Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Những người thầy đặc biệt sau cánh cổng trại giam

Đều đặn hằng năm tại Trại giam Phú Sơn 4 - Bộ Công an (đóng tại Thái Nguyên) lại có một lớp học vô cùng đặc biệt được tổ chức, đó là lớp học xóa mù chữ cho các phạm nhân. Có người trẻ tuổi, cũng có những người đã đi gần đến cuối cuộc đời nhưng vẫn chưa thể tự mình viết nổi một chữ nào. Chính nhờ lớp học này mà quá trình cải tạo, làm lại cuộc đời của những con người lầm lỡ ấy đã đi thêm được một bước dài.

Bắt đầu từ giáo dục

Trại giam Phú Sơn là một trại giam lớn. Nhận thấy công tác đào tạo, giáo dục văn hóa, chính trị pháp luật cho phạm nhân là một vấn đề tối quan trọng nên Đội Giáo dục - Hồ sơ của Trại giam Phú Sơn được xây dựng với các cán bộ giỏi, nhiều kinh nghiệm.

Theo Trung tá Nguyễn Sỹ Tâm - đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ cho biết: "Hiện tại đội có 20 cán bộ chiến sĩ. Ngoài công tác tham mưu giúp Giám thị trại giam xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục cho phạm nhân, đội còn chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ, cập nhật thông tin thực hiện chế độ chính sách, pháp luật và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng…".

Có thể nói, những cán bộ chiến sỹ của đội Giáo dục - Hồ sơ là những người đặt nền móng cho cuộc sống hoàn lương, trở về xã hội của những phạm nhân đang thụ án nơi đây. Đơn vị thường xuyên tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân sắp hoàn thành thời gian thụ án.

Ngoài ra, có các lớp học thời sự, chính trị pháp luật, nội quy trại giam và đặc biệt là các lớp học xóa mù chữ cho những phạm nhân chưa biết chữ. Trong quãng thời gian từ 2012-2016, số lượng phạm nhân mà những người thầy giáo đặc biệt này đã giảng dạy lên tới con số gần 10 ngàn.

Các phạm nhân chăm chú nghe giảng.

Theo Trung tá Nguyễn Sỹ Tâm cho biết, các cán bộ của đội rất chú tâm nâng cao chất lượng những lớp học, bởi họ biết đó là một trong những cách giáo dục thiết thực nhất cho những con người lầm lỡ.

Ngoài các lớp học nói trên, Đội Giáo dục - Hồ sơ còn chủ động phối hợp với các ban ngành của tỉnh Thái Nguyên để tổ chức các hoạt động văn hoá giáo dục. Mới đây nhất, đội đã phối hợp với Thư viện tỉnh Thái Nguyên mở một thư viện trong trại giam với hơn 3.000 đầu sách, phục vụ cho nhu cầu giải trí, văn hoá cho phạm nhân.

Trong những dịp Tết Nguyên Đán năm 2016, các cán bộ của Đội Giáo dục - Hồ sơ cũng là người đứng ra tổ chức các hoạt động văn hoá như cuộc thi làm báo tường với chủ đề "Mừng Đảng, mừng Xuân" và các cuộc thi vẽ tranh "Ngày mai tươi sáng", "Khát vọng hoàn lương". Cùng với đó là các phong trào văn nghệ, thể thao kết hợp nhằm nâng cao chất lượng trong công tác cải tạo, giáo dục cho phạm nhân.

Lớp xoá mù chữ

Các tác phẩm báo tường trong cuộc thi do Đội Giáo dục - Hồ sơ tổ chức.

Chia sẻ về những lớp học, Thượng uý Trần Ngọc Tùng - một cán bộ của Đội Giáo dục - Hồ sơ tổ chức, một "người thầy" nhiều năm đứng lớp cho biết: "Mỗi lớp học được tổ chức đều được các phạm nhân tham gia và tiếp thu nội dung rất tốt. Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả của những lớp học này và đặc biệt là lớp học xoá mù chữ...".

Cũng theo như Thượng uý Tùng chia sẻ, hằng năm lượng phạm nhân nhập trại rất đông và trong số đó những người không biết chữ chiếm tỉ lệ khá cao. Hầu hết những phạm nhân không biết chữ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học hoặc những thanh niên trẻ vùng cao do ham chơi không chịu đi học khi còn nhỏ.

Chị Ly Sẻo Chủ, người dân tộc Thái ở Sơn La là một trường hợp đặc biệt trong lớp học xoá mù chữ này. Phạm tội mua bán người, trong những ngày đầu thụ án, để giao tiếp với chị Chủ là một thử thách khó khăn với các cán bộ của Đội Giáo dục - Hồ sơ bởi chị Chủ không biết tiếng Kinh.

Để giải quyết vấn đề này, anh Tùng phải tìm một phạm nhân biết tiếng Thái để làm người phiên dịch. Mỗi buổi học anh Tùng lại phải kèm chị Chủ cẩn thận hơn nắn nót từng chữ từng chữ cùng người phiên dịch ngồi cạnh. Sau một thời gian dài kèm cặp, chị Chủ đã biết đọc, biết viết và tự mình viết được những lá thư đầu tiên gửi về gia đình.

