Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Phán quyết về nhóm cướp biển bị bắt tại Việt Nam

Tổ chức cướp tàu chở dầu trên vùng biển Malaysia, nhóm cướp biển sau đó bỏ trốn vào lãnh thổ Việt Nam và bị lực lượng chức năng bắt giữ. Tiếp nhận đề nghị dẫn độ nhóm cướp biển của nước bạn, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mới đây đã đưa ra phán quyết về vụ việc này.

[caption id="" align="aligncenter" width="480"] Các đối tượng gây ra vụ cướp tàu chở dầu của Malaysia.[/caption] Thúc thủ tại đảo Thổ Chu  Tiếp nhận đề nghị dẫn độ nhóm cướp biển về Malaysia, TAND TP Hà Nội vừa mở phiên họp để xem xét cơ sở pháp lý trong việc xử lý đối với 8 đối tượng (cùng mang quốc tịch Indonesia) sau khi gây ra vụ cướp tàu chở dầu rất táo tợn trên vùng biển của nước láng giềng. Tham dự phiên họp xét yêu cầu dẫn độ này, ngoài các cơ quan tố tụng Việt Nam còn có đại diện Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam. Cụ thể, cầm đầu nhóm cướp biển bị thúc thủ tại Việt Nam là Ruslan (SN 1954). Tiếp đến là John Danyel Despol (SN 1977), Kurniawan (SN 1966), Randy Aditya (SN 1966), Hendry Andaria (SN 1979), Anjas (SN 1988), Fauji Adha (SN 1988) và Abner Loit (SN 1987). Hành vi cướp tài sản trên biển của nhóm đối tượng này được khái quát như sau: Tàu chở dầu MT Orkim Harmany được đăng ký lưu hành tại Malaysia, quá trình lưu thông trên các vùng biển đều mang cờ của đất nước có tòa tháp đôi lộng lẫy và chịu sự vận hành của Công ty Quản lý tàu biển Orkim (Malaysia). Vào thời điểm bị nhóm cướp biển nêu trên tấn công, con tàu viễn dương của quốc đảo Malaysia đang chở 6.000 tấn xăng Ron 95 (trị giá 21 triệu Ring-git) thuộc sở hữu của Công ty Dầu khí quốc gia Malaysia - Petronas... Khoảng 20h30 ngày 11-6-2015, khi con tàu đang lưu thông trên vùng biển Malaysia thì bất ngờ bị nhóm cướp biển do đối tượng Ruslan cầm đầu tấn công, khống chế các thủy thủ trên tàu, gây ra thương tích đối với 1 thuyền viên. Lênh đênh trên biển đúng 1 tuần thì tối 18-6-2015, nhóm cướp biển buộc phải “bỏ của chạy lấy người”. Sau đó, 8 tên cướp biển đã dùng thuyền nhỏ bỏ chạy tới quần đảo Thổ Chu (Kiên Giang) của Việt Nam và đến ngày 25-6-2015 thì bị lực lượng công an phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển bắt giữ. Sau khi tàu chở dầu MT Orkim Harmany bị nhóm cướp biển tấn công, ngày 30-12-2015, cơ quan công tố Malaysia ra cáo buộc hình sự đối với 8 đối tượng đã thực hiện vụ xâm hại nghiêm trọng an toàn hàng hải và gửi tới tòa án của quốc gia này. Cùng ngày, cơ quan tòa án của Malaysia lập tức ban hành lệnh truy bắt Ruslan và đồng bọn để xử lý theo các tội danh quy định tại Điều 394, 397 - Luật Hình sự của Malaysia. Ngay sau khi nhận được thông tin 8 tên cướp biển tấn công tàu MT Orkim Harmany bị thất thủ tại Việt Nam, ngày 5-2-2016, Bộ Nội vụ (Malaysia) gửi công văn đề nghị Bộ Công an cho dẫn độ nhóm cướp biển mang quốc tịch Indonesia về Malaysia để xử lý. Đầy đủ cơ sở pháp lý Tham dự phiên họp xét đề nghị dẫn độ nhóm cướp biển về Malaysia xử lý, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, hồ sơ dẫn độ của nước bạn cùng trình tự, thủ tục áp dụng là phù hợp với quy định theo Luật tương trợ Tư pháp năm 