Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Nữ giao liên xinh đẹp của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn và những hy sinh thầm lặng

Định mệnh gắn Tám Thảo với nghề tình báo, để rồi tuổi thanh xuân một tiểu thư đài các, sở hữu vẻ đẹp mỹ miều đành phải trôi qua trong những nhiệm vụ bí mật.

Tiểu thư chèo đò đi giao liên

Sống trong một gia đình đủ đầy về vật chất, bên cạnh luôn có kẻ hầu người hạ, Mỹ Nhung khiến cho nhiều đứa trẻ cùng trang lứa phải ghen tỵ. Công việc kinh doanh của mẹ cô ngày càng phát triển, mở rộng địa bàn từ Bắc Ninh vào tận miền Tây, cuối cùng chọn Bạc Liêu làm nơi dừng chân để mở một cửa hàng vải lụa vào hạng cường thịnh trong vùng.

Để mở mày mở mặt với dân làng, bà bảo chồng mua lấy một chức ở xã để khẳng định danh phận không còn là dân ngụ cư nữa. Những đứa con bà Tư lớn lên đều lấy làm tự hào về một người mẹ tháo vát, đảm đang và đa tài.

Ở tuổi xưa nay hiếm, bà Tám Thảo vẫn say mê dịch thuật.

Giặc Pháp tràn về, chồng bà bị bắt ở Vĩnh Long khiến gia đình điêu đứng. Toàn bộ cơ ngơi vốn liếng vẫn đang nằm ở Bạc Liêu nay chồng lâm nạn, bà Tư đi mượn được 12 đồng chuộc lấy sự tự do cho chồng.

Thời thế thay đổi, bà Tư phân công chồng đưa mấy đứa con trở lại miền Bắc còn bà và hai con gái Mỹ Nhung và Mỹ Linh ở lại tiếp tục làm ăn khôi phục ngành nghề truyền thống.

Lúc này, phong trào đấu tranh chống giặc Pháp mỗi lúc một dâng cao, Mỹ Nhung bỏ học chốn mẹ vào rừng. Cô chưa biết mình đi đâu và làm gì nhưng con tim thúc giục đi tìm người dì ruột đang làm cách mạng trong rừng để xin theo.

Mỹ Nhung không gặp được dì, người ta cho cô vào một cơ quan đặc biệt để điều tra về lý lịch. Sau khi đã yên tâm với bản kê khai không một tì vết, Mỹ Nhung chính thức bước chân vào con đường giao liên tình báo với tên gọi Nguyễn Thị Yên Thảo (Tám Thảo).

Hai năm trốn nhà đi làm cách mạng, Tám Thảo bền bỉ với nhiệm vụ giao liên, đưa đò cho cán bộ từ rừng đi ra ngoài hoạt động. Nhớ lần đầu tiên chèo đò, tay lái của Tám Thảo cứ loạng choạng. Con đò không đi mà quay tròn, nước tràn vào khiến nhiều lần suýt lật.

Người cán bộ giao tính mạng cho cô lái đò thường nhìn với một ánh mắt thân thiện, cảm mến. Ông chính là Phạm Ngọc Thảo (sau này là tình báo, "vào vai" cố vấn cho Tổng thống Ngô Đình Diệm). Kiên trì học chèo đò, dần dần tay lái của Tám Thảo cũng vững vàng.

Mỗi lần quay về, ông anh có nụ cười hiền từ, duyên dáng Phạm Ngọc Thảo không quên tặng cho em lái đò một bó hoa dại hái bên vệ đường. Những kỷ niệm đầu đời của tiểu thư Tám Thảo khi dấn thân vào con đường cách mạng đẹp và lung linh như thế.

Giao liên của Phạm Xuân Ẩn

Năm 18 tuổi, tức sau hai năm bước vào con đường cách mạng, Tám Thảo được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tâm hồn phơi phới, sáng trong của cô gái vừa rời khỏi ghế nhà trường ấy rung lên khi nhận được lời tỏ tình của một chàng trai.

Mối tình đẹp đẽ, trong sáng trong chiến khu đã thêu dệt nên bao nhiêu ước mơ, dự định về một tương lai có hậu sau ngày giải phóng.

Duyên chồng vợ muộn màng, bà đã mất đi thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ.

