Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Nỗ lực ngăn chặn thực phẩm bẩn tại TP HCM

Mặc dù các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc nhằm ngăn chặn các loại thực phẩm bẩn xâm nhập thị trường, nhưng hiện tại các loại rau củ quả có dư lượng hóa chất cao, thịt thối… vẫn được các nhà sản xuất, các hộ cá thể thiếu đạo đức kinh doanh tìm đủ mọi cách đưa vào các chợ đầu mối, để từ đó tràn ngập vào các bữa ăn gia đình…

Trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng tại TP. Hồ Chí Minh như Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Chi cục thú y, Chi cục quản lý thị trường và các phòng ban chức năng tại các quận huyện rất tích cực vào cuộc nhằm ngăn chặn các loại thực phẩm bẩn xâm nhập thị trường, nhưng hiện tại các loại rau củ quả có dư lượng hóa chất cao, thịt thối… vẫn được các nhà sản xuất, các hộ cá thể thiếu đạo đức kinh doanh tìm đủ mọi cách đưa vào các chợ đầu mối, để từ đó tràn ngập vào các bữa ăn gia đình…

Sau một thời gian tiến hành theo dõi, chiều 15/9/2016, các trinh sát Đội 5, Phòng PC49 Công an TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị chức năng huyện Hóc Môn bất ngờ ập vào kiểm tra hai cơ sở sản xuất măng chua của hai anh em ông Lê Thế Huấn và ông Lê Thế Luyến tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện gần 12 tấn măng thành phẩm và măng nguyên liệu vứt la liệt trên nền xi măng ẩm thấp không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt có hàng tấn măng nguyên liệu được hai chủ cơ sở này bỏ trong bao tải rồi xếp đống ngoài vườn đang bốc mùi hôi thối, có nhiều ruồi nhặng bám xung quanh và khi mở bao kiểm tra còn phát hiện có rất nhiều con giòi đang bò lúc nhúc.

Tại một khu vực nằm gần bồn nước, lực lượng chức năng còn phát hiện trên 20kg măng đang được ngâm trong hóa chất tẩy trắng, bên cạnh có 0,5kg bột màu trắng không rõ nguồn gốc, nhưng bên ngoài túi có ghi dòng chữ: "hóa chất tẩy trắng công nghiệp, nếu nuốt trúng, cần sự can thiệp của y tế" (mà theo khuyến cáo của ngành y tế, các loại hóa chất tẩy trắng và hóa chất tạo màu vàng chỉ được phép sử dụng trong công nghiệp dệt, nhuộm vải.

Nếu đem các loại hóa chất này vào sử dụng trong chế biến thực phẩm thì người sử dụng sẽ bị các chứng bệnh viêm đường hô hấp, tiêu hóa và nếu sử dụng trong thời gian dài có thể gây bệnh ung thư).

Khu vực ngâm măng chua với hóa chất tẩy trắng tại nhà ông Luyến.

Theo lời khai của hai chủ cơ sở này, trước đây họ từng có thời gian làm nghề giết mổ gà để bỏ mối cho hàng chục chợ trong khu vực huyện Hóc Môn, quận 12, Gò Vấp. Đến giữa năm 2015, khi lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Chi cục Thú y huyện Hóc Môn tiến hành kiểm tra phát hiện hai anh em ông Huấn và ông Luyến đã sử dụng hóa chất tạo màu vàng để bôi lên da gà nên đã xử phạt vi phạm, tịch thu giấy phép không cho hoạt động.

Nhận thấy việc sản xuất thực phẩm bẩn mang lại nguồn thu rất lớn nên sau khi bị xử phạt và buộc đóng cửa cơ sở, hai anh em ông Luyến chỉ nằm im thở khẽ một thời gian ngắn cho đến đầu năm 2016 thì nhờ người thân đứng tên chủ kinh doanh xin giấy phép sản xuất măng chua. Có được lá bùa lận lưng, hai ông Huấn và Luyến tìm đến các sạp hàng bán rau củ quả tại các chợ trong khu vực chào hàng với giá rẻ, sau đó lên Lâm Đồng đặt mua măng tươi về chế biến thành măng chua…

Thực tế cả hai anh em đến chợ Kim Biên mua hóa chất tẩy trắng không rõ nguồn gốc, nhãn mác (loại dùng trong công nghiệp dệt, nhuộm vải) và thuốc nhuộm màu vàng mang về pha vào nước rồi cho măng vào ngâm trong thời gian từ 2-3 tiếng, sau đó chuyển sang ngâm với hóa chất nhuộm màu vàng cho măng có độ óng rồi vớt ra mang đi bỏ mối.

Với cách làm này, một mẻ măng có thể rút ngắn thời gian chỉ bằng 1/3 so với cách làm truyền thống và mỗi ngày hai cơ sở sản xuất của ông Huấn và ông Luyến tuồn ra thị trường hàng tấn măng chua, thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng.

Cũng trong buổi chiều cùng ngày, mội mũi trinh sát khác của Đội 3 đã tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến rau muống của bà Nguyễn Thị Sự ở phường 15, quận Gò Vấp. Tại thời điểm bị kiểm tra, có hàng trăm ki-lô-gam rau muống chẻ có dấu hiệu ngâm với hóa chất để cho rau được tươi, xanh lâu nhưng chủ cơ sở đã tìm cách đổ hóa chất xuống ống cống hòng phi tang rồi sau đó bà này liên tục la lối rằng mình không sử dụng hóa chất, rằng mình bị oan…

Tuy nhiên do trước đó các trinh sát đã nắm được phương thức, thủ đoạn và quy luật hoạt động của bà Sự nên toàn bộ số rau đã được niêm phong đưa đi kiểm định. Khi có kết quả có dư lượng kẽm và đồng vượt nhiều lần so với quy định thì bà Sự mới chịu hợp tác và khai nhận đã được bà Nguyễn Thị Tâm ở gần nhà giới thiệu cho cách ngâm rau muống chẻ vào hóa chất. Bà Tâm cũng bán hóa chất cho bà Sự sử dụng từ đầu năm 2016 đến nay.

