Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Những người thầy “không bụi phấn”

Họ là những người thầy cả đời gắn bó với thao trường, làn da sạm đen vì nắng gió, hướng dẫn, truyền đạt sự tinh túy của quân sự, võ thuật, thể dục thể thao giúp các chiến sĩ CAND tương lai rèn luyện thuần thục các kỹ thuật và kỹ năng chiến đấu, làm “hành trang” cho con đường đầy gian nan, thử thách phía trước.

Thượng tá Lê Mạnh Cường, Trưởng bộ môn Quân sự-Võ thuật-Thể dục Thể thao, Học viện ANND, người có hơn 20 năm gắn bó với công tác huấn luyện đặc biệt này chia sẻ: Trong thực tiễn chiến đấu, lực lượng CAND luôn phải đối diện các đối tượng côn đồ hung hãn sử dụng vũ khí “nóng”, hoạt động theo kiểu băng nhóm nhằm bao vây, khống chế và gây khó khăn cho người chiến sĩ khi làm nhiệm vụ, thậm chí có thể tước đi mạng sống của họ. Chính vì vậy, trong chương trình học tại các trường CAND, bên cạnh việc học văn hóa, nâng cao kiến thức nghiệp vụ, các học viên đều phải thường xuyên rèn luyện, trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức võ thuật CAND, biết cách sử dụng, vận dụng linh hoạt sáng tạo trong từng hoàn cảnh, đối tượng nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và họ bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân, đồng đội. Và việc rèn luyện thể lực, trang bị các kỹ năng cần thiết cho cán bộ chiến sĩ gắn với công tác chiến đấu như võ thuật, bắn súng, sử dụng công cụ hỗ trợ... là nhiệm vụ được đặt lên vai chính những người thầy của bộ môn Quân sự - Võ thuật - Thể dục Thể thao. [caption id="attachment_33980" align="aligncenter" width="594"] Thượng tá Lê Mạnh Cường, Trưởng bộ môn Quân sự, Võ thuật, Thể dục Thể thao, Học viện ANND hướng dẫn học viên ở nội dung bắn súng.[/caption] Đặc thù của các môn học này là hoạt động ngoài trời vất vả, tiêu hao nhiều năng lượng, nhất là những ngày nắng hạ đổ lửa hay chiều đông lạnh buốt. Chính điều kiện hoạt động khắc nghiệt này đã buộc người dạy và cả người học luôn phải nêu cao tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”. Việc có những giáo viên trầm nắng nhiều ngày, da đen sạm, tróc cả da mặt hoặc một số học viên gặp các chấn thương như gãy răng, sướt da chảy máu, gãy chân, tay trong quá trình luyện tập, thi đấu đối kháng đã không còn là chuyện... hiếm. Đặc biệt, trong các nội dung huấn luyện thì võ thuật một trong những phần việc mà nhiều học viên “ngại” nhất. Thượng tá Lê Mạnh Cường cho biết: Tại Học viện ANND, võ thuật là nội dung có thời lượng học nhiều nhất với 190 tiết, học cuốn chiếu theo hai phần là cơ bản và chiến thuật, liên tục trong suốt 15 ngày với cường độ vận động cao. Trong đó, các nội dung liên quan trực tiếp đến công tác chiến đấu sau này của lực lượng CAND như chiến thuật, đánh, bắt, khóa đối tượng... là những phần việc vô cùng nặng nề, phức tạp, khó khăn, nhất là đối với các học viên nữ. Cùng với việc thành thạo các kỹ thuật, làm sao để hạn chế tối đa các chấn thương có thể xảy ra cũng là mục tiêu mà cả thầy và trò đặt ra trong suốt quá trình huấn luyện. Nhiều học viên sau khi ra trường đã thừa nhận với giáo viên rằng, sợ nhất vẫn là thực hiện đòn quật qua vai (vật ngã đối tượng), nhiều em thực hiện xong kỹ thuật này đã rụng rời cả chân tay, chóng mặt, hoa mắt”. Cùng với võ thuật, bắn súng và bơi vũ trang cũng là nội dung tuy khó khăn, vất vả nhưng lại để lại trong cả thầy và trò nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm khó quên. Thượng tá Lê Mạnh Cường kể: “Với nội dung bắn AK, do bắn đạn thật với tiếng nổ lớn nên nhiều học viên nữ đã run, sợ, không dám bắn hoặc có những em vừa bắn, vừa khóc, chưa bắn mặt đã tái mét, chân tay run rẩy. Trong tình huống này, ngoài việc dạy kỹ năng, các thầy còn phải vào vai chuyên gia tâm lý để chia sẻ, trấn an tinh thần cho các em. Thay vì bắn ngay, các huấn luyện viên bố trí để ngồi gần tiếng nổ để làm quen dần với âm thanh hoặc lắp đạn vào, cố gắng định thần cho học viên nghĩ là súng không có đạn và từ từ bắn. Tuy nhiên, có một