Tập trung đấu tranh mạnh với hoạt động cho vay nặng lãi
Theo Công an TP HCM, tình trạng cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" và các hoạt động bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích trên địa bàn gần đây có nhiều diễn biến phức tạp. Cơ quan Công an đã lên danh sách gần 600 đối tượng có biểu hiện nghi vấn cho vay "tín dụng đen".
Cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê hết sức phức tạp Ngày 30-10-2018, Công an quận 12 đã tạm giữ 5 đối tượng gồm Nguyễn Văn Năm (26 tuổi), Trần Văn Tuấn, Phạm Tuyên Hoàng (cùng 24 tuổi), Đỗ Văn Chung (26 tuổi), Trần Văn Chiến (28 tuổi, cùng quê Vĩnh Phúc, tạm trú quận 12) để lập hồ sơ xử lý về hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Thông tin ban đầu cho thấy, Nguyễn Văn Năm vào TP Hồ Chí Minh rồi cho đàn em phát, dán tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay tiền góp, thực chất là cho vay nặng lãi. Đầu năm nay, chị V.A (33 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) có đến tìm đàn em của Năm vay số tiền 25 triệu đồng. Năm đồng ý cho vay nhưng không viết giấy nợ, mà chỉ yêu cầu chị V.A phải góp mỗi ngày 400 ngàn đồng trong vòng 30 ngày. Sau đó, chị V.A còn giới thiệu 5 người bạn quen đến chỗ Năm vay tiền từ 10-15 triệu đồng mỗi người. Riêng chị V.A sau một thời gian trả góp còn nợ Năm 6 triệu đồng thì mất khả năng thanh toán. Những người bạn chị V.A giới thiệu cũng không trả được nợ. Năm yêu cầu chị V.A phải trả số tiền 80 triệu đồng - bao gồm số tiền chị V.A đang nợ và của những người mà chị này giới thiệu cho Năm. [caption id="attachment_35652" align="aligncenter" width="600"] Nhóm đối tượng Nguyễn Văn Năm có hành vi bắt giữ người trái pháp luật.[/caption] Đến ngày 27-10, thấy chị V.A đang dắt xe trên đường ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, anh trai của Năm liền gọi cho em trai. Năm yêu cầu anh trai "áp giải" chị V.A về quán nhậu do người này làm chủ ở cùng xã rồi điều thêm ba "đàn em" khác đến bắt chị này đưa tới một sân bóng đá tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 để gặp mình. Tại đây, Năm đánh chị V.A rồi bắt chị này phải gọi chồng mang 40 triệu đến trả, nếu không thì Năm sẽ tiếp tục đánh chị V.A. Sau đó, Năm đã điều thêm nhiều đàn em đến canh giữ nạn nhân. Trong khi giữ chị V.A, các đàn em của Năm (tham gia giữ người, đánh đập chị V.A còn có Tuấn, Hoàng, Chung và Chiến) đã nhiều lần đánh đập chị V.A và liên tục hối thúc chị này gọi cho chồng mang tiền đến. Nhưng đợi mãi không thấy chồng chị V.A xuất hiện, sau khi về nhà tắm xong, Năm đã quay lại tiếp tục trút đòn vào người phụ nữ rồi cùng đồng bọn đưa nạn nhân đến một quán ăn để chờ chồng chị này mang tiền đến "chuộc" vợ về. Nhận tin trình báo của chồng chị V.A, Công an quận 12 đã điều tra, truy tìm. Khi phát hiện nhóm của Năm và chị V.A tại quán nhậu, các trinh sát đã khống chế nhóm thanh niên và giải cứu chị V.A. Tại cơ quan Công an, Năm cùng đồng bọn đã khai nhận hành vi phạm tội. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Năm và Chung, Cơ quan CSĐT Công an quận 12 thu giữ nhiều giấy tờ, vật chứng có liên quan cùng 5 tờ vay tiền để mở rộng điều tra. [caption id="attachment_35653" align="aligncenter" width="600"] Trên nhiều ngả đường ở TP Hồ Chí Minh xuất hiện nhan nhản những mẩu quảng cáo hoạt động "tín dụng đen"…[/caption] Một vụ việc khác nghiêm trọng xảy ra ở quận 7 vào cuối tháng 5-2018. Theo đó, anh Phạm Xuân Đức (35 tuổi, ngụ quận 7) có vay của một người phụ nữ tên T.T.H.M (ngụ phường Tân Phú, quận 7) số tiền 900 triệu đồng với lãi suất 2%/tháng. Tuy nhiên, sau đó do kinh doanh gặp khó khăn nên anh Đức chưa trả được lãi và gốc như đã thỏa thuận. Sau nhiều lần đòi không được tiền, bà M. tìm đến Ngô Văn Phúc (29 tuổi, quê Hải Phòng), là đối tượng cầm đầu một băng nhóm chuyên đòi nợ thuê và hoạt động "tín dụng đen" ở các quận 7, 8, huyện Bình Chánh để nhờ vả. Và Phúc đồng ý đòi nợ cho bà M. cả gốc lẫn lãi với điều kiện chia đôi số tiền lấy được. Chiều 14-5, khi anh Đức đến nhà bà M. trên đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Phú để xin khất nợ thì bị Phúc cùng đàn em đánh đập và túm đầu anh Đức lôi lên chiếc xe hơi đang đậu sẵn chở đi. Trên xe, Phúc cùng đàn em lại tiếp tục đánh đập, tra tấn nạn nhân và bắt ép anh Đức phải viết giấy nhận nợ của Phúc 975 triệu đồng. Quá hoảng sợ, anh Đức buộc phải làm theo chỉ đạo của chúng mới được thả ra. Điều kiện của chúng là anh Đức phải lo đủ tiền trong 3 ngày, nếu không sẽ bị "lấy mạng". Lo sợ, anh Đức đã đến cơ quan Công an trình báo. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận 7 đã bắt giữ được Phúc để điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Theo Công an quận 7, Phúc là một đối tượng cộm cán từng có một tiền án về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy". Sau khi ra tù vào năm 2015, Phúc từ Hải Phòng vào TP Hồ Chí Minh quy tụ đám bạn tù và đàn em lập băng nhóm chuyên hành nghề đòi nợ thuê và hoạt động "tín dụng đen"… Nhiều người vay tiền lâm nợ Trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 10 của UBND TP Hồ Chí Minh vào ngày 1-11-2018, Thượng tá Nguyễn Quang Thắng, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết, trong thời gian qua trên địa bàn thành phố hoạt động cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" và các hoạt động như bắt cóc, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích diễn ra phức tạp. Hoạt động của các loại tội phạm trên với nhiều phương thức thủ đoạn mới như quảng cáo trên mạng, phát tờ rơi "vay tiền không cần gặp mặt" để đối phó với cơ quan Công an, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Các đối tượng thường ngụy trang hành vi cho vay nặng lãi bằng các hợp đồng mua bán xe trả góp chỉ cần hộ khẩu, chứng minh nhân dân, người vay không làm hợp đồng vay. Khi Công an điều tra, không tìm thấy bằng chứng thể hiện việc vay nợ tiền. Khi đến vay, người vay tiền buộc phải ký giấy bán ôtô, xe máy cho đối tượng. Sau đó, người vay tiền ký hợp đồng thuê lại chính tài sản của mình để trả tiền. [caption id="attachment_35654" align="aligncenter" width="600"] Công an quận 12 ập vào quán ăn khi Năm cùng đồng bọn đang giữ người phụ nữ để chờ chồng chị này mang tiền đến.[/caption] Trong năm 2018, Công an TP Hồ Chí Minh đã điều tra, khám phá nhiều vụ, bắt giữ nhiều đối tượng cho vay nặng lãi với các hình thức bắt giữ người trái pháp luật, cho người ném chất bẩn vào nhà, khủng bố người vay, người thân người vay để đòi nợ, lãi suất cao. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều người vẫn vay tiền của các đối tượng này. Thượng tá Nguyễn Quang Thắng khuyến cáo người dân cần thấy được “bẫy” của các đối tượng cho vay nặng lãi, khi dính vào thì rất khó thoát ra. "Người dân cần cẩn thận khi vay tiền nhằm tránh rơi vào “bẫy” của các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Đừng nghe quảng cáo vay không cần thế chấp, giấy tờ để được vay. Nhưng khi vay rồi thì trả nợ hoài không xong, không dứt được nợ. Nếu bị đe dọa, khủng bố, cần đề nghị Công an can thiệp để tránh hậu quả đáng tiếc", Thượng tá Nguyễn Quang Thắng khuyến cáo. Đồng thời, để chấn chỉnh vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Quang Thắng cho biết thêm, Công an thành phố đã lên danh sách 600 đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động cho vay lãi nặng, đang thu thập tài liệu để xử lý. Ngoài ra, Công an thành phố cũng tăng cường kiểm tra các công ty đòi nợ, dịch vụ cầm đồ núp bóng để răn đe. Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, dịch vụ đòi nợ thuê đang biến tướng, một số vụ việc có dấu hiệu câu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Để đòi nợ (theo ủy quyền của chủ nợ), các công ty này thường sử dụng chiêu trò, đe dọa mang tính chất "xã hội đen", trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. UBND TP Hồ Chí Minh nhận định "vay nợ" là quan hệ dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tham gia thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật như tòa án, viện kiểm sát, thi hành án... Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa án có hiệu lực thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại… sẽ có thẩm quyền thi hành. Do đó, không cần thiết phải có thêm hoạt động đòi nợ thuê. Tuy vậy, trong trường hợp không thể cấm, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Trung ương ban hành các quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động đòi nợ như quy định về đồng phục, số lượng nhân viên tối đa mỗi lần đòi nợ... để tránh tụ tập băng nhóm gây mất an ninh trật tự. Ngoài ra, cần thông báo danh sách nhân viên được cử đi đòi nợ cho Công an phường - nơi tiến hành đòi nợ và tên tuổi đối tượng đòi nợ để tránh tình trạng không đòi trực tiếp con nợ mà qua thân nhân và gia đình của con nợ, gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của người dân… Cũng theo UBND TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2017, thành phố có 65 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ (với tổng số vốn điều lệ hơn 374 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 44 công ty hoàn tất thủ tục và được cơ quan Công an cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để hoạt động.
CATP Hà Tĩnh