Những góc khuất của hoạt động cầm đồ
Hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ ở TP. Vinh đang có những góc khuất và hệ lụy khó lường. Trong khi sự quản lý của cơ quan chức năng còn chưa hiệu quả.
"Sân sau" của tội phạm
Ở thành phố Vinh, có những tuyến phố chuyên kinh doanh dịch vụ cầm đồ như Bạch Liêu, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Viết Xuân… Đặc điểm chung của những tuyến phố này là nằm gần các trường cao đẳng, đại học - nơi có lượng khách hàng “tiềm năng” là sinh viên.
Trong vai một khách hàng có nhu cầu cầm đồ, chúng tôi đến một cửa hàng trên đường Bạch Liêu (TP. Vinh). Khi hỏi về những tài sản có thể cầm cố, chủ cửa hàng cho biết rằng phải sử dụng đồ vật chính chủ hoặc có giấy ủy quyền của chính chủ.
[caption id="attachment_20814" align="aligncenter" width="600"] Những cửa hàng cầm đồ dày đặc trên đường Bạch Liêu (TP Vinh). Ảnh: Phương Thảo[/caption]Song, sự việc không diễn ra như lời chủ cửa hàng nói khi có một khách hàng đến cầm cố 1 chiếc điện thoại di động, 1 chiếc máy tính xách tay. Vị khách này không có giấy tờ liên quan đến đồ vật sở hữu nhưng hoạt động giao dịch vẫn được thực hiện chóng vánh.
Tại các cơ sở cầm đồ khác, những vụ giao dịch tương tự liên quan đến tài sản không có nguồn gốc rõ ràng vẫn diễn ra, mặc dù các chủ cửa hàng biết là trái quy định của pháp luật. Thậm chí không ghi tên người cầm (hoặc người đi cầm khai tên giả) vào tờ biên nhận, ghi loại tài sản, số tiền và thời gian cầm đồ. Các cơ sở này chỉ quan tâm đến định giá hàng cầm với giá rất thấp nên nếu khách không chuộc, các chủ tiệm không hề bị thiệt, mà còn bán được giá khi thanh lý hàng quá hạn.
Thực tế, dịch vụ cầm đồ là một trong các loại nghề kinh doanh luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Không ít cơ sở cầm đồ trở thành nơi chứa chấp, tiêu thụ tài sản không rõ nguồn gốc, tài sản do người khác phạm tội mà có... làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự.
Ngày 29/3, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp với C50 (Bộ Công an) bắt 3 đối tượng có hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá trên Internet với số tiền khoảng 900 tỷ đồng. Điều đặc biệt, nhóm đối tượng này còn thành lập một chuỗi hệ thống các cửa hàng cầm đồ, cho vay tài chính, mua bán xe ô tô trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để siết nợ các con bạc.
Thượng tá Đặng Hữu Hùng - Phó phòng Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố Vinh cho biết, một số cơ sở hoạt động với vỏ bọc là mở hiệu cầm đồ, nhưng thực chất là cho vay nặng lãi với các hình thức vay thế chấp, tín chấp và vay trả góp với lãi suất cao. Và khi “nạn nhân” không đủ sức gánh trả thì việc sử dụng lực lượng xã hội đen để đòi nợ là chuyện thường thấy.
Quản lý chưa hiệu quả
Trên thành phố Vinh hiện có 165 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ có giấy phép. Định kỳ Công an TP. Vinh phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra giấy phép kinh doanh, hoạt động của các cơ sở kinh doanh cầm đồ. Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ quản lý được bề nổi, còn các “hoạt động ngầm” của các cơ sở kinh doanh cầm đồ rất khó bị phát hiện.
[caption id="attachment_20815" align="aligncenter" width="600"] Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP. Vinh kiểm tra niêm phong tang vật các cơ sở cầm đồ trái quy định vào tháng 3/2016. Ảnh tư liệu[/caption]Dịch vụ cầm đồ được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quản lý chặt chẽ. Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ ba phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu. Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Khi có nghi ngờ hàng hóa, tài sản do phạm tội mà có, chủ tiệm phải thông báo ngay với cơ quan công an có thẩm quyền kiểm tra, xử lý...
Tuy nhiên, để che mắt các lực lượng chức năng, các hiệu cầm đồ thường bố trí điểm giao dịch một nơi và để tài sản một nơi khác, vì thế rất khó kiểm soát, phát hiện những tài sản không rõ nguồn gốc.
Mặt khác, hiện nay chưa có quy định cụ thể danh mục các loại tài sản, hàng hóa cầm cố phải có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp. Trên thực tế, một số tài sản, hàng hóa như ti vi, đồng hồ, máy tính, đầu đĩa, điện thoại di động, do mua bán tự do trên thị trường không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, quyền sở hữu hợp pháp vẫn được cầm cố.
Kể từ ngày 1/7/2016, Nghị định 96/2016NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có hiệu lực quy định điều kiện thành lập cơ sở kinh doanh cầm đồ. Khó khăn hiện nay là việc xử lý các cơ sở cho vay, cầm đồ lấy danh nghĩa kinh doanh dịch vụ tài chính để cho vay với lãi suất cao, bởi Nghị định 96 không đưa hình thức này vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, do đó chưa có chế tài để xử phạt.
“Từ cuối năm 2016 đến nay, chúng tôi đã phát hiện một số cơ sở ở thành phố Vinh có kinh doanh hình thức này nhưng chưa có chế tài nào xử phạt”, Thượng tá Đặng Hữu Hùng cho biết.
Nhu cầu cầm cố tài sản, vay tiền nặng lãi của khách hàng ngày một tăng, việc xử lý chưa triệt để những vi phạm khiến cho các đối tượng kinh doanh dịch vụ này có cơ hội để kiếm tiền phi pháp. Để chấn chỉnh hoạt động của dịch vụ cầm đồ, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh kiểm tra, cần có chế tài chặt chẽ hơn, xử phạt nghiêm các cơ sở kinh doanh cầm đồ hoạt động không đúng quy định của pháp luật.
Phương Thảo/ Theo Báo Nghệ An điện tử
CATP Hà Tĩnh