Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Sóng gió nào cũng một lòng với biển!

Buộc mình vào những niềm đau, nỗi lo cùng sóng gió, thăng trầm của biển, những người vợ của ngư dân đã thầm lặng xoa dịu, hàn gắn bao “vết thương”. Trọn tình yêu biển cả, dẫu vất vả, lo toan, người phụ nữ nơi đây luôn giữ gìn niềm hạnh phúc giản dị là những buổi bình minh hay hoàng hôn được dõi mắt phía khơi xa, chờ đón những chuyến tàu đầy ắp cá, tôm...

Ngôi nhà nhỏ ở cuối con ngõ hẹp xóm Sơn Bằng, xã Thạch Kim (Lộc Hà - Hà Tĩnh) vắng lạnh đến tê người kể từ khi ngư dân Lê Hồng Hải mất trong một chuyến đi biển. Vợ anh - chị Nguyễn Thị Giá vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng khi nhớ đến buổi sáng hôm ấy. Bãi biển đông kín người làng chờ anh về. Chị điên cuồng, vô vọng chạy về phía biển, tiếng kêu van chìm trong ầm ào sóng gió.

song gio nao cung mot long voi bien

Chị Nguyễn Thị Giá chia sẻ với phóng viên những nỗi đau mà chị đã trải qua.

“Chồng làm nghề biển từ mấy chục năm nay, nhưng chưa bao giờ tôi thấy bồn chồn, đứng ngồi không yên như chuyến đi biển định mệnh ấy. Hôm đó, con trai tôi đang đi biển cùng thuyền ông bác cũng tự nhiên nóng ruột xin sang tàu khác về nhà sớm. Linh tính đã trở thành nỗi đớn đau, mẹ con tôi nhận tin như sét đánh ngang tai. Chồng tôi mất khi mới chỉ 46 tuổi đời, chưa kịp nhìn con trai cưới vợ” - chị Giá kể trong nước mắt.

Một tháng sau ngày tang cha, người con trai duy nhất của gia đình chị Giá (Lê Hồng Tùng - 26 tuổi) lại lên thuyền ra khơi. “Nỗi ám ảnh, sợ hãi cách đây 10 năm tưởng đã qua đi nay lại ập về. Năm đó, thuyền của anh trai tôi gồm có 6 người, trong đó có thằng Tùng lúc ấy mới 16 tuổi không may gặp sóng to. Thuyền chìm dần, toàn bộ thành viên trên thuyền đã tính đến tình huống xấu nhất, họ dùng sợi dây buộc chặt nhau để nếu chìm xuống thì sẽ dễ tìm thấy. May mắn là đến những phút cầm cự trong nỗi tuyệt vọng thì có thuyền bạn đến cứu sống cả 6 người”.

Rồi cũng như nhiều người mẹ làng biển khác, chị Giá nghĩ về bao thế hệ ngư dân đời ông, đời cha nối tiếp nhau truyền nghề cho con cháu. Nỗi đau dịu lại khi chị đối diện với biển, ngắm những chuyến tàu chở nặng cá tôm nuôi sống ngàn đời dân làng chài. “Con trai tôi từ 6 tuổi đã lên thuyền ra khơi. Biển cả là ngôi nhà của nó. Nén lòng mình, hôm tiễn con trai lên thuyền trở lại với nghề sau ngày cha mất, tôi nắm chặt tay con dặn: Con sức dài vai rộng, phải lo giỏi nghề để còn cưới vợ về cùng mẹ lo toan việc nhà”.

Những thước phim ký ức về người phụ nữ vùng biển lại đưa chúng tôi về với gia đình lão ngư đặc biệt - ông Phạm Văn Hận (xóm Xuân Thắng, Kỳ Xuân, Kỳ Anh). Được trời phú cho năng lực đặc biệt về nghề biển nhưng cuộc đời ông lại phải trải qua những chặng dài đầy nỗi đau và thử thách. Liệt nửa người trong một tai nạn lặn biển ở miền Nam, ngày trở về, vợ ông - bà Võ Thị Bảy nuốt dòng nước mắt, một mình tảo tần nuôi chồng và 4 đứa con đang tuổi ăn học.

song gio nao cung mot long voi bien

Với niềm tin sắt son và tình yêu biển cả, bà Võ Thị Bảy đã giúp chồng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời.

“1 năm sau ngày gặp tai nạn, bà bắt đầu đưa tôi ra biển tập đi. Sáng sớm, bà dìu tôi ra bãi biển, vùi cát lên người tôi rồi thả đó về đi làm thuê kiếm tiền. Trưa lại vội vã ra đón tôi về nhà như đón một đứa trẻ. Nhìn tôi đau đớn tận xương tủy trong những ngày đầu lê lết trên cát, bà chỉ nhẹ nhàng nói: “Gắng lên ông, ngoài kia, biển đang gọi tên ông đó”.

