Những chặng đường lịch sử vẻ vang của lực lượng ANND
Lực lượng An ninh nhân dân ra đời trong cao trào Cách mạng Tháng Tám 1945; được Đảng giao trọng trách đấu tranh chống phản cách mạng bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân. Vừa ra đời, lực lượng An ninh đã đắm mình vào cuộc đấu tranh vô cùng cam go, quyết liệt với liên minh phản cách mạng trong - ngoài, mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ.
Trong bối cảnh khó khăn bộn bề và lực lượng còn mỏng, thế hệ đầu tiên của lực lượng An ninh đã mưu trí, dũng cảm, vượt qua hoàn cảnh, một lòng tận trung với Đảng, dựa vào nhân dân để chiến đấu với ý chí quyết thắng kẻ thù, bảo vệ nền độc lập, tự do mà dân tộc ta mới giành được.
Gần một năm kiên trì đấu tranh, lực lượng An ninh đã điều tra, thu thập thông tin, bắt và tiêu diệt hàng ngàn tên tay sai chỉ điểm, bọn cầm đầu các đảng phái làm tay sai cho giặc Pháp, Nhật, Tàu Tưởng; phá tan hàng chục tổ chức và nhen nhóm phản động. Đặc biệt, ngày 12/7/1946, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự giúp đỡ tích cực của quần chúng nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng vũ trang, lực lượng An ninh đã tổ chức cuộc tổng trấn áp thành công bọn Quốc dân đảng trên toàn quốc, đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng do Quốc dân đảng câu kết với Quân đội viễn chinh Pháp tiến hành. Chiến công vang dội này góp phần to lớn thúc đẩy tiến trình phát triển của cách mạng, là sự kiện quan trọng, là mốc son vẻ vang của lực lượng An ninh nhân dân.
Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng lúc bấy giờ đã kết luận: "... Nó cắm một cái mốc trên con đường thống nhất dân tộc và biểu lộ sức mạnh, uy tín của chính quyền nhân dân...". Với ý nghĩa lịch sử to lớn đó, ngày 12/7 đã trở thành Ngày Truyền thống của lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam anh hùng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng An ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã dựa vào dân, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang vừa thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đấu tranh chống phản cách mạng, vừa vũ trang chiến đấu, góp phần cùng quân và dân cả nước đẩy lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận, đập tan các âm mưu của kẻ thù để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Lực lượng trinh sát hoạt động ở vùng địch tạm chiếm đã xây dựng được hàng chục ngàn cơ sở bí mật, trong đó có hàng trăm cơ sở thâm nhập sâu vào các cơ quan đầu não của địch, thu được nhiều tin tình báo giá trị. Trinh sát vũ trang phối hợp với lực lượng cách mạng tại chỗ, tiến hành nhiều chiến dịch phá tề, trừ gian, phá chính quyền cơ sở của địch; hệ thống chính quyền cơ sở của địch, nhất là ở vùng nông thôn bị phá vỡ từng mảng hoặc trở thành chính quyền "hai mang"; hàng trăm tên cầm đầu gian ác bị tiêu diệt ngay tại trụ sở làm việc hoặc trên đường phố đã gây tiếng vang lớn, khiến bọn tay sai hoang mang cực độ.
Tại các vùng tự do, vùng căn cứ kháng chiến, trinh sát bảo vệ chính trị triển khai công tác phòng chống phản cách mạng, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo, căn cứ địa cách mạng và các cơ quan đầu não. Trinh sát địa bàn là lực lượng nòng cốt xây dựng, củng cố phong trào "bảo mật phòng gian", "ngũ gia liên bảo", giúp dân vừa sản xuất vừa tích cực phòng gian, trừ gian và chống địch càn quét. Các hoạt động này đã tạo lập thành công trận địa phòng chống phản cách mạng, phát huy được sức mạnh vô biên của nhân dân vào trận địa phòng ngừa và đánh địch.