"Những trường hợp phạm nhân không biết chữ lại không nói được tiếng Kinh như chị Chủ ở trong Trại Phú Sơn rất nhiều. Và có một điều khó khăn nữa trong việc dạy chữ cho những phạm nhân này đó là do một thời gian dài không học, họ rất sợ và lười học nên rất khó tiếp thu bài giảng. Chúng tôi phải đi học thêm về sư phạm, học hỏi kinh nghiệm của các thầy cô giáo trong địa phương và dùng nhiều biện pháp khuyên nhủ để họ tập trung hơn vào việc học", Thượng úy Trần Ngọc Tùng chia sẻ.

Thượng úy Trần Ngọc Tùng trong một giờ đứng lớp.

Là một người có 10 năm kinh nghiệm giảng dạy, Thượng úy Trần Ngọc Tùng cũng như các cán bộ của đội luôn biết tự bổ sung kiến thức cho mình, luôn ghi lại những bằng chứng, tấm gương học tập tốt để các phạm nhân đến lớp noi theo.

Trước khi bắt đầu tiến hành giáo dục, dạy văn hóa cho các phạm nhân thì các cán bộ của đội đều phải nghiên cứu qua hồ sơ để nhận biết tâm lý từng người. Phải nắm bắt được tư tưởng, tùy theo độ tuổi và nhận thức để truyền đạt đến họ những tác dụng của việc học, giúp họ có tinh thần tự giác hơn. Để cho họ có kiến thức, giúp khi mãn hạn tù, trở lại với xã hội không bị tụt hậu mà tiếp tục sa ngã trước những lời dụ dỗ của kẻ xấu.

Riêng với một số tội phạm chuyên nghiệp, từng ra tù vào tội quá nhiều lần, việc để họ tiếp thu bài học, tiếp thu sự giáo dục còn khó khăn hơn rất nhiều so với những phạm nhân không biết chữ.

Có những người không thể dạy được trên lớp, anh Tùng cũng như một số đồng nghiệp phải tiếp xúc bên ngoài lớp học, hỏi han nắm bắt tâm lý đồng thời giúp đỡ họ trong cuộc sống. Để từ đó chạm được đến trái tim của những kẻ từng là trộm cướp bên ngoài xã hội, làm họ cảm thấy rung cảm và hiểu được những điều có ích mà các cán bộ truyền tải qua lớp học, giúp họ cải tạo tốt hơn.

Kể về những trường hợp như vậy, anh Tùng cho biết: "Tôi nhớ có một phạm nhân là Cứ Thị Chu, đây là một phạm nhân người dân tộc còn khá trẻ, lấy chồng từ năm 14 tuổi mà giờ đã có 3 đứa con. Gia đình chị này rất nghèo nên từ khi nhập trại không có ai đến thăm. Biết được hoàn cảnh của Chu nên trại đã cho xe đón người thân xuống để thăm gặp. Chúng tôi cũng góp tiền để mua quần áo cho các con của chị Chu. Thành ra mỗi lần gặp chúng tôi, chị Chu lại khóc và cảm ơn cán bộ rối rít".

Thư cảm ơn phạm nhân gửi cán bộ Đội Giáo dục - Hồ sơ.

Còn một trường hợp khác đó là phạm nhân Hờ A Tùng, thụ án 7 năm trong trại mà không ai đến thăm gặp. Con đã từ mặt cha, Tùng đi được 3 năm thì vợ xuống viết đơn ly hôn. Mỗi lần lên lớp, Tùng đều ngồi khóc và tâm lý rất bất ổn. Với những trường hợp như vậy, người thầy không chỉ dạy những bài giảng như mọi khi mà còn là người giáo dục tư tưởng, trấn an tâm lý cho những phạm nhân mà cũng là học sinh đặc biệt.

Còn có những trường hợp, cán bộ phải tự bỏ tiền điện thoại để cho phạm nhân gọi điện về gia đình. Có phạm nhân ở nhà không ai có điện thoại, các cán bộ phải liên lạc về xã để giúp họ được nói chuyện với người thân. Với những người không có nơi nương tựa, không có nơi để về sau khi mãn hạn tù, các cán bộ của trại còn tạo điều kiện cho làm việc ở các công ty cần công nhân, để có công việc kiếm sống, tránh cho họ tiếp tục sa đà vào thói hư tật xấu, sa đọa.

Cho chúng tôi xem những bức thư với nét chữ nguệch ngoạc, Thượng úy Trần Ngọc Tùng vừa cười vừa kể xuất xứ của từng bức thư. Nào là bức thư của một phạm nhân viết sau khi học qua lớp xóa mù chữ gửi tặng cán bộ, nào là bức thư của phạm nhân đã mãn hạn tù gửi lời cảm ơn tới các thầy giáo.

Mỗi bức thư có một câu chuyện. Vui có, buồn có nhưng điều đó cho thấy sự thành công của những người thầy giáo đặc biệt của trại giam trong công tác giáo dục phạm nhân. Nhờ có những người thầy này mà họ biết đọc, biết viết và còn là chỗ chia sẻ, tâm sự mỗi khi gặp khó khăn trên con đường hoàn lương.

Đánh đổi sự thành công đó là hàng chục năm những cán bộ của Trại giam Phú Sơn 4 nói chung và cán bộ Đội Giáo dục - Hồ sơ nói riêng không được đón Tết cùng gia đình. Có chiến sĩ dù con nằm viện mà vẫn phải trực, vợ đưa con vào tận miền Nam chữa bệnh mà bố chỉ có thể gọi điện động viên vợ con. Đó là những khó khăn, vất vả của cán bộ trại giam và cũng là niềm tự hào vì họ đã hết lòng với công việc, với nhiệm vụ được giao phó.

CATP Hà Tĩnh