Những bước đi lạc lối của một cựu VĐV karate
Cuộc đời những vận động viên thể thao thành tích cao đôi khi cũng rất nghiệt ngã. Bản lĩnh, vượt qua mọi khó khăn để đoạt thành tích cao nhất, cống hiến hết mình nhưng khi giải nghệ, chính họ lại không vượt qua những thử thách của cuộc sống đời thường.
Tôi không am hiểu về võ thuật, cũng không phải là người hâm mộ môn thể thao thành tích cao này. Thế nhưng “cơ duyên” nghề báo lại cho tôi có cơ hội tiếp xúc với những người đã từng làm nên “sự nghiệp” khi theo đuổi con đường thể thao – võ thuật. Đáng tiếc, những cuộc tiếp xúc này lại trong hoàn cảnh hết sức trớ trêu...
Cuộc tiếp xúc đầu tiên là với cựu vận động viên Wushu Trần Xuân Ánh, từng đoạt rất nhiều huy chương vàng giải quốc tế và trong nước. Tháng 8/2006, vận động viên “lắm tài, nhiều tật” này bị Công an quận Đống Đa bắt giữ trong cuộc kiểm tra hành chính một khách sạn, phát hiện Ánh đang thuê phòng “vui vẻ” với một bé gái 13 tuổi. Ánh bị xử 5 năm tù về tội “giao cấu với trẻ em”. Thái độ của Ánh hết sức ngang tàng, lì lợm, ngông cuồng khiến người nào gặp anh ta cũng có cảm giác “lạnh sống lưng”.
Con người của cựu vận động viên này chỉ có võ mà không có đạo. Bằng chứng là sau khi được đặc xá năm 2008, về nhà chỉ một thời gian ngắn, Trần Xuân Ánh đã phạm tội giết người khi cùng đồng bọn tổ chức cuộc đấu súng để trả mối thù cũ với Đào Ngọc Thiết tức Thiết “cù”, một tay anh chị giang hồ. Những vận động viên cậy sức mạnh để ăn hiếp kẻ yếu thế, dùng võ thuật vào những việc vô đạo như vậy, chẳng khác nào hành động của khủng long bạo chúa.
Cuộc gặp lần thứ hai diễn ra với 2 nữ vận động viên: Nguyễn Thị Quy - kiện tướng vật nhưng sau khi giải nghệ, vì tiền đã bán rẻ lương tâm khi đi “săn” những cô gái nhẹ dạ làm “mồi” cho một đại gia mà cô ta kết thân. Và Đỗ Khánh Linh, một cựu vận động viên môn Pencak Silat phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” với những ẩn ức riêng khi mang linh hồn của một người đàn ông nhưng lại phải sống trong vỏ bọc một người phụ nữ.
Người vì tiền mà phạm tội. Người tìm đến ma túy để giải thoát bản thân, đến khi lệ thuộc vào ma túy cũng trở thành tội phạm, dù trước đó, họ từng là vận động viên bản lĩnh thi đấu ngoan cường. Phụ nữ, bề ngoài luôn tỏ ra cứng cỏi thì thực tế, tâm hồn lại hết sức yếu đuối. Cả hai nữ vận động viên võ thuật, cuối cùng đều òa khóc như một đứa trẻ khi nhắc đến những ngày tháng khổ luyện thành tài, khó khăn mấy cũng vượt qua, nhưng cuối cùng lại không chiến thắng nổi bản thân mình...
Lần này là cuộc gặp với một cựu vận động viên Karate – Trương Ngọc Tuấn (sinh năm 1988, ĐKHKTT tại ngõ 399 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội). Dù giải nghệ đã lâu nhưng Trương Ngọc Tuấn vẫn giữ được thể hình phong độ, chắc khỏe của một võ sĩ. Nước da trắng, mái tóc dài uốn nếp, gương mặt điển trai, lãng tử. Nhìn Tuấn giống như một diễn viên điện ảnh.
