Thảm án Lệ Chi Viên – Nỗi đau, day dứt nhiều thế hệ
Là một người con của quê hương Đại Lai - Gia Bình – Bắc Ninh, nơi ngày xưa các đời Lý- Trần đã xây một hành cung. Sau này nhà trần gọi là ly cung, nhà Lê đổi tên là cung Yên Hà, người đời sau gọi là Lệ Chi Viên. Chính nơi đây vua Lê Thái Tông đã băng hà sau chuyến công du duyệt quân vùng Chí Linh vào năm 1442. Từ đó đã xảy ra vụ thảm án gắn với cái tên Lệ Chi Viên, một vụ án oan sai kinh động trong lịch sử Việt Nam.
Từ âm mưu thâm độc của Thần phi Nguyễn Thị Anh và bọn quan lại xiểm nịnh đã vu oan để giết hại cụ Nguyễn Trãi nhà chính trị, quân sự, nhà thơ, nhà văn hóa và lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ - người vợ tài hoa cùng ba họ của cụ. Khi tôi lớn lên đã được ông nội kể lại cho nghe về vụ án và truyền thuyết “Rắn báo thù”. Ông tôi còn chỉ cho tôi vị trí của hành cung Lệ Chi Viên ngày xưa, lúc đó hành cung không còn dấu vết gì để lại. Những năm tháng sau, vì mải học hành, kiếm sống, chiến tranh triền miên không ai để ý đến nữa. Những năm 90 của thập kỉ 20, khi cụ Nguyễn Trãi được tổ chức UNESCO công nhận là “Danh nhân văn hóa thế giới”.Vụ án Lệ Chi Viên- Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ lại được người dân quê tôi ôn lại với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ, kính yêu và thương sót hai cụ..
Vốn là người ham thích văn học - lịch sử, tôi bắt đầu tìm tài liệu để đọc và hiểu thêm về vụ án oan Lệ Chi Viên ngoài những điều đã được học trong sách giáo khoa vào thời kì 1958-1964. Những năm 1993-1997 tôi tiến hành xây dựng một số dự án kinh tế - xã hội tại Bắc Ninh và Hà Nội, tôi có dịp tìm hiểu thực trạng kinh tế - xã hội của các địa phương, qua thực địa và tài liệu, tôi càng thấy yêu quê mình, nhất là một dải sông Đuống chỉ dài hơn 60 km nằm gọn trong lòng đất Kinh Bắc mà gắn với bao nhiêu di tích lịch sử: Đền Nguyên phi Ỷ Lan, chùa Dâu, Bút Tháp, Kinh Dương Vương, Thành Luy Lâu, đền Sĩ Nhiếp, chùa Phật Tích, làng tranh Đông Hồ, Núi Thiên Thai quê hương của Trạng Nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh, Lệ Chi Viên, chùa Đại Bi gắn với đệ tam Trúc Lâm thiền phái Lý Đạo Tái, Cao Lỗ Vương, bến Bình Than, Lục đầu giang, đền Ba Vua, đền Nguyễn Minh Không… Đi đến đâu cũng thấy chứng tích của lịch sử nhưng cũng gắn liền với nhiều vụ án oan động trời trong lịch sử Việt Nam. Tôi trao đổi với nguyên chủ tịch huyện Thuận Thành Đỗ Văn Vinh và nguyên chủ tịch Gia Lương Trần Văn Túy lúc đó: “sau này sẽ xây dựng tuyến du lịch sông Đuống” các Đ/c còn hài hước nói: “Đặt tên là du lịch con đường oan khuất”. Những năm gần đây tôi có dịp trở lại thăm các di tích lịch sử đã có những thay đổi và khang trang rất nhiều so với cách đây vài chục năm. Phải chân thành cám ơn sự quan tân của chính quyền các cấp, sự đóng góp của nhân dân, của các nhà hảo tâm tài trợ, những người tâm huyết, Hội những người yêu quí các nhân vật lịch sử. Vào năm 2002-2003, tôi có trao đổi với Giám đốc sở NN&PTNT Bắc Ninh Trần Văn Túy ủng hộ dự án quy hoạch và khôi phục di tích lịch sử Lệ Chi viên. HĐND và UBND huyện Gia Bình đã có nghị quyết về việc xây dựng di tích lịch sử Lệ Chi Viên, UBND xã Đại Lai, Chính quyền và nhân dân thôn Đại Lai nhiệt tình ủng hộ nhưng việc triển khai thì khá chậm trễ, vì nhiều lí do. Cũng trong thời gian này Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc Hội chủ “Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ” đã tìm về Đại Lai có nguyện vọng và mong muốn góp phần xây dựng nơi thờ tự, ghi dấu ấn Lệ Chi Viên. Với nhiệt tình cao cả và tấm lòng kính yêu hai cụ. Miệng nói tay làm, năm 2009 