Siết chặt quản lý, bịt kẽ hở của dịch vụ chuyển phát nhanh
Không ít các trường hợp vì lợi nhuận, lái xe và chủ xe của các dịch vụ chuyển phát nhanh rơi vào cảnh dở khóc, dở cười, khi chỉ vì ham lợi nhuận họ trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo. Vì thế, đừng vì lợi nhuận mà làm mờ mắt...
Hơn hai năm trôi qua, nỗi đau của anh Thái Viết Hảo (36 tuổi, ngụ xóm Đông Vạn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), nạn nhân trong vụ loa phát nổ và những người thân trong gia đình vẫn chưa thể nguôi ngoai. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, là trụ cột của gia đình, vụ tai nạn đã khiến anh trở thành người tàn phế. Vụ án xảy ra vào ngày 30-9-2014.
Trong vụ nổ này, anh Hảo (phụ xe) và Phan Đình Ninh (41 tuổi) tài xế điều khiển phương tiện đều gặp nạn. Lời khai của anh Ninh, phần nào đã cho thấy những sơ hở trong việc quản lý dịch vụ chuyển phát nhanh qua xe khách hiện nay.
Theo lời của anh Ninh thì gói đồ trên được gửi vào ngày 27-9-2014. Người gửi đồ là một cậu bé, chỉ nói là chuyển ra khu vực huyện Quảng Xương (Thanh Hóa)… và để lại một số điện thoại để liên lạc nhận hàng, ngoài ra không có một thông tin nào khác. Về phía anh Ninh và các lái phụ xe khách thì cũng chẳng cần quan tâm xem bên trong gói đồ đó là cái gì.
Đối tượng Trần Duy Hiển (33 tuổi, trú tại phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ). |
Chính vì thế, sau 3 ngày với nhiều cuộc điện thoại gọi cho chủ sở hữu của gói hàng mà không có người đến nhận, họ mới tò mò mở ra xem… Trong vụ việc này, các nạn nhân tuy đã may mắn giữ lại được mạng sống nhưng có người đã bị thương tật nặng như trường hợp anh Hảo. Anh Hảo chính là người đã gọi điện thoại cho chủ nhân của gói hàng, đồng thời cũng là người cắm chiếc USB vào để nghe nhạc. Anh bị cụt 2 tay, hỏng mắt và chấn thương nhiều nơi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch…
Kết quả điều tra xác định, bên trong bộ loa này có chất nổ. Như vậy là khi nhận bọc hàng trên, cả lái xe và phụ xe khách đều không biết rằng bên trong hộp đó có chứa cái gì. Họ chỉ cần nhận lấy số tiền là 50.000 đồng tiền công vận chuyển. Và đây chính là một trong những kẽ hở của loại hình chuyển phát nhanh trên xe khách để những đối tượng xấu lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội…
Tháng 10-2016, hàng loạt các xe khách bị một đối tượng giả danh Công an, gửi hồ sơ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kẻ thực hiện hành vi đó là Trần Duy Hiển (33 tuổi, trú tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ). Trước đó, đối tượng đến bến xe Giáp Bát (Hà Nội) cùng một quyển sổ tay, ghi tên các nhà xe, tuyến xe chạy và số điện thoại của chủ xe dán trên kính xe.
Sau đó, đối tượng mua 7 túi hồ sơ xin việc với giá 5.000 đồng/bộ rồi dùng băng dính dán kín mép, ghi lên bìa túi hồ sơ nội dung “Hồ sơ sang tên xe ôtô, đổi chủ mới” và tự nghĩ ra tên của người nhận làm trong lực lượng Công an tại các huyện ở Phú Thọ, nơi mà Hiển định lừa đảo.
Mục đích của Hiển khi giới thiệu là Công an nhằm tạo lòng tin cho người nhận hồ sơ. Sau đó, đối tượng ghi số điện thoại của người nhận lên bìa túi hồ sơ để liên hệ giao nhận hàng.
Trên thực tế, đây cũng chính là số điện thoại Hiển đang sử dụng. Sau khi hoàn tất cả thủ tục, Hiển chọn xe khách để lừa đảo và dùng số điện của Hiển để gọi cho chủ xe. Đối tượng tự nhận là cán bộ Công an, nhờ nhà xe nhận hộ túi hồ sơ sang tên xe ôtô mang về đồng thời yêu cầu nhà xe giao tiền công cho người gửi. Sau đó, Hiển mang hồ sơ đến giao cho lái, phụ xe ôtô và nhận tiền rồi bỏ trốn.
Ngày 8-7-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính.
Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Điều 3 và Điều 4 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16-12-2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
Điều 8 của Nghị định này quy định vi phạm quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính. Theo đó, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển hoặc phát những vật phẩm, hàng hóa có nội dung đe dọa, quấy rối, xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự người khác...
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gửi, chấp nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước không đúng quy định; phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển hoặc phát những vật phẩm, hàng hóa gây nổ, chất độc, chất phóng xạ, ma túy, vi trùng dịch bệnh nhằm khủng bố, xâm hại tính mạng, tài sản công dân, gây mất trật tự, an toàn xã hội; phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển hoặc phát những vật phẩm, hàng hóa có nội dung kích động, gây mất an ninh, phá hoại đoàn kết dân tộc, chống phá nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quy định của pháp luật rõ ràng như vậy nhưng trên thực tế, việc chứng minh và xử phạt các sai phạm trong lĩnh vực bưu chính viễn thông lại không dễ dàng. Chia sẻ với phóng viên, một luật sư cho biết: Để chứng minh, cơ quan chức năng phải làm rõ được ý thức chủ quan của lái xe, phụ xe hoặc nhân viên...
Trong khi đó, các trường hợp bị phát hiện, đều khai rằng họ chỉ nhận vận chuyển thuê, không biết hàng hóa bên trong là gì. Trong những trường hợp như thế này, Cơ quan chức năng không có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng để có căn cứ xử lý.
Trung tá Hoàng Đăng Phong, Trưởng trạm Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) cho biết: Để nâng cao nhận thức của các lái xe, thời gian qua, đơn vị đã thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, đã khuyến cáo các nhà xe, các đơn vị kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh phải tuân thủ các quy trình về vận chuyển hàng hóa theo đúng quy định. Khi nhận hàng phải kiểm tra, sau đó mới tiến hành niêm phong; hàng hóa phải có giấy tờ, hóa đơn, chứng từ...
Với hàng loạt các sự việc, vụ án xảy ra trong thời gian gần đây và đặc biệt là vụ nổ loa trên xe khách tại Nghệ An đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải tiến hành siết chặt loại hình dịch vụ này.
CATP Hà Tĩnh