Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Phạt đến 20 năm tù, 500 triệu đồng nếu sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn”

Liên tiếp những vụ việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) bị phát hiện, bắt giữ trong thời gian gần đây cho thấy sự ngang nhiên coi thường tính mạng, sức khỏe con người. Và, nỗi lo của người tiêu dùng đã phần nào được giải tỏa khi Bộ luật Hình sự 2015 (bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018) đã có những quy định sát với thực tiễn nhằm kiên quyết đấu tranh với nhóm tội phạm này.

phat den 20 nam tu 500 trieu dong neu san xuat kinh doanh thuc pham ban

Vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh vi phạm VSATTP

Khó xử lý hình sự

Mặc dù kinh doanh, sản xuất thực phẩm “bẩn” được khẳng định là “tội ác” nhưng việc xử lý các vụ việc nói trên mới chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính. Luật sư Phan Duy Phong - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Tĩnh cho rằng, theo Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009), mức án phạt cao nhất 15 năm tù nhưng tình tiết “gây thiệt hại nghiêm trọng” hay “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” chưa được cụ thể hóa nên rất khó xác định yếu tố cấu thành tội phạm. Trong trường hợp chết người phải giám định độc tố, hóa chất có phải là nguyên nhân hay không nhưng điều này không hề đơn giản bởi phải trải qua một thời gian, các chất gây hại mới phát tác. Đặc biệt, phần lớn người tiêu dùng không biết hoặc không mạnh dạn tố giác người có hành vi phạm tội nên không có căn cứ xử lý.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ quy định tội sản xuất, buôn bán hàng cấm với hành vi sản xuất, buôn bán mà không quy định hành vi sử dụng nên không thể khởi tố hình sự khi phát hiện vụ việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi hay chế biến thực phẩm.

Đồng quan điểm, Luật sư Phan Chiều (Phó trưởng phòng Luật An Phát) cho rằng: Theo Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 178/2013/NĐ-CP, mức phạt vi phạm hành chính tối đa với hành vi này của cá nhân là 100 triệu đồng và tổ chức là 200 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều vụ việc bằng cảm quan cho thấy đó là thực phẩm “bẩn” (nơi sơ chế, nguồn gốc nguyên vật liệu tạm bợ, không rõ ràng) nhưng kết quả trưng cầu chất lượng lại cho thấy đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Vì vậy, chỉ có thể xử lý hành chính và tịch thu tiêu hủy.

“Theo tôi biết, số tiền xử phạt chẳng đáng là bao so với lợi nhuận thu về. Không biết đến bao giờ, tình trạng này mới được giải quyết tận gốc” - bà Nguyễn Lê Na (TP Hà Tĩnh) bày tỏ.

“Cởi nút thắt”

Thực phẩm “bẩn” tràn lan trên thị trường đã gióng lên hồi chuông báo động với sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Chính vì vậy, phải có chế tài đủ sức răn đe để xử lý hình sự.

Theo luật sư Phan Chiều, nhằm tháo gỡ khó khăn cho cơ quan hành pháp, Điều 317, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định ATVSTP đã quy định cụ thể hơn. Theo đó, khung hình phạt sẽ mở rộng tới mức cao nhất là 20 năm tù thay vì 15 năm như luật cũ đối với tổ chức làm chết người hay tái phạm nhiều lần với số tiền phạt tương ứng lên tới 500 triệu đồng.

Đối với người thực hiện một trong các hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm… gây tổn hại cho sức khỏe con người thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm.

Theo nhận định chung từ các luật sư, những quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 cụ thể, chi tiết hơn và sát với thực tế. Đây cũng là công cụ pháp lý hữu hiệu để xử phạt, đấu tranh, phòng ngừa với loại tội phạm này. Nhiều luật sư hiến kế, ngoài việc xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp, cần cân nhắc tính chất và mức độ của hành vi vi phạm để xác định cụ thể, trường hợp nào phải khởi tố ngay về hình sự, trường hợp nào xử lý hành chính trước khi khởi tố hình sự. Điều này đồng nghĩa với việc nên tập trung vào đối tượng cố ý vi phạm quy định về ATVSTP nhằm thu lợi bất chính lớn hoặc gây hậu quả trên diện rộng. Riêng các đối tượng vi phạm do thiếu hiểu biết, chỉ nên xử lý hình sự sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích.

Bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với người vi phạm. Điều này vừa có tác dụng nhắc nhở, vừa là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu đối với các hành vi tái phạm liên quan đến việc vi phạm quy định về ATVSTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Dương Vinh/ Theo Báo Hà Tĩnh

CATP Hà Tĩnh