đền thờ cụ Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ do Hội của cụ Chúc vận động xây dựng đã hoàn thành. Đài tưởng niệm mang tên đài “Giọt Lệ” cũng được xây dựng với sự tài trợ của cựu Thứ trưởng Bộ KH và ĐT Nguyễn Xuân Thảo cùng gia đình. Một khối đá hình giọt lệ, màu huyết dụ nặng 8 tấn được mang từ Bình Định ra đặt trên đài nền là cuốn sách mở, phía trước là ao sen hình bán nguyệt. Ngoài ra còn nhiều hiện vật quí giá cho việc thờ cúng. Tôi rất vui khi được gặp Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc. Nhà giáo đã kể cho tôi nghe về quá trình 10 năm vừa qua với tất cả tấm lòng kính yêu hai cụ, đã làm được nhiều việc có ý nghĩa và thiết thực kính dâng lên hương hồn hai cụ. Tôi rất mừng vì được nhà giáo Hoàng Đạo Chúc tặng cho cuốn sách “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên”. Đây là cuốn sách tổng hợp nhiều tư liệu phong phú, một cuốn sách quí và hấp dẫn đối với tôi. Sau khi đọc tôi càng hiểu rõ nội tình của nhà hậu Lê và hiểu rõ thêm tài năng, đức độ và mối tình cao đẹp và thủy chung của hai cụ. Những tư liệu mới đầy tính thuyết phục về vụ án đã làm thay đổi tư duy của tôi, so với những gì tôi đã đọc ngày xưa. Tôi tiếp tục tìm kiếm các thông tin trong sách lịch sử Việt Nam và các thông tin trên mạng Internet. Trong bài viết này tôi muốn bày tỏ những suy nghĩ của mình về vụ thảm án Lệ Chi Viên
[caption id="attachment_7597" align="aligncenter" width="470"] Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi (1380 - 1442).[/caption]
- Cụ Nguyễn Thị Lộ gặp và trở thành vợ của cụ Nguyễn Trãi từ khi nào và cụ Lộ sinh vào năm nào?
Đây là một vấn đề liên quan đến nhiều sự kiện mà lịch sử đã ghi lại, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra trong vụ án. Nhiều tài liệu cho rằng: Hai cụ gặp nhau trong thời gian cụ Nguyễn Trãi làm quan cho nhà Hồ tức là vào khoảng1403-1407 <1>. Lúc đó cụ bà khoảng 16-17, còn cụ ông khoảng 25-26, điều này cũng phù hợp với gia phả của họ Nguyễn chép lại.
Chuyên bà học sĩ di biên
Hồ triều tao ngộ, kết duyên Châu Trần
Tuổi bà đôi tám thanh xuân
Tiên sinh khi ấy trong vòng ba mươi
Sau khi tiễn cha đi biệt xứ và lưu lạc nơi quê người, hai cụ đã về góc Thành Nam sinh sống vào khoảng năm 1413-1423, là địa danh Khuyến Lương – Hà Nội. Chính tại đây cụ đã dạy học, viết sách “Bình Ngô” và cụ đã vào đầu quân cho Lê Lợi cùng với Trần Nguyên Hãn vào năm 1423 tại Lỗi Giang <2> Trong thời gian hai cụ dạy học ở Khuyến Lương đã được nhân dân yêu quý, vì hai cụ có tấm lòng bao dung, dạy dân làm điều lương thiện, sau ngày hai cụ mất đi, đân đã xây đền thờ hai cụ. Lại có ý kiến cho rằng hai cụ gặp nhau vào năm 1410 khi đó Nguyễn Trãi đi gặp Trần Nguyên Hãn từ Phú Thọ về Thăng Long, có tài liệu khác viết hai cụ gặp nhau khi cụ làm quan cho nhà Lê. Căn cứ vào nhiều tư liệu thì hai cụ gặp nhau lúc Nguyễn Trãi tiên sinh làm quan cho Nhà Hồ là có cơ sở và hợp lí nhất.
Tôi tâm đắc vơi tư liệu dẫn ra của GS.TSKH Phan Đăng Nhật về di bản 5 truyện Chu Tuệ và Kiều Oanh. Tôi cho rằng bài thơ xướng họa nổi tiếng khi hai cụ gặp nhau là do người sau sáng tác dựa theo tích của Tàu gán vào cho hai cụ, đó không phải chất thơ và con người của Nguyễn Trãi. Có thể một ai đó cũng nhắn nhủ rằng kẻ gây tội ác đã sử dụng truyền thuyết của Tàu để che dấu tội ác chúng đã gây ra. Hoặc vì quá kính yêu hai cụ mà sáng tác ra để ca ngợi. Bài thơ đối đáp ấy được lưu truyền đến nay giống như bài ca dao truyền miệng, mỗi người thay đổi một từ mà mình cho là hay và hợp lí nhất. Ngay trong sách “Lễ nghi học sĩ” mỗi tác giả cũng chép khác nhau về câu chữ của hai bài thơ tình này.