Phút ân hận của cựu vận động viên karate Trương Ngọc Tuấn. |
Hơn 10 năm trước, Tuấn từng bước lên bục vinh quang nhận Huy chương Đồng giải vô địch Karate trẻ châu Á, sau một trận đấu căng thẳng khiến Tuấn chấn thương, gẫy xương quai xanh.
Nụ cười chiến thắng đã lùi vào dĩ vãng. Hôm nay, tại Công an quận Ba Đình, gương mặt cựu vận động viên khá mệt mỏi và căng thẳng. Hành vi mua bán trái phép chất ma túy của Tuấn bị phát giác vào trưa 30-6. Công an phường Kim Mã kiểm tra hành chính ngôi nhà Tuấn thuê trọ tại ngõ 290 Kim Mã, phát hiện thu giữ 1 hộp sắt chứa 119,252 gam ma túy tổng hợp các loại, bao gồm ma túy “đá”, ketamine và 15 viên “thuốc lắc”. Bước đầu Tuấn khai nhận mua số ma túy trên về bán lẻ kiếm lời.
Bước trượt vào con đường ma túy được cựu động viên lý giải bằng một câu chuyện dài, có phần lan man và lộn xộn. Dường như trong hoàn cảnh này, Tuấn rất cần có người chia sẻ nên cậu ta tâm sự khá cởi mở. Tuấn kể, ông nội là người Bình Định. Ông dạy võ cho bố nhưng không dạy cho Tuấn bởi thấy cháu nội nghịch quá. Có lẽ, ông sợ rằng đứa cháu nếu theo nghiệp võ sẽ nghiêng nhiều về phần “đấu” chứ không trọng phần “đạo”.
“Bố biết võ thuật nhưng cũng không dạy cho em. Nhưng em thích võ từ nhỏ nên xin bố cho học võ tại cung Thiếu nhi” - Tuấn kể. Năm 1997, khi bước chân vào lớp võ thuật tại cung Thiếu nhi, Tuấn chọn môn tán thủ, là môn võ thuật đối kháng. Học một thời gian ngắn thì Tuấn được thầy lựa chọn, chuyển sang học chuyên nghiệp tại trường năng khiếu thể dục thể thao Trịnh Hoài Đức.
Trong một trận thi đấu, bị đối thủ đấm sái quai hàm, Tuấn chuyển sang môn Karate. Nhưng với bản lĩnh thích đối mặt nên Tuấn không chọn nội dung biểu diễn mà chọn nội dung Kumite (đối kháng).
Tuấn tự hào kể rằng, khi theo nghiệp võ thuật, Tuấn đã đoạt rất nhiều huy chương. Bố Tuấn đóng hẳn một chiếc tủ kính riêng để trưng bày huy chương, phần thưởng của cậu con trai. Nếu tính huy chương vàng trong nước thì không nhớ hết được. Giải thưởng quan trọng nhất mà Tuấn nhớ, đó chính là chiếc Huy chương Đồng giải Karate trẻ châu Á năm 2005 tại Ma Cao. Khi đó, Tuấn tham gia nội dung Kumite cá nhân, hạng cân dưới 67kg.
Trước khi đi thi đấu, do bị tăng cân, Tuấn phải trải qua thử thách ép cân, xuống 5kg trong vòng 10 ngày. “Bí quyết” ép cân đối với vận động viên vô cùng khắc nghiệt. Mặc áo mưa chạy vòng quanh sân tập dưới trời nắng gắt để cơ thể mất nước. Bài tập này, không phải vận động viên nào cũng đủ sức chịu đựng. Có người đã ngất trên đường chạy vì trụy tim. Nhưng với thể lực tốt và quyết tâm, Trương Ngọc Tuấn đã chiến thắng bản thân với bài tập ấy.
