Phòng cháy trong khu dân cư: Quan trọng vẫn là ý thức của người dân
Nhiều vụ cháy nổ liên tiếp xảy ra gần đây với con số thương vong và thiệt hại tài sản lớn đang gióng lên hồi chuông báo động về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các khu dân cư. Để phòng tránh những tai nạn thương tâm xảy ra, quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành tốt công tác PCCC và kỹ năng tự thoát hiểm của chính người dân và chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh…
Thực trạng đáng báo động
Tại buổi tọa đàm xung quanh vấn đề "Phòng ngừa cháy nổ trong các khu dân cư" do Báo CAND tổ chức ngày 24-10 vừa qua, Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước đã xảy ra 3.089 vụ cháy, trong đó có 968 vụ cháy ở các hộ gia đình, làm chết 65 người, bị thương 105 người, thiệt hại về tài sản là 57 tỷ đồng.
Riêng đối với địa bàn Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2017 đã xảy ra 749 vụ cháy, 8 vụ cháy thiệt hại về người, 20 vụ cháy rừng, chiếm 55% cháy dân cư, thiệt hại 20 người chết, 10 người bị thương, 400 tỉ đồng, 55 hecta rừng bị thiệt hại. Tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ và thiệt hại.
|
Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo CAND tặng hoa các vị khách mời dự buổi tọa đàm. |
Nguyên nhân xảy ra cháy nổ thì nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là do ý thức của người dân, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa tuân thủ các quy định về PCCC.
Trong xây dựng công trình mới, người dân tự lắp đặt và thiết kế đường điện, không có lực lượng chuyên ngành hướng dẫn; thường sử dụng thiết bị điện không đảm bảo chất lượng, mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; trong quá trình sử dụng không tuân thủ quy định về an toàn chất lượng, không kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ hằng năm, nhiều người chỉ biết sử dụng từ lúc mua đến lúc hỏng.
Đặc biệt là đối với những hộ gia đình kết hợp kinh doanh và những khu làng nghề, phố cổ tập trung đông dân, sản xuất những mặt hàng dễ cháy nổ như mút xốp, mây tre đan, quần áo, vải vóc, hàn xì… thì ý thức tuân thủ các quy định về PCCC càng kém.
Hiện nay, Hà Nội có 1.000 làng nghề thì có 130 làng có nguy hiểm về cháy nổ. Hầu hết các cơ sở sản xuất tại các làng nghề này đều mang tính tự phát, không tuân thủ Luật PCCC. Quy trình, thiết bị sản xuất tại các hộ gia đình còn lạc hậu, các hộ gia đình chủ yếu sản xuất tại nhà, với diện tích chật hẹp, nhiều nhà chỉ có một lối thoát hiểm, đồ đạc, nguyên vật liệu sắp xếp thiếu khoa học nên ảnh hưởng đến việc thoát nạn khi có cháy xảy ra.
Việc sử dụng hệ thống điện trong sản xuất tại các cơ sở sản xuất và các hộ gia đình kết hợp ở với kinh doanh, đặc biệt là ý thức sử dụng các nguồn nhiệt để sấy, nấu nướng, đốt vàng mã… rất tuỳ tiện, thiếu khoa học. Bên cạnh đó, việc trang bị phương tiện, kĩ năng PCCC tại chỗ chưa được đào tạo bài bản.
Tỷ lệ trang bị máy bơm chữa cháy tại 130 làng nghề có nguy hiểm cháy chỉ chiếm 40%, còn lại chưa có máy bơm chữa cháy, mà chỉ có bình chữa cháy xách tay, vốn chỉ hiệu quả trong việc dập các đám cháy nhỏ.
Khi có cháy nổ xảy ra, đường vào các cơ sở sản xuất trong các làng nghề đa số là đường nhỏ, ngõ sâu. Có những đơn vị, thôn, xã vẫn còn để tình trạng cọc bê tông cắm giữa đường gây khó khăn cho công tác chữa cháy hay thậm chí là đưa người bị thương đi cấp cứu.
Về nguồn nước chữa cháy, hiện Hà Nội có hơn 3.000 trụ cấp nước chữa cháy, còn thiếu 3.000 trụ nữa so với tiêu chuẩn. Đối với các làng nghề thì nguồn nước chữa cháy còn khó khăn hơn do số trụ chỉ đáp ứng 25% nguồn nước, trong khi ao, hồ tại các khu vực này hoặc đã bị san lấp hoặc là gần như không thể tiếp cận. Chất chữa cháy hiệu quả nhất vẫn là nước nhưng chúng ta đang thiếu nước chữa cháy trầm trọng.
Chế tài xử phạt vẫn còn nhẹ
Theo Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội: Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, có 79 công trình nhà chung cư cao tầng chưa đảm bảo về công tác PCCC.
Lực lượng Cảnh sát PCCC đã tiến hành kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động và cho đến nay đã có 21 công trình khắc phục xong các tồn tại, thiếu sót về công tác PCCC, được nghiệm thu và đưa vào hoạt động. Còn lại 58 công trình vẫn còn tồn tại thiếu sót và chưa được nghiệm thu về công tác PCCC và trong quá trình kiểm tra còn phát hiện thêm 4 công trình chưa được nghiệm thu nhưng đã đưa vào hoạt động, nâng tổng số lên 62 công trình.
