Những chuyển hướng trong nhận thức về xây dựng Đảng về chính trị và đạo đức từ Đại hội VI đến nay
Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay, với tinh thần đổi mới tư duy, trước hết là trên lĩnh vực kinh tế, tư duy của Đảng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội cũng từng bước đổi mới và ngày càng hoàn thiện.
Đã hình thành bốn trụ cột của công cuộc đổi mới mà toàn Đảng, toàn dân ta đang quán triệt là: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá - nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”. Trong những nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng thì xây dựng Đảng về chính trị và đạo đức là hai trong số những nội dung cơ bản nhất ("Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”). Nội dung xây dựng Đảng về đạo đức đã được bổ sung sau 40 năm, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV năm 1976 mới chỉ xác định phương châm “phải xây dựng Đảng vững mạnh về cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức”. Đây là một trong những bước chuyển quan trọng của đường lối xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền. Theo đó, cùng với xây dựng Đảng về tư tưởng, tổ chức, xây dựng Đảng về chính trị và đạo đức có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến vai trò cầm quyền của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, những chuyển hướng trong nhận thức và biện pháp tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị và đạo đức từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay rất cần được tổng kết từ thực tiễn. Xây dựng Đảng về chính trị “Xây dựng Đảng về chính trị là đề ra đường lối chính trị, lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối chính trị; củng cố và nâng cao vị trí lãnh đạo, uy tín chính trị của Đảng đối với toàn xã hội”. Xây dựng Đảng về chính trị là khoa học về những nguyên tắc hành động chính trị của Đảng, xây dựng bản lĩnh chính trị của Đảng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng, nâng cao năng lực xác định và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng ta đã thừa nhận: “Tất cả những gì đã làm được và chưa làm được cũng chứng tỏ rằng sự lãnh đạo của Đảng chưa ngang tầm những nhiệm vụ của giai đoạn mới”. Vì “trong nhiều năm, chúng ta đã coi nhẹ và có khuyết điểm trong công tác xây dựng đảng”. Do đó, Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác. Nhất quán với phương châm xây dựng Đảng từ Đại hội IV của Đảng, ở Đại hội này, Đảng ta vẫn chỉ nhấn mạnh: Đảng phải chăm lo xây dựng mình vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức (phương châm này được đề cập trong tất cả các kỳ đại hội Đảng cho đến trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII). Về mặt chính trị, Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Điều đáng chú ý ở giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới, Đảng đã từng bước hoàn thiện các nguyên tắc trong công cuộc đổi mới, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (khóa VI) như: Giữ vững mục tiêu CNXH; giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác – Lênin; giữ vững vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng... Đó là những chủ trương kịp thời, đúng đắn của Đảng trong việc xây dựng bản lĩnh chính trị của Đảng, góp phần ổn định xã hội và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như ngày nay. Nhiều đảng viên bất đồng chính kiến với Đảng, không thừa nhận nguyên tắc và vi phạm nguyên tắc nêu trên đã phải xử lý kỷ luật Đảng và không ít đã bị đưa ra khỏi Đảng. Do đó, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng công tác xây dựng Đảng vẫn được coi trọng, giữ vững nguyên tắc, đảm bảo đoàn kết thống nhất, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII nhấn mạnh nhiệm vụ tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng. "Cái mới trong các văn kiện Đại hội lần này là cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin, Đảng nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh... tư tưởng Hồ Chí Minh là phù hợp với thực tế cách mạng nước ta, phù hợp với tình cảm và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta". Từ đây, cùng với việc nhận thức ngày càng đúng hơn giá trị của Học thuyết Mác - Lênin thì tư tưởng Hồ Chí Minh cũng được quan tâm nghiên cứu, khai thác những giá trị to lớn cho công cuộc đổi mới. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng: “Đảng nhất thiết phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của sự nghiệp đổi mới, sự ổn định và phát triển đất nước và đối với vận mệnh của bản thân Đảng. Đây cũng là nguyện vọng và đòi hỏi của nhân dân”. Đây cũng là lần đầu tiên vấn đề chỉnh đốn lại Đảng được đề cập trọn vẹn cả 3 nội dung: không chỉ đổi mới mà còn chỉnh đốn; Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn và là công việc thường xuyên lâu dài. Đại hội VIII là thời điểm nhìn lại 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Thành tựu lớn nhất là đất nước ta đã thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội từ cuối những năm 70. Trong việc đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị. “Đảng ta xác định trong giai đoạn hiện nay lãnh đạo phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”. Việc học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn trở thành nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên và phải được quy định thành chế độ. Lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới, những hiểu biết mới, cũng là biểu hiện của sự thoái hoá (Điều này tiếp tục được nhắc lại ở Hội nghị Trung ương 4 khóa XII vừa qua). Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đảng phải có biện pháp phát huy ưu điểm, kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, tiếp tục củng cố, chỉnh đốn để ngày càng vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ”. Như vậy là phải 30 năm sau Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-1999), cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới được chính thức bắt đầu. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX khẳng định kết quả đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế sau nhiều năm mới đoạn tuyệt được nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp để khẳng định nền kinh tế nước ta là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Đây là thành tựu nổi bật của nhận thức lý luận, khẳng định chắc chắn là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Trên cơ sở tổng kết 2 năm tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết đã khẳng định: Việc thường xuyên tự đổi mới, chỉnh đốn Đảng là quy luật trong công tác xây dựng Đảng trong điều kiện đảng cầm quyền. Đại hội X đã diễn đạt lại bản chất của Đảng giống như ở Đại hội II của Đảng: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc". Trong khi đó, từ Đại hội IX trở về trước luôn xác định: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Diễn đạt như thế hoàn toàn không phải là hạ thấp bản chất giai cấp công nhân của Đảng, chuyển sang quan điểm “đảng toàn dân” mà chính là hiểu bản chất giai cấp của Đảng một cách sâu sắc hơn. Cách diễn đạt đó phản ánh sự thống nhất về lợi ích của các giai cấp, tầng lớp nhân dân và toàn dân tộc, nhất là trong điều kiện đảng duy nhất cầm quyền. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng nêu rõ: “Trong lãnh đạo, Đảng có lúc phạm sai lầm khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Đảng ta đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên”. Vấn đề phát triển văn hóa trở thành một trong 3 trụ cột của sự phát triển: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội” Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, ngoài đánh giá kết quả lãnh đạo của Đảng qua 1 nhiệm kỳ, Đại hội còn nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, khẳng định đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Về kinh tế, quan niệm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác định đầy đủ hơn, khẳng định dứt khoát hơn. Theo đó, cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Nét đặc biệt của Đại hội này về xây dựng Đảng về chính trị là xác định nhiệm vụ trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI - một nghị quyết cực kỳ quan trọng của nhiệm kỳ trước nhưng chưa được thực hiện có hiệu quả. Văn kiện Đại hội XII của Đảng hoàn thiện thêm 1 trụ cột nữa về quốc phòng, an ninh: “…gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”. Đại hội nhấn mạnh nhiệm vụ nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; giữ vững bản lĩnh chính trị của Đảng, của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên.
CATP Hà Tĩnh