Năm 1954, Tám Thảo có nguyện vọng tập kết ra Bắc nhưng tổ chức muốn giữ cô ở lại để tạo một cơ sở nội thành lâu dài. Mối tình đầu chia lìa đôi ngả, Tám Thảo nghẹn đắng nhưng phải cố chôn giấu trong lòng.

Để xây dựng cho mình một hình ảnh hoàn hảo trong mắt dân chơi Sài Gòn, Mỹ Nhung đã học nhảy đầm, học tiếng Anh để có thể giao tiếp với người nước ngoài. Người thầy đầu tiên dạy tiếng Anh cho Mỹ Nhung là Phạm Xuân Ẩn.

Cô luôn xem Phạm Xuân Ẩn là người anh đáng quý của mình, điều đó càng thôi thúc cô có cảm tình với việc học ngoại ngữ. Mỹ Nhung không ngờ, tổ chức có ý định mai mối cho Phạm Xuân Ẩn lấy một trong hai chị em cô để dễ bề hoạt động.

Tuy nhiên, trái tim Mỹ Nhung đã khép lại để chờ đợi mối tình đầu đang ở phương trời nào đó, còn em gái Mỹ Linh thì đang tuổi ăn tuổi học. Mối lương duyên giữa Mỹ Nhung và Phạm Xuân Ẩn không thành nhưng họ lại trở thành một cặp bài trùng hợp ý hợp lòng với nhau trong hoạt động tình báo.

Sau thời gian nằm vùng chờ đợi trong vai trò một tiểu thư bán vải nức tiếng xinh đẹp ở chợ Bến Thành, Mỹ Nhung lại được thay bằng tên Tám Thảo với nhiệm vụ giao liên của Phạm Xuân Ẩn. Chính Tám Thảo là người đưa Phạm Xuân Ẩn ra chiến khu ở Củ Chi để ông gặp gỡ các lãnh đạo và nhận phân công nhiệm vụ. Những thông tin, tài liệu mật ông Ẩn lấy được đều giao cho Tám Thảo đưa về chiến khu một cách gọn lẹ, trót lọt.

Phạm Xuân Ẩn là một kí giả luôn diện comlet sang trọng ngồi trên xe ô tô còn Tám Thảo là một tiểu thư sành chơi thứ thiệt với gót giày cao, áo dài thướt tha, khuôn mặt luôn được trang điểm kỹ lưỡng làm tôn lên vẻ đẹp quý phái và lộng lẫy mỗi khi cô bước ra đường. Khi Tám Thảo bước lên xe ô tô của Phạm Xuân Ẩn cũng không hề làm người khác nghi ngờ bởi họ là một đôi được cho là "môn đăng hộ đối".

Họ đi nhảy đầm, đi dạ hội sành điệu chẳng thua kém ai. Ngoài nhiệm vụ giao liên, Phạm Xuân Ẩn vẫn thường lái xe chở hai chị em Tám Thảo đi dạ hội. Trong những lần như vậy, Tám Thảo học được rất nhiều kinh nghiệm từ người đồng chí của mình.

Ông Ẩn dạy cho cô từ cách bước lên xe, mở cửa xe đến cách uống rượu như thế nào cho xứng với một tiểu thư danh giá đất Sài Gòn.

Trước khi thực hiện một chuyến "giao hàng", Tám Thảo đều bắt gặp ánh mắt lo lắng, căng thẳng của ông Ẩn. Mỗi lần đưa Tám Thảo ra căn cứ, ông Ẩn đều nhìn theo cho đến khi khuất hẳn mới yên tâm cho xe quay lại. Cho đến bây giờ, ánh mắt của ông Ẩn vẫn luôn là một thứ gì đó ám ảnh Tám Thảo.

Làm việc với Phạm Xuân Ẩn là quãng thời gian để lại nhiều kỉ niệm nhất trong cuộc đời làm tình báo của Tám Thảo, cô chia sẻ: "Đối với tôi, anh Ẩn không chỉ là một người anh, người đồng chí mà còn là người thầy rất mực nghiêm túc trong công việc nhưng cũng rất thương yêu mọi người.