Trận tranh Huy chương Đồng, trong trí nhớ của cựu vận động viên, khi diễn ra một nửa trận, bị đối thủ đá trúng đầu, Tuấn gần như ngất đi trên sàn thi đấu. Khi mở mắt ra, thấy trọng tài đang đếm, Tuấn bật dậy, tiếp tục thi đấu và giành chiến thắng. Nhận huy chương xong, trở về đoàn, Tuấn thấy đau nhức bả vai. Về nước, vào bệnh viện chụp chiếu, bác sĩ cho biết Tuấn đã bị gãy xương quai xanh và khuyến cáo, với chấn thương này, sau khi hồi phục thì Tuấn cần từ giã sàn đấu.
Chiếc huy chương danh giá không ngờ đã kết thúc sớm sự nghiệp của một vận động viên thể thao đỉnh cao như vậy.
Không chỉ riêng Trương Ngọc Tuấn, mà rất nhiều vận động viên thể thao cấp quốc gia và quốc tế, sau khi từ giã con đường thể thao chuyên nghiệp đã hẫng hụt khi phải đối mặt với cuộc sống cơm áo gạo tiền. Người ta bảo cái nghiệp vận động viên thể thao thành tích cao, đôi khi cũng rất bạc bẽo. Kết thúc sự nghiệp vinh quang, đa phần các vận động viên phải tự xoay xở, kiếm sống bằng các công việc như giáo viên thể dục trong trường học, mở trung tâm thể dục, dạy võ thuật, người chuyển sang kinh doanh...
Nhưng cuộc sống đời thường đôi khi lại khắc nghiệt hơn cả sàn thi đấu. Có người đã hạ gục mọi đối thủ trên đấu trường nhưng khi trở về, họ lại gục ngã trước sức mạnh của đồng tiền và những cám dỗ đời thường. Thường, những vận động viên đỉnh cao một thời đã trượt ngã, va vấp ở chính thời điểm này.
Như nữ kiện tướng vật tự do Nguyễn Thị Quy đã từng chua xót kể rằng, do hoàn cảnh nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ đau yếu, hai anh em Quy phải rau cháo nuôi nhau từ nhỏ. Ăn cũng không được no nên khi được lựa chọn vào đội tuyển thể thao tỉnh Thái Nguyên, Quy đã vô cùng sung sướng bởi từ nay, nhà bớt đi được miệng ăn.
Nữ kiện tướng vật Nguyễn Thị Quy tại cơ quan Công an... |
Cái nghèo, cái đói từ cuộc sống cơ cực đã cho Quy quyết tâm phấn đấu, trở thành kiện tướng vật tự do 3 năm liền. Nhưng cái giá của việc 3 năm liền giữ ngôi “kiện tướng” cũng thật nghiệt ngã. Quy bị chấn thương nặng 2 đầu gối, sau khi giải nghệ cũng chỉ là giáo viên thể dục hợp đồng cho một trường tiểu học với mức lương 2 triệu đồng/tháng.
và khi ra tòa (đứng giữa). |
Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên khi kết thân với Trần Quang Chiến - gã doanh nhân có sở thích bệnh hoạn, được Chiến cho tiền thuê nhà, bao ăn chơi, nữ kiện tướng đã bị đồng tiền đánh gục. Quy đã dẫn dụ những cô gái nhẹ dạ về ngôi nhà do Chiến cho tiền thuê để “trả nợ” đại gia.
Còn với Trương Ngọc Tuấn. Cuộc sống đời thường cũng khiến Tuấn trầy trật. Anh ta kể rằng ban ngày thì phụ giúp bố trông nom cửa hàng kinh doanh xe máy tại chợ xe Dịch Vọng, tối tranh thủ dạy thêm tại một trung tâm tại Đông Anh. Nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao. 2 năm sau, Tuấn chuyển sang công việc mới, làm phát hành tài liệu cho người chú họ. Năm 2009, trong lúc điều khiển ô tô chở người chú họ về quê viếng mộ tại Ninh Bình, Tuấn gây tai nạn giao thông chết người, bị xử 12 tháng án treo.