Theo Trang nhà Lê Anh Chi thì chính Lê Thái Tổ mới là người phong nữ quan đầu tiên và người được phong là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ <3> chứ không phải Lê Thái Tông phong chức cho cụ Lộ. Lê Thái Tổ là người biết rõ tài năng của cụ Lộ vì có nhiều năm cụ cùng Nguyễn Trãi trong quân doanh của Lê Lợi và được cụ Ngô Từ là anh nuôi của Lê Lợi giới thiệu. Cũng vì vậy cụ Lộ đã giúp chồng thoát khỏi tù đày vì bị ảnh hưởng của vụ Lê thái Tổ xử Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo. Cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của Lê Lợi là cuộc khởi nghĩa nông dân, những người có công đa phần là tướng lĩnh trong dòng tộc và vợ con của chính vua cũng không được học hành. Lê Thái Tổ đã nhận thấy sự cần thiết phải có quan Lễ nghi học sĩ dạy cho những người ở hậu cung, Hoàng tử… chức đó không ai có thể đảm nhiệm hơn Cụ Nguyễn Thị Lộ.
Cụ nguyễn Trãi hơn cụ Lộ chỉ trong khoảng 10 tuổi mới có được các sự kiện trên. Có nhiều khả năng Cụ Nguyễn Thị Lộ sinh vào 1389 tuổi Kỷ Tị. <4> Tôi tin điều đó là hợp lí và phù hợp với các sự kiện đã diễn ra trong lịch sử triều hậu Lê. Điều đó còn khẳng định: Lê Thái Tổ phong Cụ Lộ làm Lễ nghi học sĩ và lúc đó cụ đã ở tuổi trên dưới 40. Chứ không phải Lê Thái Tông phong cho cụ là Lễ nghi học sĩ như lịch sử đã chép. Điều này chứng minh rằng không có chuyện tình ái giữa vua Thái Tông và cụ Nguyễn Thị Lộ như lịch sử đã chép, chỉ có tình cảm mẫu tử, thày trò. Vì năm 1442 Lê Thái Tông mới 19 tuổi mà cụ Lộ đã 53 tuổi. Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng chính Nguyễn Thị Anh đã phao tin mối quan hệ bất chính giữa Nguyễn Thị Lộ và Lê Thái Tông, để bôi nhọ thanh danh của cụ Lộ, chia rẽ, gây mâu thuẫn giữa hai vợ chồng cụ và muốn cụ Lộ không có mặt trong triều, để thị Anh dễ bề thao túng.
- Cái chết đột tử của Lê Thái Tông được lịch sử ghi lại đầy bí ẩn mập mờ và sự thật như thế nào?
Đại Việt sử kí toàn thư do nhóm sử gia Ngô Sĩ Liên chép: “Tháng 8, ngày 4, Vua đến vườn Lệ Chi Viên bỗng bị bệnh ác rồi băng. Trước đây Vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ người đẹp, văn chương hay, gọi vào cung làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, về đến vườn Lệ Chi, xã Đại Lai trên sông Thiên Đức, Vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng. Các quan bí mật đưa về, ngày mồng 6 đến kinh sư, nửa đêm đem vào cung mới phát tang. Mọi người đều nói Nguyễn Thị Lộ giết vua” <5>. Cách vài dòng lại viết tiếp “Ngày 16 giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến ba đời” < 6>. Thật là một sự mập mờ chết người để sau này có nhiều suy luận và thêm thắt: Vua ngủ với cụ Lộ bị “phạm phòng” rồi chết, lúc chết chỉ có mình cụ Lộ ở bên cạnh…
Khâm định Việt sử thông giám cương mục của quốc sử quán triều Nguyễn lại chép “Tháng 8 nhà vua về đến huyện Gia Định, mất. Nhà vua ở ngôi 9 năm thọ 20 tuổi. Trước kia, Nguyễn Thị Lộ, vợ lẽ Lê Trãi, người đẹp mà lại hay chữ. Nhà vua nghe tiếng, vời đến, phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm cho hầu ở bên, nhân đó, sàm sỡ với Thị Lộ. Đến đây, đi tuần phía Đông, xa giá quay về đến trại Vải, làng Đại Lai huyện Gia Định, thì mắc chứng sốt rét. Thị Lộ vào hầu suốt đêm, nhà vua mất. Trăm quan giữ kín việc này, lặng lẽ rước ngự giá về kinh đô. Nửa đêm vào đến trong cung, mới phát tang. Người ta đều nói Thị Lộ giết vua, bèn bắt giết Thị Lộ < 7 >. Cũng trang 928 viết: “Giết Thừa chỉ nhập nội hành khiển, trí sĩ Lê Trãi tru di cả họ. Trãi phải liên lụy vì người vợ lẽ Thị Lộ. Người ta đều nói là oan”.