Anh ấy hoạt động cách mạng với một tinh thần trách nhiệm cao, không bao giờ đòi hỏi một lợi ích nào cho riêng mình". Sau khi bàn giao giao liên mới cho Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo bước vào nhiệm vụ mới đầu cam go và thử thách.

Vinh quang và nước mắt

Mỹ Nhung được cấp trên chỉ đạo phải học thật giỏi tiếng Anh để chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Mỹ Nhung nhờ cậy một viên chức làm trong văn phòng ngụy "chạy" cho một chân trong bộ máy chính quyền của người Mỹ để cô có thể trau dồi vốn tiếng Anh của mình.

Đó là lý do duy nhất Mỹ Nhung có thể thuyết phục được bởi chúng biết thừa cô là một tiểu thư khuê các, đi làm không phải vì thiếu tiền.

Hai chị em Mỹ Nhung và Mỹ Linh thời trẻ.

Tin Mỹ Nhung bỏ tiệm vải vào làm cho Mỹ khiến nhiều người ngạc nhiên, các mối làm ăn của cô nói những lời như xát muối khiến cô thấy mình bị tổn thương nghiêm trọng. Không thể giải thích, cô đành im lặng, nuốt nước mắt vào trong để mặc người đời bêu riếu.

Sau Tổng tiến công Mậu Thân, nhiều cơ sở của ta phải rút ra vùng chiến khu do bị lộ, riêng Tám Thảo vẫn giữ được vỏ bọc tuyệt đối an toàn.

Bằng sự dịu dàng, khôn khéo của người con gái chưa chồng, Tám Thảo lấy lòng được tất cả sĩ quan, lính gác cùng làm trong Bộ Tổng Tư lệnh Hải quân. Thời gian bị thiết quân luật không được ra ngoài, Tám Thảo đã đưa đồ ăn, thức uống chia sẻ cho từng người khiến họ vô cùng cảm động.

Quả đúng như mục đích, sau đó ít lâu, Tám Thảo đã lấy được tư liệu về trận tấn công vào Sài Gòn - Gia Định, góp phần quan trọng vào việc hoạch định chiến lược cho cuộc chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.

Nhiệm vụ hoàn thành, vào một buổi sáng như thường lệ, Tám Thảo đi làm nhưng là vào để từ biệt viên thiếu tá cùng những người bạn trong Bộ Tư lệnh Hải quân.

Cô nói với thiếu tá là mình quá mệt mỏi và căng thẳng, muốn xin nghỉ một tuần để đi du lịch nước ngoài. Không một chút nghi ngờ, "sếp" của cô liền gật đầu đồng ý. Ngày mai, cô trở về chiến khu cùng đồng đội của mình ngóng tin ngày giải phóng.

Cả quãng đời tuổi trẻ cống hiến và hy sinh vì nhiệm vụ tình báo, vì mục đích và lý tưởng chung. 37 tuổi, vẫn ôm ấp tình yêu đầu đời dang dở. Tám Thảo không hề rung động trước một người đàn ông nào khác mặc dù xung quanh cô không bao giờ thiếu "vệ tinh" theo đuổi.

Ở chiến khu, tổ chức mai mối cho Tám Thảo với một anh bộ đội. Hạnh phúc muộn màng của họ đã không trọn vẹn.

Khát khao một đứa con nhưng thiên chức lớn lao của  người phụ đã không mỉm cười với cô. Hiểu được những gì gọi là mất mát, hy sinh nên Tám Thảo đành chôn vùi nỗi thương lòng để luôn lạc quan sống tiếp những ngày tháng hòa bình.

Chỉ có một điều cho đến nay cô vẫn còn ân hận, đó là mẹ cô trước lúc qua đời đã không thể biết được tin con gái lấy chồng để bà thoải mái, vui vẻ mà ra đi thanh thản.

Đi qua hai cuộc chiến tranh, chịu biết bao thương tổn và mất mát, hòa bình lập lại, nữ tình báo xinh đẹp ngày xưa lại say mê vào công tác nghiên cứu dịch thuật.

Cùng với tà áo dài duyên dáng, nhiều năm liền, bà đứng trên bục giảng truyền dạy cho thế hệ trẻ những kiến thức về ngoại ngữ mà mình có được. 84 tuổi đời, sức khỏe và vẻ đẹp dường như đã không phụ lòng bà.

CATP Hà Tĩnh