Sử dụng hàn the chế biến thực phẩm: Thực tế đáng sợ!
Hàn the có tên hóa dược là Borax - được sử dụng trong sản xuất các loại chất tẩy rửa, xà phòng, chất khử trùng và thuốc trừ sâu, dùng làm men thủy tinh, men gốm và làm cứng đồ gốm sứ; thuộc chất cấm trong sử dụng chế biến thực phẩm. Vậy nhưng, thực tế, hàn the lại đang được sử dụng rộng rãi trong chế biến và bảo quản thực phẩm, gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.
Nguy hại sức khỏe
Liên tục trong các ngày gần đây, các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã phát hiện và xử phạt các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm sử dụng hàn the. Cụ thể, ngày 25/8, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã bắt quả tang chủ quầy Phan Thị Hoa tại chợ TP Hà Tĩnh sử dụng hàn the ướp thịt lợn bán cho khách.
Tối 25/8, cơ quan chức năng bắt quả tang bà Phan Thị Hoa, chủ quầy kinh doanh thịt lợn số 25, chợ TP. Hà Tĩnh dùng hàn the ướp 54kg thịt; xử phạt 20 triệu đồng, đình chỉ kinh doanh từ 4-6 tháng.
Tiếp đó, ngày 31/8, Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh) và Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cùng Công an phường Thạch Linh tổ chức kiểm tra, phát hiện cơ sở giò của bà Nguyễn Thị Đoan Hạnh (tổ dân phố Tuy Hòa, phường Thạch Linh) dùng hàn the để chế biến giò chả. Gần đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản lấy mẫu bánh đúc ở chợ Vườn Ươm test thử cũng có kết quả dương tính với hàn the. Trước đó, qua các đợt kiểm tra cao điểm, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện các vi phạm tương tự.
Như vậy, thực phẩm có hàn the vẫn luôn tiềm ẩn trong bữa ăn của các gia đình, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, các thực phẩm có chứa hàn the, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng. Hàn the khi sử dụng được đào thải phần lớn qua nước tiểu (80%), qua tuyến mồ hôi (3%), qua phân (1%), còn lại tích lũy trong cơ thể (16%), tập trung nhiều nhất ở gan và não nhiều nhất rồi đến tim, phổi, dạ dày, thận, ruột…
Khi ăn nhiều hàn the, sẽ có hiện tượng khó tiêu, chán ăn, mệt mỏi, có thể gây nôn mửa, ỉa chảy, co cứng cơ, ban đỏ da, màng niêm dịch, sốc trụy tim… gây ngộ độc mãn tính, nặng hơn còn có nguy cơ làm thoái hóa cơ quan sinh dục. Trẻ em và trẻ sơ sinh nếu uống nhầm acid boric 1-2 g/kg thể trọng thì sẽ chết sau 19h đến 7 ngày. Với lượng 15 gram hàn the, sẽ gây ngộ độc cấp tính và tỷ lệ tử vong sẽ chiếm 50%.
Tăng cường kiểm soát
Ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh cho biết: Hàn the thường được sử dụng nhiều trong nhóm thực phẩm giò, chả, bún, bánh, phở và bảo quản thực phẩm. Chi cục ATVSTP tỉnh và Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản thường xuyên tổ chức kiểm tra, lấy mẫu giám sát. Bên cạnh đó, vào dịp lễ tết, tháng hành động ATVSTP, các huyện, thị xã, thành phố đều lập đoàn kiểm tra, giám sát việc đảm bảo ATVSTP nói chung.
Cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt bà Nguyễn Thị Đoan Hạnh (tổ dân phố Tuy Hòa, phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh) 20 triệu đồng về hành vi sử dụng chất hàn the trong quá trình sản xuất giò, chả.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất, chế biến sử dụng các chất phụ gia không độc hại thay thế; đồng thời, xử phạt nghiêm đối với các cơ sở vi phạm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, thay cho thói quen việc ai nấy làm như trước, thì nay, nhiều hộ kinh doanh, buôn bán đã đấu tranh, tố giác lẫn nhau. Đối với người tiêu dùng, nếu phát hiện thực phẩm bẩn, thực phẩm có hàn the thì sẽ tẩy chay ngay…
Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, thực tế, việc kiểm soát thực phẩm bẩn, trong đó có nhóm thực phẩm sử dụng hàn the vẫn còn khó khăn do các cơ sở chế biến, hộ kinh doanh, buôn bán sản phẩm này đa số nhỏ lẻ. Mặt khác, người tiêu dùng thường yêu cầu các sản phẩm giò chả, bún, bánh, phở phải giòn, dai đã vô hình tiếp tay cho các cơ sở sử dụng hàn the chế biến thực phẩm.
