Những thay đổi trong quy định về giám hộ
Bổ sung thêm đối tượng được giám hộ; lần đầu tiên, quy định điều kiện của pháp nhân làm người giám hộ; bổ sung một số nội dung giám sát việc giám hộ... tiếp tục là những quy định mới đáng chú ý của Bộ luật Dân sự 2015.
Người có khó khăn trong nhận thức được giám hộ
Bộ luật Dân sự 2005 tại khoản 2 Điều 58 quy định: Người được giám hộ bao gồm: Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu; người mất năng lực hành vi dân sự.
Nay, Bộ luật Dân sự 2015 đã bổ sung thêm đối tượng được giám hộ. Cụ thể, ngoài các đối tượng được giám hộ quy định tại Bộ luật Dân sự 2005, Bộ luật Dân sự 2015 bổ sung các đối tượng sau được giám hộ: Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (Điều 47 Bộ luật Dân sự 2015).
Bộ luật Dân sự cũng quy định cụ thể hơn về người giám hộ. Theo đó, cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện quy định tại Bộ luật này được làm người giám hộ; trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực; một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người.
Thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ
Bộ luật Dân sự 2005 quy định giám sát việc giám hộ theo hướng “Người thân thích của người được giám hộ có trách nhiệm cử người đại diện làm người giám sát việc giám hộ…”. Nay Bộ luật Dân sự 2015 quy định không còn là trách nhiệm mà dựa trên cơ sở thỏa thuận. Cụ thể, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ…”.
Bộ luật mới cũng bổ sung thêm một số nội dung sau: Việc cử, chọn người giám sát việc giám hộ phải được sự đồng ý của người đó. Trường hợp giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ thì người giám sát phải đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ. Bộ luật cũng nêu rõ cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về việc cử, chọn người giám sát việc giám hộ:Trường hợp có tranh chấp về việc cử, chọn người giám sát việc giám hộ thì Tòa án quyết định.
Người giám sát việc giám hộ phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nếu là cá nhân, có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám sát nếu là pháp nhân; có điều kiện cần thiết để thực hiện việc giám sát.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của người giám sát việc giám hộ: Theo dõi, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ; xem xét, có ý kiến kịp thời bằng văn bản về việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự quy định tại Điều 59 của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giám hộ xem xét thay đổi hoặc chấm dứt việc giám hộ, giám sát việc giám hộ.
Liên quan đến việc cử, chỉ định người giám hộ, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ; trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.
Trường hợp cử, chỉ định người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người này.
CATP Hà Tĩnh