2007. Bởi đây không thuộc trường hợp từ chối dẫn độ. Trên cơ sở ấy, đại diện cơ quan giám sát việc thực thi pháp luật đề nghị TAND TP Hà Nội ra quyết định dẫn độ Ruslan cùng 7 đối tượng liên quan về Malaysia để xử lý hình sự, theo pháp luật của nước bạn. Được bày tỏ ý kiến tại phiên làm việc, nhóm cướp biển mang quốc tịch Indonesia đều thừa nhận hành vi tấn công tàu MT Orkim Harmany của Malaysia vào ngày 11-6-2015. Tất cả các đối tượng gây ra vụ cướp biển táo tợn cũng mong muốn được đưa về Indonesia xử lý. Ngược lại, Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam tiếp tục bảo lưu quan điểm dẫn độ nhóm cướp biển sang Malaysia để xử lý bởi nguyên tắc tội phạm xảy ra ở quốc gia nào thì cần phải xử lý theo pháp luật của quốc gia đó. Theo đại diện Đại sứ quán Malaysia, tàu chở dầu MT Orkim Harmany bị Ruslan cùng 7 đối tượng liên quan tấn công trên vùng biển Malaysia nên việc dẫn độ họ về quốc gia này giải quyết là phù hợp với nguyên tắc chung cũng như thông lệ quốc tế. TAND TP Hà Nội cho rằng, căn cứ vào tài liệu trong hồ sơ yêu cầu dẫn độ cùng lời khai nhận hành vi của các đối tượng bị đưa ra xem xét, có đủ cơ sở để xác định, ngày 11-6-2015, tàu chở dầu MT Orkim Harmany của Malaysia đã bị Ruslan cùng đồng bọn tấn công và gây ra thương tích đối với 1 thủy thủ. Hành vi của 8 đối tượng nêu trên đã bị các cơ quan tố tụng của Malaysia khởi tố, điều tra và truy tố về tội cướp tài sản, theo Điều 394 và Điều 397 - Bộ luật Hình sự Malaysia. Theo đó, hình phạt áp dụng đối với nhóm cướp biển này có thể lên đến 20 năm tù hoặc sẽ bị áp dụng hình phạt bằng roi. Mặt khác, tòa án của của Malaysia đã có quyết định áp dụng biện pháp tạm giam đối với Ruslan cùng đồng bọn và thực tế là các đối tượng đã bị lực lượng Công an Việt Nam bắt giữ. Trong khi đó, các đối tượng bị yêu cầu dẫn độ hiện không bị kết án tại Việt Nam. Cũng theo Tòa án Hà Nội, quá trình yêu cầu dẫn độ, phía cơ quan chức năng của Malaysia đã cam kết không truy bức các đối tượng dẫn độ về sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo, dân tộc, giới tính, quốc tịch, thành phần xã hội hay quan điểm chính trị và cũng không áp dụng hình phạt tử hình với họ. Cùng với đó là cho tới thời điểm xem xét yêu cầu dẫn độ Ruslan cùng các đối tượng liên quan, TAND TP Hà Nội chưa nhận được yêu cầu dẫn độ nào khác ngoài yêu cầu của Malaysia do Bộ Công an chuyển đến. Từ những nhận định, phân tích nêu trên, căn cứ vào các Điều 4, 32, 33, 40, 46 - Luật Tương trợ Tư pháp và các quy định pháp luật liên quan, Hội đồng Phiên họp xét yêu cầu dẫn độ (TAND TP Hà Nội) đã đi đến quyết định, chấp nhận yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia về việc dẫn độ nhóm cướp biển bị bắt tại Việt Nam về Malaysia để xử lý hình sự, theo pháp luật của quốc gia này. Cùng với quyết định ấy, Tòa án Hà Nội cũng ra tuyên bố chuyển cho Malaysia toàn bộ đồ vật, tài sản mà cơ quan chức năng Việt Nam đã tạm giữ của Ruslan cùng 7 đối tượng liên quan. Và cũng theo quyết định của Tòa án Hà Nội, Bộ Công an là cơ quan có trách nhiệm tổ chức thi hành việc dẫn độ các đối tượng cướp biển người Indonesia, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Bộ Nội vụ Malaysia biết.

CATP Hà Tĩnh