Những con người huyền thoại trên tuyến đường 15A
Để đảm bảo cho đường 15A (nay là QL15A) - tuyến huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ thông suốt, ít ai biết một “Đội thép cảm tử” đã ra đời ngay tại làng Vạn Rú, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Nhiều năm ròng, họ không quản ngại hi sinh, đội đá vá đường cho xe qua, góp sức làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.
Đoạn đường mang tên “Đội thép cảm tử”
Một ngày tháng 8, chúng tôi về làng Vạn Rú, nơi con đường 15A chiến lược khi xưa len mình bên dòng sông Lam, được dãy núi Trét che chắn, hình thành địa thế hiểm trở, tránh bom đạn quân thù. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, chỉ còn màu xanh trù phú bao phủ rộng khắp. Thời gian đã lùi xa, không phải ai cũng biết tuyến đường 15A khi xưa thuộc tuyến đường Trường Sơn bắt đầu từ ngã ba Tòng Đậu, Mai Châu (Hòa Bình) đến Cam Lộ (Quảng Trị) có chiều dài 710km. Cũng mấy ai biết, trong cuộc đối đầu với không quân và hải quân Mỹ, huyện Nam Đàn (Nghệ An) bị địch đánh phá ác liệt, tới mức quân ta phải xác định đây là một trong 12 “cửa tử” trên tuyến lửa khu IV.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Tống Xuân Hùng (SN 1930), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nam Đông xưa (nay là xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Ông là một trong những người đầu tiên thành lập “Đội thép cảm tử” và cũng là người đội trưởng trực tiếp chỉ huy, tham gia phá bom vá đường năm đó. Trong ngôi nhà nhỏ nằm dưới chân núi Trét, ông sống bình dị cùng với con cháu như bao cựu chiến binh khác. Khi chúng tôi hỏi chuyện về “Đội thép cảm tử” xưa, đôi mắt ông như chùng lại. Chậm rãi mở tủ đưa ra xấp tài liệu, bản đồ, nhật ký công tác... rồi bày lên bàn nói: “Biết bao nhiêu năm đạn bom, thiên tai, nhưng tôi coi những những cuốn sổ này còn quý hơn cả bản thân mình. Trong chiến tranh, sợ lọt vào tay địch, thời bình, muốn giữ gìn, truyền lại cho con cháu đời sau biết được lịch sử hào hùng của quê hương, đất nước”.
[caption id="" align="aligncenter" width="600"]
Ông Tống Xuân Hùng và người bạn đời sống hạnh phúc trong căn nhà nhỏ dưới chân núi Trét[/caption]
Nhẹ nhàng lật giở cuốn sổ đã sẫm màu thời gian, ông đọc: “Trên tuyến đường 15, Núi Trét: ngày 28/4/1968 máy bay Mỹ thả 8 quả bom phá, làm 3 người chết, 60 người bị thương”. Ngừng lại một lúc như hồi tưởng, ông nói tiếp: “Thời điểm đó giặc đánh phá ác liệt, mỗi ngày máy bay rải bom 5, 6 thậm chí 8 trận. Đường nát như tương bởi hố bom chi chít. Mỗi lần như vậy, tôi lại phải huy động thanh niên của làng Vạn Rú ra đường lấp hố bom cho xe kịp thông tuyến chạy qua giờ cao điểm”.
Trong tình thế cấp bách và ác liệt của chiến sự ngày đó, ông đã họp bàn với những người đứng đầu xã Nam Đông thành lập một đội quân bám sát mặt đường, sẵn sàng thông tuyến. Từ quyết định đó, ngày 5/5/1968 “Đội thép cảm tử” đã ra đời gồm 255 người, chủ yếu là dân làng Vạn Rú, phụ trách đoạn đường 26km từ Nam Đàn (Nghệ An) đến Đức Thọ (Hà Tĩnh). Nhận thức được tầm quan trọng của GTVT trong việc tiếp tế lương thực cho tiền tuyến, “Đội thép cảm tử” ngày đêm túc trực, ra sức “may vá” kịp thời những vị trí bị cắt đứt do bom đạn của kẻ thù phá hoại. Trên con đường này, không ngày nào không hứng bom của máy bay Mỹ, bất kể ngày hay đêm. Thế nhưng, khi bom vừa dứt, mặt đường còn mù mịt khói là anh chị em “Đội thép cảm tử” ào ra mặt đường, dùng cuốc, xẻng, quang gánh và sức người để thông tuyến, nối đường cho xe qua. Chỉ tính riêng 3km dưới chân núi Trét, đã có 479 lần bị đánh bom phá, bom đào, bom bi, từ trường nổ chậm, rốc – két, tên lửa, đạn bắn. Riêng bom tới 5.106 lượt.
Và những anh hùng trên mặt trận giao thông
Ông Hùng còn nhớ, ngày 25/10/1968, không quân Mỹ ném 11 quả bom Mệ (1 quả bom Mệ bằng 360 quả bom bi - PV), xuống làng Vạn Rú làm 22 người chết, 94 người bị thương. Trong vòng 186 ngày đêm, địch thả 6.972 quả bom, làm 129 người chết và 271 người bị thương. Bất chấp bom đạn hủy diệt, “Đội thép cảm tử” kiên cường bám trụ tuyến đường với ý chí “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc, sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm. Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Hàng trăm người đã ngã xuống, mãi mãi nằm lại mảnh đất thiêng liêng này, cống hiến tuổi xuân cho hạnh phúc của dân tộc và tương lai của đất nước.
Cũng năm 1968, Mỹ tăng cường ném bom tại các tuyến giao thông huyết mạch. Các phà Bến Thủy, Nam Đàn, Linh Cảm… là trọng điểm đánh bom triền miên, tạo thành một “tam giác lửa”. Trước tình hình cấp bách, ông Hùng chỉ đạo “Đội thép cảm tử” cho 127 người chuyên trực 24/24h tại các trạm barie, lấp hố bom để nối lại tuyến đường giao thông huyết mạch, vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường miền Nam.
Với vai trò thủ lĩnh của “Đội thép cảm tử”, ông Hùng luôn có mặt cùng với anh em lúc cao điểm, kịp thời đưa ra những mệnh lệnh phù hợp để tránh những tổn hại về người và của. Không chỉ có “Đội thép cảm tử”, ông còn là người thành lập “Tiểu đội 10 cô gái Sông Lam” rồi “Hợp tác xã vận tải Đại Thành” nhằm mục đích đảm bảo thông đường và làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho bộ đội, vận chuyển lương thực, vũ khí vượt sông Lam, tiếp tế cho chiến trường miền Nam.
Giờ đây, tuy tuổi đã cao nhưng ông Hùng vẫn ngày đêm ghi chép, kết nối các đồng đội, cung cấp thông tin để cho thân nhân tìm lại mộ liệt sĩ. Ông vẫn đượm buồn khi cho rằng, mình và những người còn sống vẫn chưa làm được gì cho họ. Chưa nói đến vinh danh mà chỉ mong muốn xây một miếu thờ ngay bến đò Vạn Rú để nhang khói cho những người đã hy sinh.
CATP Hà Tĩnh