Qua hai cuốn lịch sử của hai triều đại phong kiến chép về một vụ đại án mà chỉ có thế để cho thế hệ sau tha hồ mà suy đoán. Ở đây có điều gì đó không mang tính chính sử; nhưng dù sao cũng cho chúng ta khẳng định Lê Thái Tông chết vào ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất tại Lệ Chi Viên vì bạo bệnh. Người ta cùng đồng lòng vu cho Cụ Lộ giết vua, để khép cụ vào tội chết và cả ba họ cụ Nguyễn Trãi. Giờ đây chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định những thông tin cho rằng: Nguyễn Thị Lộ là do rắn hóa thành để báo thù, phun nọc độc vào lưỡi vua, phun nọc độc vào chén trà tại nhà của Nguyễn Trãi ở Côn Sơn - Chí Linh, Vua uống rồi chết v.v… là bịa đặt để vu khống cho Cụ và lừa bịp nhân dân thời kì đó.
Sau 22 năm, vào năm 1464, cụ Nguyễn Trãi được vua Lê Thánh Tông xuống chiếu minh oan. Đương nhiên như các nhà lịch sử và đông đảo trí thức cho là chưa thỏa đáng, còn nhiều hạn chế do tình thế của Lê Thánh Tông lúc bấy giờ: vẫn kiêng nể Thái hậu Nguyễn Thị Anh, không muốn đụng chạm đến nỗi đau của Triều Lê sơ. Làm cho vụ án oan thảm khốc này vẫn không được làm sáng tỏ đến nơi đến chốn. Bằng rất nhiều các bằng chứng lịch sử ngoài chính sử, bằng tâm huyết của bao nhà viết sử, nhà nghiên cứu, văn hóa của nhiều thế hệ và nhiều năm. Nếu ai đã đọc kĩ cuốn “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ và Thảm án Lệ Chi Viên” do Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc là chủ biên - Nhà xuất bản văn hóa Thông tin Hà nội – 2004 và tham khảo thêm các thông tin trên Internet thì sẽ hiểu rõ hơn bản chất của vụ thảm án này theo đúng tư duy biện chứng logic.
- Vua Lê Thái Tông chết- có thể là một vụ đảo chính lật đổ ngai vàng, người đáng nghi chủ mưu là Thần phi Nguyễn Thị Anh
Xét theo lịch sử các cuộc âm mưu giết vua là chiếm đoạt ngai vàng, đó là vị trí quyền lực cao nhất là ước mơ của mọi ước mơ đối với nhiều người, đương nhiên không phải tất cả. Các cuộc đảo chính đều phải có mục đích, chuẩn bị, tính toán công phu, cẩn trọng. Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ âm mưu giết vua để làm gì?
- Cụ Nguyễn Trãi là trí thức thấm nhuần Nho giáo, là người trung quân ái quốc, yêu nước thương dân được thể hiện qua nhiều tác phẩm văn chương và cuộc đời của cụ. Là một người tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn không phải là đầu tiên nhưng có nhiều đóng góp to lớn. Khi cuộc khởi nghĩa thành công cụ không phải là người được phong chức cao nhưng cụ vẫn tận tụy phục vụ cho triều đình nhà Lê, với tư tưởng vì dân. Trong thời Lê Thái Tổ do bị nghi ngờ, có liên quan trong vụ Trần Nguyên Hãn cụ đã bị tống giam vào hầm sâu. Đến đời Lê Thái Tông cụ được ông vua trẻ tin dùng giao cho cụ nhiều trọng trách. Hai vợ chồng cụ hết lòng phục vụ triều đình và luôn mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng các mâu thuẫn trong cung đình vẫn gay gắt nên cụ đã về Côn Sơn ẩn dật. Nhà sử học Phan Huy Lê đã chỉ ra Triều hậu Lê khi mới lên cầm quyền có nhiều phức tạp có nhiều mâu thuẫn <8> trang 93-99. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cũng thấy rõ mâu thuẫn trong triều đình giữa một bên là những khai quốc công thần thuộc hàng tướng lĩnh quân sự họ Lê, ít học và những nhà Nho học tham gia triều đình mà Nguyễn Trãi là đại diện. Những mâu thuẫn trong hậu cung của những người có quyền chức nhưng ít học, mâu thuẫn giữa liêm quan và bọn nịnh thần, hoạn quan trong triều. Hai cụ là người muốn bảo vệ vua, bảo vệ lẽ phải chứ không thể là người giết vua.
- Gần đây có nhiều công trình và tư liệu được khai thác, công bố. Tuy nhiên chưa thật đầy đủ để khẳng định chắc chắn và có cơ sở khoa học về một vụ án đã xảy ra gần 560 năm. Những tư liệu tôi muốn dẫn ra đây không có hàm ý phá án Lệ Chi Viên mà chỉ nói lên tư duy, lập trường của cá nhân mình. Một tâm lý của các vua sau khi khởi nghĩa thành công ngồi trên ngai vàng thường bằng mọi giá giữ vững ngai vàng, cho nên có tính đa nghi, cảnh giác cao. Chính vì lập trường không vững Lê Lợi cũng không tránh khỏi qui luật đó. Những lời ân hận trước khi chết đã xác minh điều đó “…Trước tình hình ấy những năm cuối đời mình, vì quá lo cho người nối nghiệp là ấu chúa mà Lê Thái Tổ đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng, nghi kị và sát hại công thần. Đây là sai lầm lớn nhất mà đến khi nhắm mắt xuôi tay chính nhà vua cũng đã tự nhận ra và ông đã dặn lại Hoàng Thái tử nối ngôi rằng: “Trẫm gặp thời tao loạn, dựng nghiệp gian nan, hơn hai mươi năm mới lên nghiệp lớn, những nỗi đau khổ của nhân dân thảy đều hiểu hết. Những đường gian nan trong thế sự, thảy đều trải qua. Thế mà đến khi lên ngôi lòng người thực giả cũng chưa dễ tỏ tường, những việc nghi ngờ, cũng chưa dễ gì phán đoán” <9>. Sau khi lên ngôi chính Lê Lợi đã giết tướng quốc Trần Nguyên Hãn và Thiếu úy Phạm Văn Xảo và bỏ tù Nguyễn Trãi.
