Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Những điểm mới của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

Ngày 26/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016; trong đó có những điểm mới như sau:

Một là, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP sửa đổi, mô tả lại để làm rõ hơn đối với 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm, ví dụ như:

- Hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức) (điểm c khoản 3 Điều 5, điểm a khoản 4 Điều 6). Quy định này giải thích cho người dân hiểu rõ, khi điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau mà người điều khiển phương tiện không có tín hiệu báo hướng rẽ thì cũng không bị xử phạt.

- Hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn (điểm g khoản 3 Điều 5, điểm c khoản 2 Điều 6, điểm e khoản 3 Điều 7). Như vậy quy định này đã giải thích cho người dân hiểu rõ về khoảng thời gian, thời điểm bắt buộc người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng phải sử dụng đèn chiếu sáng là từ 19h ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau và khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.

- Gộp chung hành vi vi phạm “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” và hành vi vi phạm “khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng” của người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe gắn mày, máy kéo, xe máy chuyên dùng lại thành một hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” (điểm a khoản 5 Điều 5, điểm c khoản 4 Điều 6, điểm g khoản 4 Điều 7), cụ thể:

Phạt tiền 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (Điểm a Khoản 5 Điều 5).

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (Điểm c Khoản 4 Điều 6).

Hai là, bổ sung quy định xử phạt đối với 45 hành vi và nhóm hành vi vi phạm chưa được quy định trong Nghị định hiện hành để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ví dụ như:

- Bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường (điểm l khoản 3 Điều 5) để phù hợp với Công ước quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ mà Việt Nam vừa mới gia nhập; phạt tiền từ 600.000 – 800.000 đồng.

Lưu ý: Việc áp dụng quy định này được thực hiện kể từ ngày 01/01/2017.

- Bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm: Điều khiển xe đi qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà) (điểm c khoản 4 Điều 5); phạt tiền từ 800.000 – 1.200.000 đồng, tước GPLX từ 01 – 03 tháng.

- Bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy (điểm l khoản 1 Điều 5) để phù hợp với Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 mà Việt Nam vừa mới gia nhập.

Lưu ý: Việc áp dụng quy định này trong trường hợp người được chở ở hàng ghế phía sau trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy được thực hiện kể từ ngày 01/01/2018.

- Bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng thực hiện hành vi lùi xe ở đường có biển “Cấm đi ngược chiều” (điểm l khoản 2 Điều 5, điểm b khoản 2 Điều 7).

- Bổ sung quy định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ (khoản 5 Điều 11).

- Bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô, xe mô tô có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia (điểm b khoản 5, điểm c khoản 7 Điều 21).

Ba là, về mức phạt tiền cơ bản giữ nguyên như Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 107/2014/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ rà soát điều chỉnh tăng chế tài xử phạt đối với những hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây mất trật tự, an toàn giao thông; việc quy định mức phạt tiền đối với những hành vi vi phạm này đã được nghiên cứu điều chỉnh để vừa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trực tiếp làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm nâng cao tính răn đe và khả thi khi thực hiện, ví dụ như:

- Nhóm vi phạm về nồng độ cồn:

+ Đối với ô tô: Tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (điểm a khoản 9 Điều 5) từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng lên 16.000.000 – 18.000.000, đồng thời tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng lên khung từ 04 tháng đến 06 tháng.

+ Đối với mô tô: Tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (khoản 6 Điều 6) từ 500.000 – 1.000.000 đồng lên 1.000.000 – 2.000.000 đồng; tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (điểm c khoản 8 Điều 6) từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng lên mức 3.000.000 – 4.000.000 đồng và tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng lên khung từ 03 tháng đến 05 tháng.

- Nhóm hành vi vi phạm quy định về tốc độ:

+ Đối với ô tô: Tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe ô tô điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h từ mức 4.000.000 – 6.000.000 đồng lên mức từ 5.000.000 – 6.000.000 đồng (điểm a khoản 7 Điều 5).

+ Đối với mô tô: Tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h từ mức 2.000.000 – 3.000.000 đồng lên mức 3.000.000 – 4.000.000 đồng.

- Nhóm hành vi vi phạm trên đường cao tốc:

+ Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc (điểm b khoản 5 Điều 6): Tăng mức phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng lên mức 500.000 – 1.000.000 đồng; bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.

+ Điều khiển xe máy, xe đạp, xe thô sơ đi vào đường cao tốc: Tăng mức phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng lên mức từ 400.000 – 600.000 đồng.

+ Người đi bộ đi vào đường cao tốc: Tăng mức phạt tiền từ 80.000 – 100.000 đồng lên mức từ 100.000 – 200.000 đồng.

+ Người điều khiển xe ô tô không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; khi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm theo quy định (điểm c khoản 7 Điều 5): Tăng từ 800.000 – 1.200.000 đồng lên 5.000.000 – 6.000.000 đồng.

Lưu ý: Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc thời hạn đình chỉ hoạt động cụ thể đối với một hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này là mức trung bình của khung thời gian tước hoặc đình chỉ hoạt động được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì thời hạn tước, đình chỉ hoạt động là mức tối thiểu của khung thời gian tước hoặc đình chỉ hoạt động; nếu có tình tiết tăng nặng thì thời hạn tước, đình chỉ hoạt động là mức tối đa của khung thời gian tước hoặc đình chỉ hoạt động (khoản 2 Điều 77)./.

Báo Công an TP Hồ Chí Minh

CATP Hà Tĩnh