Phòng ngừa trọng án do ghen tuông tình ái
Không có một khuân mẫu ứng xử duy nhất đúng khi đối mặt với nguy cơ xung đột trong tình ái, bởi đời sống vô cùng đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên, nếu biết cách hạ nhiệt những cái đầu “nóng”, thì đó chính là giải pháp để phòng ngừa sớm hậu quả, khi hành xử của bạn tình có những dấu hiệu mất kiểm soát và dẫn dắt bởi lý trí.
Những tình án kinh hoàng
Trong đời sống, tình ái và đất đai là lĩnh vực thường tồn tại những tranh chấp. Có tranh giành, ắt có oán thù nảy sinh. Bởi thế mà người xưa mới nói: "Ái tình điền thổ, vạn cổ chi thù".
Thiếu tá Lê Minh Hải (Đội trưởng Đội Điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội) cho biết: "Trong số các vụ án xâm hại tính mạng, sức khỏe con người thì án có động cơ ghen tuông tình ái luôn chiếm một tỷ trọng khá cao. Nguồn cơn của tội ác trong tình yêu nam nữ có thể đến từ "n" thứ chuyện, chẳng hạn như sự thiếu chung thủy, gian dối, ngoại tình, đòi chia tay, ghen tuông, hiểu lầm, nghi kỵ…
Những năm qua, trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ "tình án" kinh hoàng. Điển hình như vụ Nguyễn Đức Nghĩa giết người yêu cũ bằng cách dùng dao chặt đầu và cắt rời các đầu ngón tay nạn nhân nhằm xóa đi manh mối điều tra vào tháng 5-2010. Vụ này do chính đơn vị chúng tôi điều tra khám phá. Tiếp đến là vụ Hồ Nhật Linh (ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đâm chết chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung (là vợ của người tình cũ, đang mang bầu tháng thứ 8) bằng nhiều nhát dao vào đêm 22-10-2011.
Nguyễn Hải Dương và đồng phạm tại phiên tòa xét xử vụ án Bình Phước. |
Trước vụ án Bình Phước ít lâu, tại thị trấn Bần, Mỹ Hào, Hưng Yên đã xảy ra vụ tên Nguyễn Văn Dũng giết con người tình, rồi phóng hỏa đốt nhà vào ngày 20-5-2015. Trong số các vụ án tình, có lẽ tội ác mà Nguyễn Hải Dương và đồng phạm đã gây ra tại gia đình ông Lê Văn Mỹ ở huyện Chơn Thành, Bình Phước đã đi vào lịch sử Tư pháp Việt Nam như một ví dụ man rợ nhất của tội phạm "thoát thai" từ lòng sân hận.
Qua công tác điều tra các vụ trọng án liên quan đến ghen tuông tình ái, chúng tôi thấy rằng yếu tố văn hóa ứng xử thường là "nguồn cơn" dẫn dắt con người ta tìm đến tội ác. Chỉ vì không khôn khéo "hóa giải" những mâu thuẫn, xích mích, hiểu lầm, nghi kỵ… mà bạo lực phát sinh. Nhẹ thì gây ra những tổn hại sức khỏe cho bạn tình, nặng thì dẫn đến các vụ án mạng thảm thương.
Vì thế, việc phòng ngừa trọng án liên quan đến tình ái cần bắt đầu từ việc trang bị cho người dân những kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống khi sự việc manh nha những dấu hiệu phức tạp, chứ để bùng phát thành bạo lực rồi thì rất khó kiểm soát hậu quả. Nếu người "trong cuộc" làm chủ kỹ năng quản trị cảm xúc, có văn hóa ứng xử…. thì tội ác chưa chắc đã xảy ra, vì các mầm mống sinh ra nó đã được thủ tiêu sớm".
Nhận xét về tội ác trong các vụ án tình, Thượng tá Trịnh Kim Vân (nguyên Điều tra viên cao cấp, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội) cho biết: Đặc điểm chung của tội phạm là đều bị thúc đẩy bởi lòng thù hận. Khi chất chứa cơn giận dữ bởi ghen tuông, khả năng nhận thức và kiểm soát, điều chỉnh hành vi của đương sự xuống tới mức thấp nhất. Họ thường để cho bản năng dẫn dắt, hành xử không nghĩ đến hậu quả. Đặc biệt đối với đàn ông, khi đã ghen tuông thường thì không có độ lượng tha thứ. Điều này là vì "óc" sở hữu mang tính bản năng giống đực. Nó biến thành lòng tự tôn, tự trọng thái quá.
