Phán quyết về Biển Đông, sau 3 năm nhìn lại
Ngày 12-7 vừa qua đánh dấu 3 năm kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration - PCA) ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết bác bỏ cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng biển trong đường 9 đoạn trên Biển Đông và khẳng định đó là “không có cơ sở pháp lý”.
Cùng nhìn lại các diễn biến thời gian qua để thấy rõ hiện trạng và thực chất vấn đề khi có quốc gia thì đang sa lầy trong các toan tính hậu phán quyết và Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách áp đặt chủ quyền một cách thô bạo và trái với luật pháp quốc tế.
Ngày 22-1-2013, Philippines đã khởi đầu quy trình trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) tại PCA. Bất chấp sự phản đối và vận động tẩy chay của Trung Quốc, ngày 12-7-2016, PCA ra phán quyết xác định rằng yêu sách chủ quyền về “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh là vô lý và vi phạm UNCLOS.
Phán quyết của tòa PCA kết luận: “Không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử đã từng “độc quyền kiểm soát” các vùng biển và các nguồn tài nguyên tại đây”.
Philippines: Rối rắm các tính toán
Tuy nhiên, đến tháng 10-2016, sau khi thắng cử, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bất ngờ có chuyến thăm Trung Quốc cấp nhà nước. Trước khi khởi hành, ông Duterte có cuộc trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), trong đó đề cập đến các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước. Tổng thống Duterte cho biết ông hy vọng loại bỏ hoàn toàn “vùng xám” trong quan hệ song phương, mà một phần quan trọng là vấn đề Biển Đông.
Cùng với tuyên bố này, nhà lãnh đạo Philippines đã thực hiện chính sách “gác lại” phán quyết PCA để cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, đổi lấy các lợi ích kinh tế. Sau chuyến đi, ông Duterte về nước với những cam kết của Bắc Kinh sẽ cho vay cũng như đầu tư khoảng 24 tỷ USD, kể cả cho các dự án quy mô đầy tham vọng của ông Duterte để canh tân cơ sở hạ tầng Philippines.
|
Tòa Trọng tài Thường trực công bố phán quyết về Biển Đông, năm 2016. |
Tuy nhiên, số liệu Chính phủ Philippines đã công bố, chỉ có 3 dự án, 2 chiếc cầu và 1 cơ sở thủy lợi, trị giá chung là 167 triệu USD, là đã bắt đầu được xúc tiến. Phần còn lại, gồm 3 dự án đường sắt, 3 đường cao tốc và 9 cây cầu, vẫn nằm trong giai đoạn quy hoạch và phân bố ngân sách, hoặc đang chờ Bắc Kinh phê duyệt tài chính, hoặc đang trong giai đoạn chọn nhà thầu Trung Quốc.
Theo số liệu của Cục Thống kê Philippines, trong nửa đầu năm 2018, cam kết đầu tư vào Philippines của Trung Quốc chỉ đạt 33 triệu USD, bằng 40% của Mỹ và 1/7 các cam kết của Nhật Bản, theo xu hướng tương tự như năm trước đó. Giao thương giữa Trung Quốc và Philippines đã tăng đáng kể nhưng dữ liệu cho thấy phần lớn chỉ có lợi cho Trung Quốc.
Có thể nói, cho tới giờ chỉ một phần nhỏ các cam kết của Trung Quốc cho Philippines trở thành hiện thực. Bản thân ông Duterte bị dư luận trong nước chỉ trích. Giới quan sát cho rằng nếu ông không chứng minh được là chính sách ngoại giao nhân nhượng của ông đã mang về lợi ích kinh tế cho Philippines thì vị thế của ông sẽ bị suy yếu trước các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2019, mà kết quả có thể định đoạt sự thành công hay thất bại nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Sự áp đặt chủ quyền vẫn tiếp diễn
Tròn 3 năm kể từ ngày PCA ra phán quyết, theo đánh giá của Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) công bố ngày 12-7, nhìn chung, Trung Quốc đã không chịu tuân thủ gần như toàn bộ nội dung của phán quyết.
Cụ thể, các quan chức Trung Quốc dù đã ít đề cập hơn về cái gọi là “Đường 9 đoạn” như là cơ sở cho yêu sách của họ đối với Biển Đông nhưng họ tiếp tục tuyên bố có chủ quyền lịch sử (vốn không rõ ràng) đối với hầu hết các vùng biển và đáy biển ở Biển Đông. Chính vì dựa trên cơ sở này mà ngư dân Trung Quốc tiếp tục hoạt động phi pháp trong các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và Indonesia. Trung Quốc tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các trang thiết bị tại Đá Vành Khăn.
Trắng trợn hơn, Trung Quốc tiếp tục tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm, bao gồm phần lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Việt Nam.
Ngay trước dịp kỷ niệm 3 năm ngày PCA ra phán quyết, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11-7 đã có tuyên bố lên án Trung Quốc phản bội lời hứa không quân sự hóa Biển Đông đã đưa ra năm 2015. Mỹ đồng thời tái khẳng định việc Washington cực lực phản đối các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền “bất hợp pháp” ở Biển Đông.
Trung Quốc ngay từ đầu đã từ chối tham gia vào tiến trình vụ kiện, chủ yếu với lý do PCA không có thẩm quyền. Sâu xa hơn, Trung Quốc dường như cảm thấy không tự tin với cơ sở pháp lý trong các yêu sách trên Biển Đông của mình và lo sợ bị thua kiện, bị ràng buộc bởi các phán quyết khiến quyền tự do hành động bị hạn chế. Điều này là dễ hiểu khi Trung Quốc đang muốn củng cố sức mạnh hàng hải và vị thế chiến lược của mình trên Biển Đông nhằm giành ưu thế trong cạnh tranh chiến lược vốn đang ngày càng gay gắt với Mỹ.
Việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện đã bị công luận nhiều nước trên thế giới chỉ trích bởi nó thể hiện sự thiếu thiện chí và coi thường luật pháp quốc tế, nhất là khi Trung Quốc vẫn luôn khẳng định mong muốn trở thành một cường quốc có trách nhiệm. Tiếp đó, Trung Quốc phủ nhận tính pháp lý trong phán quyết của PCA và tiếp tục tiến hành các hành động mang tính khiêu khích trên Biển Đông, cũng như tiếp tục hoàn thiện và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa.
Tựu trung lại, hành động phủ nhận phán quyết PCA và tiếp tục sự áp đặt chủ quyền một cách thô bạo ở Biển Đông của Trung Quốc được giới quan sát đánh giá là “lợi bất cập hại” khi không chỉ ảnh hưởng tới uy tín quốc tế của Trung Quốc mà còn có thể làm hại các lợi ích hàng hải của nước này không chỉ ở Biển Đông mà còn ở cả các vùng biển khác.
Trong bối cảnh đó, các nước có lợi ích trong khu vực cần thiết phải đề cao tầm quan trọng trong việc thực thi phán quyết của PCA, nỗ lực đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) ràng buộc pháp lý giữa Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngoài ra, cần phải có các biện pháp giảm thiểu căng thẳng trong vùng biển này và khẳng định vai trò của luật pháp quốc tế và xây dựng một trật tự khu vực dựa trên các quy tắc.
CATP Hà Tĩnh