Ròng rã 5 năm trời như thế. Đến tận ngày tôi tập tễnh những bước đầu tiên cùng với sự hỗ trợ của đôi nạng gỗ trên triền cát quê hương, tôi mới thấy nước mắt bà tuôn rơi như dòng suối nhỏ, mặn như vị của biển cả” - ông Hận trải lòng.

song gio nao cung mot long voi bien

Vốn người Kỳ Phong, duyên phận đưa bà về làm dâu làng biển Kỳ Xuân, người phụ nữ nhỏ nhắn ấy sinh cho ông 4 người con trai. Hùng – Dũng - Thắng - Lợi lần lượt được ông dạy nghề rồi cùng cha đi biển. Năm 2012, sau khi hồi phục sức khỏe, ông Hận bàn với bà phải vay tiền đóng tàu lớn.

“Nghe cha con tính toán, đóng tàu 250 CV phải có trên 800 triệu đồng, tôi biết gánh nặng này thật quá sức nhưng nhủ lòng nhất định phải xoay xở bằng được. Đây không chỉ là sinh kế của đại gia đình ngư dân chúng tôi mà còn là động lực để chồng mình lành lại vết thương lòng. Ông ấy sẽ lại được kiêu hãnh yêu biển bằng sự mạnh mẽ của một ngư dân. Đến ngân hàng, cầm cố bìa đất của 2 bố con cũng chỉ vay được vài trăm triệu, tôi phải về quê ngoại huy động hết anh em, chú bác, thậm chí, chấp nhận vay lãi “nóng” để lo đủ vốn hoàn thiện chiếc tàu” - bà Bảy kể.

Tàu lớn của cha con ông Hận mấy năm nay thường xuyên đi đánh bắt tận vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa và số tiền thu nhập từ đánh bắt xa bờ đã giúp gia đình trả nợ, các con lấy vợ, sinh con, kiến thiết cuộc sống. Cùng 4 đứa con dâu sống quây quần trong xóm chài, dẫu không khỏi thấp thỏm lo lắng cho 5 người đàn ông trong những ngày biển động, nhưng người phụ nữ can trường này luôn tin rằng, tình yêu với hậu phương lớn đang giúp chồng và các con mình bình yên trước giông tố, vững vàng tay lái, vươn rộng ngư trường, góp sức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

song gio nao cung mot long voi bien

Gia đình bà Võ Thị Bảy

Trên những chuyến đi về với hậu phương nghề biển, chúng tôi gặp biết bao người vợ, người mẹ đang lặng lẽ và kiên nhẫn xoa dịu nỗi đau của sự cố môi trường biển. Đó là những người ngày đêm cùng chồng đều đặn đội nắng mưa ra khơi, dẫu sản phẩm mang về có lúc chỉ một vài con cá, cân mực, giá bán còn một phần ba so với trước. Đó cũng là những người đàn bà cắp theo lỉnh kỉnh rổ rá có mặt trên bến cá từ 4-5h sáng chờ thuyền về, dẫu cá tôm không nhiều, bán buôn chỉ buồn hiu hắt. Đặc biệt, đó là hình ảnh của những người phụ nữ dám quyết định lo vốn liếng cho chồng đóng thuyền lớn ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển với ý chí: không thể mất nghề biển.

Chị Nguyễn Thị Dương (xóm Lâm Hoãn, Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) là một người như thế. Chồng chị - ngư dân Nguyễn Huy Hoàng, chủ của đôi tàu 60 và 63 CV đã chịu tổn thất không nhỏ khi ngư trường vùng lộng bị tổn thương. Thay chồng lo tiêu thụ hải sản, nhiều hôm chị đã bật khóc khi sản phẩm của cả ngày đêm lênh đênh trên biển chẳng ai dám dùng. Có lúc chị phải giấu chồng những bế tắc, lo toan vì sợ anh nản lòng, rồi xoay xở để trả lương đầy đủ cho lao động, giúp họ yên tâm gắn bó với thuyền mình.

Trong tình thế đó, khi chồng gợi chuyện đóng tàu xa bờ, chị Dương ngay lập tức ủng hộ và một tay chạy vạy vốn liếng để đóng mới con thuyền 320 CV. “Cả làng biển này ai cũng phục chồng tôi chăm chỉ, hiền lành. Cả tháng gần như không một ngày rời biển, mọi quyết định, tính toán, anh ấy đều giao cho tôi. Quyết định vay vốn đóng tàu lớn, một phần là để phù hợp với yêu cầu mới của thực tế nghề biển, phần nữa cũng để tiếp thêm động lực giúp chồng gắn bó với nghề”.

“Tôi tin một ngày không xa, biển sẽ lành lặn vết thương và sẽ được bảo vệ, nâng niu như một kho tài sản vô giá. Cửa Nhượng sẽ đan kín những thuyền bè. Thuyền lớn quê tôi qua cơn “sóng gió” này đang được người dân thi nhau đóng mới. Và những người đàn bà vùng biển cửa chúng tôi mỗi sáng, mỗi chiều lại được nhìn về phía biển, hít căng lồng ngực hương vị mặn mòi của biển trong niềm hạnh phúc no ấm, đủ đầy” - lời tâm tình của người vợ ngư dân khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh những lũy thép mạnh mẽ và bình yên, làm thành trì giữ biển quê hương ngày thêm vững chắc...

CATP Hà Tĩnh