Trong số 58 công trình, có 32 công trình có khả năng khắc phục được, chỉ cần có thời gian và kinh phí, còn lại 26 công trình khó khắc phục. Tuy nhiên, có 3 công trình chung cư CT4, CT5AB, CT6 Khu đô thị Văn Khê, Hà Đông vẫn chây ì công tác PCCC, gây khó khăn cho công tác quản lý về PCCC. Chủ đầu tư không hợp tác với các cơ quan đơn vị, không tổ chức khắc phục các tồn tại thiếu sót, đặc biệt là trong các hệ thống chữa cháy, báo cháy, hệ thống thoát nạn…
Dù đã được kiến nghị rất nhiều lần nhưng chủ đầu tư không hợp tác, không tiếp tất cả các đoàn kiểm tra về an toàn PCCC. Có lẽ do chế tài xử phạt trong vi phạm quy định về PCCC vẫn chưa đủ mạnh dẫn đến việc nhiều chủ đầu tư, nhiều cơ sở sản xuất vẫn coi thường công tác PCCC.
Từ năm 2012 đến nay, toàn lực lượng Cảnh sát PCCC đã xử phạt tiền 112.854 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 180 tỷ đồng; xử phạt cảnh cáo 259 trường hợp. Tạm đình chỉ hoạt động 511 trường hợp, đình chỉ 256 trường hợp. Xử phạt vi phạm hành chính đã và đang được tăng cường tạo sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC, tuy nhiên chế tài vẫn chưa đủ mạnh, mới chỉ dừng ở việc xử phạt, tạm đình chỉ hoạt động mà chưa có chế tài cao hơn.
Thượng tá Bùi Quang Việt đề nghị các cơ quan chức năng ban hành các quy định và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những vi phạm đã bị xử phạt nhưng vẫn tiếp tục vi phạm, chứ không chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, để đến lúc xảy ra hậu quả mới truy cứu trách nhiệm hình sự thì sự việc đã không thể cứu vãn.
Cảnh giác với cháy nổ trong mọi ngôi nhà
Theo Thượng tá Bùi Quang Việt, thì công tác PCCC hiện nay đăng gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là do nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về công tác PCCC còn hạn chế. Một số đơn vị chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế, ưu tiên sản xuất, kinh doanh, ít quan tâm đầu tư cho công tác PCCC và CNCH; cá biệt, có nơi còn có tư tưởng “khoán trắng” cho lực lượng Cảnh sát PCCC.
|
Buổi tọa đàm được rất nhiều người quan tâm. |
Thứ hai là việc rà soát, sửa đổi, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC còn chậm, chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, do phải tuân thủ quy trình, quy định về thủ tục ban hành; việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về PCCC để giải quyết những cơ sở đặc thù tại các địa phương (phố cổ, làng nghề truyền thống, tàu, thuyền du lịch biển…) chưa được quan tâm, chú trọng; Việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về công tác PCCC và CNCH còn chậm, một số quy định còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện do hạn chế về nguồn kinh phí và điều kiện kinh tế, xã hội địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu: Quy định mức chi ngân sách địa phương cho hoạt động PCCC, mức hỗ trợ thường xuyên cho đội trưởng, đội phó, đội dân phòng, đội PCCC cơ sở không chuyên trách; việc xử lý cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC có hiệu lực (năm 2001)…
Thứ 3 là do ý thức PCCC của bộ phận quần chúng nhân dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, kiến thức về PCCC, giải pháp thoát nạn của người dân còn hạn chế. Phong trào toàn dân PCCC và CNCH, phương châm “4 tại chỗ” nhiều nơi còn mang tính hình thức, việc huấn luyện nghiệp vụ và trang bị phương tiện cho lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở chưa được quan tâm, đầu tư đúng mực.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, giao thông, cấp nước phục vụ chữa cháy còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, mạng lưới các bể, trụ nước tại đô thị hiện nay còn thiếu, nhiều nơi bị hư hỏng… không đáp ứng được yêu cầu khi chữa cháy. Công tác triển khai Đề án quy hoạch tổng thể về PCCC tại các địa phương triển khai còn chậm, chưa có sự rà soát, điều chỉnh bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội cho từng đơn vị…
“Nhất thủy, nhì hỏa”, các cụ ta vẫn nói thế về sức tàn phá khủng khiếp của lũ lụt, hỏa hoạn. Khi xảy ra hỏa hoạn, rất khó có thể cứu vãn được tài sản, tính mạng của con người. Vì thế quan trọng nhất vẫn là ý thức tự PCCC của mỗi người dân, mỗi cơ sở sản xuất, mỗi hộ gia đình. Phải cứu lấy mình trước khi chờ người khác đến cứu.
Ngọc Trâm/ Theo Báo CAND
CATP Hà Tĩnh