Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Những chuyển động tích cực của một Chính phủ kiến tạo, phục vụ và liêm chính

Ngay sau khi Chính phủ mới được hình thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có tuyên bố được người dân trông đợi và kì vọng: “Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính”.

Gần 3 tháng qua, dù còn bộn bề khó khăn và nhiều vấn đề bức xúc cần sớm được giải quyết, song có thể khẳng định bộ máy mới của Chính phủ đã vận hành nhịp nhàng, thu được những kết quả cụ thể, đáp ứng thực tiễn và đòi hỏi của xã hội. Bên cạnh việc làm tốt công tác điều hành, chỉ đạo ở tầm vĩ mô, Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đã sâu sát, lắng nghe ý kiến của người dân, của báo chí và có những chỉ đạo cụ thể, sát hợp. Vụ việc quán cà phê Xin Chào ở TP Hồ Chí Minh là một ví dụ. Ngay sau khi có thông tin về vụ việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lập tức chỉ đạo xử lí vụ việc; khác với trình tự thông thường là chờ cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất. Kết quả, ông chủ quán Xin Chào được giải tỏa nỗi bức xúc bị dồn nén; còn những người liên quan việc xử lí sai, đều bị những hình thức kỉ luật, xử lí nghiêm khắc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Trong một vụ việc khác được dư luận đặc biệt quan tâm là “Dự án xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng”. Theo đề án này, nhà đầu tư “vẽ” ra một tuyến giao thông thủy dọc sông Hồng từ Hà Nội lên phía Bắc, xuôi xuống một số vùng biển; nạo vét 288km đường sông và kết hợp làm nhiều nhà máy thủy điện nhỏ, kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp đảm bảo cho tàu 400 tấn và sà lan 600 tấn lưu thông quanh năm. Đề án còn nêu ra địa điểm đặt 6 thủy điện trên sông Hồng và định hướng làm 7 cảng và âu tàu trên dọc tuyến thủy lộ... Dư luận, từ người dân đến các nhà khoa học, nhà chuyên môn hầu hết đều lo lắng và phản đối dự án này. Thấu hiểu nỗi lo của người dân và lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Chính phủ quyết định chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành chức năng xem xét lại; yêu cầu phải lập Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững, báo cáo Thủ tướng Chính phủ… Có thể nói, quyết định kịp thời, khoa học và hợp lòng dân của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “tháo ngòi nổ dư luận”, gần như tất cả người dân đều “thở phào” khi đồng bằng Bắc Bộ, nền văn minh sông Hồng không bị đe dọa bởi một ý tưởng… rất hoang tưởng và nguy hiểm. Trung tuần tháng 6 này, trong dịp làm việc với các tỉnh Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có những quyết định quan trọng và quyết liệt để bảo vệ “lá phổi Tây Nguyên”, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và cải thiện đời sống của người dân nơi đây. Thủ tướng chỉ rõ, tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên đã ở mức hết sức nghiêm trọng và yêu cầu đưa vấn đề bảo vệ, phát triển rừng lên tầm cao mới trong trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh. Không có chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp”. Đồng thời, Thủ tướng khẳng định phải đóng cửa các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên để ngăn chặn phá rừng, buôn lậu gỗ. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ rõ thực trạng nhức nhối đã kéo dài: “Chúng ta có chủ trương khôi phục rừng khi làm thủy điện nhưng nhiều dự án không thực hiện nghiêm, chỉ lo phát điện mà không lo trồng rừng”. Giải pháp quyết liệt và kịp thời được người đứng đầu Chính phủ đưa ra là: “Ngừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan đến chiếm đất rừng và rừng; kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với các dự án thủy điện không chấp hành quy định trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng”… Mới đây nhất, trong phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6-2016 diễn ra sáng 23-6 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Kiên quyết xóa lợi ích nhóm chi phối chính sách". Đây là tuyên bố thẳng thắn – “dám nói” nhất của một vị đứng đầu Chính phủ, là sự thừa nhận thực trạng báo động khẩn vì “những giấy phép con”, “những cây đinh dưới tấm thảm đỏ” gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng phân tích: “Trên tinh thần tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách. Nhưng đồng thời, một việc quan trọng là có những việc Nhà nước quản lý bằng thể chế chính sách để tạo hành lang pháp lý phát triển tốt đẹp, không bị lạm dụng mặt trái của kinh tế thị trường. Đây là việc khó trong xây dựng pháp luật, đặc biệt là trong xây dựng thể chế mới thay thế cho quy định cũ. Nhưng tinh thần là là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh”. Từ lời nói đến hành động là một khoảng cách và phải có thời gian để đánh giá “nói đi đôi với làm”. Tuy nhiên, với những gì Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đã nói và làm trong 3 tháng qua, người dân có cơ sở tin tưởng vào một Chính phủ kiến tạo và phục vụ, hiểu dân và vì dân.

CATP Hà Tĩnh