Khi nghĩ bị đối phương phản bội, giá trị của mình bị đe dọa, cảm thấy bị tổn thương, đa số sẽ bị sốc tâm lý và gây nên cơn giận dữ không thể kiểm soát được. Đương sự thường có thái độ bất cần, sẵn sàng trút giận lên kẻ đã làm mình thấy nhục nhã. Khi đã không đếm xỉa đến tính mạng của chính mình, thì sao đương sự coi trọng tính mạng của người khác.
Chưa hết, mặc cảm về bản lĩnh đàn ông, cảm giác bị coi thường… cũng đáng sợ không kém lòng ghen tuông. Nếu những mặc cảm ấy bị dồn nén lâu ngày mà không được giải tỏa, khi bùng nổ cũng rất dễ thúc đẩy đương sự đi đến hành vi ác tính cao, mất hết lý trí. Nhận biết điều này và biết "rút củi đáy nổi" để hạ nhiệt những cái đầu nóng, trước khi câu chuyện trở nên phức tạp và đi quá xa, chính là kỹ năng ứng xử mọi người cần biết để phòng ngừa hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra".
Nguyễn Đức Nghĩa - kẻ giết người yêu cũ man rợ vào tháng 5-2010. |
Cơm sôi bớt lửa
Theo Ths. Nguyễn Cao Cường (Giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội), trong đời sống tình ái không thể tránh khỏi những tình huống dở khóc dở cười, dẫn đến sự ghen tuông, nghi kỵ về lòng chung thủy. Chẳng hạn như việc có những tin nhắn mùi mẫn gửi tới điện thoại của người yêu hay bạn đời, bị bắt gặp đi với người lạ, có dư luận về các quan hệ…. Rơi vào tình huống ấy, nhiều người hành xử thụ động, bản năng, không biết phải làm gì để thoát khỏi nỗi "oan". Bên cạnh đó, người đang bị cơn ghen hành hạ cũng không biết phải làm thế nào để giải tỏa nỗi ngờ vực, cũng như ứng xử thế nào cho thỏa đáng.
Ông Cường tư vấn: "Đây là tình huống hiểu lầm thường xảy ra trong đời sống. Lúc này cần cố gắng bình tĩnh, không bị cuốn theo cảm xúc của bạn tình, mà hãy đánh giá tình huống, xác định họ đang bị sự ngờ vực giày vò và hãy dành mọi nỗ lực để giải tỏa cơn nghi kỵ, ghen tuông đó. Thiếu ứng xử tế nhị, sẽ không kịp thời ngăn chặn những cơn giận nhất thời bùng phát, dẫn đến hậu quả khôn lường như vụ Nguyễn Đức Nghĩa.
Trước tiên, hãy cố gắng bình tĩnh, nói chuyện nhẹ nhàng và giải thích cho bạn tình hiểu rõ tình huống và vấn đề, theo phương châm "lạt mềm buộc chặt". Hãy kiểm soát cảm xúc, bình tĩnh sẽ không làm họ nổi giận. Nên nhớ tuyệt đối không đôi co, cãi vã hay đáp trả mạnh mẽ như kiểu "đoạn tình" dứt khoát … dễ đẩy họ vào trạng thái mất kiểm soát, dẫn đến những hành động nguy hiểm.
Có thể mời bạn tình cùng mình làm rõ chuyện hiểu lầm, bằng cách trước mặt đối tác hãy liên lạc với số máy đã nhắn tin đến, nội dung khẳng định đã có người yêu, đừng nhắn tin ỡm ờ gây hiểu lầm, làm phiền mình. Cảnh báo nếu tiếp tục quấy rối sẽ chặn số, hoặc gặp tay ba nói chuyện nghiêm túc…
Bên cạnh đó, có thể xoa dịu nỗi ngờ vực, bằng những động tác âu yếm, lời nói khẳng định vị trí của bạn tình trong mình, đưa ra những lời khen dành cho bạn tình, để phá bỏ tâm lý tự ty, mặc cảm của họ. Hãy để người yêu nhận thấy rằng mình mới là số một trong mắt bạn.