- Vua Lê Thái Tông lên ngôi lúc 11 tuổi, tự mình điều hành đất nước cùng với trăm quan của triều đình, không có ai nhiếp chính. Theo sử sách và các tài liệu đều có nhận xét là ông vua thông minh. Vua đã biết trọng dụng nhân tài, có học như Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ và đã biết trừng trị một số công thần vì vậy Trang nhà Lê Anh Chi cho rằng đó là một minh quân nhưng nhiều tài liệu lại đánh giá là một ông vua ham tửu sắc.
Lê Thái Tông mới 20 tuổi đã có tới 6 phi tần và rất nhiều cung nữ phục vụ, Thái Tông là người hay nghe lời sàm tấu, đặc biệt là của người phi có nhan sắc, chính vì vậy gây loạn trong hậu cung. Chỉ trong mấy năm mà đã phế bỏ 4 bà phi, hạ bệ Hoàng Thái tử Nghi Dân, để lập Bang Cơ chỉ hơn một tuổi làm Hoàng Thái tử. Nếu không có sự giúp đỡ của cụ Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ và Tướng Đinh Liệt thì hai mẹ con Lê Thánh Tông đã bị hãm hại. Theo nhiều tài liệu thì chính là có bàn tay của Nguyễn Thị Anh, người đàn bà này xinh đẹp đã làm nhà vua mê mệt, cộng thêm một số nịnh thần và quan hoạn a dua đã làm khuynh đảo triều đình. “Khi mới vào cung Thị Anh được vua Thái Tông cho làm phi thứ tư nhưng chẳng bao lâu mụ đã ngoi lên đến Nguyên Phi, ngày đêm quấn quýt bên vua khiến vua lơi lỏng triều chính. Trung thần can ngăn vua không nghe. Đinh Liệt than vãn: “Mầm họa đã mọc ngay bên nách nhà vua, triều chính nghiêng ngả, yêu ghét lệch sai, trung, gian, thiện, ác lẫn lộn, nịnh béo, thật gầy, sắc nghiêng thành đổ” <10> . Một khi đã được vua sủng ái thì quyền lực của người đàn bà có nhan sắc ấy có sức mạnh kinh khủng. Những quan lại trong triều đình vốn ngu dốt, hèn kém, nịnh bợ tìm cách bu quanh để kiếm chác quyền lợi, hại người. Vây cánh của Nguyễn Thị Anh càng ngày càng đông. Cụ Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ càng bị cô lập và sớm muộn cũng trở thành kẻ thù không đội trời chung với bè lũ đó. Thị Anh vào cung không rõ lai lịch, có sách viết do Lê Thận tiến dẫn <cũng giống như Lê Thận đã đạo diễn dâng kiếm thần cho Lê Lợi>. Thị Anh vào cung đã có thai ba tháng với Thượng thư Lê Nguyên Sơn, chỉ sau sáu tháng đã sinh ra Bang Cơ. Sự kiện này đã được Đinh Liệt ghi lại trong bài thơ:
“Nhân tông sáu tháng đã sinh ra
Chẳng rõ loài nào cũng quí mà
Thái Tông nào phải có linh dược
Rượu mới bình xưa mới khéo là”
Việc tày đình này các quan trong cung đều bết, Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ biết, đặc biệt Đinh Thắng, Đinh Phúc là quan hoạn ghi chép ngày tháng các bà phi vào hầu vua càng biết rõ hơn. Nếu chuyện này lộ ra thì Thị Anh phải chu di đến cửu tộc, cho nên đây là điểm mấu chốt mà phe phái của Thị phải tìm mọi âm mưu, bằng mọi giá phải bưng bít. Vì vậy việc hai cụ Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ là người trung thần có uy tín và gần gũi với vua đã trở thành mục tiêu số một của bọn gian thần. Hơn nữa hai cụ còn bênh vực cứu bà Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao cùng con là Lê Tư Thành tức vua Lê Thánh Tông sau này khỏi cái án voi dày mà Thị Anh đã xui Lê Thái Tông phán quyết. Bà Ngọc Giao sinh con trai, thì Bang Cơ khó bề giữ được ngôi thái tử. Vì vậy kiểu gì Thị Anh và phe phái của họ cũng tìm cách trừ khử. Thị Anh và phe cánh dự đoán trước sau Thái Tông cũng biết chuyện cho nên việc trừ khử Thái Tông là biện pháp an toàn nhất. Việc giết vua không đơn giản, họ chờ cơ hội. Việc vua Lê Thái Tông chết vẫn còn nghi án:
- Thái Tông chết là do bị mắc chứng sốt rét khi đi duyệt quân ở Chí Linh, đã được Trịnh Khả chăm sóc thuốc men không khi nào rời. Vua đã cố về Lệ Chi Viên, phải dừng lại cúng thần ở mộ Bạch Sư ở cầu Bông - Đại Toán - Quế Dương mất một canh giờ sau đó tiếp tục về Lệ Chi Viên.<Trang Nhà Lê Anh Chi>
- Lê Thái Tông chết vì tiến độc, thì ai tiến độc, tiến độc khi nào? Thì không có căn cứ, chỉ là truyền thuyết. Nếu có thì chỉ người hầu cận do phái Thị Anh tiến độc mà thôi. Vì khi tra tấn cụ Nguyễn Thị Lộ thì bọn họ chỉ hỏi có một câu “Mày tiến độc Đức Đại hành Hoàng đế là do âm mưu của Nguyễn Trãi phải không?” Vì sao sau đó lại giết 4 cô thị tì hầu cận Vua trong chuyến công du đó?
