Số hóa hộ khẩu, người dân dễ dàng tiếp cận điện, nước sinh hoạt
Theo quan điểm của các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn TP Hà Nội, nếu Chính phủ đổi mới quản lý hộ khẩu theo hình thức số hóa, người dân càng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ cung cấp điện, nước sinh hoạt.
[caption id="" align="aligncenter" width="480"] Nhiều dịch vụ điện năng đã được cung cấp trực tuyến cho người dân[/caption] Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Điện lực Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, việc giải quyết thủ tục ký hợp đồng mua bán điện đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 137/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, một trong những điều kiện để được ký hợp đồng mua bán điện sinh hoạt là khách hàng cần có một trong các giấy tờ: Hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà; hợp đồng mua bán nhà hợp lệ; hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 1 năm trở lên; “sổ đỏ”; hợp đồng ủy quyền quản lý và sử dụng nhà được công chứng hoặc chứng thực. Với đối tượng khách hàng là hộ gia đình, biểu giá điện áp dụng cho sinh hoạt được Bộ Công Thương quy định và mỗi hộ sử dụng điện đều có định mức sử dụng điện tính theo tháng. Định mức sử dụng điện được tính trên số hộ khẩu tại một địa chỉ nhà, không tính trên số nhân khẩu. Mỗi hộ khẩu sẽ là 1 định mức. Khi khách hàng có những thay đổi về hộ khẩu (tách hộ), tức là có nhu cầu thay đổi đăng ký định mức sử dụng điện, ngành điện sẽ làm các thủ tục cho khách hàng theo quy định. Thời gian giải quyết là 3 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. “Khách hàng thay đổi đăng ký định mức có thể lựa chọn nhiều hình thức nộp hồ sơ đăng ký định mức: trực tiếp tới trụ sở điện lực, nhắn tin, gọi điện thoại hoặc online nộp hồ sơ qua mạng đều được. Khi nhận được thông tin (trừ trường hợp khách hàng tới trực tiếp), nhân viên điện lực sẽ hướng dẫn khách hàng làm hồ sơ và giải quyết nhanh nhất có thể” - ông Nguyễn Trung Thành nói - “Ứng dụng công nghệ, áp dụng dịch vụ trực tuyến giúp chúng tôi quản lý khách hàng tốt hơn rất nhiều. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng để ngành điện phục vụ khách hàng chu đáo hơn. Do đó, nếu thay đổi quản lý hộ khẩu theo hướng số hóa, chúng tôi càng thuận tiện hơn trong công tác quản lý, phục vụ khách hàng so với hiện tại chứ không gặp khó khăn gì”. Trả lời câu hỏi việc hộ sử dụng điện tách khẩu có thể ảnh hưởng tới doanh thu của ngành điện, ông Nguyễn Trung Thành cho biết, quy định pháp luật cho phép người dân làm điều đó. “Giải quyết nhu cầu tách hộ khẩu của người dân là trách nhiệm của ngành Công an. Nếu người dân được cho phép tách khẩu, có sổ hộ khẩu mới thì ngành điện phải giải quyết thủ tục đăng ký định mức theo quy định, không được phép từ chối”, ông Nguyễn Trung Thành nói. Với các doanh nghiệp cung cấp nước sạch sinh hoạt, câu trả lời về định mức cũng tương tự. Pháp luật cho phép người dân được tách hộ khẩu (nếu có nhu cầu) được đăng ký lại định mức sử dụng nước. Đại diện Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết: “Thủ tục thay đổi đăng ký định mức nước sinh hoạt đã được công bố trên website của đơn vị, người dân có thể tìm hiểu và tới các xí nghiệp nước sạch để nộp hồ sơ và được giải quyết kịp thời theo đúng quy định”. Cũng theo đại diện Công ty Nước sạch Hà Nội thì việc số hóa quản lý nhân hộ khẩu là xu hướng bắt buộc khi xây dựng Chính phủ điện tử và các ngành dịch vụ thiết yếu như ngành nước cũng đang từng bước số hóa các thủ tục hành chính tương ứng để đáp ứng yêu cầu đó chứ không gặp bất cứ trở ngại nào.
CATP Hà Tĩnh