Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Phụ nữ làng biển: “Sinh - tử” trên những con thuyền

Đi biển là một nghề nặng nhọc, lắm rủi ro. Tuy nhiên, vì cuộc sống, vì yêu nghề, yêu biển, rất nhiều người phụ nữ Hà Tĩnh đã lên thuyền từ khi còn tấm bé, trở thành lao động chính trong gia đình, mạnh mẽ, can trường vươn khơi bám biển. Thuyền trở thành ngôi nhà của họ trong lòng mẹ biển khơi.

Phải qua mấy lần hẹn, chúng tôi mới có dịp tiếp xúc được với người phụ nữ có nước da bánh mật, giọng nói sang sảng, là tay chèo chính trên chiếc thuyền 8 CV ra khơi mỗi ngày. Bà là Nguyễn Thị Tâm (xóm Giang Hà, Thạch Kim, Lộc Hà). Giờ tôi mới có dịp kiểm chứng giọng nói người miền biển. Đúng là không chỉ có đàn ông đi biển mới “ăn sóng, nói gió”. Từ trên bờ, chúng tôi cố gắng nói thật to, còn bà, một mình vừa lom khom tìm chỗ thả neo cho con thuyền mới cập bến, vừa bình thản nói chuyện.

phu nu lang bien sinh tu tren nhung con thuyen

Nghề biển vất vả, nặng nhọc nhưng bà Nguyễn Thị Tâm chưa bao giờ có ý định từ bỏ.

Đẻ ra trên biển, khi còn là một đứa trẻ, cha là người đã dạy bà cách nhìn con sóng, thả cái neo, móc mồi câu để có thể dụ được con cá, con mực tìm đến. 12 tuổi, cha mất, bà lên thuyền mưu sinh với “bạn”. Lành nghề, bà gặp ông - một thợ máy, không biết đến nghề câu vốn đã trở thành phương tiện kiếm sống của gia đình bà. Ngỡ đưa được bà về làm hậu phương để ông chuyên tâm với nghề nghiệp, nào ngờ, ông lại bị chính niềm đam mê nghiệp biển của bà chinh phục. 4 năm sau, ông “gác búa”, lên thuyền cùng bà ra khơi từ bấy đến nay cũng đã xấp xỉ 50 năm, rồi vừa đẻ, vừa nuôi đàn con 6 đứa trưởng thành cũng đều trên mái chèo do bà làm chủ. “Chừng đó năm cầm lái, “ngôi nhà di động” của chúng tôi biết bao lần gặp giông gió, nhưng đều vững vàng vượt qua. Có gió thì tránh, biển lặng lại ra khơi. Mỗi khi chuông nhà thờ đổ thì quay vào bờ để con vào lớp học. Cứ thế, 6 đứa đều được học hành đầy đủ”.

Hơn 60 tuổi, ngày ngày, bà vẫn dậy từ 3h sáng để nấu cơm cùng ông mang lên thuyền kiếm con mực, mớ cá trang trải cuộc sống. “Cũng may là con cái giờ đều tự lo được cuộc sống của chúng. Con trai lớn đóng được thuyền to, có hội, có bạn đi khơi. Hai ông bà già sau nhiều năm chèo bằng chân, nay cũng đã lắp được máy nên đi nghề đỡ sức hơn nhiều. Mong có sức khỏe để tiếp tục đi biển chứ với tôi, giờ mà ở nhà một ngày ngồi không là chịu không nổi. Với lại, không đi thì lấy gì mà tiêu. Biển dù gặp sự cố, hải sản khó tiêu thụ, bán rẻ nhưng chúng tôi vẫn đi, vẫn có thu nhập đều đặn dù không được nhiều như trước…”.

Ở cái xóm biển đất chật, người đông này, không chỉ có một bà Tâm chống chèo đi thuyền. Bà Đỗ Thị Lý là trường hợp khá đặc biệt mà chúng tôi may mắn được gặp trên hành trình tiếp cận những phụ nữ làm nghề biển.

74 tuổi, trải qua 3 lần mổ sỏi mật, đã từng bị đưa ra nhà xác bệnh viện chờ người nhà đến lo hậu sự, vậy mà, giờ đây, bà vẫn là lao động chính trên chiếc nôốc nhỏ để nuôi chồng bị bệnh tai biến cách đây đã 5 năm.

phu nu lang bien sinh tu tren nhung con thuyenBà Đỗ Thị Lý chuẩn bị dụng cụ cho một ngày làm việc mới.

Chúng tôi đến khi đã chiều muộn và bà cũng vừa rời con nôốc nhỏ trên biển nước mênh mông về nhà. Dù tuổi đã cao, đôi mắt không còn tinh anh nhưng người phụ nữ có hơn 60 năm làm nghề biển này vẫn giữ được sự rắn rỏi, khỏe mạnh, nhanh nhẹn. “Vài ngày không lên nôốc là thấy nhớ. Thêm ngày nữa là thấy bứt rứt trong người, rồi đau khắp mình mẩy, tay chân. Cứ ra đến biển là thấy khỏe, gân cốt như giãn ra. Câu được con mực, con cá thì càng vui, quên hết mệt nhọc”.