Với sự giúp đỡ của nhân dân, lực lượng An ninh đã khám phá hàng trăm tổ chức, ổ nhóm gián điệp, chỉ điểm; trấn áp hàng chục nhen nhóm, tổ chức phản động. Công tác an ninh giai đoạn này có ý nghĩa quan trọng, phá vỡ thế liên minh giữa giặc ngoại xâm với các thế lực nội phản; hỗ trợ đắc lực cho lực lượng vũ trang đánh bại các chiến dịch quân sự của địch; từng bước tạo thế, tạo lực cho cách mạng đi đến thắng lợi vẻ vang, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, mặt trận đấu tranh chống phản cách mạng càng nóng bỏng, vô cùng khó khăn, phức tạp do kẻ địch có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn, âm mưu thâm độc, thủ đoạn tinh vi; chúng liên kết với các nước chư hầu, sử dụng các nước thứ ba thành liên minh cộng đồng tình báo gián điệp và sử dụng bọn ngụy quân, ngụy quyền vào các hoạt động phản cách mạng.
|
Một số cán bộ thuộc thế hệ An ninh đầu tiên, tham gia phá vụ án ở phố Ôn Như Hầu - đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng do Quốc dân đảng câu kết với quân đội viễn chinh Pháp tiến hành (họp mặt tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự, tháng 7/1995). Ảnh sưu tầm: K.Hà |
Để đánh thắng kẻ thù, lực lượng An ninh đã tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, điều tra, thu thập, đánh giá, dự báo tình hình; kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước chủ động hoạch định, chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách, đối sách, biện pháp đấu tranh phù hợp với các loại đối tượng. Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, tiên phong, lực lượng An ninh đã khẩn trương tổ chức lực lượng, tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với các âm mưu, hoạt động gián điệp, phản cách mạng.
Ở miền Bắc, từ 1954 - 1960, lực lượng An ninh đã hiệp đồng, phối hợp các lực lượng khác thực hiện thành công 5 mặt công tác lớn, cấp bách và chiến lược: Tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao một bước giác ngộ chính trị cho quần chúng nhân dân; khoanh vùng đánh địch, nhằm vào địa bàn xung yếu, địa bàn có nhiều tàn dư của ngụy quân, ngụy quyền và đảng phái phản động; phối hợp với Quân đội giải quyết nạn nổi phỉ; điều tra bóc gỡ mạng lưới gián điệp cài lại, kẹt lại; tiến hành công tác cải tạo số đối tượng gây nguy hại cho an ninh xã hội. Nhờ vậy, đã góp phần xóa sổ các tổ chức là tàn dư, phản động của chế độ cũ hoạt động hết sức manh động, giải quyết dứt điểm hàng chục vụ nổi phỉ có quy mô lớn, củng cố vững chắc địa bàn các tỉnh miền núi.
Quá trình trấn áp phỉ, ta bắt và diệt hàng chục ngàn tên gián điệp biệt kích hỗn hợp nhảy dù, địch cài lại. Từ năm 1954 - 1965, lực lượng An ninh đã đấu tranh, khám phá hàng chục chuyên án gián điệp, đẩy đuổi căn bản số gián điệp dưới dạng kẹt lại, bắt gần 100 tên, khai quật 7 kho vũ khí bí mật với hàng ngàn khẩu súng, hàng chục máy vô tuyến điện.
Từ năm 1960 -1973, An ninh các cấp đã khẩn trương và cẩn trọng thẩm tra, xác minh các loại đối tượng và tham mưu cho chính quyền các cấp đưa toàn bộ số đối tượng gây nguy hại cho an ninh xã hội đi tập trung cải tạo hoặc cải tạo tại chỗ, từng bước xoá bỏ cơ sở xã hội của địch. Nhờ vậy, khi Mỹ - ngụy phát động cuộc chiến tranh gián điệp ra miền Bắc hòng thực hiên âm mưu xâm lược toàn cõi Đông Dương, chúng đã không còn chỗ dựa để ẩn náu và hoạt động.
Cũng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ năm 1961 - 1975, quán triệt phương châm "phòng và chống" gián điệp của Đảng, lực lượng An ninh triển khai đồng bộ các mặt công tác nghiệp vụ, thực hiện hoàn hảo chiến thuật "trò chơi nghiệp vụ" đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh gián điệp, gián điệp biệt kích của Mỹ - ngụy đối với miền Bắc.
