Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Rôộc Cồn - mạch nguồn tiếp nối, đổi mới mạnh giàu

Ngày nay, trên vùng quê Rôộc Cồn (Hương Khê - Hà Tĩnh) mang đậm dấu ấn lịch sử, tinh thần cách mạng vẫn luôn sục sôi khí thế và được tiếp nối trong các phong trào cách mạng xây dựng quê hương đổi mới, ngày càng giàu đẹp.

Rôộc Cồn thuộc xã Phú Phong, nơi đây đã từng diễn ra cuộc biểu tình lịch sử của nhân dân Hương Khê, nhiều tấm gương nghĩa liệt đã ngã xuống trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

rooc con mach nguon tiep noi doi moi manh giau

Đền Cây Đa - nơi tổ chức hội họp, in ấn truyền đơn, tài liệu của Đảng thời kỳ tiền cách mạng tháng 8 trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông trải dài quanh làng phẳng lì như lụa, ông Nguyễn Kim Hảo – Bí thư Chi bộ thôn 2 không giấu nổi tự hào: “Rôộc Cồn xưa là vùng đồi trọc, xung quanh cây cối bao bọc um tùm. Dưới chế độ thực dân phong kiến, nhân dân xã Phú Phong nói riêng và huyện Hương Khê nói chung vô cùng cực khổ. Nông dân phần lớn không có ruộng cày, phải đi làm thuê cho địa chủ, quanh năm chịu cảnh ăn cơm vay, cày ruộng rẽ, đói rét, bệnh tật luôn hoành hành… Thời đó, ai về Hương Khê đều có câu cửa miệng “Nuôi con cơm chéo áo, gạo chéo chăn”. Đói khổ, cùng cực, không chịu nổi áp bức, người dân đã vùng lên làm cách mạng. Rôộc Cồn ngày ấy tựa như một ngọn lửa, soi rọi và cháy lên tinh thần yêu nước, chí khí cách mạng của cả một vùng quê. Nó là khởi nguồn nhưng đồng thời cũng chính là nguồn lực vô tận cho các phong trào cách mạng trong mỗi thời kỳ lịch sử. Hôm nay, Rôộc Cồn đã trở thành một vùng quê đẹp như bức tranh, cả về bề ngoài lẫn chiều sâu bên trong”…

Chủ tịch UBND xã Ngô Quang Hùng phấn khởi: Với xã Phú Phong, truyền thống cách mạng không chỉ là niềm tự hào mà còn là nền tảng, động lực cho sự phát triển. Bởi vậy, việc phát huy giá trị di tích lịch sử, xây dựng đời sống mới, con người mới được xã chú trọng. Hàng năm, các ngày lễ, tết, xã đều tổ chức dâng hương báo công tại đền Cây Chay (nơi tổ chức hội họp, in ấn truyền đơn, tài liệu của Đảng thời kỳ tiền Cách mạng tháng Tám, nơi chi bộ họp chỉ đạo các cuộc đấu tranh thời kỳ 1930-1931), ôn lại truyền thống để các thế hệ sau ý thức về trách nhiệm tiếp nối truyền thống cách mạng trên quê hương.

rooc con mach nguon tiep noi doi moi manh giau

Ngõ vào nhà của người dân thôn 2 (Phú Phong) được chỉnh sang theo tiêu chí xanh - sạch - đẹp

Truyền thống cách mạng đã trở thành mạch nguồn xuyên suốt các thời kỳ lịch sử. Đặc biệt, trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng bộ và nhân dân xã Phú Phong càng thể hiện rõ tinh thần đó. Bắt đầu triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2011, xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền thực hiện chỉnh trang vườn hộ, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu; triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Phong trào phát triển SXKD, nâng cao thu nhập cho người dân được tập trung đẩy mạnh. Đến nay, toàn xã có 37 mô hình kinh tế các loại, trong đó có 3 mô hình lớn, 5 mô hình vừa; thành lập 9 tổ hợp tác, 5 HTX và 11 doanh nghiệp. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, xã tập trung xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, chỉnh trang vườn hộ trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế. Mỗi chi hội, các tổ chức đoàn thể đã đăng ký có ít nhất 5 hội viên tham gia xây dựng mô hình vườn hộ. Cuối năm 2015, Phú Phong được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo vùng quê hoàn toàn khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Đến nay, 7/7 thôn đều được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh. Đặc biệt, Phú Phong đang tập trung các giải pháp xây dựng trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu đến năm 2019 cơ bản đạt các tiêu chí.

CATP Hà Tĩnh