Nên nhớ rằng không gì giúp bạn tình nâng cao tính tự tin bằng những lời khen ngợi ngọt ngào và chân thành. Lời khen chân thành chính là cách tốt nhất để giải tỏa sự đa nghi. Cả hai phải cùng nhau xây dựng niềm tin, dựa trên sự đồng điệu từ tâm hồn đến thể xác, biết làm nóng tình cảm và hạn chế đến mức tối thiểu những hiểu lầm, nghi kỵ về nhau".
Vẫn theo ông Cường, mẹo "phản khách vi chủ", nghĩa là hoán đổi vị trí, giả như mình đang ghen để bạn tình thỏa mãn cái tôi và thấy được sự phi lý, ngớ ngẩn của các cơn ghen tuông. Để ngăn ngừa những điều không hay xảy ra ngoài dự kiến, trong các mối quan hệ với bạn bè khác giới, mỗi người cũng nên cẩn thận, ý tứ hơn, tránh những chuyện có thể khiến bạn tình suy diễn. Có như vậy tình yêu mới không bị rạn nứt vì những nghi ngờ, ghen tuông vô căn cứ...
Nguyễn Văn Dũng, kẻ giết con người tình rồi phóng hỏa đốt nhà vào tháng 5-2015. |
Tránh voi chẳng xấu mặt nào
Làm gì khi cơn ghen tuông giận dữ đã biến thành bạo lực, Thượng tá Vân nói: "Trong tình huống nếu bạn tình đã nóng giận cuồng nộ... cách tốt nhất là nên đi ra chỗ khác, thoát ly hẳn khu vực nguy hiểm, để tránh cuộc xung đột không đáng có. Tuyệt đối không nên ở lại đôi co cãi vã, đợi bạn tình tĩnh tâm trở lại hẵng hay.
Trong tình huống này, nên tri hô báo cho người xung quanh hay gọi điện báo cho người thân hoặc bạn bè chung của 2 người để đến đón, can thiệp, hòa giải. Tuyệt đối không nên nói hoặc làm gì khiến bạn tình bị kích động, chẳng hạn như việc nói lời chia tay lúc này là rất nguy hiểm.
Trong tình huống bạn đã bị tấn công, thì hãy khẩn trương chạy ra khỏi khu vực nguy hiểm, kêu cứu thật to để thu hút sự chú ý và trợ giúp của những người xung quanh. Ngoài ra, bạn được quyền phòng vệ chính đáng, nếu thấy hành vi tấn công đang uy hiếp tính mạng, sức khỏe của mình.
Tất nhiên là việc chống trả chỉ nên nhằm ngăn chặn hành vi tấn công, chứ không nên gây thương tích hay thiệt hại lớn cho bạn tình vì làm thế sẽ khó khăn cho việc hàn gắn về sau. Khi đã thoát ly tạm thời với bạn tình hãy kêu gọi sự hỗ trợ từ bạn bè, người thân hoặc cơ quan chức năng tùy tính chất của sự việc. Việc trao đổi với người thân trong gia đình bạn tình để tác động, phân tích… giúp họ hiểu ra vấn đề, kiềm chế cơn nóng giận… là cách làm hay.
Trong các gia đình, nếu người chồng vì ghen tuông mù quáng, bệnh hoạn mà thường xuyên bạo hành, tra tấn, ngược đãi… hãy nhờ cậy sự giúp đỡ của họ hàng, dòng tộc và chính quyền, thông qua các thiết chế tại cơ sở như nhà thờ, tổ hòa giải, tổ dân phố hoặc ủy ban xã phường. Nếu bị hành hạ gây thương tích, cần báo cáo chính quyền, để có biện pháp răn đe giáo dục người vi phạm. Tuyệt đối không nên cam chịu trong những trường hợp bị bạo hành, vì điều này chỉ càng khiến cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn".
Đào Trung Hiếu/ Theo Báo CAND
CATP Hà Tĩnh