Đã đánh đuổi 75 toán biệt kích xâm nhập bằng đường biển vào các tỉnh duyên hải, 135 toán biệt kích xâm nhập qua biên giới Việt - Lào vào các vùng rừng núi phía Bắc và Tây Bắc; bắt và diệt 103 toán gián điệp biệt kích với 1.015 tên xâm nhập bằng đường không, thu hàng trăm tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh. Cùng với đấu tranh gián điệp biệt kích, ta đã đấu tranh hiệu quả hàng chục chuyên án gián điệp do cơ quan đặc biệt Mỹ và một số quốc gia khác tổ chức. Trong đó có những chuyên án kẻ địch đã cài người chui sâu, leo cao, móc nối với nhiều cán bộ cấp cao của ta để thu thập tình báo và phá hoại nội bộ ta.
Cùng với công tác đấu tranh phản gián, lực lượng An ninh đã tham mưu cho chính quyền các địa phương và các ban, ngành tổ chức phong trào "bảo vệ cơ quan", "bảo mật phòng gian" sâu rộng, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản của công dân và phòng chống tội phạm. Những chiến công trên mặt trận đấu tranh phòng chống phản cách mạng cùng với thành tựu trên lĩnh vực đấu tranh chống tham ô, lãng phí, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, đấu tranh chống chiến tranh tâm lý, nâng cao giác ngộ chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng của quần chúng nhân dân đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, xứng đáng là hậu phương vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam.
Ở miền Nam, trong máu lửa của chiến tranh và sự đàn áp dã man của kẻ thù, năm 1960, lực lượng An ninh miền Nam ra đời, từng bước trưởng thành, kiên gan đương đầu với muôn vàn hiểm nguy, gian khổ để chiến đấu. Được An ninh miền Bắc chi viện kịp thời về đội ngũ cán bộ cốt cán, về phương tiện hoạt động và nghiệp vụ đánh địch, An ninh miền Nam từ Trung ương Cục đến cơ sở không ngừng phát triển về lực lượng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ căn cứ địa, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo và cơ quan đầu não kháng chiến; tổ chức đánh địch ngay trong lòng địch, tiêu hao sinh lực địch và khích lệ quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh đánh địch.
Quán triệt quan điểm xây dựng "căn cứ lòng dân", các chiến sỹ An ninh đã thực hiện 3 cùng với đồng bào, được đồng bào đùm bọc, chở che và giúp đỡ để triển khai công tác phòng chống phản cách mạng. Nhờ vậy, dù ở sau lưng địch hay vùng tranh chấp, trải qua hàng trăm trận càn quét, đánh phá vô cùng ác liệt cùng với mật độ hoạt động dày đặc của bọn biệt kích, thám báo, gián điệp, chỉ điểm nhưng chính quyền cơ sở vẫn không ngừng được xây dựng, củng cố.
Ở vùng địch kiểm soát, chiến sỹ An ninh là lực lượng chủ công vận động đồng bào đứng lên phá ấp chiến lược, ấp tân sinh, phá thế kìm kẹp, đi đến phá chính quyền cơ sở của địch, hoặc biến chính quyền của địch thành chính quyền "đêm ta ngày địch". Đây là mặt hoạt động có ý nghĩa quan trọng, chiến lược, là đòn đánh hiểm tấn công thẳng vào âm mưu, mục đích của cả 4 chiến lược chiến tranh của Mỹ - ngụy là "giành dân, giành đất".
Nhờ dựa vào dân, nắm được đất nên lực lượng An ninh đã tổ chức thắng lợi nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng; khám phá hàng ngàn vụ án gián điệp, nội gián, đánh đuổi hàng ngàn toán thám báo, biệt kích; đưa đi cải tạo hàng chục ngàn đối tượng là tay sai chỉ điểm; tổ chức thành công hàng ngàn trận công đồn, tập kích lớn nhỏ, mở rộng vùng giải phóng.
