Số điện thoại “ma”… và những “đòn” lừa hiểm
Bỗng dưng nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ, nhấc máy “A lô”, nhiều người chưa kịp định thần thì cước phí sử dụng thuê bao điện thoại nhanh chóng đội lên. Rồi nhiều trường hợp còn “khóc dở mếu dở” khi bị “sập bẫy” lừa của các đối tượng lừa đảo thông qua số điện thoại “ma” - không rõ chủ thuê bao...
1.Đến giờ, anh Quang, 34 tuổi, ở phường Bưởi, quận Tây Hồ (Hà Nội) chưa hết bức xúc trước tình trạng một số đối tượng lợi dụng số điện thoại “ma” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo anh Quang kể lại, cách đây không lâu, điện thoại cố định nhà anh đổ liên hồi.
Bố anh là bác Trí nhấc máy: “A lô! Ai đấy ạ?” thì từ đầu dây bên kia, giọng người đàn ông tỏ vẻ bực dọc: “Anh Quang – con trai ông đang bị chúng tôi giữ vì con ông có vay chúng tôi số tiền lớn”. Thế rồi, tiếng kêu ú ớ yếu ớt hắt ra từ đầu máy bên kia.
|
Các đối tượng trong một vụ án giả danh cán bộ Công an gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tài sản (ảnh: CTV) |
“Lúc này, bố tôi hơi lo lắng khi loáng thoáng nghe thấy tiếng: “Cứu con với… cứu con với” vọng lại yếu ớt”, anh Quang nhớ lại. Bác Trí lúc này vội vã gác máy. Ngay sau đó, điện thoại cố định nhà bác Trí tiếp tục đổ chuông. Bác Trí nhấc máy và từ đầu dây bên kia, giọng người đàn ông lúc trước tiếp tục thúc việc chuyển tiền trả nợ cho anh Quang.
Để kiểm chứng lại thông tin, bác Trí liền điện thoại cho anh Quang thì được hay anh Quang không hề nợ ai tiền, hiện đang họp ở cơ quan. Lúc này, bác Trí và người thân nhận ra, người đàn ông gọi điện thoại trên là đối tượng lừa đảo. Kiểm tra số máy điện thoại gọi tới trước đó, bác Trí được biết, số điện thoại trên có mã vùng rất lạ, không phải ở trong nước.
Không riêng gì trường hợp anh Quang, thời gian qua, một số đối tượng cũng đã giả mạo số máy “tổng đài” của các mạng điện thoại rồi điện thoại, nhắn tin cho nhiều chủ thuê bao di động. Những tưởng số điện thoại gọi, nhắn tin tới số máy mình là của nhà mạng, nên một số người đã thao tác ấn phím thực hiện theo hướng dẫn.
Tất nhiên, lúc này chủ thuê bao điện thoại đã bị “sập bẫy” lừa của các đối tượng. Một khoản tiền nhanh chóng được chuyển sang cho các đối tượng giả mạo số “tổng đài” trước đó. Trao đổi với chúng tôi, chị Ngô Bảo Ngọc, nhân viên Bộ phận chăm sóc khách hàng của Viettel khuyến cáo, đối với số máy lạ, hoặc có mã vùng từ nước ngoài khi nhắn tin hoặc gọi điện thoại tới, nếu thấy nghi vấn, khách hàng đừng nhấc máy vì có những số máy gọi tới, chỉ cần nhấc máy hoặc gọi điện thoại lại là sẽ bị mất tiền.
2. Để “con mồi” lạc vào “ma trận” của mình, nhiều đối tượng đã sử dụng chiêu trò gọi điện thoại rồi giả danh cán bộ cơ quan chức năng đang thực thi nhiệm vụ. Lúc này, do sợ phiền phức, không ít người thiếu chút nữa đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
Mới đây, Công an phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã ngăn chặn kịp thời một vụ mạo danh cán bộ Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn gọi điện thoại. Khoảng 9h ngày 21-9, ông T.V.T, 65 tuổi ở phường Cửa Ông đang ở nhà thì có một người phụ nữ sử dụng số máy lạ 0062847xx gọi tới máy điện thoại cố định nhà ông cho biết, bản thân cô ta công tác tại Phòng CSĐT tội phạm về ma túy và đang điều tra một vụ án tham nhũng liên quan đến ma túy.
Sau một hồi trò chuyện, người phụ nữ trên chuyển máy điện thoại cho người đàn ông xưng tên là Toàn, có “cấp bậc Trung tá” hiện đang tiến hành điều tra vụ án có liên quan đến ông V. Người đàn ông này yêu cầu ông V gửi số tiền 89 triệu đồng vào một tài khoản, nếu không đến 11h30 cùng ngày sẽ bắt giam ông V. Sợ bị liên lụy đến pháp luật nên ông V đã lấy hai sổ tiết kiệm và ra ngân hàng chuyển tiền.
Trên đường đi, ông V có gặp chị T.T.H.T (con gái ông V). Chị nghi ngờ có điều gì bất ổn nên đã gọi điện thoại báo cho Công an phường Cửa Ông có mặt kịp thời ngăn cản ông V chuyển tiền cho các đối tượng giả danh Công an.
Thực tế cho thấy, nhằm giăng bẫy thành công “con mồi”, các đối tượng đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng các thủ đoạn. Từ lấy thông tin cá nhân cho đến giả mạo cán bộ thực thi nhiệm vụ… tất cả được thực hiện một cách bài bản. Như trường hợp chị N.T.V.V, 37 tuổi ở xã Cư Suê, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) là một điển hình.
