Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Ôm nợ vì “giấc mơ Mỹ”

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Thị Thu Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ - Tư vấn - Đào tạo Hoàng Phát, TP. Hồ Chí Minh cùng chồng là Nguyễn Khắc Trọng; Nguyễn Văn Chương, quê xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế về hành vi tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Bằng cách vẽ ra viễn cảnh cuộc sống giàu sang ở Mỹ, các đối tượng đã thu của các nạn nhân từ 21.000 USD đến 36.000 USD/người, nhưng cuối cùng các nạn nhân sau một hành trình lòng vòng qua nhiều nước lại quay về chứ không đến được "miền đất hứa". Viễn cảnh về cuộc sống giàu sang nơi đất khách Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ - tư vấn - đào tạo Hoàng Phát, có trụ sở tại đường D1, phường Tân Thới Nhất (quận 12, TP. Hồ Chí Minh) do Bùi Thị Thu Hồng (34 tuổi) làm Giám đốc.

Cơ quan ANĐT Công an Thừa Thiên - Huế đọc lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can Hồng - Trọng về tội đưa người đi nước ngoài trái phép.
Đáng nói là Công ty này không có chức năng xuất khẩu người ra nước ngoài nhưng nữ giám đốc này thường đưa người đi nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp. Có nhiều người đứng ra "tuyển" người cho Hồng ở các tỉnh, thành khác nhau, trong đó Nguyễn Khắc Trọng (chồng của Hồng) là nhân lực đắc lực nhất. Để mở rộng địa bàn làm ăn phi pháp, Nguyễn Khắc Trọng về các địa phương tìm "nguồn" với ai có nhu cầu đi xuất khẩu lao động; hoặc muốn ra nước ngoài định cư bằng con đường bất hợp pháp. Trong một lần uống cà phê tại TP. Huế, Trọng gặp Nguyễn Văn Chương, 32 tuổi, quê xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nguyễn Khắc Trọng nhanh chóng làm quen, đưa đi nhậu. Trọng "khoe" với Chương, mình là vợ của một giám đốc chuyên "xuất khẩu lao động" ra nước ngoài, có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, hiện đang "khan hiếm" nhân lực. Nếu Chương tìm được người có nhu cầu giới thiệu cho Công ty thì ngoài hưởng theo tỷ lệ phần trăm còn thưởng thêm. Nguyễn Văn Chương nhận lời và hứa với Trọng cố gắng trong dịp cuối năm 2018 sẽ tìm và giới thiệu cho Trọng một người lấy tiền tiêu tết. Biết vợ chồng ông Lại Đình Th có nhu cầu muốn cho con trai là Lại Đình T (SN 1998) được định cư ở Mỹ, Chương thường lui tới bàn với vợ chồng ông Th và hứa sẽ lo được cho anh T sang Mỹ định cư đúng như nguyện vọng gia đình. Ông Th hỏi đi bằng đường dây hay cách nào thì Chương bảo có quen đường dây chuyên đưa người lao động Việt Nam sang định cư ở các nước như Mỹ, Anh, Pháp… Chương khẳng định nếu ông Th đồng ý thì sẽ gọi điện cho giám đốc công ty ra trực tiếp gặp gia đình ông trao đổi cụ thể về chi phí phải nộp. Khi vợ chồng ông Th đồng ý, Chương gọi điện thoại báo cho vợ chồng Bùi Thị Thu Hồng ra Huế gặp gia đình ông Th. Tại đây vợ chồng Hồng - Trọng và Chương thuyết phục, đưa ra hàng loạt viễn cảnh khi được sang định cư ở Mỹ, Anh, Đức, Pháp, đồng thời khuyên gia đình ông Th nên cho con trai sang định cư ở Mỹ. Sau một năm định cư tại Mỹ, anh T. sẽ góp ngoại tệ gửi về để ông không những đủ trả hết nợ mà còn có tiền xây nhà. Để ông Th và gia đình yên tâm, Trọng khẳng định: "Bác khỏi lo, các con có người thân sống, định cư bên Mỹ cả chục năm nay. Đã có một số trường hợp được chúng con đưa sang sống định cư tại Mỹ an toàn, có  việc làm ổn định. Việc này là của chúng con, bác khỏi bận tậm.
Bị can Chương tại cơ quan Công an.