Trước đó, vào ngày 9/9/2016, các trinh sát Đội 3, Phòng PC49 Công an TP. Hồ Chí Minh đã liên tục phát hiện 3 cơ sở sản xuất rau muống chẻ tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi đang ngâm rau muống trong hóa chất trước khi mang đi bỏ mối tại các chợ.

Rau muống chẻ được cho thẳng vào thau đựng hóa chất tẩy trắng.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện trên 1,5 tấn rau muống chẻ đang được các chủ cơ sở này ngâm trong hóa chất tẩy trắng mà sau khi giám định cho kết quả có hàm lượng kẽm tồn dư là 5,5% và hàm lượng đồng là 93 miligam/kg.

Trước những chứng cứ không thể chối cãi, chủ của các cơ sở sản xuất này khai nhận trong một lần xuống chợ Kim Biên, quận 5, TP Hồ Chí Minh mua thuốc kích thích tăng trưởng về tưới cho rau, củ, quả, họ được một chủ cửa hàng giới thiệu về một loại hóa chất mà sau khi ngâm rau muống chẻ vào trong thời gian 2 tiếng sẽ giữ được màu tươi xanh từ 2-3 ngày.

Lúc đó, các chủ cơ sở này bảo nhau mua về dùng thử và kết quả đúng như những gì mà chủ cửa hàng giới thiệu. Kể từ đầu năm 2015 đến nay, họ thường mua loại hóa chất này với giá 300.000 đồng/kg mang về ngâm rau muống chẻ với tỷ lệ cứ mỗi muỗng canh hóa chất pha với 50 lít nước.

Kể từ khi sử dụng hóa chất thì số lượng rau bỏ mối hàng ngày của các chủ cơ sở này cũng tăng từ 400kg lên 600kg mỗi ngày. Như vậy mỗi ngày 3 cơ sở này tung ra thị trường khoảng 1,5 tấn rau muống chẻ ngâm hóa chất.

Theo một cán bộ trinh sát Đội 5, Phòng PC49 Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết: Một tháng trước khi tiến hành xử lý các chủ cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, các trinh sát đã phát hiện tại một số sạp bán hàng rau củ quả ở nhiều chợ trong khu vực huyện Hóc Môn, quận 12, Gò Vấp có bày bán măng chua có màu vàng không tự nhiên và rau muống chẻ để từ sáng đến tận chiều tối vẫn xanh tươi như vừa mới được chế biến nên đã lấy mẫu về kiểm nghiệm.

Qua công tác kiểm nghiệm nhanh, nhận thấy hai loại thực phẩm này đã được xử lý bằng các loại hóa chất công nghiệp, các trinh sát đã vận động các chủ sạp hàng tiêu hủy ngay số thực phẩm có chứa hóa chất độc hại, ngưng không lấy hàng của những cơ sở này nữa mà tìm những cơ sở làm ăn đàng hoàng đặt mua hàng.

Măng chua được vứt la liệt trên nền xi măng ẩm thấp.

Để có thể tiến hành kiểm tra, xử lý tận gốc đối với loại hình làm ăn gian dối này, các trinh sát đã  đề nghị những chủ sạp hàng cung cấp thông tin về những người bỏ mối nhưng hầu hết những chủ sạp hàng này đều trả lời chỉ biết những người đến bỏ hàng là anh Ba, anh Sáu nhưng không biết họ ở đâu, quy trình sản xuất thế nào và kể cả số điện thoại liên lạc cũng không biết vì họ luôn chủ động tìm đến xem nếu thiếu hàng là lập tức mang đến chứ không cần phải gọi.

Trải qua gần 30 ngày đêm  tìm hiểu, các trinh sát đã tìm ra được những nơi sản xuất nhưng không thể xử lý được vì các chủ cơ sở đã đối phó bằng cách phi tang toàn bộ số hóa chất tẩy trắng và hóa chất tạo màu vàng, đồng thời cho rằng số măng được đóng vào bao tải chất đống ngoài sân vườn là loại bị hỏng chuẩn bị được đưa đi tiêu hủy. Trong khoảng một tuần tiếp theo thì họ lại ngâm măng theo đúng quy trình làm măng chua mà không bỏ hóa chất.

Không thể để cho loại thực phẩm ngâm hóa chất độc hại này tiếp tục tuồn ra thị trường, những ngày sau đó, lãnh đạo Phòng PC49 đã chỉ đạo cho các trinh sát phải liên tục bám sát hai cơ sở sản xuất này và phát hiện số măng mà trước đó các chủ cơ sở khai là bị hư hỏng được đưa lên xe chở đi nhưng thay vì tiêu hủy thì họ lại đưa đến một điểm bí mật khác ở huyện Hóc Môn để cho vào thùng nhựa rồi đổ hóa chất tẩy trằng và hóa chất tạo màu vàng vào ngâm rồi lại tiếp tục vận chuyển về cơ sở để chuẩn bị đưa đi bỏ mối tại các chợ.

Tất cả những hành vi của hai cơ sở này đã không thể qua mắt được cơ quan Công an và đến chiều 15-9-2016, các trinh sát Đội 5 phối hợp với các đơn vị chức năng huyện Hóc Môn đã đồng loạt ập vào hai cơ sở của hai anh em ông Luyến và ông Huấn tiến hành kiểm tra, xử lý.

Đức Cương/ Báo Cảnh sát toàn cầu

CATP Hà Tĩnh