Những hiệp định quốc tế lớn Mỹ đã "nói lời chia tay"
Kể từ khi trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ, ông Donald Trump đã có nhiều quyết sách gây tranh cãi, đặc biệt là những quyết định rút khỏi một loạt thỏa thuận quốc tế trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa hay an ninh, quân sự, mà mới nhất là Hiệp định về các Lực lượng hạt nhân tầm trung INF.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Ngày 23-1-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh rút ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong buổi lễ ký rút khỏi TPP ở Phòng Bầu dục, ông Trump nói sắc lệnh này là “điều tuyệt vời cho công nhân Mỹ”. Trước đó, ông Trump từng gọi TPP là “thảm họa tiềm tàng” có khả năng khiến nhiều người Mỹ mất việc.
Quyết định này của Tổng thống Trump không chỉ là cú sốc đối với các nước trong khu vực đồng thời hứng chịu nhiều lời chỉ trích từ chính trong nội bộ nước Mỹ. Thượng nghị sĩ John McCain nói, từ bỏ TPP là “một quyết định sai lầm” và “một sai lầm nghiêm trọng” có thể những hậu quả lâu dài đối với kinh tế Mỹ cũng như vị thế của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
|
Tổng thống Mỹ ký quyết định rút khỏi TPP. Ảnh Reuters. |
TPP được coi là một phần trong chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu, gồm Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam trong đó Mỹ và Nhật Bản được coi là trụ cột chính.
Hiệp định được ký ngày 4-02-2016 tại Auckland, New Zealand sau 5 năm đàm phán với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực. Việc ông Trump thông qua sắc lệnh rút khỏi TPP mang tính biểu tượng bởi Mỹ đã ký kết TPP nhưng chưa được Quốc hội phê chuẩn.
Những nước còn lại của TPP đã cùng họp lại sau khi Mỹ tuyên bố rời đi để thảo luận về tương lại của TPP “không có Mỹ”. Tất cả các bên ký tên ban đầu của TPP - ngoại trừ Mỹ - đồng ý vào tháng 5-2017 để khôi phục lại hiệp định và đã đạt được thỏa thuận vào tháng 1-2018 để ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Lễ ký kết chính thức được tổ chức vào ngày 8 tháng 3 năm 2018 tại Santiago, Chile.
Thỏa thuận Khí hậu Paris
Ngày 1-6-2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về khí hậu, sẽ chấm dứt tất cả các sự tham gia liên quan đến Hiệp định Paris năm 2015 về ứng phó biến đổi khí hậu. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4-8-2017 đã gửi một thông báo chính thức lên Liên Hiệp Quốc thông báo về ý định rút khỏi Hiệp định Paris. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, thông báo này là một “thông điệp mạnh mẽ” gửi tới thế giới.
“Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã làm suy yếu nền kinh tế Mỹ, khiến nhiều người mất việc làm, làm suy yếu chủ quyền quốc gia và đặt Mỹ vào thế bất lợi so với các nước khác trên thế giới”, Tổng thống Donald Trump lý giải cho quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định.
|
Ảnh minh họa. |
Tuy vậy, ông Trump cũng khẳng định Washington sẽ xúc tiến các cuộc thương lượng để tìm kiếm một thỏa thuận khác “công bằng hơn với nước Mỹ, với các doanh nghiệp, công nhân, người dân và những người đang đóng thuế cho nước Mỹ”. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này vẫn sẽ tham dự các Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc trong thời gian tiến hành các thủ tục rút khỏi thỏa thuận Paris. Thời gian dự kiến của việc rút khỏi này sẽ kéo dài ít nhất 3 năm.
Mỹ, quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ hai sau Trung Quốc, là một trong số 195 nước tham gia Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Tổng thống Barack Obama đã ký phê chuẩn hiệp định vào tháng 9-2016.
Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA)
Ngày 28-8-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ sớm khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, gồm Mexico, Mỹ và Canada). Tổng thống Trump từng coi NAFTA là một trong những thỏa thuận thương mại “tồi tệ nhất” được ký kết cho đến nay. Theo ông, cần phải khởi động tiến trình dỡ bỏ thỏa thuận này trước khi có thể đạt được một thỏa thuận công bằng.
Ngày 1-10-2018, Mỹ và Canada đã đạt được thỏa thuận cuối cùng để cứu vãn Hiệp định NAFTA ngay trước hạn chót mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra, đảm bảo sự tồn tại của một khu vực thương mại gồm 3 bên với Mexico có giá trị thương mại hàng năm lên đến 1,2 nghìn tỷ USD. Đây được coi là một chiến thắng đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước đó, Mỹ cũng đã đạt được một thỏa thuận tương tự với Mexico.
|
Mỹ, Mexico và Canada vẫn nỗ lực để cứu vãn NAFTA. Ảnh Reuters. |
Theo Reuters, mục đích chính của ông Trump khi tái tạo lại NAFTA là nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, đây cũng là mục đích của việc áp hàng loạt thuế lên lượng hàng nhập khẩu trị giá hàng trăm tỷ USD từ Trung Quốc. Các quan chức Mỹ cũng dự định sẽ ký thỏa thuận với Canada và Mexico vào cuối tháng 11 này, sau đó tại Mỹ, thỏa thuận sẽ được trình lên Quốc hội để phê chuẩn.
NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1-1-1994. Tuy nhiên, Tổng thống Trump mô tả hiệp định thương mại này là “thảm họa- và cho rằng đây là nguyên nhân khiến Mỹ mất đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc
Hôm 12-10-2017, trong khi dõi theo vòng bỏ phiếu gay cấn thứ 4 để bầu chọn Tổng Giám đốc cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), cộng đồng quốc tế đã thật sự bị sốc trước tuyên bố rời bỏ UNESCO của Mỹ và Israel. Với việc ra đi bất ngờ của Mỹ, tổ chức này đang có nguy cơ thiếu hụt ngân sách tới 80 triệu USD/năm, tương đương 20% ngân sách hàng năm của UNESCO.
Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục duy trì nguồn tài trợ này và sẽ vẫn là thành viên chính thức của UNESCO đến hết ngày 31-12-2018.
UNESCO có trụ sở tại Paris (Pháp) và bắt đầu hoạt động từ năm 1946. Tổ chức này hiện có khoảng 2.000 nhân viên. Mỹ cũng từng rút khỏi UNESCO dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan vào năm 1984 và quay trở lại tổ chức này dưới thời ông George W Bush.
|
Mỹ gây nhiều phản ứng trái chiều khi lần thứ hai nói lời chia tay với UNESCO. Ảnh Getty Images. |
Từ năm 2019, Mỹ dù không còn là thành viên nhưng vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò là quan sát viên để đóng góp quan điểm và chuyên môn cho UNESCO.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh: “Quyết định này không thể bị xem nhẹ. Nó phản ánh mối quan ngại của Mỹ về những công việc chồng chất tại UNESCO, về sự cần thiết phải cải cách căn bản tổ chức này và về việc tổ chức này duy trì thành kiến chống lại Israel”.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova cho rằng sự rút đi của Mỹ là một “tổn thất đối với Mỹ”, “tổn thất đối với gia đình Liên hợp quốc” và “tổn thất đối với sự hợp tác đa phương”. Bà Bokova được coi là nhậm chức người đứng đầu UNESCO trong khoảng thời gian cực kỳ khó khăn.
Thỏa thuận hạt nhân Iran
Rạng sáng 9-5-2018 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và khôi phục các lệnh trừng phạt, một động thái được cho là không quá bất ngờ những có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, Reuters đưa tin.
Trong một tuyên bố được truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng, ông Trump cho biết sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran nhằm làm suy yếu tiềm lực của nước này. Nói về thỏa thuận này, ông Trump đã nhấn mạnh đây là “một thỏa thuận một chiều tồi tệ mà đáng nhẽ ra không nên được tiến hành”. Thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn được biết đến là JCPOA, được ký kết bởi Iran và nhóm P5+1 vào năm 2015, để đổi lại sự nới lỏng cấm vận từ các nước phương Tây và Mỹ thì Iran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân tên lửa của mình.
|
Việc Mỹ rút khỏi JCPOA làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Ảnh Reuters. |
Phó Tổng thống Mike Pence cho biết Nhà Trắng đã thông báo với Quốc hội Mỹ về quyết định nói trên của Tổng thống Trump. Ngay từ quá trình tranh cử, ông Trump đã thể hiện rõ lập trường phản đối thỏa thuận được ký dưới thời Tổng thống Barack Obama này. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump nhiều lần gọi thỏa thuận là văn kiện “nguy hiểm”, không ngăn chặn được mà chỉ trì hoãn khả năng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.
Quyết định rút khỏi JCPOA được cho là động thái tự cô lập của Mỹ đối với các đồng minh phương Tây như Anh, Pháp và Đức – những nước coi thỏa thuận này là công cụ cần thiết nhằm kiềm chế nguy cơ Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc, hai quốc gia thành viên Nhóm P5+1 vốn ủng hộ văn kiện này.
Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-10 cho biết ông sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Mỹ và Liên minh các nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết trước đây về việc loại bỏ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
Hiệp ước INF, được đàm phán dưới thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, được Thượng viện Mỹ phê chuẩn năm 1988, yêu cầu cả 2 nước loại bỏ các loại vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung và tên lửa thông thường.
|
Mỹ rút khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt gần 30 năm trước, rấy lên lo ngại về cuộc đua vũ khí mới. Trong ảnh là Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (phải) và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev bắt tay sau khi ký Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân tầm trung INF ngày 8-12-1987. Ảnh AP. |
“Thật không may, Nga đã không tôn trọng thỏa thuận này vì vậy chúng tôi sẽ chấm dứt thỏa thuận này và rút khỏi nó,” Tổng thống Mỹ cho biết ngày 20-10 tại bang Nevada. Washington tin rằng Moscow đang phát triển một hệ thống có khả năng tiến hành một vụ tấn công hạt nhân nhằm vào châu Âu trong một thời gian ngắn, và điều này vi phạm Hiệp ước INF, Reuters cho biết. Nga đã phủ nhận cáo buộc này.
Tổng thống Mỹ nói thêm rằng Mỹ sẽ tiếp tục phát triển vũ khí của mình trừ khi phía Nga và Trung Quốc đồng ý ngừng các chương trình của mình. Trung Quốc dù không phải là một thành viên trong hiệp ước trên nhưng cũng đã đầu tư mạnh vào tên lửa thông thường như một phần của chiến lược Chống tiếp cận/ Chống xâm nhập khu vực của mình, trong khi đó theo quy định của INF thì Mỹ không được phép sở hữu tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình từ khoảng 500 đến 5.500 km.
Duy Tiến/ Theo Báo CAND
CATP Hà Tĩnh