Ông bệnh, bà cũng bệnh nhưng vì cuộc sống, vì nặng tình với biển cả - nơi đã nuôi sống bao thế hệ trong gia đình, bà vẫn ngày ngày đều đặn mang theo đồ câu chèo nôốc ra biển. “Có ngày được dăm trăm, ít hơn thì vài ba trăm, tệ lắm cũng có 50.000 đồng. Biển gắn bó và cưu mang ngư dân bao đời nay. Như tôi, ngày nào cũng chèo đi, chèo về tổng cộng đến 7-8 lý (hải lý - P.V), có ngày gặp gió tưởng như không qua được. Thậm chí, có lần khi vừa buông câu thì đau bụng dữ dội. Trên nôốc lúc đó chỉ có lọ dầu gió, “bạn” cũng không. Vật vã đến vài tiếng đồng hồ mới vào được bờ, vào viện ít ngày, khỏe là lại ra biển. Trời còn cho sức khỏe, cho ông nhà tôi được bình an, rồi thì ngày nào tôi cũng lên nôốc mà đi, quen rồi, không bỏ được”.

Nắng vừa lên, trên bến Cửa Nhượng, các đoàn thuyền đã cập bờ an toàn. “Thuyền có cắm những lá cờ Tổ quốc là đi đánh khơi về. Chúng tôi nhiều tuổi rồi, phương tiện không có, chỉ đi lộng câu con mực, con cá vừa kiếm thêm thu nhập, vừa đỡ nhớ biển thôi” - bà Nguyễn Thị Châu (xóm Tân Hải) bày tỏ.

phu nu lang bien sinh tu tren nhung con thuyen

Hàng chục năm qua, bà Nguyễn Thị Châu luôn là bạn đồng hành cùng chồng vượt qua sóng gió để mưu sinh.

Với hai ông bà, biển luôn là điểm đến và cũng là chốn về. 3 đứa con, 2 đứa đẻ trên thuyền, được 10 ngày là bà lại cùng ông nhổ neo ra khơi. Những đứa con được ông bà nuôi lớn bằng con cá, con mực câu được hàng ngày, cũng dần “ngấm” máu nghề của cha mẹ. Kể cả cô con gái, trước khi lấy chồng cũng là một “bạn thuyền”. “Năm trước, chúng tôi thu nhập cũng khá, trừ chi phí còn được 100 triệu đồng. Năm nay thì khác, hôm được thì bán rẻ, rẻ quá thì chia nhau về ăn. Xót của nhưng biết làm sao. Không đi thì thấy buồn, vì chúng tôi chỉ sống với nghề biển, gắn bó với biển. Chỉ mong biển mau sạch để thế hệ ngư dân như chúng tôi được tiếp tục làm nghề, được đến với biển mỗi sáng, mỗi chiều”.

Theo chân ông bà, chúng tôi xuống bến. Ra đến biển, chúng tôi không còn thấy một bà Châu đau khắp mình mẩy, tay chân được ông chở đi bốc thuốc nữa. Bà nhanh nhẹn, hoạt bát, thoăn thoắt bước vào chiếc thúng chèo ra chỗ thuyền neo. “Biết thả neo là vất vả, tìm chỗ để neo con thuyền cho chắc cũng khó, nhưng chỉ có bà ấy thả neo thì tôi mới yên tâm”, ông Nguyễn Văn Hùng - chồng bà Châu chia sẻ. Nhìn ông quay máy, bà nhổ neo, chúng tôi đọc được trong ánh mắt bà niềm vui của một thực thể được trở về với thế giới của mình. Chẳng thế mà khi biển gặp sự cố, ông chán nản muốn bỏ nghề, bà xót xa không tìm được điểm tựa. Một đời ăn ở với nghề, bà lấy lại tinh thần, có niềm tin vào một ngày biển sạch và an ủi, thuyết phục ông bám nghề, bám biển.

Hành trình về với biển, với những người phụ nữ làm nghề biển đã để lại trong chúng tôi nhiều xúc cảm. Có sự cảm phục, ngưỡng mộ; có sự trân trọng, quý mến; và tất cả sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, cơ cực mà những phụ nữ làm nghề biển trải qua. Họ làm nghề, sống bằng nghề, bằng những đặc ân mà biển cả ban tặng. Nhưng hơn tất cả, chúng tôi cảm nhận được một tình yêu lớn lao các chị, các mẹ dành cho biển khơi. Biển đã cho họ cuộc sống và cả lẽ sống.

CATP Hà Tĩnh