Nữ bác sỹ chăm sóc hàng trăm bệnh nhân “mang áo số”
Có mặt tại Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Tĩnh lúc đã quá trưa, tôi khá ngạc nhiên khi thấy Đại úy, bác sĩ Nguyễn Thị Linh Nga, Bệnh xá trưởng vẫn mải miết khám bệnh. Ẩn sau nụ cười hiền lành thường trực trên môi của Đại úy Linh Nga, là sự năng động, chân thành, cởi mở, nhưng vẫn toát lên "chất thép" kỷ cương trong con người của chị.
Đại úy Nguyễn Thị Linh Nga đã có 12 năm công tác khám chữa bệnh cứu người. Tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân “mang áo số” khác nhau, chị đều làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình, từ giáo dục, cải tạo đến bắt bệnh và điều trị cho bệnh nhân. Thêm vào đó, bệnh nhân có người bị nhiễm HIV, bệnh hiểm nghèo nên việc tiếp xúc rất nguy hiểm. Nhưng dù trong điều kiện làm việc vất vả, khó khăn do đặc thù công việc, những lúc bị can, phạm nhân nữ đau ốm… để khám, chữa bệnh cho bệnh nhân bác sỹ Nga cùng đồng đội phải trực tại bệnh viện rồi trực đêm tại đơn vị.
|
Đại úy Nguyễn Thị Linh Nga. |
Bệnh xá quy mô chỉ có 4 giường nhưng bệnh nhân thường rất đông. Đây cũng coi như một bệnh viện thu nhỏ, chỉ có 5 cán bộ nên ai cũng phải “tăng ca”, thậm chí, việc được nghỉ bù, nghỉ phép là chuyện rất hiếm hoi… trong môi trường làm việc nhiều áp lực, nhất là khi phải tiếp xúc với những phạm nhân có thái độ không hợp tác, chống đối nếu không kiên nhẫn, không có bản lĩnh thì khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đại úy Nguyễn Thị Linh Nga kể rằng, trong số những bệnh nhân đã từng quản lý, chị vẫn nhớ trường hợp phạm nhân Nguyễn Nam Hải trú huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh bị bắt vì tội cuồng ghen giết vợ. Mặc dù biết trước kết cục song khi Tòa tuyên án chung thân, Hải suy sụp hoàn toàn, phạm nhân lại mang trong mình căn bệnh lao tái phát nguy cơ lây nhiễm cao nhưng tuyệt nhiên không cho bác sỹ thăm khám, không ăn uống, đêm hầu như thức trắng, thoắt vui rồi lại buồn.
Nắm được hoàn cảnh của Hải, chị Nga thường xuyên có mặt để động viên, giúp Hải ổn định tinh thần, tránh hoang mang dẫn đến tiêu cực, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nhờ sự gần gũi của bác sỹ mà Hải dần ổn định, chấp hành quy định của trại, cũng như thăm khám bệnh đúng quy định, chị cũng là người trực tiếp đưa Hải đến Bệnh viện Lao thăm khám và chữa bệnh theo đúng phác đồ đề ra, nên bệnh tình của Hải tiến bộ thấy rõ.
Chính đức tính nhân hậu, vị tha của Đại úy Linh Nga đã làm thu hẹp ranh giới giữa cán bộ và phạm nhân. Dần dần, Hải thường chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và khi khỏi bệnh đã không quên dành những lời cảm ơn chân thành đến nữ bác sỹ Linh Nga.
Với bệnh nhân Trần Phúc Đức (SN 1975, trú tại tổ 3 phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) cũng lại là một câu chuyện như thế. Đức bị bắt vì tội "Giết người", "Bắt giữ người trái pháp luật", "Cố ý làm hư hỏng tài sản" và "Tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ".
Do mâu thuẫn trong chuyện tình cảm với chị Mai Hoàng O., sau nhiều lần thuyết phục chị O. nối lại tình cảm với mình không thành, Đức nảy sinh ý định giết và chết cùng chị O.. Nghĩ là làm, khoảng 2h ngày 17-2-2018 (tức ngày mùng 2 Tết), Đức điều khiển xe chở chị O. rồi dùng bật lửa châm vào ngòi 2 quả mìn tự chế.
Chị O. may mắn nhanh chân chạy thoát nhưng hậu quả khiến phần chân của Đức gần như bị dập nát. Khi vào bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh, Đức gần như chống đối, không chịu hợp tác trong việc chăm sóc vết thương và luôn có ý định tự tử. Vết thương của Đức ngày càng lở loét nặng, bốc mùi không một ai dám gần Đức, nhưng được sự quan tâm động viên và nhẫn nại, chân thành như một người thân trong gia đình của chị, Đức đã bỏ ý định tự tử, tinh thần ổn định và được bác sỹ thăm khám bệnh, đến nay vết thương ở chân của Đức đã lành.
Trong quá trình khám, điều trị bệnh tật cho phạm nhân ở Bệnh xá Trại giam, chuyện phạm nhân có bệnh thật thì không thừa nhận là mình mang bệnh vẫn hàng ngày xảy ra, nhưng cũng nhiều phạm nhân dù không có bệnh tật song lười lao động nên đã tự nghĩ ra các loại bệnh để đối phó với cán bộ, hoặc để được vào bệnh xá nằm.
Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp mắc bệnh nhẹ nhưng lại cố tình giả bệnh nặng để được chuyển lên tuyến trên. Sở dĩ như vậy, bởi những bệnh nhân này thường có tâm lí, nếu được điều trị ở bệnh viện, bệnh nặng có thể được gặp người nhà nên các y, bác sỹ phải hiểu được tâm lý, có chuyên môn để chữa được bệnh cho phạm nhân.
Đại úy Linh Nga nói vui, hơn 12 năm trong nghề, chưa một ngày chị dám tắt điện thoại, cũng không dám mở nhỏ chuông, ngay cả khi về nhà với gia đình dù không phải ngày trực của mình.
Theo lời Đại úy Linh Nga, hầu hết các cán bộ y, bác sỹ của Trại giam Công an tỉnh luôn trong tâm thế sẵn sàng đối mặt với những biến động từ phía trại giam. Chỉ cần một cuộc gọi, dù là lúc giao thừa, hay đang có việc bận thì tất cả cũng đành phải phó thác cho người thân để quay trở về đơn vị, bởi với chị, chẳng có gì trên đời có thể quan trọng bằng tính mạng sức khỏe con người, cho dù là phạm nhân đang mang trên mình bản án thì họ vẫn luôn cần được quan tâm và chia sẻ.
Phải đối mặt với công việc đầy khó khăn, gian khổ hẳn không dễ dàng đối với nữ bác sỹ trại tạm giam. Chị may mắn vì có người chồng cũng là bác sỹ, luôn ủng hộ, động viên chị trong công việc và cuộc sống. Chị chia sẻ: “Hạnh phúc lớn nhất là thấy bệnh nhân của mình luôn khỏe mạnh để chấp hành tốt bản án, sớm hoàn lương trở thành người có ích cho xã hội và cộng đồng”.
CATP Hà Tĩnh