Cựu vận động viên trầm giọng, thở dài khi thú nhận con đường đến với ma túy của mình. Cuộc hôn nhân với người vợ, cựu vận động viên bóng chuyền tan vỡ. Tháng 2-2012, người mẹ ruột, bây giờ Tuấn mới nhắc đến trong suốt cuộc trò chuyện, đi tù với bản án 20 năm về tội ma túy cùng người chồng thứ hai. Mạnh mẽ trên sàn tập nhưng lại yếu đuối khi gặp những đổ vỡ trong tình cảm khiến Tuấn tìm đến ma túy tổng hợp. Trượt dài trong ảo giác ma túy, tháng 7-2013, Tuấn bị đi cai nghiện bắt buộc 2 năm tại một trung tâm cai nghiện ở Sóc Sơn.
Tháng 7-2015, hết hạn cai nghiện, Tuấn bảo cậu ta trở về gia đình với bi kịch của một thằng con trai luôn xảy ra xung đột với người cha, bị thúc ép kinh tế bởi nghĩa vụ nuôi con sau khi ly hôn. Tuấn quyết định thuê nhà ra ở riêng khi tìm được một người phụ nữ đồng cảm với hoàn cảnh của mình.
Quỳnh, người phụ nữ hơn Tuấn 4 tuổi, cũng trải qua một cuộc hôn nhân với 2 đứa con riêng. Chung sống một thời gian, Quỳnh báo tin đang mang trong người giọt máu chung với Tuấn. Không nghề nghiệp ổn định, lo nuôi con riêng chưa xong, nay lại lo cho đứa con chuẩn bị chào đời.
Những bức bách về kinh tế là nguyên nhân được Tuấn lý giải cho hành vi mua bán trái phép chất ma túy của mình. Tiếp đó là cái chết của người mẹ đẻ do bệnh tiểu đường khiến Tuấn chống chếnh. Bố mẹ ly hôn từ khi Tuấn còn nhỏ. Dẫu không sống chung cùng mẹ nhưng tình mẫu tử vẫn luôn là tình cảm thiêng liêng, sâu nặng.
Tuấn ngước đôi mắt đỏ hoe: “Em luôn khao khát một gia đình trọn vẹn. Khi gặp Quỳnh, em tự nhủ sau khi kiếm đủ số tiền lo cho Quỳnh sinh con, em sẽ dừng lại vì biết ma túy là thứ rất nguy hiểm...”. Khi trở thành tội phạm thì ai cũng có lý do biện minh cho hành vi phạm tội của mình.
Tôi hỏi Tuấn: “Mẹ đẻ của em đã trả giá về tội ma túy, đấy chẳng phải là bài học cho em hay sao?”. Tuấn cúi mặt, chỉ buông những tiếng thở dài. “Em biết mình sai rồi. Chỉ mong sau này em có một cơ hội làm lại, cố gắng sống tốt...”.
Chỉ cách đây ít tháng, trong cuộc gặp với cựu vận động viên Karate từng đoạt Huy chương Bạc Sea Games Đoàn Đình Lân, bị can trong vụ án “hiếp dâm”, tôi cũng chứng kiến những giây phút ăn năn, những giọt nước mắt hối hận của một nam nhi “con nhà võ” khi nhắc đến gia đình, bố mẹ, vợ con. Tôi tin sự sám hối của họ là thật. Chỉ tiếc rằng sự ân hận quá muộn màng ấy đã không giúp họ thay đổi được tình thế.
Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có lúc phạm sai lầm, ai cũng từng có lúc vấp ngã... Quan trọng là sau đó, họ đứng lên như thế nào. Với bản lĩnh của một vận động viên võ thuật đẳng cấp, tôi mong rằng sau sai lầm này, Trương Ngọc Tuấn sẽ đứng dậy, mạnh mẽ, vững vàng hơn và tiến lên phía trước, như 10 năm trước, dù đã bị ngất trước đối thủ nhưng cuối cùng, cậu ta vẫn giành chiến thắng...
Hương Vũ/ Báo ANTG
CATP Hà Tĩnh