điều khá đặc biệt là dù tâm thế ban đầu chưa được tốt như các học viên nam nhưng sau này khi đã quen, nhiều học viên nữ lại cảm thấy đam mê với nội dung này và nhiều em còn bắn tốt hơn cả nam giới (do tay cò mềm hơn). Hay như ở nội dung bơi vũ trang, ngoài hướng dẫn cho học viên các kỹ năng sử dụng các túi ni lông để buộc các trang thiết bị, quấn các vận dụng vào người như phao để vượt sông, giáo viên còn giúp các em thực hiện cách bơi bí mật để đối tượng không phát hiện được. Và trong quá trình thực hiện bài tập này, ngoài việc dạy kỹ năng, các thầy còn kể những câu chuyện thật, các tình huống thực tế để học viên có thêm động lực, kinh nghiệm”. Bên cạnh các giờ học chính khóa, hơn 20 năm qua, Học viện ANND luôn duy trì các CLB võ thuật, bắn súng, thể dục thể thao nhằm giúp các học viên có thêm sân chơi để rèn luyện các kỹ năng và thực hiện niềm đam mê của mình. Do hoạt động của các CLB thường diễn ra vào các buổi chiều trong tuần, vào khung giờ từ 5h chiều đến 6h30 nên để tham gia, nhiều học viên đã phải lên nhà ăn lấy cơm về trước, chấp nhận “ăn cơm nguội, tắm nước lạnh” để toàn tâm toàn ý cho việc luyện tập. Với nỗ lực bền bỉ của cả thầy và trò, suốt 20 năm qua, các CLB bắn súng, võ thuật, thể thao của Học viện ANND đã đào tạo bài bản cho hàng nghìn học viên, tham gia nhiều giải, đạt kết quả cao, sau này về các địa phương các học viên này đều trở thành cán bộ nòng cốt, thành tích cao. [caption id="attachment_33981" align="aligncenter" width="594"] Các học viên luôn nhận được sự hướng dẫn tận tình từ các giảng viên để đảm bảo các động tác kĩ thuật đạt hiệu quả cao trong công tác chiến đấu sau này.[/caption] Các đội tuyển tham gia bắn súng, võ thuật luôn giành vị trí cao trong các cuộc thi do Bộ Công an tổ chức. CLB thể thao cũng là thế mạnh của Học viện, nhiều năm đạt giải cao tại giải chạy Báo Hà Nội mới, các môn khác như bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền cũng đều là một trong những đội mạnh của khối các học viện, trường CAND. Là người có hơn 30 năm gắn bó với thao trường, bãi tập, trực tiếp huấn luyện cho nhiều thế hệ học viên, Đại tá Lê Văn Bắc, Trưởng Bộ môn Quân sự-Võ thuật-Thể dục Thể thao, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho biết: Công việc của những người thầy “không bụi phấn” như các anh không chỉ đơn thuần giảng dạy cho học viên về những động tác chiến đấu, đòn đánh mà còn giúp học viên trang bị toàn diện về kiến thức cũng như kỹ năng chiến đấu nhuần nhuyễn, hiệu quả. Bất cứ một động tác nào cũng cần sự nhịp nhàng, chính xác đến từng chi tiết. Mỗi lời chỉ dẫn, mỗi lần thị phạm, thầy luôn cân nhắc kỹ lưỡng, dặn dò học viên những trường hợp có thể dễ dàng gây ra chấn thương, để các học viên lưu ý phòng tránh trong khi thực hành. Với những người thầy có “thâm niên” gắn bó với công tác huấn luyện trên thao trường, bãi tập như Đại tá Lê Văn Bắc và Thượng tá Lê Mạnh Cường, ngoài tâm huyết, đam mê với nghề thì vẫn còn rất nhiều tâm tư, trăn trở. Trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, chương trình học chưa có nhiều thay đổi, vẫn còn những phần chưa theo kịp thực tế chiến đấu ngày càng khốc liệt của lực lượng CAND như hiện nay, làm thế nào để có thể đạt được hiệu quả tối đa trong điều kiện tối thiểu vẫn luôn là câu hỏi thôi thúc các thầy và nhiều cán bộ trẻ tâm huyết khác của bộ môn. Không thụ động chờ đợi những thay đổi khách quan mang lại, các thầy đã lặng lẽ làm tốt phần việc của mình với tất cả nỗ lực và sự cố gắng của bản thân. Đó là không ngừng tự học từ nhiều “kênh” khác nhau nhằm trau dồi kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là các tình huống thực tế chiến đấu trong bối cảnh tội phạm sử dụng vũ khí nóng ngày càng liều lĩnh, phức tạp để áp dụng vào giảng dạy. Từ đó, cùng với học viên nỗ lực tìm tòi, sáng tạo để có rút ngắn bớt khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế trong điều kiện giảng dạy, huấn luyện còn nhiều khó khăn và không ít bất cập hiện nay.

CATP Hà Tĩnh