"Sư phụ" Hòa - người truyền lửa võ cổ truyền tại Hà Tĩnh
Về thôn Thượng Nguyên (xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) hỏi võ sư Nguyễn Văn Hòa không ai là không biết. Đều đặn các buổi trong ngày, khi ở nhà, lúc ở sân trường học, "sư phụ" Hòa luôn chăm chút cho các học trò từng tư thế võ, từng đường quyền bổ ích.
Lớp học võ cổ truyền tại quê nhà của võ sư Nguyễn Văn Hòa (đai trắng)
Võ thuật đến với võ sư Nguyễn Văn Hòa (SN 1975) là cả một sự đam mê cháy bỏng ngay từ khi còn nhỏ. Tha thiết với võ thuật, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, chàng trai trẻ đành rời quê hương vào Nam lập nghiệp. Trải qua đủ nghề vất vả, Nguyễn Văn Hòa vẫn một lòng với võ khi ngày đi làm, đêm đến lại say mê tập luyện.
Năm 1996, khi gặp được sư phụ Đinh Tấn Thành (Chưởng môn phái Thông thiên đạo) ở Biên Hòa (Đồng Nai), anh đã quyết tâm xuống tóc theo học võ thuật chuyên nghiệp. Những năm tháng miệt mài tầm sư học võ đã tôi luyện nên một Nguyễn Văn Hòa nghiêm cẩn kỳ cùng, mang tinh thần “nhân văn, thượng võ”.
Võ sư Nguyễn Văn Hòa (áo trắng) bên cạnh Chưởng môn phái Thông thiên đạo Võ thuật cổ truyền Việt Nam - Đinh Tấn Thành.
Năm 2011, anh chính thức lấy bằng võ sư. Năm 2013, sau những năm tháng khổ luyện môn phái Thông thiên đạo (thuật pháp Đinh Gia), võ sư Nguyễn Văn Hòa lại xa vợ con "tầm sư" để quyết tâm mang môn võ cổ truyền này về quê hương Hà Tĩnh.
Ngày đầu trở về, lớp học võ miễn phí tại vùng quê nghèo Thạch Kênh chỉ tầm 50 em học sinh. Sau đó, ông phải tự mình liên hệ với các trung tâm thể thao xin giảng dạy. "Tiếng lành đồn xa", ngày càng nhiều người biết tới môn phái Thông thiên đạo cũng như thay đổi quan niệm về võ thuật cổ truyền Việt Nam. Đến nay, môn sinh của võ sư Nguyễn Văn Hòa đã tới hơn 2.000 em.
Võ sư Nguyễn Văn Hòa luôn tâm niệm gìn giữ võ cổ truyền cho quê hương qua những võ sĩ ở độ tuổi học sinh.
23 năm gắn bó với nghiệp võ, thầy Nguyễn Văn Hòa đã truyền đạt cho các lứa học trò những đòn thế đặc trưng, những bài quyền đặc sắc của võ phái Thông thiên đạo cũng như các đòn thế thực chiến, đòn thế tự vệ, đặc biệt là các em nữ sinh. Song song với việc luyện võ, thầy Hòa còn thường xuyên chỉ dạy học trò về mục đích, ý nghĩa học võ.
Với quan điểm: “Văn không có võ văn nhu văn nhược, võ không có văn võ bạo tàn”, võ sư muốn trao gửi cho các môn sinh tâm thế ngàn đời của người luyện võ với tất cả sự bao dung, hướng thiện. Học võ không chỉ giúp bản thân rèn luyện sức khỏe, tạo sự nhanh nhẹn, hoạt bát mà còn giúp người học trọng lễ nghĩa và kiềm chế các hành vi nóng nảy.
Võ sư Hòa chỉ dạy nữ sinh đòn thế tự vệ
Thầy Hòa chia sẻ: "Lúc nhận võ sinh tôi không phân biệt giới tính, giàu nghèo mà chỉ tâm niệm làm sao sau khi học võ, các em đều có tâm tính tốt, rèn luyện được cái tôi, ý chí và đạo đức luôn luôn hướng thiện".
Đến với lớp võ của thầy Hòa, các võ sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được miễn học phí và luôn được động viên cố gắng luyện tập. Theo thầy Hòa, võ cổ truyền là môn võ đặc thù, có tấn pháp chắc chắn, thân pháp uyển chuyển, đa dạng, di chuyển tiến thoái, nhu cương song toàn. Bởi vậy, thầy luôn muốn duy trì, truyền đạt lại cho võ sinh để có thể tiếp nối, phát triển võ thuật.
Đều đặn Chủ Nhật hằng tuần, những môn sinh người Lào lại sang Hà Tĩnh để theo học võ cổ truyền Việt Nam của thầy Nguyễn Văn Hòa.
Không kể lớp học tại quê nhà, hiện nay, ngoài phụ trách lớp bồi dưỡng năng khiếu võ thuật tại Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi Hà Tĩnh, Trưởng ban chuyên môn Võ thuật cổ truyền Hà Tĩnh Nguyễn Văn Hòa còn mở các lớp võ cổ truyền hoàn toàn miễn phí tại chùa Bụt Sơn, xã Yên Lộc (Can Lộc) và giảng dạy tại Trường THCS Thụ Hậu (Lộc Hà). Ngoài ra, võ sư Nguyễn Văn Hòa còn đào tạo, truyền kinh nghiệm cho các huấn luyện viên giảng dạy tại các trường học trên địa bàn tỉnh.
"Tôi mong sẽ có thêm nhiều sự quan tâm hơn nữa đến võ thuật cổ truyền để các môn phái có thêm sân chơi, điều kiện biểu diễn. Từ võ thuật, mọi người nhất là giới trẻ sẽ thêm yêu, thêm trân trọng những giá trị lịch sử ngàn đời của dân tộc” - võ sư Nguyễn Văn Hòa bày tỏ.
CATP Hà Tĩnh