung về phường, xã một cách nhanh nhất, để tránh việc mất khoảng thời gian cần thiết cho việc thu thập chứng cứ… sau đó cung cấp cho cơ quan Công an. Tránh tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức cùng vào cuộc, cùng tiếp xúc với trẻ gây ảnh hưởng tâm lý trẻ, khiến trẻ hoảng loạn, từ chối tiếp xúc. Ngoài ra, Ban bảo vệ trẻ em ở địa phương cần làm tốt hơn nữa vai trò truyền thông, ngăn ngừa ở địa phương. Đặc biệt, theo ý kiến của ông Võ Phi Châu thì hiện nay nhiều trẻ em bị xâm hại bởi những thủ đoạn mới. Do đó, cần cập nhật đủ thông tin trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng để kịp thời nắm bắt. Hầu hết các em bị xâm hại trong độ tuổi rất nhỏ, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan đoàn thể, nhà trường, xã hội. Cụ thể như, ngoài địa phương thì giáo viên ở trường mầm non, tiểu học, trung học vẫn có thể giáo dục trẻ em để tăng biện pháp phòng ngừa.

Phú Lữ/ Theo Báo CAND

CATP Hà Tĩnh