Những ký ức trên trận tuyến chống giặc lửa
Cứ mỗi độ tháng 10 về, những người lính, người chỉ huy trong lực lượng Cảnh sát PCCC lại bồi hồi nhớ về những kỷ niệm gắn bó với ngành Công an và với nghiệp PCCC. Một trong số đó là Đại tá Lương Hữu Phùng, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an Hà Tĩnh – người có cả cuộc đời hoạt động trong ngành Công an với nghiệp PCCC. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Ban biên tập Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh đăng bài viết ký ức của đồng chí trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH về những kỷ niệm với đồng đội, nhân dân trong công tác PCCC và CNCH.
Sinh ra và lớn lên ở xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nơi có con sông Ngàn Phố hiền hòa và thơ mộng đã nuôi dưỡng trong tâm hồn tôi khát khao giữ bình yên cho quê hương, giữ màu xanh cho quê hương. Khát khao ấy luôn thường trực và cháy bỏng trong tôi. Và cũng như là duyên của số phận cho tôi được gắn bó với ngành Công an, với nghiệp PCCC. Dấu mốc tôi tôi thể nào quên đó chính là năm 1975 khi cuộc chiến tranh vừa kết thúc tôi bước vào ngành Công an, vào trường sỹ quan Cảnh sát nhân dân Việt Nam, khóa đầu tiên của Học viện Cảnh sát nhân dân bây giờ. Hơn 41 năm công tác trong ngành Công an và bấy nhiêu tháng, bấy nhiêu ngày tôi gắn bó với công tác PCCC.
Tháng 9/1980 sau khi tốt nghiệp trường sỹ quan CSND, trong đó có 2 năm học chuyên khoa cảnh sát về công tác PCCC, tôi được điều động về công tác tại phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Nghệ Tĩnh. Sau 3 năm công tác, tôi được đề bạt làm đội trưởng đội kiểm tra PCCC. Năm 1991 thực hiện quyết định của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính, tái lập tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An. Cũng như nhiều cán bộ, chiến sỹ lúc bấy giờ, chúng tôi, những con em của tỉnh Hà Tĩnh hăm hở trở về xây dựng quê hương. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, tôi được bố trí công tác tại phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Hà Tĩnh cho đến hôm nay. Sau quá trình phấn đấu, tháng 7/1999 tôi được đề bạt chức vụ Phó Trưởng phòng, rồi Trưởng phòng vào năm 2012.
Thời gian có thể làm mờ mai nhiều ký ức, nhưng những kỷ niệm với nghề, với nghiệp, với đồng đội, với nhân dân về công tác PCCC luôn in đậm trong khối óc và trái tim tôi. Những năm tháng công tác tại Công an Nghệ Tĩnh, mặc dù tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm công tác chưa nhiều nhưng tôi có nhiều đam mê về công táctuyên truyền, huấn luyện, kiểm tra, hướng dẫn công tác PCCC, đặc biệt là chuyên đề công tác nghiên cứu khoa học PCCC ở khu di tích lịch sử Kim Liên, huyện Nam Đàn. Để làm được điều này, tôi đã lăn lộn lên đó nhiều tháng trời, nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo phòng lúc đó là đồng chí Trần Đình Bồi. Kết quả của việc nghiên cứu chuyên đề, đơn vị được ban giám đốc Công an tỉnh Nghệ Tĩnh ghi nhận và đánh giá cao.
Với những đam mê trong các tuyên truyền PCCC, tôi cũng là người đầu tiên cùng với lãnh đạo phòng huấn luyện xây dựng CLB PCCC thiếu niên tỉnh Nghệ Tĩnh và hoạt động liên tục. CLB đã tham gia thi đấu tại tỉnh Hải Hưng, năm 1987 đạt kết quả cao. Trong thời gian này, tôi rất say sưa với công tác xây dựng phong trào quần chúng tham gia PCCC. Là bí thư đoàn chi đoàn kiểm tra, nhiều đêm hôm tôi thường đạp xe xuống khu tập thể như xí nghiệp bánh kẹo, bưu điện, may mặc... để tuyên truyền hướng dẫn cán bộ, công nhân viên khu tập thể các biện pháp công tác phòng cháy. Lúc bấy giờ TP Vinh tập thể hầu như là nhà tranh, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Mặc dù địa bàn, xa xôi, tôi còn đến các bản làng ở Tương Dương, Quỳ Hợp… để tuyên truyền cho nhân dân về công tác PCCC. Trên cương vị là đội trưởng kiểm tra tôi đã tham dự hội thi nghiệp vụ cán bộ kiểm tra phòng cháy khu vực phía Bắc và đạt giải 3 cá nhân.
