Phương án sáp nhập xã ở Cẩm Xuyên phải làm bài bản, kỹ lưỡng
(Baohatinh.vn) - Chiều 4/4, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn chủ trì làm việc với BTV Huyện ủy Cẩm Xuyên về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sáp nhập xã; kết quả xây dựng nông thôn mới.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng tham dự.
Tại hội nghị, lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên đã báo cáo cụ thể về kết quả trong thực hiện các nội dung của Nghị quyết 18,19 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), trọng tâm là việc sáp nhập thôn, sắp xếp, sáp nhập trường học, các hội đặc thù cấp xã, cơ quan, đơn vị sự nghiệp cấp huyện. Huyện cũng đang từng bước thực hiện việc bố trí cán bộ, công chức theo hướng tinh giản biên chế theo lộ trình của Kết luận số 92 của BTV Tỉnh ủy.
Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Đặng Quốc Cương báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 và phương án sáp nhập xã.
Đối với việc sáp nhập xã, hiện nay, Cẩm Xuyên có 5 xã chưa đảm bảo 50% cả hai tiêu chí diện tích và dân số. Theo dự thảo phương án của huyện trình tỉnh thẩm định, huyện sẽ tiến hành sáp nhập 3 xã Cẩm Nam, Cẩm Thăng, Cẩm Phúc; sáp nhập xã Cẩm Yên với xã Cẩm Hòa; sáp nhập xã Cẩm Huy với thị trấn Cẩm Xuyên, qua đó góp phần mở rộng thị trấn Cẩm Xuyên.
Về đội ngũ cán bộ, công chức sau sáp nhập, theo phương án dự thảo, số cán bộ dôi dư là 31 người, còn cán bộ không chuyên trách dôi dư là 45 người.
Sau khi nghe Cẩm Xuyên báo cáo, các đại biểu đã phân tích, thảo luận về một số vấn đề liên quan đến sáp nhập xã như: Phương án sử dụng hạ tầng khi sáp nhập; đặt tên xã khi sáp nhập; việc xử lý nợ tồn đọng của các xã trước khi sáp nhập; phương án cụ thể để xử lý cán bộ khi sáp nhập...
Trong xây dựng nông thôn mới, các đại biểu nhấn mạnh việc triển khai mỗi xã một sản phẩm và cân đối nguồn lực cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ để xây dựng huyện nông thôn mới.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn: Đề án sáp nhập càng làm bài bản, kỹ lưỡng và không được nóng vội thì việc triển khai thực hiện sẽ càng thuận lợi về sau.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng, quá trình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Cẩm Xuyên là hết sức tích cực nhưng chưa thực sự đồng bộ, toàn diện do cách làm chưa bài bản. Công tác thông tin tuyên truyền vẫn chưa sâu. Phương án sáp nhập xã của huyện còn chưa cụ thể, nhiều vấn đề đặt ra chưa có hướng xử lý rõ ràng.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đề án sáp nhập càng làm bài bản, kỹ lưỡng và không được nóng vội thì việc triển khai thực hiện sẽ càng thuận lợi về sau; quá trình thực hiện phải có sự quyết tâm cao nhất, vào cuộc quyết liệt.
Trong việc đặt tên xã, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện cần phải nghiên cứu kỹ tính lịch sử, văn hóa và lấy ý kiến rộng rãi để tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân khi sáp nhập; xem xét quy hoạch để điều chỉnh lại kết cấu hạ tầng, tạo sự kết nối và thuận tiện nhất cho người dân; cần xây dựng phương án phù hợp để sử dụng hạ tầng sau sáp nhập và xử lý nợ đọng trước sáp nhập; xem xét lại sáp nhập thôn khi sáp nhập xã, điều chỉnh các khu dân cư; bố trí cán bộ sau sáp nhập phải đảm bảo khách quan, chất lượng.
Trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, Cẩm Xuyên đã có 17/25 xã đạt chuẩn NTM, đạt 68%. Năm 2019, huyện phấn đấu xây dựng ít nhất 6-7 xã đạt chuẩn. Hiện nay, trong quá trình thực hiện việc xây dựng huyện đạt chuẩn NTM, Cẩm Xuyên đang có nhiều tiêu chí khó, đòi hỏi khối lượng, nguồn lực lớn như: Giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, khu dân cư kiểu mẫu. |
CATP Hà Tĩnh