- Do thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi chết, mà truyền thuyết cho rằng vì đam mê tửu sắc quá đà bị chứng “phạm phòng” chết. Lúc chết chỉ có một mình Nguyễn Thị Lộ ở bên hầu hạ. Điều này không hợp lý và hợp tình như nhiều nhà sử học và khoa học đã phân tích trong sách Lễ nghi học sĩ và thảm án Lệ Chi Viên và tôi cũng đã có ý kiến cá nhân ở phần trên. Nhưng nếu có chuyện đó thì lỗi không phải do cụ Lộ mà kẻ có lỗi là Thái Tông < như ý kiến của Đại đức Thích Đức Thiện tr. 420 sdd>
Vậy Vua Thái Tông chết, tôi nghiêng về do bị chứng bệnh hiểm nghèo khi đi Chí Linh về đến Lệ Chi Viên đã bị bệnh nặng. Phe phái của Thị Anh đã có âm mưu từ trước, họ đã bố trí thị tỳ dâng thuốc chữa bệnh nhưng thực chất là thuốc độc, nắm được thời cơ, họ bố trí cho một mình bà Lộ chăm sóc bên cạnh vua và lấy cớ để vu cho vợ chồng cụ Nguyễn Trãi. Thật là một âm mưu thâm độc và tàn bạo, đúng là “Nữ sắc hại người ta quá lắm” trong sách Toàn Thư cũng là ám chỉ sự ác độc của Thị Anh. Chưa có nhiều bằng chứng cụ thể về Nguyễn Thị Anh và bè lũ tiến độc Vua nhưng cũng có nhiều yếu tố để nghi ngờ.
Sau khi Bang Cơ đã lên ngôi vua, Thị Anh đã nhận vai Nhiếp chính, trong triều đa số quan lại là phe cánh của Thị, còn những người trung thần phải im lặng, hoặc miễn cưỡng theo để khỏi vạ đàn áp. Câu “Mọi người đều nói Thị Lộ giết Vua” là ở trong hoàn cảnh đó. Trong hoàn cảnh đa số thắng thiểu số. Cho nên số đông cơ hội nịnh bợ và hèn yếu thì tai hại vô cùng cho xã hội và đặc biệt là người trung thực. Trong thực tế cuộc sống không ít người bị số đông người xấu vu oan đã phải chịu tội. Người xưa đã tổng kết “Trúng khẩu đồng từ ông sư cũng chết”.
Chưa yên tâm với cương vị Nhiếp chính điều khiển Triều chính, Thị Anh tiếp tục thanh trừng nội bộ và bịt miệng những ai còn có khả năng làm lung lay cái ngai vàng của ấu chúa và vai trò nhiếp chính của mụ. Tháng 9-1442 giết Đinh Thắng, Đinh Phúc là người ghi chép ngày các phi tần vào hầu vua, ngày sinh của các Hoàng tử. Năm 1451 Thị Anh giết Tạ Thanh rồi Thiếu úy Trịnh Khả còn gọi Lê Khả và con là Lê Quát, Tư khấu Trịnh Khắc Phục và con là phò mã đô uý Trịnh Bá Nhai < 11>. Thị Anh cho Lê Thận điều tra bài thơ về Nhân Tông, chửa 6 tháng đã ra đời của Đinh Liệt, cả hai vợ chồng bị nhốt xuống hầm sâu dưới đất. Bốn cô nàng hầu của Thái Tông tuy không có mặt khi Thái Tông chết cũng bị giết. Cuộc giết người diệt khẩu và răn đe đối với quan lại trong triều của Nguyễn Thị Anh quả là khủng khiếp. Nguyễn Thị Anh và bè lũ không có tài năng, đức độ trị nước nhưng những âm mưu đảo chính và hãm hại trung thần thì quá xảo quyệt, đặc biệt là vợ chồng cụ Nguyễn Trãi. Cái chết của mẹ con Nguyễn Thị Anh sau này cũng là trời báo oán kẻ ác mà thôi.