Năm 1991, những ngày đầu tái lập tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC Công an Hà Tĩnh có 35 người, trong đó, đội kiểm tra có 5 người.Trong điều kiện khó khăn chung của tỉnh, chợ và nhiều cơ sở khác rất là tạm bợ, nhà tranh tre nứa lá, sử dụng vật liệu nổ rất nhiều, ý thức về phòng cháy còn kém... Trước thực tế đó, tôi đã trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo phòng các biện pháp phòng ngừa, hạn chế cháy nổ xảy ra trên địa bàn, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm thi hành Pháp lệnh PCCC; đánh giá lại thực trạng công tác PCCC trên địa bàn Hà Tĩnh, quy định việc quản lý của Nhà nước đối với Công tác PCCC trong 30 năm qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, đã được Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Ký đánh giá cao.
Những ngày đầu gian khổ ấy, tôi cũng như nhiều cán bộ, chiến sỹ PCCC nói riêng và cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Tĩnh nói chung không thể nào quên về tham gia dập tắt vụ cháy chợ Thị xã Hà Tĩnh vào 3/11/1991. Khi đó, nhận được tin báo, lực lượng PCCC đến hiện trường lửa đã bốc cháy cao, đơn vị đã nhanh chóng triển khai đội hình phun nước, phối hợp với Công an thị xã, lực lượng dân phòng, bao vây, chia cắt ngọn lửa, bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống kẻ xấu lợi dụng lúc hỗn loạn để trộm cắp, tẩu tán hàng hóa. Sau gần 4 tiếng đồng hồ chữa cháy, ngọn lửa bị dập tắt.
Đại tá Lương Hữu Phùng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh chỉ đạo công tác diễn tập PCCC |
Kỷ niệm trong công tác không thể phai mờ trong tôi đó là tham gia chỉ đạo Đội tuyển PCCC của tỉnh tham gia Hội thao về kỷ thuật nghiệp vụ chữa cháy mà Công an Hà Tĩnh, trước đó là Công an Nghệ Tĩnh chưa bao giờ đạt giải ở cấp khu vực, Trung ương. Năm 2005, với trách nhiệm của mình là trưởng đoàn, trực tiếp hướng dẫn, nghiên cứu rất nhiều từ kỹ chiến thuật để làm sao thi đấu để đạt được kết quả tốt. Kết quả đội PCCC Hà Tĩnh đạt giải nhất toàn đoàn.
Đối với người lính PCCC cũng người chỉ huy trong lực lượng PCCC tham gia chữa cháy trong những ngày Tết là những kỷ niệm khó quên. Nhiều khi tham gia chữa cháy cho các hộ gia đình, chúng tôi trở thành những người “xông đất… bất đắc dĩ”. Có không ít trường hợp, chúng tôi đón giao thừa ngay trên đường khi vừa hoàn thành nhiệm vụ. Kỷ niệm tôi còn nhớ mãi là tham gia chữa cháy tại nhà anh Nguyễn Đăng Khoa và chị Võ Thị Đào ở huyện Kỳ Anh, vào ngày 25/1/2009, lúc đó là chiều 30 Tết. Gia đình anh Khoa chuyên kinh doanh phụ tùng ô tô, xe máy. Đây là một đại lý lớn nhất huyện. Chiều tối hôm đó,mặc dù lúc đó anh em đang chuẩn bị mọi thứ để cho đêm giao thừa nhưng nhận được tin báo, lực lượng PCCC đã xuất ngay 3 xe chữa cháy với 25 CBCS phối hợp với Công an huyện Kỳ Anh, lực lượng dân phòng ngăn ngừa ngọn lửa lây lan sang các nhà lân cận; tôi đã chỉ đạo anh em tham gia chữa cháy kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra. Khi đám cháy dập tắt xong đã gần thời điểm đón giao thừa. Các đồng chí trong Huyện ủy, UBND huyện đã đến hiện trường chúc mừng và cảm ơn cán bộ, chiến sỹ PCCC. Khi anh em trở về đến đơn vị đã quá bước sang năm mới. Không ai bảo ai, nhưng chúng tôi đã nắm tay thật chặt, nguyện quyết tâm cùng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Năm tháng cứ miệt mà trôi, những ký ức cứ thế dày theo thời gian. Chữa cháy vào sáng mồng 1 tết Ất mùi, năm 2015 là thêm một ví dụ như thế. 11h trưa, nhận được tin cháy cửa hàng thiết bị máy móc nông nghiệp Bình Nguyên, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh. Mặc dù đang trong thời điểm chúc Tết nhưng tôi đã chỉ đạo 20CBCS kịp thời xuống hiện trường, xuất 2 xe chữa cháy và trực tiếp cùng với anh em CBCS vào chữa cháy. Đến nơi thì ngọn lửa bốc cao, vì trong nhà có nhiều săm lốp, dầu mỡ, nên rất dễ cháy lan. Tôi đã cùng anh em nhanh chóng di chuyển tài sản ra bên ngoài, cùng các lực lượng khống chế đám cháy. Và chúng tôi đã đón chào năm mới với những công việc bắt đầu như thế.
