Rủi ro rình rập lao động xuất cảnh trái phép qua biên giới
Sang Trung Quốc lao động là một nhu cầu thực tế của nhiều người dân nơi biên giới. Thế nhưng, nếu xuất cảnh trái phép, người lao động Việt Nam không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gặp rất nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sức khỏe, thiệt hại về kinh tế, thậm chí là đánh đổi bằng chính tính mạng.
Với sự nỗ lực cố gắng của nhiều cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong đó có Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2017 và những ngày đầu năm 2018, số lượt người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động đã giảm đáng kể.
Trở về trong bình tro cốt
Tìm kiếm việc làm để có thu nhập phục vụ cuộc sống là nhu cầu của rất nhiều người. Tuy nhiên, do nghe theo những lời dụ dỗ, vẽ ra viễn cảnh kiếm được nhiều tiền, công việc nhàn hạ, nhiều người Việt Nam nhẹ dạ cả tin đã tự ý xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc bằng lối mòn, đường rừng mong tìm kiếm việc làm.
Thế nhưng, ở nơi đất khách quê người, không biết ngoại ngữ, “mù” địa bàn lại không có giấy tờ hợp pháp, những lao động trái phép này đã phải chuốc lấy hậu quả đau xót.
Theo Đại tá Lê Văn Trung, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lạng Sơn, đa phần các lao động “chui” sang Trung Quốc đều bị chủ bắt lao động khổ sai, lưu giữ số tiền công theo quý, năm. Khi đến kỳ hạn trả tiền công, nhiều chủ mật báo Công an sở tại đến xét hỏi giấy tờ.
Khi bị phát hiện nhập cảnh trái phép vào Trung Quốc, người lao động sẽ bị giam giữ từ 1 đến 3 tháng, bắt phải lao động công ích, tịch thu tài sản rồi mới được thả về trong tình trạng tay trắng, còn chủ lao động “trốn” được khoản tiền lương.
Nhiều trường hợp bị tai nạn lao động nhưng sau khi được bệnh viện phía bạn sơ cứu thì tất cả số lao động bị tai nạn nặng hay nhẹ đều phải tìm đường về nước vì không có giấy tờ hợp pháp, viện phí rất cao nên không thể nằm điều trị lâu dài được.
Tuy nhiên, trên đây là những trường hợp bảo toàn được tính mạng và trở về quê nhà. Có những trường hợp, người lao động lúc ra đi lành lặn mà khi trở về người thân đau đớn, bàng hoàng ôm bình đựng tro cốt.
Vào tháng 8-2017, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc), Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hữu Nghị tiếp nhận công dân Việt Nam do phía Trung Quốc trao trả. 13 công dân được tiếp nhận trở về đợt này có mang theo 6 bình tro cốt của thân nhân bị tử vong khi lao động tại Trung Quốc. Họ đều thường trú tại huyện Mèo Vạc và huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Những trường hợp này xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để làm thuê.
|
Thời gian giải quyết hồ sơ làm Giấy thông hành xuất nhập cảnh cho công dân đã rút ngắn chỉ trong 1 ngày. |
Sau Tết Nguyên đán năm 2017, họ đi thành nhiều tốp vượt biên giới trái phép tại tỉnh Hà Giang. Sau nhiều ngày di chuyển bằng nhiều loại phương tiện, họ đến Ngô Châu, tỉnh Quảng Tây. Công việc chủ yếu là phát nương, trồng cây, tối đến ngủ tại các lán tạm ven đồi.
Đầu tháng 7-2017, một vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra tại khu vực những người lao động là công dân Việt Nam đang ở, do mưa lớn đã làm lở đất vùi lấp một số lán tạm ven đồi khiến 6 công dân Việt Nam tử vong. Các lực lượng chức năng Trung Quốc đã tổ chức cứu hộ và đưa những công dân còn lại về trụ sở Công an do cư trú bất hợp pháp. Ra đi lành lặn, khi trở về người thân của họ chỉ nhận được lại bình tro cốt, ngoài ra không có một thứ gì hết.
Xuất cảnh đúng luật để tự bảo vệ mình
Theo số liệu từ Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lạng Sơn, từ 16-11-2016 đến ngày 15-11-2017, toàn tỉnh có khoảng 21.542 lượt người xuất cảnh trái phép (giảm 6.337 lượt người so với cùng kỳ). Tính riêng từ ngày 16-11-2017 đến ngày 15-1-2018, chỉ có khoảng 1.088 lượt người xuất cảnh trái phép.