Vụ án oan Lệ Chi Viên đã thi hành, nhưng mấy thế kỉ qua vẫn không ai có thể yên lòng, để làm sáng tỏ mọi nghi ngờ quả là khó. Bởi vì các quan chép sử thường là theo quan điểm của Vua, của tư tưởng người cầm đầu, quan chép sử trung thành theo quan điểm của mình thì không nhiều. Lịch sử nhà Lê sơ phần lớn là do Triều Mạc viết và nhà Lê trung hưng do nhà Trịnh viết. Vụ án Lệ Chi Viên do nhà sử học Ngô Sĩ Liên chép, năm 1442 xảy ra vụ án thì Ngô Sĩ Liên mới đỗ Tiến sĩ đồng xuất thân. Ngô Sĩ Liên là người có tì vết cho nên độ tin cậy cũng bị hạn chế.
Các thông tin cụ thể không có, lịch sử cũng bị thất lạc, truyền thuyết quá nhiều, làm thế nào tìm được bằng chứng cụ thể Nguyễn Thị Anh là chủ mưu; nhưng người thực hiện thì nhiều làm sao truy xét được. Ngay cả Trịnh Khải, Lê Thụ là người biết rõ sự thật vua chết ra sao nhưng cũng không dám nói ra sự thật. Gần đây do có nhiều thông tin được thu thập và có nhiều tư duy mới mẻ cũng gợi ra một số vấn đề làm sáng tỏ nỗi oan của Cụ Lộ:
- Trang nhà Lê Anh Chi cho rằng ngày 4 tháng 8 vua Thái Tông đã chết trước khi về đến Vườn vải. Không có sự kiện vua cùng với Nguyễn Thị Lộ thức suốt đêm rồi băng. Ca ngợi hai vua nhà Hậu Lê là các vị Minh quân không có chuyện quan hệ với vợ của các quan trong Triều. Khẳng định không có việc vua có quan hệ tình ái với vợ của quan Thị lang Nguyễn Trãi, với nhiều thông tin khá mới mẻ.<12>
- Có một điều để chuẩn bị cho việc làm mất danh dự của cụ Nguyễn Trãi – Nguyễn Thi Lộ bè lũ tham quan đã sử dụng các truyền thuyết “Rắn báo oán” là truyền thuyết của Tàu mà nhà khảo cứu GS.TSKH Phan Đăng Nhật đã tóm tắt lại từ trang 212-221 trong sách “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên” thực sự là một mưu hiểm nhằm bôi xấu Nguyễn Thị Lộ và Lê Thái Tông, đồng thời chia rẽ tình cảm vợ chồng cụ Nguyễn Trãi và phủ nhận tội lỗi tày trời của bọn chúng, đánh lừa nhân dân. Vài trăm năm sau chính Vua Tự Đức cũng vẫn còn nhầm tưởng về cụ Nguyễn Thị Lộ. Thật là oan khuất cho một con người tài hoa, bị mang tiếng oan bao nhiêu thế kỉ.
[caption id="attachment_7598" align="aligncenter" width="351"]
Bàn thờ Nguyễn Trãi và bà Nguyễn Thị Lộ vợ ông.[/caption]
- Thế hệ sau cần tiếp tục làm sáng tỏ tài năng, đức độ của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ.
Tôi rất vui lòng và thấy rất bổ ích khi đọc cuốn sách “Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên”. Tôi rất khâm phục các tác giả đã viết bài cung cấp những thông tin quí giá cho bạn đọc, đặc biệt khâm phục Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, người đã đề xuất hội thảo minh oan cho Cụ Lộ mà nhiều thế kỉ nay chưa ai quan tâm và làm sáng tỏ. Qua hội thảo và các tư liệu của hội thảo cung cấp đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề cho đông đảo độc giả. Tài liệu này cần được hoàn thiện và phổ cập cho đông đảo các lứa tuổi được đọc, đó là một cách minh oan tốt nhất cho Cụ Lộ.
4.1- Loại bỏ truyền thuyết “rắn báo oán” trong tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt Nam trong nhiều thế kỉ nay. Đó là truyền thuyết nhằm che dấu tội ác của một triều đại u mê và ngu dốt đã gây ra vụ thảm án đối với những người có công lao trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, dựng lên Vương triều hậu Lê và xây dựng đất nước, bậc tài hoa và đức độ như cụ Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ. Bài học này mọi triều đại phải khắc sâu ghi nhớ. Cần phải những hình thức thích đáng để tôn vinh cụ Nguyễn Thị Lộ.