Những năm gần đây, lực lượng PCCC được giao thêm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Mặc dù nhiệm vụ khó khăn phức tạp, nhưng ai nấy cũng đều đồng lòng, đồng sức để hoàn thành nhiệm vụ. Từ người lính đến người chỉ huy đều gồng mình để cứu hộ. Tất cả chỉ có tình người, trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Việc cứu hộ tại xưởng đúc Giếng chìm xây dựng kè chắn sóng thuộc Công ty Formosa Hà Tĩnh vào đêm 25, rạng sáng ngày 26/3/2015 là một ví dụ. Tôi đã điều động lực lượng, xe chữa cháy, xe cứu nạn và nắm tình hình sự cố, tai nạn, chỉ đạo các lực lượng cứu nạn, cứu hộ đưa các máy hàn cắt, dùng các thiết bị banh cắt để cắt các tấm thép đổ ngổn ngang và thức suốt đêm cùng anh em cùng các lực lượng khác đưa 13 xác nạn nhân ra ngoài.
41 năm gắn bó với ngành Công an và nghề chữa cháy đã tôi luyện cho tôi đức tính dũng cảm, không ngại gian khổ, hy sinh, đoàn kết, sáng tạo, mưu trí để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, với công việc đặc thù của PCCC, đòi hỏi người chỉ huy chữa cháy phải nhiệt tình và người chỉ huy phải luôn tiên phong trong các mặt công tác chữa cháy, bám sát những nơi khó khăn gian khổ nhất, nắm vững kỹ chiến thuật chữa cháy, có đầu óc quan sát, nếu không cẩn thận có thể làm công trình sụp đổ sẽ ảnh hưởng đến anh em và biết cách phun nước đúng ngọn lửa không cháy lây lan, ngược lại nếu phun quá nhiều nước thì sẽ gây ảnh hưởng lãng phí nước. Phải thường xuyên làm tốt công tác động viên, khích lệ CBCS để anh em xác định nghĩa vụ của mình, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ, khó đó là tình huống nước sôi, lửa bỏng, tình huống khó khăn, phức tạp và gian nạn.
Kể lại những kỷ niệm gắn bó công tác PCCC với Phóng viên |
Những năm gần đây kinh tế xã hội ngày càng phát triển yêu cầu công tác chữa cháy ngày càng cao nhất là khu kinh tế Vũng Áng đòi hỏi người chỉ huy phải sâu sát, nắm vững các văn bản quy định của nhà nước về công tác PCCC, nắm vững các tiêu chuẩn vi phạm, muốn vậy phải nghiên cứu tài liệu rất sâu, chịu khó tìm tòi. Những nơi khó khăn trong việc tổ chức công tác PCCC thì đồng chí Trưởng phòng phải trực tiếp vào cuộc để cùng với CBCS triển khai và thực hiện nhiệm vụ. Vấn đề nữa làm phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đăc biệt trực tiếp tham mưu cho Ban Giám đốc Công an các biện pháp phòng cháy có hiệu quả. Làm tốt công tác đào tạo bồi dưỡng các lớp nghiệp vụ, hướng dẫn cho anh em những vấn đề mới, vấn đề khó trong công tác PCCC.
Về công tác quản lý CBCS người lãnh đạo phải đầu tàu gương mẫu, biết khơi dậy tính sáng tạo, hăng say trong công việc của CBCS, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác PCCC. Với nhân dân từ các phường xã thì phải gần gũi, tuyên truyền hướng dẫn cho người dân nắm vững về công tác phòng ngừa chữa cháy. Phải tu dưỡng bản thân mình, luôn làm theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND và 4 điều Bác Hồ dạy lực lượng Cảnh sát PCCC.
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC thay mặt Cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới cấp ủy, chính quyền, Ban Giám đốc Công an tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm đào tạo, đầu tư trang thiết bị để lực lượng PCCC trưởng thành như ngày hôm nay, cảm ơn các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân đã luôn đồng hành, vào cuộc tham gia PCCC. Tri ân các anh hùng, liệt sỹ, thương binh trong lực lượng đã cống hiến tuổi trẻ, xương máu vì sự nghiệp PCCC. Cảm ơn những người vợ, người mẹ, người thân yêu của lực lượng PCCC để các thế hệ Cảnh sát PCCC yên tâm công tác, hoàn thành trọng trách nặng nề, phức tạp nhưng vinh quang mà Đảng, mà ngành và nhân dân tin yêu giao phó.Tôi gửi gắm một niềm tin và0 các thế hệ cán bộ, chiến sỹ PCCC hôm nay luôn có bản lĩnh, lập trường tư tưởng vững vàng, xác định được trách nhiệm người chiến sỹ trên lĩnh vực PCCC, không ngừng học tập các kiến thức xã hội khác từ ngoại ngữ, chính trị, luôn sáng tạo trong suy nghĩ, đoàn kết để hoàn thành nhiệm vụ.
Xuân Lý – Hùng Ngà, ghi theo lời kể của Đại tá Lương Hữu Phùng
CATP Hà Tĩnh