|
Các đồng chí trong Ban chỉ đạo KHCM12 tại “Tổng hành dinh” dã chiến, chỉ đạo triển khai kế hoạch đón bắt bọn phản động lưu vong, năm 1983 tại huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh sưu tầm: K.Hà |
Các chiến sỹ An ninh hoạt động ở vùng địch chiếm, dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, đã xây dựng được hàng chục ngàn cơ sở bí mật, có những cơ sở nằm trong các cơ quan đầu não, bộ phận thiết yếu, cơ mật của địch, thu được nhiều tin tức quan trọng. Lực lượng trinh sát vũ trang tổ chức hàng ngàn trận đánh táo bạo vào những mục tiêu kẻ địch không thể ngờ tới, gây tiếng vang lớn. Những trận đánh táo bạo, những cuộc diệt trừ ác ôn ngay giữa ban ngày, tại nơi công cộng diễn ra trên khắp chiến trường miền Nam, ở thành thị cũng như vùng nông thôn, không chỉ khích lệ phong trào diệt ác phá kềm mà đã đẩy bọn ác ôn, tay sai gian ác vào tình thế lo sợ hoặc phải sống lưu vong.
Cùng với nhiệm vụ phòng chống phản cách mạng, lực lượng An ninh miền Nam cung cấp cho lực lượng vũ trang hàng ngàn tin tình báo về các chiến dịch bình định, các chiến dịch càn quét, giúp lực lượng vũ trang chủ động đối phó, chiến đấu giành thắng lợi, giảm thiểu thiệt hại, thương vong.
Trong các cuộc tổng tiến công và nổi dậy, lực lượng An ninh và cơ sở đã chiến đấu can trường, lập được những chiến công đặc biệt xuất sắc. Hơn 300 chiến sỹ An ninh Khu 9 anh dũng hy sinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968; Tiểu đội An ninh vũ trang T4 ròng rã chiến đấu 2 ngày liền tại Chợ Thiếc với lực lượng địch đông gấp trăm lần và đã hy sinh oanh liệt để bảo vệ tuyệt đối an toàn Bộ Chỉ huy tiền phương 2;... Đó là những tấm gương ngời sáng của lực lượng An ninh miền Nam trung dũng, kiên cường, là biểu tượng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Hơn 20 năm trường đấu mưu, đấu trí, đấu pháp, đấu lực với địch trên mặt trận bí mật trong điều kiện chiến tranh ác liệt, các chiến sĩ An ninh thời kỳ chống Mỹ cứu nước chiến đấu trên khắp các chiến trường đều tỏ rõ phẩm chất cách mạng, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vượt qua hoàn cảnh, mưu trí, quyết chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Hàng ngàn đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường; hàng ngàn đồng chí mang trong mình di chứng của chiến tranh, mất mát từ chiến tranh và hệ lụy từ chiến tranh. Thế hệ hôm nay mãi mãi trân trọng, biết ơn sự hy sinh và cống hiến của các thế hệ đi trước trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước ta hoàn toàn thống nhất, độc lập. Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy đất nước đã hoà bình, thống nhất, nhưng mặt trận an ninh lại đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới, gay go, phức tạp và nặng nề gấp bội.
Từ kinh nghiệm tiếp quản miền Bắc, để chủ động triển khai nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, ngay trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Bộ Công an đã khẩn trương chỉ đạo triển khai những công tác cấp bách và chiến lược: Thu gom hồ sơ của địch, khai thác để phục vụ công tác đánh địch lâu dài; tổ chức cho các đối tượng an ninh trình diện, học tập cải tạo; truy quét các ổ nhóm vũ trang còn lẩn trốn, trấn áp các tổ chức phản động là tàn dư của ngụy quân, ngụy quyền, manh động chống chính quyền; bóc gỡ mạng lưới gián điệp cài lại, kẹt lại của địch; tổ chức thu gom vũ khí, vật liệu nổ; thu hồi sản phẩm văn hoá phản động, đồi trụy… Được các cơ quan, đơn vị phối hợp, được quần chúng nhân dân hết lòng ủng hộ, giúp đỡ, nên sau gần một năm, an ninh chính trị tại 17 tỉnh, thành phố phía Nam từng bước được ổn định.
