Sức sống “trung đoàn thép”miền Tây Nam Bộ
Tây Nam Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội cũng như an ninh, quốc phòng. Vì thế, ngày 8-6-2001, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định thành lập Trung đoàn CSCĐ miền Tây Nam Bộ, thuộc Cục Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp, nay là Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ, thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ.
Chính thức tuyên thệ và đi vào hoạt động ngày 30-12-2001, trải qua 15 năm, Trung đoàn đã trở thành lực lượng mũi nhọn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh...
Ôn lại những kỷ niệm từ ngày đầu mới thành lập, Đại tá Lê Văn Thái, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ cho biết, lúc đó quân số của Trung đoàn được điều động chủ yếu từ các lực lượng thuộc Công an các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên đội ngũ cán bộ chưa có nhiều kinh nghiệm ở một đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất còn thiếu, đơn vị phải đi ở tạm nhiều nơi…
[caption id="" align="aligncenter" width="600"] Thượng tá Nguyễn Tấn Phúc (thứ 3 từ phải qua) kiểm tra vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật trước giờ ra quân làm nhiệm vụ.[/caption]Thượng tá Nguyễn Tấn Phúc (thứ 3 từ phải qua) kiểm tra vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật trước giờ ra quân làm nhiệm vụ. Đến nay, bộ máy tổ chức, chỉ huy các cấp của Trung đoàn đã ổn định và từng bước trưởng thành; doanh trại được đầu tư xây dựng cơ bản, vũ khí trang bị, phương tiện được bổ sung mua mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ là đơn vị tác chiến đặc biệt, có nhiệm vụ chủ yếu là thường xuyên luyện tập, sẵn sàng chiến đấu cao, cơ động nhanh để ngăn chặn, trấn áp kịp thời các vụ gây rối, các cuộc biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, phối hợp truy bắt các đối tượng hình sự nguy hiểm.
Đồng thời tổ chức tuần tra kiểm soát (TTKS) giữ gìn an ninh, trật tự (ANTT), góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội (TTATXH); tham gia cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão lũ.
Được giao phụ trách địa bàn 11 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ, trong những năm qua, Trung đoàn đã làm tốt công tác xây dựng lực lượng, ứng trực sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo quân số, phương tiện, vũ khí chiến đấu; duy trì và thực hiện tốt công tác huấn luyện cho cán bộ chiến sỹ (CBCS) trong toàn đơn vị.
Thượng tá Nguyễn Tấn Phúc, Trung đoàn trưởng tự hào kể về những chiến công tiêu biểu trong phối hợp đấu tranh các chuyên án. “Năm 2001 Trung đoàn huy động hơn 100 CBCS trang bị vũ khí tham gia phá chuyên án hoạt động theo kiểu “xã hội đen” do Trương Văn Cam (Năm Cam) và đồng bọn cầm đầu.
Qua 3 lần xuất quân, chúng tôi đã phối hợp bắt giữ trên 40 đối tượng cộm cán, trong đó có những đối tượng cực kỳ nguy hiểm như Châu Phát Lai Em, Hoàng “lựu đạn”, Hồ Viết Sử và đối tượng cầm đầu Năm Cam, thu giữ nhiều loại vũ khí, đồng thời tham gia áp giải, bảo vệ các phiên tòa xét xử đến khi kết thúc chuyên án…” - anh nói.
Tết Đinh Hợi 2007, tổ công tác gồm 167 CBCS do Đại tá Lê Văn Thái chỉ huy phối hợp cùng các lực lượng tiến hành vận động và thi hành lệnh bắt một số đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài tụ tập gây rối tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Dù ra quân làm nhiệm vụ đúng vào dịp Tết cổ truyền nhưng CBCS của đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ nghiêm kỷ luật, khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giúp địa phương sớm ổn định tình hình.
Tháng 2 năm 2015, đơn vị đã điều động CBCS tăng cường cho Tổng cục An ninh và Công an tỉnh An Giang bắt giữ, xử lý 45 đối tượng buôn lậu đường tại tỉnh An Giang (trong đó có đối tượng cầm đầu Tỷ “đường”), thu giữ 15 xe máy, 53 xe tải, 2 xuồng máy và khoảng 281 tấn đường…
Địa bàn Tây Nam Bộ có gần 10 trại giam thuộc Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp đóng quân, làm công tác giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân. Đây cũng là những mục tiêu được Trung đoàn xây dựng phương án chống gây rối, bạo loạn để kịp thời xử lý các tình huống phức tạp xảy ra.
Tháng 5 năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, công nhân các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh đã xuống đường biểu tình, phản đối.
Lợi dụng tình hình đó, những phần tử phản động, kẻ xấu kích động công nhân phá hoại tài sản ở các khu công nghiệp. Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ đã tổ chức hàng trăm CBCS tăng cường cho Công an tỉnh Bình Dương giải quyết ổn định tình hình ANTT.
“Tiểu đoàn 3 là một trong những tiểu đoàn thường xuyên phối hợp, hỗ trợ Công an địa phương tổ chức CBCS hành quân dã ngoại, xuống các địa bàn trọng điểm, phức tạp để nắm tình hình, xây dựng phương án tác chiến.
Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ ANTT, CBCS luôn quan tâm đến đời sống, giúp bà con địa phương khắc phục khó khăn, thu hoạch mùa màng…” - Thiếu tá Trần Công Trường, Chính trị viên Tiểu đoàn 3 chia sẻ.
Còn nhớ, năm 2007, sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ tại xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long - một trong những thảm họa cầu đường và tai nạn xây dựng nghiêm trọng nhất tại Việt Nam đã khiến nhiều công nhân, kỹ sư đang làm việc tử nạn và bị thương.
Ban Chỉ huy Trung đoàn đã điều động CBCS đến ngay hiện trường phối hợp với các cơ quan chức năng của Cần Thơ, Vĩnh Long, đơn vị thi công… cấp cứu người bị nạn, đảm bảo ANTT tại hiện trường. Tháng 12-2006, cơn bão số 9 kèm theo mưa lớn, lốc xoáy đã đi sâu vào đất liền các tỉnh miền Tây.
Do chủ động nắm chắc tình hình, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, làm tốt công tác ứng trực nên Trung đoàn đã kịp thời huy động hơn 350 CBCS triển khai khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 gây ra trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Qua hơn 3 ngày triển khai, đơn vị đã dọn dẹp và cất mới lại 68 căn nhà, 2 trường học, dọn dẹp cây xanh và cột điện đổ trên hơn 148km đường…
“Ở đâu cần, ở đâu khó có cơ động”, quả đúng như lời Thượng tá Nguyễn Tấn Phúc nói. CBCS Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ luôn giữ vững mối quan hệ mật thiết với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đóng quân theo phương châm “Đảng lãnh đạo là then chốt, CAND là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh trật tự, yếu tố quyết định thành bại là sức mạnh toàn dân”.
Nhờ đó, nhân dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ luôn yêu mến, ủng hộ và tạo điều kiện cho CBCS Trung đoàn yên tâm công tác.
“Với niềm tin tưởng và tự hào, CBCS Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ không ngừng rèn cán, luyện quân, xây dựng đơn vị đoàn kết thống nhất, nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH trong tình hình mới, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân” – Thượng tá Nguyễn Tấn Phúc khẳng định.
A.Quỳnh – N.Hằng/ Theo Báo CAND
CATP Hà Tĩnh