Theo trình báo của chị N.T.V.V, khoảng 8h ngày 4-8, chị nhận được điện thoại từ số máy lạ 17999999xx. Một người tự xưng là nhân viên tổng đài dịch vụ điện thoại thông báo rằng, chị đang nợ tiền cước thuê bao điện thoại với số tiền gần 9 triệu đồng.
Sau đó, người lạ mặt này xin số chứng minh nhân dân cùng thông tin cá nhân của chị với mục đích kiểm tra lại cước thuê bao điện thoại. Mấy ngày sau, hàng loạt số điện thoại lạ như: 33797259xx, 311130448xx… gọi đến máy điện thoại của chị, rồi xưng là “cán bộ điều tra của Bộ Công an” đang điều tra về một đường dây rửa tiền liên quan tới chị.
Đối tượng này sau đó đã yêu cầu chị phải chuyển ngay số tiền 17 triệu đồng vào tài khoản mà đối tượng cung cấp gọi để xác minh có đúng vi phạm hay không. Không mảy may nghi ngờ, chị N.T.V.V thực hiện việc chuyển tiền theo yêu cầu. Giao dịch hoàn tất, chị “bán tín bán nghi” và đã liên lạc tới các số điện thoại lạ trên nhưng không được. Số tiền 17 triệu đồng mà chị gửi trước đó đã bị các đối tượng rút hết.
|
Tang vật vụ án. |
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an), từ đầu năm 2017 đến nay, có khoảng 100 vụ liên quan đến các đối tượng giả danh Công an, Kiểm sát… gọi điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt lên đến hơn 30 tỷ đồng. Nhìn vào con số trên cho thấy, vấn nạn các đối tượng sử dụng số điện thoại “ma” để lừa đảo người dân đã và đang diễn ra phức tạp.
3. Qua các vụ việc cho thấy, hầu hết các đối tượng đều thực hiện cuộc gọi đến người dân thông qua mạng Internet với số điện thoại có đầu số 00 để lừa đảo. Nắm bắt tâm lý lo sợ không muốn dính líu đến pháp luật, nên các đối tượng thường mạo danh là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, người cho vay nợ… rồi “rung” dọa bằng các câu chuyện pháp lý đi kèm là yêu cầu: “Phải chuyển tiền thì mới không gặp rắc rối”. Tinh vi hơn, có đối tượng còn giả giọng, giả danh là các cán bộ lãnh đạo cấp cao, người nổi tiếng khi gọi điện thoại.
|
Cần cảnh giác trước số máy điện thoại lạ gọi tới (ảnh minh họa). |
Trịnh Duy Phương (còn gọi là Tuấn Anh, 27 tuổi, quê ở Cà Mau), đối tượng bị Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao bắt giữ vào những ngày đầu tháng 5-2017 vừa qua là một ví dụ. Theo cơ quan CSĐT, để thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình, trước đó Phương đã lân la tìm hiểu nhân thân, cách ăn nói, mối quan hệ của một số lãnh đạo cấp cao tại các tỉnh, thành sau đó sử dụng số điện thoại “ma” gọi tới một số công ty, doanh nghiệp, chủ nhà hàng… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều nạn nhân khi nhận được điện thoại cả tin, tưởng rằng Phương là “cán bộ cấp cao” đang muốn nhờ vả nên không ngần ngại chuyển số tiền lớn cho Phương.
Điều dễ thấy qua các vụ án, người cao tuổi, cán bộ hưu trí, người ít tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng… thường là nhóm bị hại mà các đối tượng lừa đảo nhắm vào hơn cả. Ở một số vụ giả mạo cán bộ Công an, các đối tượng thực hiện khá bài bản các thủ đoạn.
Sau khi đưa ra các lý do nhằm khai thác thông tin cá nhân của các bị hại (tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân, sổ tiết kiệm…), các đối tượng đã dựng lên những vụ việc “trên trời” đại loại như: bị hại đang có liên quan đến đường dây mua bán ma túy; đến đường dây rửa tiền… rồi yêu cầu bị hại chuyển ngay một khoản tiền qua tài khoản.
Trên thực tế, cơ quan điều tra không bao giờ gọi điện thoại, yêu cầu người dân chuyển tiền qua tài khoản để phục vụ công tác điều tra, xác minh vụ án cả. Do đó, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, khi nhận được điện thoại của người lạ xưng là cán bộ các cơ quan chức năng đang điều tra, làm án thì mọi người phải hết sức cảnh giác, không để lộ lọt thông tin cá nhân; mặt khác, báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm. Cũng theo đại diện Bộ phận chăm sóc khách hàng của Viettel, khi thấy số máy lạ, có mã vùng ở nước ngoài, mọi người không nên nhấc máy, cảnh giác không để đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước những băn khoăn của nhiều người về việc thời gian trở lại đây liên tục nhận được cuộc gọi từ số máy 197 và không biết có bị mất phí khi nghe máy hay không, chúng tôi đã liên hệ tới số máy 1800.8098 – tổng đài hỗ trợ dịch vụ di động của Viettel. Đại diện Bộ phận chăm sóc khách hàng cho biết, 197 là số điện thoại hệ thống Viettel. Khi số máy 197 gọi tới, khách hàng nhấc máy nghe thì không mất tiền, song nếu trường hợp chủ thuê bao di động thao tác thực hiện các phím theo hướng dẫn của số máy 197 thì sẽ mất phí dịch vụ theo quy định.
|
Trần Huy/ THEO BÁO CAND
CATP Hà Tĩnh