Những năm sau ngày miền Nam giải phóng, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị của đất nước còn nhiều phức tạp. Tội phạm hình sự phát triển, bọn phản động tiếp tục co cụm và manh động; Fulro phát triển mạnh ở các tỉnh khu V và Nam Trung Bộ, có lực lượng vũ trang gồm hàng ngàn tay súng. Trong bối cảnh ấy, các thế lực thù địch quốc tế cho là thời cơ lật đổ chính quyền đã đến nên chúng ráo riết tiến hành "chiến tranh phá hoại nhiều mặt", với phương châm "trong nổi dậy, ngoài đánh vào".
Chúng sử dụng bọn phản động người Việt lưu vong làm xung kích; tăng cường đưa hàng trăm tên gián điệp biệt kích cùng hàng trăm tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh vào trong nước, móc nối với các tổ chức phản động, xây dựng mật cứ, mưu đồ tiến hành bạo loạn cướp chính quyền.
Để đối phó với tình hình đó, ở miền Bắc, lực lượng An ninh triển khai đồng bộ các mặt công tác nghiệp vụ, tổ chức đấu tranh với các loại đối tượng; tham mưu giúp Đảng, Nhà nước củng cố vững chắc an ninh chính trị; truy bắt hàng trăm tên gián điệp do Mỹ - ngụy đánh ra Bắc trong kế hoạch hậu chiến; thẩm tra, xử lý số đối tượng nội gián thâm nhập vào các cơ quan, đơn vị; trấn áp các tổ chức phản động hiện hành; phong tỏa bọn gián điệp núp trong các cơ quan phi chính phủ, các tổ chức quốc tế.
Tại các tỉnh phía Nam, lực lượng An ninh đã tập trung giải quyết vấn đề Fulro và đấu tranh, trấn áp các tổ chức nhen nhóm phản động và bọn phản động lưu vong xâm nhập về nước hoạt động. Lực lượng An ninh đã tăng cường hàng ngàn lượt cán bộ vào Tây Nguyên, tổ chức đấu tranh hàng chục chuyên án, bắt hết số cầm đầu, phá tan bộ khung chính quyền của Fulro, góp phần làm tan rã hoàn toàn lực lượng vũ trang của Fulro vào năm 1988.
Từ năm 1976 - 1986, lực lượng An ninh đã khám phá trên 1.000 tổ chức và nhen nhóm phản động, có tổ chức đã hình thành bộ khung chính quyền tại 17 tỉnh, thành phố, lôi kéo hàng chục ngàn người tham gia.
Đồng thời với đấu tranh, trấn áp các tổ chức phản động trong nội địa, từ năm 1981 - 1989, lực lượng An ninh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang và An ninh các nước trong khu vực đấu tranh, bắt và diệt gọn các chuyến xâm nhập của các tổ chức tình báo, gián điệp và tổ chức phản động lưu vong do các tên Võ Đại Tôn, Trần Văn Thanh, Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh, Hoàng Cơ Minh, Trần Quang Đô cầm đầu. Những chiến công trong giai đoạn này đã góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị của đất nước trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng, thực hiện đường lối đổi mới thắng lợi.
Từ thập niên 90 của thế kỷ XX, với sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu chiến lược "Diễn biến hoà bình", tấn công ta toàn diện, trên mọi lĩnh vực nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chúng tập trung các hoạt động phá hoại tư tưởng, thâm nhập, tác động chuyển hóa nội bộ, chuyển hóa thể chế, chính sách, tạo lập và phát triển các lực lượng, tổ chức chính trị đối lập trong và ngoài nước; triệt để lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", nhất là liên quan dân tộc, tôn giáo, biên giới, biển đảo… để kích động biểu tình, bạo loạn, khủng bố và các hoạt động chống phá cách mạng nước ta.
Lực lượng An ninh đã kịp thời nghiên cứu, đánh giá tình hình, đổi mới các mặt công tác, nâng cao bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa, đấu tranh từng bước làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, góp phần đảm bảo môi trường an ninh, tạo điều kiện để đất nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu của đổi mới, hội nhập quốc tế.