4.2- Thông qua những tư liệu mới mẻ mang tính hệ thống, toàn diện đã làm sáng tỏ bản chất của vụ án và có nhiều bằng chứng có thể vạch mặt, chỉ tên kẻ chủ mưu với âm mưu hiểm độc đó là Nguyễn Thị Anh và bè đảng của Thị đã vạch ra, nắm được cơ hội để ra tay. Bản chất của vụ án không chỉ ghen ghét với người tài năng đức độ mà thực chất là cuộc đảo chính để giành lấy vương triều, việc này không hiếm trong nhiều triều đại. Cuốn sách này là việc làm tiếp theo để minh oan cho hai cụ mà Lê Thánh Tông chưa làm trọn vẹn.
4.3- Lê Thánh Tông đã xuống chiếu minh oan cho cụ Nguyễn Trãi, nhân dân ta và tổ chức UNESCO đã ca ngợi cụ, suy tôn cụ là “Danh nhân văn hóa thế giới”. Nhưng còn cụ Nguyễn Thị Lộ một người phụ nữ tài năng, người phụ nữ đầu tiên được vua phong làm quan dưới chế độ phong kiến, nhà giáo đầu tiên dạy học trong cung, người phụ nữ xinh đẹp tài năng và đức độ, bị vu oan, giết hại một cách dã man khi chôn cũng nằm trong cũi, vẫn chịu những tiếng xấu dưới suối vàng, chưa hề được minh oan sau nhiều thế kỉ. Tôi cho rằng Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc với cái tâm kính yêu hai cụ đã đứng ra vận động các nhà khoa học lịch sử, văn học, khảo cổ và các địa phương có liên quan đến thân thế và sự nghiệp của hai cụ, tổ chức thành công Hội thảo Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ và Thảm án Lệ Chi Viên năm 2002. Sau hội thảo ông cùng với hội những người yêu mến Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ đã làm được nhiều việc có ý nghĩa to lớn. Chính cuốn sách “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên” đã đưa đến cho độc giả những thông tin tuyệt vời, đó là bằng chứng để cho nhân dân minh oan cho cụ Nguyễn Thị Lộ. Có lẽ không có lời lẽ nào hay hơn và cô đọng hơn khi nói về cụ là bốn chữ trong bức hoành phi tại đền thờ hai cụ ở Lệ Chi Viên “Trung Trinh Tiết Liệt”.
4.4- Vụ án Lệ Chi Viên xảy ra vào 16 tháng 8 năm 1442 gây kinh hoàng cho dân tộc Việt lúc bấy giờ, cái chết oan uổng và tức tưởi của hai vĩ nhân và hàng trăm mạng người vô tội “Bởi lưỡi dao oan nghiệt của cái triều đình hèn hạ và ngu muội” <13 >. Dù hai cụ có mang theo nỗi oan xuống dưới mồ, nhưng thế hệ này kế tiếp thế hệ kia đã luôn quan tâm tìm tòi, khai thác các nguồn tư liệu để làm sáng tỏ một vụ thảm án với những lời mập mờ của sử sách ghi lại. Hai cụ đã sống mãi với thời gian và trong lòng nhân dân. Tòa án lương tâm của nhân dân Việt Nam sẽ giải oan cho cụ Lộ.
4.5- Tôi muốn nói về nhà giáo Hoàng Đạo Chúc và “Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ”. Với cái tâm và sự nhiệt tình hiếm có, nhà giáo đã đi nhiều lần không quản tuổi cao, sức yếu đến các địa phương có liên quan đến hai cụ như: Hải Triều, Nhị Khê, Khuyến Lương, Côn Sơn, Lệ Chi Viên … để tìm hiểu về cội nguồn và dấu ấn còn lại gắn với cuộc đời của hai cụ. Từ đó nhà giáo với tuổi đời gần 80, bệnh tật đầy mình, đi khắp nơi quyên góp để trùng tu, xây dựng mới những ngôi đền, đúc tượng đồng, làm tượng gỗ để có nơi thờ hai cụ. Tôi được chứng kiến một cụ già gần 80 tuổi vẫn đi xe máy nhiều lần từ Hà Nội về Lệ Chi Viên khoảng trên 50 km trong nhiều năm để khôi phục lại di tích Lệ Chi Viên, để hôm nay có đền thờ hai cụ, có đài Giọt Lệ v.v…Cụ cố gắng gặp bằng được trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Trần Văn Túy để trình bày mong muốn của mình khôi phục Lệ Chi Viên. Tôi rất khâm phục tấm lòng yêu quí Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ của Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, là người con quê hương Đại Lai tôi mãi biết ơn những đóng góp to lớn của Nhà giáo cho Lệ Chi Viên quê hương tôi nói riêng và những nơi Thờ cúng hai cụ. Tôi tin tưởng các thế hệ sau, khi tiếp cận được với các tư liệu, sách vở, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các di tích và nơi thờ tự các cụ sẽ hiểu đúng về đức hạnh cao đẹp và tài năng của cụ. Hãy cùng chung tay làm cho các di tích được khang trang và ngày càng đẹp hơn.
Hà Nội tháng 6 năm 2010
CATP Hà Tĩnh