Sử dụng giấy đăng ký photo tham gia giao thông sẽ không bị phạt
Thay vì bản gốc, người tham gia giao thông có thể sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của ngân hàng.
Ngày 15/8, Văn phòng Chính phủ có công văn hỏa tốc gửi các bộ Công an, Tư pháp, Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước và UBND các tỉnh thành thông báo việc sử dụng giấy đăng ký phương tiện tham gia giao thông trong trường hợp thế chấp tại tổ chức tín dụng.
Theo công văn, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý cho người điều khiển ôtô được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông, kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực. Hai loại giấy tờ này được thay cho bản chính Giấy đăng ký để tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện.
Phó thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn lực lượng có thẩm quyền xử phạt của ngành công an. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn Thanh tra giao thông và người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải thực hiện ý kiến chỉ đạo nói trên trong thực thi công vụ.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với các Bộ Công an, Tư pháp, trong tháng 8 ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp Giấy biên nhận nêu trên. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ được cấp một bản gốc Giấy biên nhận có thời hạn phù hợp với thời hạn thế chấp phương tiện.
Phó thủ tướng giao Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ Công an, Giao thông, Ngân hàng Nhà nước rà soát và đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Kết quả phải được báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 30/9.
Trước đó, thông tin cảnh sát giao thông không coi "giấy xác nhận vay có đóng dấu ngân hàng" thay thế đăng ký xe và sẽ phạt tài xế lỗi không có giấy tờ gốc khiến nhiều người lo lắng.
Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, từ trước tới nay, lực lượng cảnh sát giao thông làm theo đúng quy định của pháp luật. Người tham gia giao thông nếu không đủ các giấy tờ đăng ký xe, bằng lái xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bản chính... khi vi phạm giao thông sẽ bị xử lý.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/8, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị định 163 có quy định, khi thế chấp thì bên thế chấp vẫn được quyền nắm giữ giấy tờ của các tài sản này, trong khi bộ luật dân sự quy định bên nhận thế chấp có quyền nắm giữ giấy tờ của các phương tiện đó nếu các bên có thỏa thuận.
"Ngân hàng nhà nước nhận được nhiều phản ánh của các ngân hàng thương mại, nếu để bên thế chấp vẫn giữ giấy tờ đó sẽ phát sinh trường hợp mang tài sản đã thế chấp tại ngân hàng đi mua bán, chuyển nhượng, cầm cố... Điều này tạo rủi ro rất lớn cho các ngân hàng thương mại, dẫn đến nợ xấu phát sinh", bà Hồng nói.
Vì vậy, Ngân hàng nhà nước đã có văn bản gửi ba bộ Công an, Tư pháp, Giao thông Vận tải đề nghị cho phép người điều khiển giao thông sử dụng bản sao có xác nhận tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng.
Theo VNE
CATP Hà Tĩnh