Vì chỗ anh Chương nói bác là người nhà, cần giúp đỡ nên vợ chồng con mới đánh đường từ Sài Gòn ra đây…". Tại nhà Chương nhóm người này ra giá chi phí trọn gói là 31.000 USD. Ông Th đồng ý, hứa sẽ vay mượn, đưa đủ số ngoại tệ trên cho Chương theo ủy quyền của vợ chồng Trọng, Hồng. Trong tháng 1-2019, ông Th hai lần trao cho Chương tổng số tiền 21.000 USD. Lần thứ nhất là 5.000 USD và lần thứ 2 là 16.000 USD. Số ngoại tệ trên, Chương chuyển bằng tài khoản cho vợ chồng Hồng. Sau đó Nguyễn Văn Chương đã hướng dẫn anh T. làm hộ chiếu, giấy CMND, thẻ ngân hàng ACB nộp vào tài khoản 5.000 USD, mang theo 10.000 USD tiền mặt khi xuất cảnh. Cùng xuất cảnh với anh T. còn có 2 người trú ở tỉnh Thừa Thiên - Huế và 1 người ở tỉnh khác. Theo Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, thủ đoạn tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép của nhóm này là thông qua hình thức xuất cảnh đi du lịch các nước, địa điểm cuối cùng thường đến là Mexico hoặc Panama rồi sau đó tìm cách đưa người vào Mỹ. Đặc biệt, những kẻ lừa đảo của đường dây này thông tin rằng khi vào đất nước Mỹ sẽ công khai để cảnh sát Mỹ bắt giữ và người thân của chúng ở Mỹ sẽ thuê luật sư để bảo lãnh ra tù, tiếp tục định cư tại Mỹ. Việc tổ chức xuất cảnh trái phép cho những người này được nhóm của Hồng thực hiện theo lộ trình đi từ cửa khẩu Nội Bài sang Malaysia, tiếp đến là Dubai, Arab Saudi rồi bay đến Chile. Tại Chile, những người xuất cảnh đã gặp Hồng. Hồng nhận trách nhiệm đưa người xuất cảnh đi Mỹ chỉ sau 1 tuần. Lúc này, nữ giám đốc tiếp tục thu thêm mỗi người 9.000 USD để mua quốc tịch Chile và vé máy bay sang Mỹ. Riêng anh T. Hồng báo cho Chương thu thêm từ gia đình anh này 16.000 USD để làm quốc tịch Chile.
Cặp vợ chồng tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái phép đã bị Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế khởi tố bị can.
Sau đó, Bùi Thị Thu Hồng mua vé cho cả đoàn 4 người sang Ecuador chứ không phải qua Mỹ như đã hứa. Sau hơn 10 ngày, anh Lại Đình T. và một người cùng quê lại được Bùi Thị Thu Hồng mua vé máy bay sang Cuba, những người còn lại tiếp tục ở lại Ecuador. Trong thời gian ở Cuba, anh T. tiếp tục đóng thêm 1.000 USD và được Hồng hứa hẹn sẽ đưa sang Mexico, Guyana rồi vào Mỹ. Nhóm của Hồng nói với những người vượt biên là khi vào được Mỹ, họ sẽ để cảnh sát nước sở tại bắt giữ. Sau đó, người quen của Hồng đang sống tại Mỹ sẽ thuê luật sư bảo lãnh để những người như anh T. được định cư. Tuy nhiên, đó chỉ là thông tin do nhóm này đưa ra để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi visa chỉ còn 2 ngày là hết hạn nhập cảnh, sợ bị bắt, anh T. và người đi cùng đã liên hệ Đại sứ quán Việt Nam ở Cuba để được đưa về lại Việt Nam. Gia cảnh khốn khó của nạn nhân ôm giấc mộng đổi đời Hiện Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định, trong vụ án này, có 4 bị hại đưa cho các đối tượng nhiều nhất là hơn 35.000 USD, đưa ít nhất là 21.000 USD. Để có tiền cho con "xuất cảnh", gia đình anh Lại Đình T. đã phải vay mượn của nhiều người, chứ không sẵn "của ăn, của để" để chi phí đi Mỹ định cư như nhiều người nghĩ. Ông Lại Đình Th. bày tỏ: "Tôi bị tàn tật, còn vợ tôi mắc bệnh hiểm nghèo. Gia đình không phải khá giả gì. Nhưng thấy những người trong làng ra định cư nước ngoài ai nấy đều khá giả, có điều kiện tốt để chăm lo cho người thân ở quê nên gia đình mới cố gắng vay mượn họ hàng, bà con trong làng khoản tiền rất lớn để lo cho con trai sang Mỹ".
Giấy nhận ngoại tệ.
Sau khi con trai Lại Đình T. xuất cảnh sang Mỹ bất thành, gia đình rơi vào cảnh nợ nần ngập đầu, nguy cơ mất khả năng trả nợ cho người thân nên phải "cầu cứu" những người trong đường dây đưa người vượt biên trái phép để xin được hoàn lại số tiền đã nộp. Tuy nhiên, nhóm của Hồng, Trọng, Chương đã phủi tay, lật lọng. Không còn cách nào khác, họ đã trình báo cơ quan công an. Việc xuất khẩu lao động sang nước ngoài không còn xa lạ gì đối với những người trong độ tuổi lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải con đường nào cũng thành công và cũng không phải ai cũng "đổi đời". Con đường vượt biên trái phép là con đường phạm pháp, nguy hiểm và hậu quả thì không thể lường trước được. Chính vì vậy, người dân cần phải thật tỉnh táo khi đưa ra quyết định xuất khẩu lao động để tránh "tiền mất, tật mang".

Hữu Trọng - Bạch Châu/ Theo Báo CAND

 

CATP Hà Tĩnh