Olympic Việt Nam liệu có thoát ra đuợc cái bóng của Hàn Quốc?
Chạm trán với Olympic Hàn Quốc ở trận bán kết lịch sử lần này, liệu thế hệ cầu thủ tài năng của chúng ta có thoát ra đuợc cái bóng quá lớn mà bóng đá Hàn Quốc bao nhiêu năm nay đã tạo ra?
Cách đây chừng 5 năm trở về trước, việc các đội tuyển Việt Nam tổ chức các giải đấu giao hữu hoặc sang Hàn Quốc tập huấn rồi chọn quân xanh để rèn luyện, chúng ta thường sẽ gặp 1 đội bóng sinh viên của xứ Kim Chi.
Đội bóng mà chúng ta gặp có thể là đại diện sinh viên của chỉ 1 trường đại học. “Sang” hơn nữa là đội tuyển chọn của giới sinh viên Hàn Quốc. Và dẫu là đội sinh viên gì đi chăng nữa, thì ngay cả đội tuyển quốc gia của chúng ta (chứ chưa nói gì đến U23 hay Olympic) cũng đều thua khá dễ dàng, thậm chí là thua với tỉ số rất đậm.
Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta bị thua. Nguyên nhân khách quan là ở các nuớc như Nhật Bản hay Hàn Quốc, bóng đá phong trào cực kỳ phát triển. Mỗi một truờng đại học, cao đẳng hay trung cấp giống như một lò đào tạo bóng đá. Ở Hàn Quốc, họ có giải bóng đá giành riêng cho giới sinh viên với chất luợng rất cao.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi một cầu thủ đang ngồi trên ghế giảng đuờng sẵn sàng đuợc gọi vào các đội tuyển từ U19, U20, U23… Đội tuyển Olympic Nhật Bản tham dự ASIAD 2018 lần này thực chất là đội U21 với 5 cầu thủ đang là sinh viên.
Nguyên nhân chủ quan khiến cho các đội tuyển của chúng ta truớc đây đều thua các đội tuyển sinh viên của Hàn Quốc là do chúng ta quá yếu. Điều cố hữu nhất là thể hình, thể lực không đuợc cải thiện để chơi đuợc trọn vẹn 90 phút. Trung bình mỗi cầu thủ chơi bóng đá đỉnh cao ở các nuớc phát triển thường chạy khoảng 12km mỗi trận. Trong khi đó, con số này ở các cầu thủ nước ta trước đây chỉ khoảng dưới 7km.
Trên nền tảng thể hình, thể lực kém, các đội tuyển của chúng ta còn luôn thiếu 1 nhà cầm quân đúng nghĩa chiến lược. Trước đây, đội tuyển của chúng ta đá, ngay cả những nguời am hiểu bóng đá cũng không hiểu được một cách rõ ràng là chúng ta đang đá theo chiến thuật gì. Rồi đến khoảng từ phút 70 trở đi, khi thể lực cạn kiệt, chúng ta không thể giữ nhịp được cuộc chơi.
|
Các đội tuyển của bóng đá Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều do công tác đào tạo trẻ đuợc các CLB quan tâm đầu tư (ảnh: vietnamnet.vn). |
Bây giờ khi phải đối đầu với nhà đương kim vô địch Asiad Hàn Quốc, mọi thứ đã khác xưa rất nhiều dù khoảng cách giữa 2 nền bóng đá vẫn chưa thể lấp đầy. Phải nói luôn rằng, qua vòng chung kết U23 châu Á diễn ra vào hồi đầu tháng 1-2018, người hâm mộ bóng đá nước nhà mới thực sự ngạc nhiên về thể lực của các cầu thủ trẻ.
Dĩ nhiên Ban huấn luyện đội tuyển đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao thể lực của các học trò bằng những giáo án riêng của HLV thể lực cùng với chế độ ăn uống hợp lý và các biện pháp trị liệu hồi phục. Nhưng nền tảng truớc đó để có được thể lực tốt như vậy không phải là câu chuyện một sớm một chiều.
Công lao đó là sự đầu tư, chăm chút bền bỉ của các lò đào tạo. Công Phuợng, Xuân Truờng, Văn Toàn đuợc CLB Hoàng Anh Gia Lai nuôi ăn tập từ năm 9-10 tuổi. Rồi những Hà Đức Chinh, hậu vệ Bùi Tiến Dũng… đều là công lao duỡng dục từ các lò đào tạo chất luợng như PVF hay Viettel…
Vì vậy, ở thời điểm hiện nay, nhờ công tác đào tạo trẻ rất tốt từ các CLB, ông Park Hang Seo may mắn được thừa hưởng và tuyển chọn rất nhiều gương mặt sáng giá của thể thao Việt Nam. Đó là cái nền móng để từ đó, cộng với tài năng xuất chúng cùng cách dụng binh khôn khéo của HLV Park, bóng đá Việt Nam mới có đuợc thành công như ngày hôm nay.
Trở lại với trận đấu bán kết vào lúc 16h ngày 29-8 giữa đội tuyển Olympic Việt Nam và Olympic Hàn Quốc. Thực sự ở thời điểm hiện tại, cả nền bóng đá Việt Nam vẫn xếp sau Hàn Quốc ít nhất 1 bậc. Nhưng xét riêng về đội tuyển U23 hay Olympic, Hàn Quốc 10, chúng ta cũng dễ được đến 8 phần. Vì vậy, tâm thế của chúng ta khi đối đầu với họ giờ đã khác xưa rất nhiều.
|
Văn Toàn là thành quả của lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai (ảnh: vietnamnet.vn). |
Còn nhớ ở trận cuối vòng bảng ASIAD lần này gặp Nhật Bản, ngay sau tiếng còi khai cuộc trận đấu, các cầu thủ Olympic Việt Nam đã tràn lên tấn công. Đó thực sự là một cuộc cách mạng thay đổi tư duy đá bóng của Việt Nam truớc các “ông lớn”. Từ trước đến nay, bóng đá Việt Nam chưa bao giờ dám tràn lên tấn công Nhật Bản cả. Ấy vậy mà chúng ta đã tràn lên một cách đầy chủ động, mạnh mẽ, tự tin và giành chiến thắng.
Nhưng ở giải lần này, Nhật Bản yếu hơn Hàn Quốc khá nhiều do mục tiêu của 2 đội khác nhau. Gặp Hàn Quốc, chắc chắn một người khôn ngoan như HLV Park Hang Seo sẽ không cho quân tràn lên như vậy mà chủ động chơi thấp để phòng ngự phản công.
Nhưng dù chọn đấu pháp như thế nào, thì tư thế của đội tuyển Olympic Việt Nam trước Hàn Quốc sẽ khác với trong quá khứ. Chúng ta không còn sợ họ nữa mà thay vào đó sẽ là tâm thế của những người đầy bản lĩnh, thoát ra cái bóng quá lớn của bóng đá Hàn Quốc. Và khi ấy, mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Vũ Cảnh/ Theo Báo CAND
CATP Hà Tĩnh