Từ khi bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới đến nay, lực lượng An ninh đã tổ chức đấu tranh hàng trăm vụ án gián điệp, phản động, với hàng ngàn đối tượng, đẩy lùi, vô hiệu hóa các âm mưu, hoạt động tình báo, gián điệp, tập hợp lực lượng, hình thành tổ chức phản động, phá hoại tư tưởng, bạo loạn lật đổ ở Việt Nam của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; đấu tranh làm thất bại hoàn toàn các chiến dịch chống phá nước ta của các tổ chức phản động lưu vong; đấu tranh làm ngăn chặn có hiệu quả các loại đối tượng lợi dụng mở cửa, hợp tác quốc tế vào nước ta hoạt động tình báo, gián điệp, phá hoại tư tưởng; đập tan hàng chục chiến dịch gây nổ, gây bạo loạn, thành lập các tổ chức chính trị đối lập và tiến hành khủng bố do các tổ chức phản động lưu vong thực hiện.
Trên lĩnh vực an ninh kinh tế, lực lượng An ninh đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động phá hoại kinh tế, dùng kinh tế chuyển hóa chính trị; đã khám phá hàng chục vụ án điển hình về buôn lậu, tham nhũng, hoàn thuế VAT, ăn cắp cước phí viễn thông, làm và vận chuyển tiền giả…, qua đó tham mưu giúp Nhà nước, các cơ quan ban ngành kịp thời hoạch định chính sách cũng như đề ra các biện pháp quản lý kinh tế phù hợp với bối cảnh mới.
Những năm gần đây, lực lượng An ninh làm nòng cốt cùng các lực lượng khác giải quyết thành công các điểm nóng, các cuộc biểu tình, bạo loạn chính trị, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội. Nhiều đối tượng chống đối, cơ hội chính trị, bất mãn, câu kết với địch, nhất là số hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc, cố tình đi ngược lại quyền lợi của đất nước đã bị đấu tranh, nghiêm trị, góp phần bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, chủ động tấn công mạnh mẽ, vạch mặt các âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao ý thức cảnh giác của các tầng lớp nhân dân.
Thời gian tới, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tác động, chi phối các quá trình kinh tế - xã hội, an ninh chính trị thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về công tác bảo vệ ANQG trong tình hình mới, lực lượng An ninh tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, nâng cao nhận thức, không ngừng đổi mới công tác, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia trong bối cảnh mới.
Tập trung tham mưu, phối hợp và trực tiếp chỉ đạo, tổ chức các biện pháp công tác góp phần xây dựng, củng cố môi trường hòa bình, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước; tiếp tục tạo chuyển biến sâu sắc nhận thức của lực lượng An ninh về tình hình và công tác an ninh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; tăng cường công tác đấu tranh phòng chống gián điệp gắn liền với công tác bảo vệ nội bộ; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống phản động trong và ngoài nước; tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác xây dựng lực lượng An ninh cách mạng, tinh nhuệ, chính quy, hiện đại, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ ANQG trong tình hình mới.
Trải qua các thời kỳ chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ chiến sĩ An ninh đã cống hiến trí tuệ, sức lực, xương máu và cả sinh mạng của mình, lập nhiều chiến công, kỳ tích trên mặt trận đấu tranh chống phản cách mạng, làm rạng rỡ thêm những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân đã ghi nhận, đánh giá cao những công lao, cống hiến của lực lượng An ninh nhân dân. Lực lượng An ninh nhân dân đã 2 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (năm 1996 cho lực lượng An ninh và năm 2006 cho Tổng cục An ninh), được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2001.
Cùng với các phần thưởng cao quý của toàn lực lượng, đến nay có 385 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 252 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hàng ngàn lượt tập thể và cá nhân được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các hạng.
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống, lực lượng An ninh xin bày tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, Nhà nước đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, giáo dục, tôi luyện để lực lượng An ninh có những bước trưởng thành vững chắc, trở thành niềm tin yêu của Đảng, của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; biết ơn toàn thể đồng bào, các lực lượng hữu quan đã đùm bọc, chở che, phối hợp, giúp đỡ để lực lượng An ninh hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao phó trong các thời kỳ cách mạng.
Lực lượng An ninh ngày nay tin tưởng, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự giúp đỡ, hỗ trợ của đồng bào và đồng chí, sẽ tiếp bước xứng đáng truyền thống vẻ vang của các thế hệ An ninh đi trước, nguyện một lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, vì nhân dân phục vụ, kiên quyết, mưu trí, dũng cảm đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia của Tổ quốc
CATP Hà Tĩnh