Nữ sinh viên Cảnh sát học giỏi, nhiệt huyết với công tác Đoàn
Một ngày cuối tuần, chúng tôi gặp Trần Hồng Bích, lớp B12D38 Học viện Cảnh sát nhân dân, nữ học viên có thành tích xuất sắc trong học tập và công tác đoàn.
Trần Hồng Bích sinh ra và lớn lên ở Tuyên Quang, do hoàn cảnh gia đình nên khi mới bước chân vào cấp 3, Bích chuyển về quê tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội) để sống cùng bà nội. Cuộc sống thiếu thốn khiến Bích tự lập và trưởng thành về suy nghĩ sớm hơn các bạn đồng trang lứa. Thương bố mẹ, những người vẫn dậy sớm về khuya, tần tảo vất vả, ba anh em Bích sớm biết bảo ban nhau cố gắng học thật giỏi.
Hồng Bích (hàng đầu bên trái) và các bạn cùng lớp trong buổi tập võ thuật. |
Mang trong mình ước mơ “đeo sao đội mũ”, Bích chuẩn bị tâm lý khá kỹ cho kỳ thi năm đầu, nhưng nơi Bích đăng ký hộ khẩu ở tỉnh Tuyên Quang lại không lấy chỉ tiêu nữ, nhớ lại thời điểm đó, Bích bảo: “Sau bao ngày háo hức chờ đợi, khi biết thông tin đó em khá hụt hẫng. Do có sở thích viết lách nên em đăng ký thi vào khoa Truyền hình của Học viện Báo chí và Tuyên truyền".
"Năm đó em đỗ với 24,5 điểm. Vừa học hết một kỳ em nhận được thông tin năm tới tỉnh Tuyên Quang sẽ có chỉ tiêu nữ đi thi, lúc đó em mừng lắm… Quyết tâm đèn sách thi lại, em nhớ năm đó điểm đỗ vào các trường Công an khá cao, may mắn em thi đạt và trở thành tân sinh viên khóa D38 Học viện CSND”.
Yêu văn, nhưng số phận lại đưa Bích tới khoa Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, chuyên ngành đòi hỏi nhiều về tính toán với các con số cùng thiết bị, máy móc… Được sự động viên, hướng dẫn tận tình của các thầy cô giáo, Bích nhanh chóng bắt nhịp và bứt phá, nhiều năm đều đạt giỏi.
Trần Hồng Bích tại lễ vinh danh Gương mặt Thanh niên Công an tiêu biểu năm 2015. |
Chia sẻ về phương pháp học tập hiệu quả đưa em tới thành công, Bích khiêm tốn: “Môi trường của em khá thuận lợi vì các bạn đều rất ham học, mỗi khi có câu hỏi khó em đều chia sẻ và dễ dàng tìm được lời giải. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu bài trước khi lên lớp, chú ý nghe giảng và sẵn sàng giơ tay phát biểu cũng rất quan trọng, điều đó giúp em hiểu bài nhanh mà cũng tập cho mình khả năng nói trước đám đông tốt. Ngoài ra, hãy tận dụng thư viện, nơi đấy bao giờ cũng là một kho tàng kiến thức mênh mông, em đã được củng cố, nắm rõ hơn về những bài học nhờ tìm hiểu từ đấy…”.
Không chỉ gương mẫu trong học tập, nghiên cứu, Bích còn rất nhiệt tình trong công tác đoàn thể, em luôn có mặt trong các sự kiện của trường hay đoàn cấp trên phát động.
Hồng Bích còn là cây văn nghệ của lớp |
Nhắc tới đoàn viên Trần Hồng Bích, Thượng úy Vũ Văn Thuận, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện CSND cho biết: “Thời khóa biểu các môn học khá dày nhưng Bích vẫn luôn biết sắp xếp khoa học. Hằng năm, không chỉ đạt được kết quả cao trong học tập mà Bích còn rất năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động của đoàn tổ chức như tình nguyện tại Quảng Nam, xã Đất Mũi (Cà Mau)... Điều dễ thấy ở Bích là em luôn chủ động, hoàn thành tốt công việc được giao. Là người nhiệt tình, trách nhiệm, Bích là một đoàn viên gương mẫu, tiêu biểu của Học viện…”.
Nhắc về một kỷ niệm khi em tham gia công tác xã hội với đoàn trường, Bích kể với chúng tôi chuyến “Hành trình về Đất mũi Cà Mau” giúp đồng bào nghèo trong khoảng thời gian hơn hai tuần vừa qua.
Hồng Bích và các bạn cùng lớp trong chuyến tình nguyện tại Cà Mau. |
Tại đây, ban ngày đoàn tình nguyện cùng nhau dọn dẹp vệ sinh môi trường, làm đường dân sinh cho bà con, xây dựng nhà tình nghĩa, đi thăm, tặng quà các gia đình chính sách, tổ chức chiếu phim, dạy nhảy dân vũ… Tối tối, lớp học thêm giúp đỡ trẻ em nghèo của các bạn trong đoàn lại sáng đèn.
“Xúc động nhất là giờ phút chia tay, cảm giác hôm đó chúng em như những đứa con lần đầu xa nhà vậy. Bà con dậy từ 4h sáng ra tiễn biệt đoàn rất đông, nắm tay từng người thật chặt, bịn rịn và dặn dò mãi, chúng em lòng ai cũng như thắt lại, chẳng thể nói nên lời…
Cậu bé Nhớ, dáng người gầy gò, đen nhẻm và bị câm điếc bẩm sinh, hằng ngày vẫn lẽo đẽo theo chân đoàn mỗi khi sửa chữa, làm đường dân sinh hôm đấy cứ cầm tay níu kéo. Chị chủ nhà thì khóc từ hai hôm trước ngày chia tay khiến bọn em cũng nước mắt ngắn nước mắt dài. Rồi cả bé Khánh con chị đó nữa, cứ giữ tay bảo bọn em ở lại. Đoàn di chuyển về tới Sài Gòn, cậu bé còn gọi điện mếu máo bảo nhớ và cứ khóc nấc lên. Dỗ dành mãi, cậu bé dạ lí nhí, nghe tiếng nấc còn hơn tiếng dạ mà lòng ai cũng thấy thương, thấy nhớ…”, Bích chia sẻ.
|
CATP Hà Tĩnh