Theo Đại tá Lê Văn Trung, số người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc qua tỉnh Lạng Sơn đã giảm đáng kể. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy những giải pháp mà cơ quan chức năng, trong đó giữ vai trò nòng cốt là Phòng Quản lý xuất nhập cảnh triển khai ngăn dòng người xuất cảnh trái phép đã phát huy hiệu quả thiết thực.
Nói về nguyên nhân, Đại tá Lê Văn Trung cho biết, chủ trương của Công an tỉnh Lạng Sơn là tham mưu cho cấp ủy chính quyền thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến bà con chấp hành các quy định về xuất nhập cảnh; tuyên truyền về hiểm họa, rủi ro khi xuất cảnh trái phép như chính quyền Trung Quốc bắt giữ, lao động vào nơi không có bảo hiểm, cam kết, lương tháng không có.
Nếu không may bị tai nạn sẽ không có ai lo, dễ rơi vào tay những kẻ lừa đảo… Công tác tuyên truyền được đi sâu, mở rộng đến khắp các lực lượng Công an ở cơ sở, các ngành, các cấp.
Đặc biệt, vào tháng 2-2017, tại cuộc gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư Tỉnh ủy của 4 tỉnh là Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh và Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn đã ký thỏa thuận hợp tác quản lý lao động xuyên biên giới.
Theo đó, người lao động Việt Nam được phép sang lao động bằng Giấy thông hành xuất nhập cảnh hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực tại thành phố Sùng Tả, Bằng Tường, Ninh Minh và Long Châu. Sau khi được cấp thẻ lao động, người lao động sẽ được đưa về các cơ sở sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Trung tâm dịch vụ việc làm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đưa người lao động đi làm thủ tục tại Cục Tài nguyên nhân lực và An sinh xã hội thành phố Sùng Tả, Quảng Tây để theo dõi.
Người lao động sẽ được ký hợp đồng lao động với các đơn vị sử dụng lao động, trong đó nêu rõ các cam kết những vấn đề liên quan đến an toàn lao động, rủi ro, mức lương, vệ sinh an toàn lao động, chế độ khi bị ốm đau, bệnh tật, an ninh trong lao động sản xuất. Mỗi Giấy thông hành xuất nhập cảnh có thời hạn 6 tháng, có thể đi lại nhiều lần.
Cũng theo Đại tá Lê Văn Trung, hiện nay, phía cơ quan chức năng của Trung Quốc đang siết chặt công tác quản lý người lao động nước ngoài nhập cảnh trái phép, đặc biệt là các công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép qua đường mòn.
Nước bạn tăng cường kiểm soát trên các tuyến giao thông nhất là giao thông đường bộ. Nếu phát hiện người nào nhập cảnh không giấy tờ sẽ bắt giữ sau đó bị thả, đẩy đuổi qua đường tiểu ngạch hoặc trao trả cho các cơ quan chức năng Việt Nam tiếp nhận.
Đặc biệt, phía Trung Quốc còn có các hình thức trao giải thưởng là 100 tệ cho ai phát hiện công dân nhập cảnh trái phép.
Trên thực tế, Trung Quốc rất mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân các nước láng giềng nhất là khu vực biên giới phía Bắc sang lao động phổ thông ở khu vực có sản lượng mía đường lớn nhất Trung Quốc hiện nay là tỉnh Quảng Tây.
Hiện nay, thời gian giải quyết hồ sơ làm Giấy thông hành xuất nhập cảnh cho mọi công dân Việt Nam qua Cửa khẩu Hữu Nghị đã giảm đáng kể so với trước kia. Chỉ trong vòng 1 ngày so với trước kia là 3 ngày cùng chi phí là 50.000 đồng, công dân đã có một Giấy thông hành xuất nhập cảnh.
Mọi công dân Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh sang Trung Quốc hãy đến Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Lạng Sơn (tại số 12 đường Hoàng Văn Thụ, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) để được hướng dẫn làm giấy thông hành, hộ chiếu xuất cảnh hợp pháp, tránh đi chui, đi trốn để xảy ra hậu quả đáng tiếc.
CATP Hà Tĩnh