Hơn nữa, hàn the được bày bán tràn lan ngoài chợ với giá rất rẻ nên dễ mua. Mặt khác, năng lực chuyên môn của lực lượng thị trường, ATVSTP cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu về nhiệm vụ, trong khi các đoàn kiểm tra, giám sát cấp tỉnh không thể “phủ” hết.
Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu cho biết, để tăng cường kiểm soát chất lượng ATVSTP nói chung, ngành Y tế - cơ quan thường trực ATVSTP tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh. Hiện ngành Y tế đang triển khai đề án đầu tư, nâng cấp Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm thành trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm - mỹ phẩm và ATTP có các thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm về thực phẩm, hỗ trợ đắc lực cho việc kiểm soát chất lượng ATTP trên địa bàn trong thời gian tới.
Ngày 5/1/2016, cơ quan chức năng phát hiện 45kg giò chứa hàn the tại cơ sở sản xuất giò chả Hồng Thoan (thôn Xuân Hải, xã Thạch Bằng), do ông trần Văn Thoan làm chủ.
Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, đơn vị sẽ làm việc với BQL chợ TP Hà Tĩnh và các cơ quan chức năng liên quan để triển khai thí điểm mô hình “Kiểm tra chất lượng ATTP bằng phương pháp kiểm nghiệm nhanh tại chợ TP Hà Tĩnh”. Khi mô hình đi vào hoạt động, nếu người tiêu dùng nghi ngờ hoặc muốn kiểm tra xem sản phẩm có hàn the hay không thì có thể test nhanh tại đây. Đối với mặt hàng thịt, có những thời điểm sẽ được lấy mẫu tại tất cả các quầy hàng và test nhanh để khuyến cáo tới người tiêu dùng.
Việc tạo điều kiện cho cơ quan chức năng xây dựng thí điểm mô hình “kiểm tra chất lượng ATTP bằng phương pháp kiểm nghiệm nhanh tại chợ, trung tâm thương mại” sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu để giúp loại bỏ hàn the trong chế biến thực phẩm nói riêng và kiểm soát các mặt hàng thực phẩm khác nói chung. Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu đảm bảo ATVSTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững đối với tiểu thương.
Bà Nguyễn Thị Hạnh - kinh doanh hàng thịt tại chợ TP Hà Tĩnh: Trước đây, nhiều người cũng dùng hàn the để chế biến, bảo quản thực phẩm nhưng chưa biết tác hại của nó. Bây giờ thì biết rõ rồi, người bán hàng có lương tâm sẽ không làm những điều thất đức. Các ngành chức năng cũng kiểm soát thường xuyên, nếu mình dùng mà bị phát hiện thì xem như chấm dứt nghề buôn bán vì khách hàng sẽ tẩy chay. Do vậy, nói không với hàn the, đảm bảo ATVSTP cũng là cách là để bảo vệ quyền lợi buôn bán của mình. |
Chị Dương Thị Thu – phường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh): Tôi thường tìm hiểu trên google xem cách nhận biết sản phẩm có sử dụng hàn the. Ví dụ, đối với giò, khi cắt ra màu trắng ngà ngả sang màu hồng nhạt, nhiều lỗ rỗ, miếng giò mịn và hơi ươn ướt là ngon, chất lượng. Nếu giò không có lỗ rỗ là thường sử dụng hàn the. Đối với thịt, nếu sử dụng hàn the bảo quản thì bên ngoài như có lớp váng trắng bị quáng bọc lấy thịt… Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm cũng không thể phân biệt nổi bằng mắt thường nên rất cần sự vào cuộc thường xuyên của ngành chức năng. |
Chị Bùi Thị Huệ - phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh):Để bảo vệ sức khỏe gia đình trước sự tấn công của thực phẩm bẩn, tôi thường chọn thực phẩm ở các địa chỉ có sự kiểm soát chặt chẽ. Như Siêu thị Co.op Mart, VinMart, có thiết bị kiểm soát chất lượng đầu vào một cách độc lập và rất chặt chẽ. Đặc biệt là các sản phẩm của Mitraco được sản xuất và chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và quy chuẩn của các nước phát triển. Bên cạnh đó, họ còn có hệ thống máy móc, thiết bị kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm trước khi cung cấp cho người tiêu dùng. |
Nhằm tiếp thu phản ánh và giải đáp thắc mắc của người dân về an toàn thực phẩm trên địa bàn, Sở Y tế Hà Tĩnh - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh vừa công bố “đường dây nóng” thuộc 3 đơn vị liên quan. Đường dây "nóng" về ATVSTP gồm 3 số điện thoại:0911.37.67.99 (Chi cục ATVSTP), 0393.950.789 (Chi cục QLTT), 0913.049.032 (Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản). |
CATP Hà Tĩnh